Saturday, May 18, 2024

Tác giả của ‘Phải Sống’: Nhà là nơi có trái tim mình

Titi Mary Tran/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Phải Sống” là hồi ký của tác giả Vân B. Choat, chia sẻ những ký ức thời thơ ấu lớn lên như một trẻ mồ côi tại Việt Nam. “Phải Sống” là câu chuyện kể về hành trình gian truân của một người từ lúc còn bé cho tới khi trưởng thành, trong bối cảnh của chiến tranh, tàn sát, trận địa, chết chóc, lạm dụng tinh thần, thể xác, và trên tất cả, trong bối cảnh của tình yêu và nghị lực.

Hồi ký “Phải Sống” của tác giả đã đưa tiếng nói hiếm hoi của phụ nữ Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ X – những người nữ đã đủ trưởng thành để nhớ và cũng đủ nhỏ để lớn lên như những người Mỹ – một mảnh đất để thổ lộ tâm tư. Tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của những người có quyền thế và địa vị trong xã hội nhưng là tiếng nói của những người dân bình thường.

Với hồi ký vẫn còn âm vang sau một năm phát hành, phóng viên Người Việt có dịp phỏng vấn tác giả Vân B. Choat.

Người Việt: Tại sao chị viết hồi ký này?

Vân B. Choat: Những đứa con của tôi là nửa Việt nửa Mỹ, và chúng nó không biết nhiều về văn hóa Việt Nam và nơi tôi sinh ra. Lúc đầu, tôi viết hồi ký để các con biết tôi từ đâu đến, cuộc đời của tôi ở Việt Nam như thế nào, và bố mẹ của tôi, ông bà của chúng là ai.  Nhưng rồi khi nghe các bạn tôi nói, “Tại sao bạn ích kỷ quá? Tại sao bạn chỉ muốn quyển sách này dành riêng cho bản thân và cho con của bạn mà thôi? Tại sao bạn không phát hành nó? Thì đó là lúc tôi quyết định cho phát hành. Bây giờ ước muốn của tôi là chia sẻ hồi ký này với mọi người, mong rằng nó giúp được những ai có khó khăn trong cuộc sống sẽ có thêm những nguồn động lực để tiếp tục bước đi.

Van B. Choat và chồng tại lễ cưới (1979) và tại trại lính. (Hình: Van B. Choat)

Người Việt:  Chị cảm thấy thế nào sau khi hoàn thành hồi ký?  Có cảm thấy nhẹ nhàng hơn không?

Vân B. Choat: Ồ, tất nhiên rồi. Có một cảm giác thành đạt, một điều gì đó lớn hơn là tôi tưởng tượng. Đó là điều tôi muốn làm lúc tôi còn trong độ tuổi 30 mà chưa bao giờ có cơ hội làm. Tôi như là được giải thoát vậy.

Người Việt: Làm sao chị có thể nhớ hết những chi tiết từ lúc chị mới có 4 tuổi?

Vân B. Choat: Bạn biết không, khi tôi bốn tuổi, ký ức đầu tiên là leo lên một chiếc xe buýt, đi từ Rạch Giá cho tới Sài Gòn, và không biết lý do gì, tôi vẫn còn nhớ giây phút đó. Nó giống như là tôi chụp một bức ảnh trong đầu, quyết định đó là những gì tôi muốn nhớ và đó là cách mà tôi nhớ trong những năm qua. Nó giống như là một cuốn phim đang diễn trong đầu tôi. Và cuốn phim này cứ lặp đi lặp lại, bao gồm những câu nói và những từ ngữ người khác nói.

Người Việt: Lúc 4 tuổi, chị không có khả năng để viết nhật ký, nhưng những cảnh tượng chị diễn tả trong hồi ký – bom thả, đánh trận, ngay cả những xác chết, hình ảnh của những người lính đang đánh nhau, của một đàn bà bồng đứa cho chết chạy đi chạy lại giữa hai nhóm lính: lính miền Bắc và lính miền Nam. Chị có cảm giác gì khi những ký ức này cứ lặp đi lặp lại trong đầu?

Vân B. Choat: Tôi nghĩ nó là cái gì đó mình cứ nhớ và không quên được.  Những cảnh đó vẫn lặp đi lặp lại trong đầu tôi. Cảnh bom nổ tối hôm đó, và sáng hôm sau, bằng cách nào đó mà chúng tôi đã chui ra được cái bunker, bằng cách nào chúng tôi đã đem mẹ đi, bằng cách nào mà tôi đứng trên những xác chết, rồi anh tôi bày cho tôi cách nhảy xuống bằng việc đếm từ 1 đến 10, rồi cảnh chúng tôi chạy lòng vòng trong trại để tìm ba nhưng không tìm được. Hầu hết người ở trại đó đều bị giết. Mình có thể thấy xác chết nằm la liệt trên đất trong trại. Tất cả những hình ảnh đó vô cùng rõ ràng trong đầu tôi, mà tôi cũng không biết làm sao tôi lại có thể nhớ rõ như vậy.

Vân (tóc dài đứng giữa) lúc còn bé và các em, bà ngoại và người thân tại Việt. Dì Quế (hàng sau bên phải) là người dì treo Vân B. Choat và em gái lên trần nhà trong hồi ký. (Hình: Van B. Choat)
Hình duy nhất có ba của Vân (hàng sau, người đầu tiên từ bên phải.  Vân đứng trước ông). (Hình: Van B. Choat)
Hình duy nhất có ba của Vân (hàng sau, người đầu tiên từ bên phải. Vân đứng trước ông). (Hình: Van B. Choat)

Người Việt:  Làm sao chị đối đầu với những hồi ức này?  Và làm sao chị thấu hiểu những điều này khi chị còn rất bé?

Vân B. Choat: Khi mẹ tôi được chôn cất, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi nghĩ đó là một trò chơi hay người ta đang làm công việc chôn đống chiếu. Họ quấn xác mẹ tôi trong một chiếc chiếu, đào một cái lỗ gần bờ sông và đặt bà vào đó. Lúc đó tôi không biết định nghĩa chết là gì; ngay cả khi anh trai nói với tôi, “Oh em không biết gì hết.” Nhưng tôi nhớ là anh tôi đã khóc.

Người Việt:  Chị đã thấy cái chết, ngửi được mùi chết, ngay cả chạm vào cái chết.  Vậy theo chị, sự thật hiển nhiên về cái chết là gì?

Vân B. Choat: Nó là một phần của cuộc sống. Mình sinh ra, lớn lên, sau đó chết và trở thành tro bụi. Nó chỉ là một vòng luân chuyển của cuộc sống. Tôi có sợ chết không? Không.  Kinh hãi sự chết không? Không. Tôi nói như vậy là vì, nếu bạn nhớ trong hồi ký, tôi có viết về việc tôi đứng trên một xác chết và anh tôi đã dạy tôi cách nhảy xuống khỏi cái xác, trong khoảnh khắc đó khi tôi quay lại và nhận ra tôi vừa mới làm điều đó. Tôi sợ nhất khi tôi nhận biết được tôi vừa đứng trên một xác chết.

Nhưng khi tôi nhảy xuống, thì cái sợ không còn nữa. Giống như là sự sợ hãi bản thân đã biến mất. Tôi không còn sợ nữa. Một khi bạn đã quyết tâm là bạn sẽ làm một điều gì đó, bạn có thể làm được. Khoảnh khắc đó đã làm tôi thành một con người mạnh mẽ. Và từ đó, nó chỉ là một phần của cuộc sống. Nếu chuyện gì đó xảy ra với bạn và bạn quyết định rằng bạn sẽ không để nó ảnh hưởng tới bạn, bạn nên hướng tới, thì bạn sẽ hướng tới.

Người Việt:  Chị nghĩ về mình như thế nào?

Vân B. Choat: Từ Rạch Giá lên Sài Gòn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. Nỗi buồn không ngự trị trong tôi cho đến lúc tôi nhận ra mẹ tôi mãi mãi không còn, khi đó tôi khoảng chừng 6-7 tuổi. Học sinh trong trường chọc phá tôi bằng cách nói rằng tôi là một đứa trẻ mồ côi, một đứa ngu xuẩn và tôi sẽ không đi tới đâu. Đó chính là lúc tôi quyết định sẽ phải học thật giỏi và trở thành một người nào đó, chỉ để chứng minh rằng tôi không ngu ngốc.  Ngay cả khi còn nhỏ, tôi đã quyết rằng tôi sẽ thành một người nào đó. Tôi không buồn khi mình là một đứa trẻ mồ côi. Tôi chỉ nhớ ba mẹ. Tôi ước ba mẹ tôi vẫn còn sống để chăm sóc cho tôi. Tôi chấp nhận sự thật rằng tôi là một trẻ mồ côi và tôi phải đương đầu với nó.

Vân và hai con thơ cạnh mộ chồng. Ảnh được chụp tháng mười 1987, 10 tháng sau khi chồng cô, Ronnie Choat, qua đời. (Hình: Vân B. Choat)

Người Việt: Còn bây giờ, chị nghĩ mình là ai?

Vân B. Choat: Tôi chỉ là một người bình thường, như bao người khác. Tôi không còn cảm giác là một đứa trẻ mồ côi nữa, nhưng trong lòng tôi vẫn có những nỗi buồn khi nhìn thấy người ta có cha mẹ, có ngôi nhà để trở về thăm viếng mẹ cha, có những buổi sum họp gia đình. Tôi chưa bao giờ có được điều đó. Tôi không có nhà để về.

Người Việt:  Vậy thì nhà ở đâu?

Vân B. Choat: Nhà là nơi có trái tim mình. Nhà là nơi những người thương yêu hướng lòng về bạn.

 

Tác giả Vân B. Choat tại nhật báo Người Việt. (Hình: Titi Mary Trần)

Xin vào trang vanchoat.com để biết thêm chi tiết và Van B. Choat. (Titi Mary Tran)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT