Tuesday, March 19, 2024

Lễ Tưởng Niệm Cố Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh ở Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, nhiều quan khách, đại diện hội đoàn; đoàn thể đấu tranh và đồng hương đến dự Lễ Tưởng Niệm Cố Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, cựu Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, sáng lập viên, kiêm giám đốc Trường Chiến Tranh Chánh Trị VNCH, do Liên Minh Dân Tộc Việt Nam trang trọng tổ chức tại Hội Trường Báo Việt Mỹ, Westminster.

Cựu Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh qua đời hôm 11 Tháng Hai, 2018, tại nhà riêng ở thành phố Fredericksburg, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Buổi lễ được bắt đầu với lễ rước di ảnh cố Đề Đốc vào hội trường. Hải Quân Đinh Quang Truật, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Việt Nam Nam California, điều hợp nghi thức khai mạc.

Sau nghi thức khai mạc, ông Hồ Anh Tuấn, chủ tịch Ủy Ban Chính Nghĩa Quốc Gia Nam California, đại diện ban tổ chức lên tuyên bố lý do buổi lễ tưởng niệm.

Sau đó, Giáo Sư Tiến Sĩ Hà Thế Ruyệt đọc tiểu sử của cố Đô Đốc Lâm Ngươn Tánh. Trong đó có ghi lại suốt thời gian dài mà cố Đô Đốc đã giữ những chức vụ quan trọng trong QLVNCH. Cho đến khi ra hải ngoại, ông vẫn tiếp tục dấn thân vào công cuộc chống Cộng cứu nước cho đến ngày cố Đô Đốc nằm xuống.

Bà quả phụ Lâm Ngươn Tánh phát biểu trong lễ tưởng niệm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Có mặt trong buổi lễ là bà quả phụ Lâm Ngươn Tánh, người bạn đời hơn 40 năm của ông. Trước bàn thờ của cố Đô Đốc, bà hãnh diện chia sẻ với mọi người: “Trước hết tôi xin thưa, cố Đô Đốc là một chiến sĩ đã dâng cả trái tim cho quê hương, đất nước, và tình yêu tổ quốc như đã thắm sâu, hòa tan trong dòng máu con người của ông. Điều này đã thể hiện không những trong 39 năm dưới lá quốc kỳ VNCH, trải qua biết gian lao thử thách, mà ngay khi cả tha hương, ông cũng chịu chung đại nạn với dân tộc từ ngày mất nước vào cuối Tháng Tư, 1975. Trên hành trình đi tìm con đường giải cứu dân tộc khỏi ách thống trị của cộng sản tàn ác, ông đã gặp được người đồng chí, đồng tâm. Người đó là chiến sĩ Nguyễn Hữu Chánh.”

Cũng theo phu nhân của cố Đề Đốc, bà đã thấu hiểu được đáy lòng của chồng bà về tình yêu tổ quốc và ý chí quyết tâm cứu nước của ông với đầy khó khăn khi ông đối diện với một thực tế: Vào ngày 10 Tháng Mười, 1977, là ngày ông lên đường vào chiến khu. Ngày đi thì có, nhưng ngày về thì không ai biết được.

“Chồng tôi đã tâm sự với tôi về sự chọn lựa khó khăn này, một là ra đi không hẹn ngày về, hai là ở lại an hưởng cuộc sống êm ấm với gia đình. Nhưng khi nhìn ánh mắt của ‘nhà tôi’ lúc đó, tôi biết ông đã có quyết định. Là một con người, nhất là một người phụ nữ thì tôi cũng yếu lòng như mọi người, nhưng trong thoáng giây, tôi thầm nghĩ, ông đã có can đảm tạm bỏ vợ con phía sau để thực hiện một chiến sĩ ra đi cứu nước, thì tại sao, tôi không có thể tiếp tay với chồng tôi bằng sự tạm thời hy sinh tình phu thê như là một hành trang để ông lên đường.”

Ông Nguyễn Hữu Chánh phát biểu trong lễ tưởng niệm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Lúc đó, tôi mới nắm tay chồng tôi và nói, anh có cả hai: sự nghiệp cứu nước và người bạn đời, anh cứ dấn thân, nhưng hãy tin rằng, luôn luôn anh có hình ảnh em bên cạnh,” bà nói thêm.

Trong lời phát biểu của Ông Nguyễn Hữu Chánh, tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, kiêm trưởng ban tổ chức có nói: “Buổi chiều hôm nay, anh em chúng tôi rất bùi ngùi, đau khổ khi mất đi một người lãnh đạo trong tổ chức của chúng tôi, mà người lãnh đạo đó tài giỏi, dũng khí, yêu nước, trong sạch, liêm khiết, và quyết tâm đấu tranh chống Cộng Sản Việt Nam để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam,… Chúng tôi không có nhu cầu tổ chức một lễ tưởng niệm để chính trị hóa, tô điểm hoặc tạo một huyền thoại cho tổ chức của chúng tôi. Và, cá nhân tôi cũng không có nhu cầu đó.”

“Cho phép tôi nhân buổi lễ tưởng niệm này để chia sẻ cùng quý vị, để nói lại những hào hùng của Binh Chủng Hải Quân; của Chiến Tranh Chánh Trị trong QLVNCH đối với một vị tướng lãnh rất xứng đáng để cho mình ngưỡng mộ. Với cuộc sống tha phương như thế nào; đau khổ với tủi nhục mất nước như thế nào, thì tại sao chúng ta còn phải dị ứng, tại sao chúng ta không đến để tưởng nhớ đến vị tướng đã nằm xuống; đã cống hiến cả cuộc đời mình cho tổ quốc, danh dự và trách nhiệm,” ông Chánh nói thêm.

Trong phần phát biểu của quan khách, Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, phó pháp chủ, viện trưởng Viện Hành Đạo Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, cũng có lời chia sẻ: “Với tuổi gần 90, Đô Đốc ra đi đã trọn vẹn cái phúc lộc của trời, mà nếu tính theo tiêu chuẩn làm người trong nhân quần này thì người có đầy đủ phúc, lộc và thọ. Nếu đo theo bảng giá trị mà Đức Phật Tổ cao truyền, thì ông là một đại trượng phu hay là một thượng nhân, thì có ba yếu tố: Bi, trí và dũng.”

Bàn thờ cố Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh trong buổi lễ tưởng niệm tại Hội Trường Báo Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Xin cho phép tôi được căn cứ trên hai bảng giá trị đó để có một nhận định về cố Đô Đốc Lâm Ngươn Tánh: Ông là một vị hoàn hảo, trọn vẹn, xứng đáng làm con dân nước Việt, và là một chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho đến giờ phút cuối cùng để cứu nước, cứu dân. Ông là tấm gương sáng ngời cho tất cả những người con dân nước Việt,” hòa thượng chia sẻ thêm.

Mục Sư Nguyễn Công Chính, đại diện Ủy Ban Chống Văn Hóa và Tôn Giáo Vận Cộng Sản Hải Ngoại cho biết, ông đã từng đấu tranh trong nước xuyên suốt 28 năm, và cũng đã từng chịu cảnh tù đày của Cộng Sản. Khi ra hải ngoại, ông cũng cùng đồng hương tiếp tục cho cuộc đấu tranh này.

“Đã là con dân Việt Nam thì chúng ta phải làm nhiệm vụ đối với quốc gia, dân tộc trước. Rồi sau đó, chúng ta hãy nghĩ đến chức vụ của chúng ta. Vì khi chúng ta đã mất nước thì dù là giáo sĩ, mục sư, hòa thượng,… cũng không có giá trị gì về lịch sử của dân tộc. Cho nên, đều ở đây là chúng ta phải hành động ngay bây giờ, hoặc là hãy bỏ đi những kỳ thị, những tổn thương, những quá khứ đã hiểu lầm,… Vì những điều đó, chúng ta mang nặng trong lòng mà không giải quyết vấn đề. Trong khi, dân tộc của chúng ta đang lâm nguy, đất nước của chúng ta sắp rơi vào tay của Tàu Cộng. Vì thế, điều ngay bây giờ là chúng ta phải liên kết lại thành một sức mạnh của dân tộc để chúng ta đòi lại tự do, đòi lại mảnh đất, đòi lại giá trị nhân quyền và sự sống của dân tộc, để khôi phục lại quê hương đất nước của chúng ta,” Mục sư nói thêm.

Cuối cùng là lời cảm ơn của ban tổ chức với sự hiện diện của mọi người. (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Chùa Vàng Kinkakuji ở Kyoto”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT