Wednesday, April 24, 2024

Sức khỏe tâm lý gia đình – điều phụ huynh Việt cần quan tâm

Thiện Lê/Người Việt

HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Nhiều phụ huynh và một số thanh thiếu niên đã đến phòng sinh hoạt sinh viên của đại học cộng đồng Golden West College để tham dự hội thảo an toàn gia đình người Việt vào hôm Thứ Bảy, 28 Tháng Tư.

Đây là một hội thảo miễn phí, ai cũng có thể ghi danh vào dự. Vì vậy, có nhiều phụ huynh người Việt đến trường Golden West College để nghe nhằm tăng cường hiểu biết về những vấn đề tâm lý có liên quan đến sự an toàn của gia đình mình.

Diễn giả chính của hội thảo là ông Paul Hoàng, một bác sĩ tâm lý ở Westminster, đã mặc bộ trang phục người “homeless” với mục đích thông điệp của ông sẽ được truyền đạt mạnh mẽ hơn. Ông cho biết trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ thường hay bị lẫn lộn văn hóa, rồi nhiều khi còn bị đè nén dẫn đến nhiều bệnh tâm lý.

Ông Paul Hoàng trong trang phục người “homeless”, diễn giả chính của hội thảo an toàn gia đình người Việt. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông Paul chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình. Ông cho biết từ lúc ông học lớp 6 cho đến hết trung học, ông từng bị trầm cảm nặng và đã ba lần định tự tử nhưng không thành.

Theo lời ông kể, lần đầu định tự tử, ông biết người chú làm bảo vệ có khẩu súng. Ông lấy súng nhét vào miệng. Nhưng lúc định bóp cò, thì ông nghe có một tiếng kêu ông “dừng lại” khiến ông không dám bóp cò.

Lần thứ hai ông định tự tử nhưng cũng không dám làm, nên ông quyết định mình sẽ không ra tay mà sẽ nhờ người khác giết mình.

Ở lần định tự tử thứ ba, ông kể: “Tôi chạy ra một con đường đông xe vào ban đêm, mặc đồ đen để người ta không thấy rồi nằm ra đường cho xe cán nhưng đợi mãi ba tiếng đồng hồ, không có một chiếc xe nào chạy qua. Đây là một con đường thường có xe chạy nhiều mà không hiểu tại sao không có xe vào đêm đó. Đợi mãi mà tự sát không thành, nên tôi quyết định về nhà ngủ.”

Theo ông, tự sát là một cách chạy trốn, để thoát khỏi những sự khó khăn của cuộc đời. Những người tự sát muốn trách người khác vì sự điên cuồng và “độc hại” của thế giới nên mới tìm cách “giải thoát”. Còn có những người bị bắt nạt, rồi trong lòng mang thù hận, đi giết người khác để trả thù. Giết người để chấm dứt những mối đau thương trong đời.

Câu chuyện của ông Hoàng là mục đích của buổi hội thảo, để cho các gia đình người Việt thấy sự quan trọng của sức khỏe tâm lý. Ông cho rằng mọi người đừng nên gọi các bệnh liên quan đến tâm lý là bệnh tâm thần vì những người bị bệnh này còn được gọi là những người điên. Theo ông, nên gọi bệnh liên quan đến tâm lý của các em là “tâm bệnh” thôi vì đó chỉ là những rối loạn trong tâm lý chứ không phải là bị điên.

Ông khuyên các phụ huynh nên tạo ra một không gian và điều kiện để con cái chia sẻ và trò chuyện với cha mẹ để tránh cảnh các em bị đè nén rồi dẫn đến trầm cảm và nhiều chuyện nguy hiểm hơn.

Bà Suzie Xuyến Đông-Matsuda, một trong những diễn giả của hội thảo. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ngoài ông Hoàng ra, cũng có một bác sĩ tâm lý khác phát biểu là bà Suzie Xuyến Đông-Matsuda. Bà cũng cho rằng sức khỏe tâm lý rất quan trọng và 95% những trường hợp các thanh thiếu niên bị “tâm bệnh” hoàn toàn có thể đề phòng và ngăn chặn được. Bà khuyên mọi người nên áp dụng kiến thức nghe được hôm nay vì kiến thức mà không dùng thì không được gì hết. Sau bà Suzie là một số phụ huynh và thanh thiếu niên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Câu chuyện của ai cũng có mục đích cho biết nếu cha mẹ kỳ vọng và bắt ép con cái quá nhiều thì sẽ rất nguy hiểm vì dẫn đến trầm cảm và nhiều “tâm bệnh” khác.

Theo lời của các diễn giả, phụ huynh và các thanh thiếu niên có mặt tại hội thảo, sức khỏe tâm lý trong gia đình là một vấn đề là mà nhiều người Việt ở Hoa Kỳ cần phải biết và cảnh giác các dấu hiệu “tâm bệnh” của con cái trong gia đình. (Thiện Lê)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Tưởng niệm 30 Tháng Tư – Tượng đài thuyền nhân Việt Nam”

MỚI CẬP NHẬT