Friday, May 17, 2024

Hồng Gia Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Cổng Tam Quan La Phù Sơn

Lâm Hoài Thạch/NgườiViệt

GARDEN GROVE, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 5 Tháng Tám, đông đảo các võ sư đại diện nhiều môn phái võ, đồng hương và các môn sinh của võ đường Hồng Gia Việt Nam cùng tề tựu tham dự lễ khánh thành Cổng Tam Quan La Phù Sơn tại Võ Đường Hồng Gia Việt Nam, Garden Grove.

Bước vào, ai cũng thấy trên bức tường trước mặt là mô hình cổng tam quan đã được thiết trí giống như cổng tam quan của La Phù Sơn bên Quảng Đông, Trung Hoa. Bức tường bên trái cảnh đồi núi La Phù Sơn với cành đào và ba con hạc, trắng, hồng và xanh đang bay.

Buổi lễ được bắt đầu theo truyền thống Hồng Gia Việt Nam. Các võ sinh trang nghiêm làm lễ bái tổ và tưởng niệm Sư tổ Nam Hải Chân Nhân và chư vị sư tổ.

Sau nghi thức khai mạc, đoàn lân Trung Tính Đường của võ sư Trần Cửu bước ra múa võ chào mừng. Nhân dịp này, đoàn lân cũng biểu diễn võ thuật trong tiếng trống múa lân rộn ràng sôi nổi. Võ sư Trần Cửu đã trao tặng cho võ sư chưởng môn Lý Hồng Thái.

Ban xây dựng cổng tam quan La Phù Sơn, người thứ nhì từ phía trái là họa sĩ Lưu Thành. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Quan khách đến dự gồm có các võ sư Trần Cửu; Bắc Phong Từ Võ Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Võ Học Global; Lý Hoàng Tùng, Chủ tịch Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới; Lê Hữu Quế; Hoàng Ngọc Diệp, chưởng môn Hầu Quyền Đạo; một đại diện võ đường Bạch Mi Nam Cường từ Los Angeles và nhiều người khác.

Sau đó, các môn sinh Hồng Gia đồng hát bài “Hồng Gia Việt Nam,” do Linh mục Tiến Lộc sáng tác. Tác giả đã từng sáng tác nhiều bài ca cho Hướng đạo Việt Nam, ông từng tới tập dưỡng sinh tại trụ sở Hồng Gia nhiều lần,nên cảm hứng viết bài này.

Trong phần tuyên bố lý do, môn sinh Hồng đai Đoàn Cẩn, điều hợp chương trình nói: “Hôm nay là ngày khánh thành cổng tam quan La Phù Sơn cũng là ngày ghi dấu sự hoàn tất của công trình tu bổ và chỉnh trang võ đường mà thầy chưởng môn đã đề ra cách đây hơn nửa năm. Từ không có gì cho đến khi thành tựu như quý vị đã thấy là cả sự cố gắng, hy sinh và kiên trì của thầy lẫn trò trong tám năm qua.”

“Thầy chưởng môn muốn tái tạo lại cảnh trí La Phù Sơn để nhớ ơn các vị sư tổ và nhớ lại nơi mà Sư Tổ Nam Hải Chân Nhân và thầy đã nhiều năm tu luyện võ đạo và võ thuật. Thầy muốn truyền đạt tinh thần võ học của La Phù Sơn mà thầy đã được hấp thụ cho các đệ tử sau này qua cảnh trí này. Đây là tình thần võ đạo và cách luyện tập võ nghệ của các tiền bối của môn phái mà ngày nay, có thể cho là không còn ai nữa biết trừ thầy ra,” ông Đoàn Cẩn nói.

Huấn luyện viên Lý Hồng Đức (thứ nhì bên trái đứng) và các môn sinh mới nửa năm, trong Lễ khánh thành cổng tam quan La Phù Sơn tại võ đường Hồng Gia Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, công trình chỉnh trang võ đường vẫn còn tiếp tụcn nhưng ngày hôm nay ghi dấu thành quả do những nỗ lực đáng ghi nhớ của các môn sinh, các nhà hảo tâm đã đóng góp tiền của và công sức cho công trình này.

Trong phần nói về núi La Phù Sơn và Hồng Gia, một môn sinh kể rằng sư phụ Lý Hồng Thái công nhận Gốc của Hồng Gia Việt Nam là từ Hồng Gia Quyền tại La Phù Sơn và Sư tổ Nam Hải Chân Nhân đã dặn dò đừng bao giờ quên công ơn các võ sư nhiều đời ở La Phù Sơn đã tập luyện và sáng tạo ra các thế quyền cước mình học. Vì vậy, trong huy hiệu Hồng Gia Việt Nam có hình ảnh ba ngọn núi, tượng trưng của La Phù Sơn,.

Năm 2009, phái đoàn Hồng Gia Việt Nam hơn 100 người đã cùng đi với sư phụ Lý Hồng Thái sang La Phù Sơn và trong đoàn này, có rất nhiều môn sinh Hồng Gia đến từ Nga cũng tham dự. Ông Lý Hồng Thái đã được Nam Hải Chân Nhân đưa qua học võ ở La Phù Sơn từ khi hơn 10 tuổi. Sư tổ Nam Hải đã tổng hợp nhiều  truyền thống võ thuật Trung Hoa và Việt Nam để lập ra Hồng Gia Việt Nam từ trước năm 1960.

La Phù Sơn không phải chỉ là một ngọn núi mà là một rặng núi rất dài hơn trăm cây số. Trên rặng đó có hơn 400 đỉnh núi, và đỉnh cao nhất là Phi Vân, dưới chân đỉnh này là Xung Hư Đạo Quán, hiện vẫn thờ phượng theo lối Đạo Gia. Xung Hư Quán đã được xây dựng từ thế kỷ thứ tư, là một di tích của vị tiên ông Cát Hồng, sống vào đời Đông Tấn. Trong lịch sử văn hóa và triết học Trung Hoa đều nhắc đến Tiên Cát Hồng, có pháp hiệu là Bão Phác Tử, là một trong những người thành lập Đạo Giáo theo tư tưởng Đạo Đức Kinh của Lão Tử.

Tại La Phù Sơn còn rất nhiều võ phái khác cũng phát triển từ thế kỷ 18 như phái Long Môn, Bạch Mi, Bạch Hạc và phái Mạc Gia. Tất cả võ thuật ở miền Nam Trung Quốc đã được phát triển sau khi Thiếu Lâm Tự ở tỉnh Hà Nam bị nhà Thanh phá, các vị sư ở đó phải chạy về miền Nam. Trong 128 vị sư chạy xuống Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến, thì cuối cùng cũng bị tàn sát hết chỉ còn lại năm vị, mỗi người lập một võ phái riêng để truyền bá võ thuật. Và võ thuật Hồng Gia đã được phát xuất từ trong phong trào đó.

Sau khi ban tổ chức đọc tiểu sử của Tổ sư Nam Hải Chân Nhân và sư phụ chưởng môn, Võ Sư Lý Hồng Thái ngỏ lời chào mừng mọi người đến dự.

Biểu diễn võ thuật trong Lễ khánh thành cổng tam quan La Phù Sơn với võ sư đai trắng Khải, đứng trước, và hai võ sư đai đỏ Hổ và Tiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Võ sư Lý Hồng Thái cho biết: “Hôm nay chúng tôi dựng cảnh này lại để nhớ đến kỷ niệm của sư phụ đã 60 năm thành lập môn phái. Đường nét này là từ Sư tổ Cát Hồng truyền lại, và ngài đã mất, tôi là người hậu duệ cuối cùng để tưởng nhớ. Danh xưng Môn Phái Hồng Gia Việt Nam đã được Tổ sư cho phép biến cải và thành lập riêng cho người Việt Nam, tự tên gốc gọi là Hồng Gia Quyền. Đối với người Việt chúng ta, chữ Hồng có nghĩa là con cháu Lạc Hồng, chữ Gia là gia đình, và chữ Quyền là quyền pháp Việt Nam. Sau đó được danh xưng là Hồng Gia Việt Nam, dù thoát thai từ Hồng Gia Quyền. Mục đích sư tổ nêu ra là để xây dựng nên những thanh niên dũng sĩ Việt Nam.”

Kế tiếp võ sư chưởng môn cắt băng khánh thành cổng tam quan La Phù Sơn, và phần biểu diễn võ thuật.

Một trong những môn sinh Hồng Gia, ông Huỳnh Kinh Kha, cư dân Torance, chia sẻ: “Tôi theo học võ thuật của Hồng Gia Việt Nam đã trên 10 năm. Trước đó, người của tôi thường bị suy nhược, uể oải. Nhưng đến khi tập võ này thì nó làm cho thân của mình được hấp thụ nhiều thể lực hơn, những chứng bệnh lặt vặt không còn nữa, và tâm của mình cũng không còn bị căng thẳng khi làm việc nhiều. Điều quan trọng là môn võ này cũng có những phương pháp tập luyện để mình tự chữa bệnh cho mình.”

Ông Lý Hồng Đức, cư dân Fountain Valley đã theo học võ tại Hồng Gia Việt Nam trên 20 năm. Hiện nay ông là huấn luyện viên của võ đường. Ông cho biết: “Lúc còn thanh niên thì tôi cũng thích võ thuật và đã có đi tham khảo một vài môn võ thuật. Nhưng khi có duyên gặp được thầy Lý HồngThái, thì phương pháp của thầy dạy về gốc của võ thuật cũng có về nghệ thuật, đạo lý, nên tôi rất thích. Khí công trong môn võ này thì nó giúp cho tinh thần và thể xác của mình rất nhiều, nhất là đối với những người lớn tuổi thì mới cảm thấy sức khỏe của mình là điều quý giá nhất.”

Hơn 700,000 người ở quá hạn visa tại Mỹ năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT