Friday, April 19, 2024

Hầu hết tiệm nail không mua đủ bảo hiểm, coi chừng bị kiện!

Đằng-Giao/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Phần lớn các tiệm nail do người gốc Việt làm chủ, tuy có mua bảo hiểm nhưng hầu như là không đủ. Chính vì vậy, họ dễ bị thưa kiện một cách bất ngờ.

“Dĩ nhiên, thường thì chủ đất yêu cầu phải có báo hiểm trước khi giao chìa khóa cho người thuê. Nhưng đây là bảo hiểm ‘Business Liability,’ thường để bảo vệ chủ đất là chính,” cô Bele Nguyễn, đại diện hãng bảo hiểm State Farm tại Fountain Valley, cho biết. “Nếu không mua thêm, chủ tiệm rất dễ bị thưa vì đủ chuyện mà không ai lường trước được.”

Sự khó khăn mà nhiều đại diện bảo hiểm thường gặp là các chủ tiệm nail rất chú tâm vào vấn đề giá cả. “Vẫn hiểu là ai cũng muốn tiết kiệm càng nhiều càng tốt, nhưng bảo hiểm là chuyện an toàn, khi việc không hay xảy ra mới vỡ lẽ là chính khoản mình không mua, bây giờ lại cần thiết thì quá muộn,” cô Bele nói tiếp.

Đừng tin khách “cam đoan không kiện”

Cách nay không lâu, một nhân viên làm việc trong một tiệm nail gần San Diego, gắn lông mi giả giúp cho một khách hàng quen theo lời yêu cầu. Không may, người thợ làm hai mí mắt của bà khách dính cứng lại với nhau khiến bà không thể mở mắt ra được. Sau khi cố gắng chùi, rửa keo dán mà không thấy hiệu quả, người thợ phải nhờ đồng nghiệp gọi 911.

Tháng sau, chủ tiệm nhận được thư gởi từ văn phòng luật sư của bà khách cho biết bà đang kiện cả tiệm vì bà bị cắt trụi lông mi, phải nằm bệnh viện, phải nghỉ việc ba tháng để chờ lông mi dài ra và quan trọng nhất, bà bị khủng hoảng tinh thần, hoảng sợ triền miên, mất ăn mất ngủ, không trở lại sinh hoạt bình thường được.

Một thương hiệu nail uy tín ở Mỹ và Canada. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Tina, chủ tiệm, không lo lắm vì trước đó, bà có yêu cầu bà khách ký giấy là hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm.

Hơn nữa, bà Tina cho rằng bà đã có bảo hiểm, nhưng sau đó mới vỡ lẽ là bà chỉ mua loại “General Liability,” chỉ bảo vệ bà khi thợ lỡ cắt đứt tay, chân của khách mà thôi.

Cô Trinh Phi, chuyên viên bảo hiểm tại Westminster, trình bày: “Dù khách có ký giấy sẽ hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm nhưng họ vẫn có thể đổi ý để kiện như thường. Trong trường hợp này, muốn được bảo vệ thì phải mua loại ‘Professional Liability’ và phải liệt kê ra rõ ràng những dịch vụ của tiệm. Khai càng nhiều thì giá càng cao, nhưng không khai thì chủ phải tự mà trả cho người ta.”

Sau cùng, bà Tina phải thỏa thuận là đền cho bà khách một số tiền tổng cộng là $180,000.

Cô Bele Nguyễn: “Chủ tiệm rất dễ bị thưa vì đủ chuyện mà không ai lường trước được.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chuyện gì cũng có thể xảy ra

Vì vấn đề tế nhị, một số người được phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn không muốn cho biết đầy đủ tên tuổi, địa điểm tiệm nail của họ, nhưng những thông tin do họ cung cấp, chia sẻ đều là những kinh nghiệm mà họ từng trải qua, hoặc biết đến.

Cô Natalie Hứa, có tiệm trên 10 năm, kể: “Tiệm tôi có 14 ghế, 13 thợ và tôi. Lâu lâu, em trai tôi đi làm về sớm ghé qua coi tiệm cho tôi đi công chuyện. Em tôi rất đàng hoàng nhưng có tật hay giỡn chơi.”

Theo cô Natalie, anh Anthony, em cô, có kiểu nói đùa vô hại mà “ai cũng phải biết là giỡn chơi thôi,” như anh thường nói với một cô thợ là, “Hoa ơi, khi nào chồng em có làm em buồn thì cho anh lau nước mắt nghen.” Hay với cô khác: “Cindy ơi, anh mong em luôn luôn nhà êm, cửa ấm, nhưng rủi mà có ly dị thì kêu anh lập tức nghen, anh sẵn sàng bỏ vợ theo em liền.”

Anh Anthony nói như vậy trước mặt cả mọi người những khi vắng khách làm mọi người cùng cười.

“Nói chung, ai cũng mến Anthony vì lúc nào nó cũng khôi hài. Vậy mà khi có chuyện tranh chấp xảy ra giữa hai người thợ, một người nghỉ việc rồi ra phòng luật sư khai là bị Anthony ‘sexually harrassed,’” cô Natalie than. “Một điều rất lạ lùng là Anthony chưa bao giờ nói gì trực tiếp tới ‘nhỏ đó’ vì ‘nhỏ’ chưa bao giờ cười với ai. Tất cả 12 thợ đều làm chứng như vậy.”

Anh Anthony chưa hề nói gì sàm sỡ hay xúc phạm đến bất cứ ai và chưa bao giờ gặp riêng ai trong tiệm cả. Điều này rất dễ chứng minh vì tiệm có video an ninh. “Vậy mà ‘nhỏ đó’ nỡ lòng đòi bồi thường thiệt hại tới $350,000, nếu không thì ra tòa,” cô Natalie kể.

Câu chuyện được giải quyết nhanh chóng vì cô Natalie có mua bảo hiểm loại “Employment Practices Liability.”

Cô cười: “State Farm gởi xuống một đoàn luật sư luôn, mặt ông nào, ông nấy nghiêm nghiêm, ngó thấy ‘lạnh lùng.’ Nhờ vậy mà ông luật sư bên kia ‘xếp re’ luôn. Còn ‘nhỏ đó’ thì tiu nghỉu như mèo mắc mưa, thấy mà tội.”

Cô Trinh Phi: “Dù khách có ký giấy sẽ hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm nhưng họ vẫn có thể đổi ý để kiện như thường.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Về phần bảo hiểm lao động cho nhân viên, có lần ông Jim, chủ tiệm, suýt bị lao đao.

“Lần đó tui ‘xiểng niểng,’ tưởng sạt nghiệp với nhân viên EDD (Sở Lao Động),” ông lắc đầu hồi tưởng.

Như những tiệm nail khác, tiệm ông Jim bị nhân viên Sở Lao Động để ý.

“Nói thiệt, nghe người ta xúi, tui khai chín người thợ là ‘1099’ để giảm tiền thuế và khỏi mua bảo hiểm cho họ. Khi nhân viên Sở Lao Động ập vào tiệm tui năm 2012, họ phạt tui tới $720,000,” ông kể.

“Trời ơi họ kể ra không biết bao nhiêu là tội, nghe mà chóng mặt. Gì nè, ‘back track’ bảy năm tiền ‘workers’ comp,’ tiền ‘benefit’ rồi tiền phạt nữa,” ông rùng mình kể tiếp.

Dĩ nhiên, ông Jim vẫn một mực khẳng định là tất cả chín người làm trong tiệm ông cùng là “independent contractors” (người làm theo hợp đồng) và ai cũng nhận là đúng, nhưng nhân viên Sở Lao Động cho biết họ có hình ảnh và ghi âm những lúc vợ ông ra lệnh cho nhân viên nào ăn trưa, nhân viên khác đi mua thêm sơn móng tay… trong suốt bảy năm qua.

Cộng thêm, họ cho biết chỉ quan sát cách vợ ông chia khách cho nhân viên cũng đủ chứng minh rằng đây là cung cách chủ nhân đối xử với nhân viên chứ không phải với người làm theo hợp đồng.

Vẫn khăng khăng khai là ông không có nhân viên, Sở Lao Động cho biết nếu không muốn hợp tác, họ sẽ báo sự việc cho IRS (sở thuế) và thiệt hại sẽ lên tới mức không lường được.

Sau cùng, ông Jim đành xin trả góp và được đồng ý là trong ba năm đầu không phải trả tiền lời. “Bởi vậy tôi đâu dám để lâu. Vay mượn đủ mọi nơi mà thanh toán luôn cho rồi,” ông thở dài sau làn khói thuốc điện tử.

Anh Sonny Hodac: “Về bảo hiểm, không nên ‘tính già hóa non.’ Đừng tiết kiệm, nên nghĩ tới hậu quả khi chuyện rủi ro xảy ra.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Đừng “tính già hóa non”

Anh Sonny Hodac, đại diện hãng bảo hiểm Farmers tại Westminster, nói: “Người mình có câu ‘tính già hóa non’ là vậy đó. Muốn tiết kiệm chút tiền bảo hiểm mà không nghĩ tới hậu quả khi chuyện rủi ro xảy ra.”

“Thời này, bảo hiểm ‘Workers Comp’ là một chuyện không nên coi thường. Nhân viên Sở Lao Động rất chuyên nghiệp, chỉ cần liếc sơ qua là họ biết người nào là nhân viên, người nào là hợp đồng. Đổ bể ra lôi thôi và tốn kém vô cùng,” anh nhấn mạnh.

“Một vấn đề khác mà ít chủ nhân gốc Việt để ý là không mua bảo hiểm cho nhân viên khi họ đi công việc cho mình. Thí dụ, chủ tiệm nail sai nhân viên đi mua thêm ‘supply,’ nếu người này bị đụng xe dọc đường thì ai đền?” anh thêm.

Ngược lại, có một số người mua bảo hiểm quá lố, không cần thiết. Điều này, chỉ những chuyên viên có lương tâm mới hướng dẫn đúng đắn.

Các chuyên viên bảo hiểm đều cho rằng bảo hiểm là vô cùng quan trọng và rất phức tạp, nên khi là chủ nhân, cần phải dành đầy đủ thời gian làm việc thật cẩn thận với họ. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam California có tân chủ tịch với nhiều chống đối

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT