Wednesday, April 24, 2024

Lễ vinh danh và an táng 81 tử sĩ Nhảy Dù, ‘Người lính không bao giờ chết’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Mới hơn 7 giờ sáng Thứ Bảy, 26 Tháng Mười, không khí trang nghiêm chạy dọc theo đường All American Way, vào đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Dù chật kín người gốc Việt lẫn người bản xứ tề tựu từ sáng sớm, không ai bảo ai, họ không ồn ào, huyên náo như bình thường.

Trước khi buổi lễ vinh danh 81 tử sĩ thuộc Đại Đội 72/Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù bắt đầu, sự uy nghiêm đã ngự trị.

Lễ vinh danh

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia), cho biết: “Có lúc tôi tưởng không thành công (trong việc đưa 81 di hài về đây). Nhưng người lính không thể bỏ đồng đội, đồng minh của mình sau lưng. Họ phải được lo liệu.”

Ông vắn tắt: “Tôi đã thực hiện được điều tôi muốn làm.”

Theo dự định, đúng 9 giờ sáng, buổi lễ vinh danh 81 tử sĩ bắt đầu.

Bà Lê Thị Sẻ, mất chồng lúc ngoài 20, chôn chồng năm ngoài 80. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, người có công đầu trong việc đấu tranh để đưa 81 di cốt này về Westminster, thủ đô tị nạn của cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ, tuyên bố: “Tôi rất hài lòng khi được chủ tọa buổi lễ vinh danh 81 anh hùng Việt Nam. Đây là một trách nhiệm đạo đức.”

Với giọng đầy xúc động, ông tiếp: “Sau cùng, 81 chiến sĩ này đã có được nơi an nghỉ. Đây không là quê hương họ, nhưng đây là ngôi nhà mới của cộng đồng tị nạn gốc Việt.”

Ông Webb không quên nhắc nhở những đóng góp của những người bạn đã giúp ông có được buổi tưởng niệm sáng nay là các ông Túy Lê, cựu quân nhân Việt Nam; ông Richard Spencer, bộ trưởng Bộ Hải Quân Hoa Kỳ; ông Fred Smith, chủ tịch sáng lập FedEx; ông Jeffrey McFadden, luật sư.

Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, người có công đầu trong việc đem 81 di cốt chiến binh Nhảy Dù về Westminster, California. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông Tạ Đức Trí, thị trưởng Westminster, trong phần phát biểu của mình, nói: “Từ ngày các anh nằm xuống cho đến nay, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng các anh vẫn không bị lãng quên trong tình huynh đệ chi binh thiêng liêng, để ngày hôm nay chúng ta đã có thể đưa các anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong tình thân thương của đại gia đình người Việt tị nạn tại hải ngoại.”

Ông nhấn mạnh: “Buổi lễ ngày hôm nay cho chúng ta cơ hội tưởng niệm những anh hùng đã tử nạn vì lý tưởng tự do, và cũng cho thế hệ hậu duệ như chúng tôi một lần nữa hiểu được giá trị đích thực của tinh thần danh dự và trách nhiệm. Đây sẽ là nguồn động lực cho thế hệ chúng tôi tiếp tục vững tin trong sứ mạng tranh đấu cho dân chủ và tự do.”

Không khí lại trở nên nghiêm trang khi linh cửu chung của 81 tử sĩ được đưa lên khu vực sân khấu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và càng trầm mặc hơn nữa khi một vòng hoa được dâng lên, tiếp theo là ba hồi súng vinh danh, rồi sau đó là kèn “Chiêu Hồn.”

Bác Sĩ Trung Tá Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Tổng Hội Nhảy Dù, kể về ngày đau buồn năm xưa.

Nỗi xúc động không kiềm nổi. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Theo ông, ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, một chiếc máy bay C-123 bị rơi trên một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn phi công Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù VNCH thiệt mạng.

Lúc đó, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 ở lại để đánh giải vây cho Sư Đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may, Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 lại đi trên chiếc máy bay C-123 định mệnh đó.

“Tôi nhớ, viên phi công trưởng là Thiếu Tá Robert M. Horsky, từng lái B-52, nhưng vì hôm đó sương mù nên bay thấp, và thế là máy bay đâm vào núi, làm tất cả tử nạn. Vùng máy bay rơi là khu rừng hiểm trở, cách Tuy Hòa 32 cây số về phía Tây, gần như không thể vào được. Mãi đến năm 1974, khi người dân đi sâu vào rừng kiếm củi, họ mới phát hiện xác máy bay và các hài cốt,” ông Hiệp kể tiếp.

Được biết, chiếc C-123 hôm đó bay từ phi trường Pleiku đến phi trường Tuy Hòa thì bị nạn.

Cựu Đại Úy Nhảy Dù Phan Nhật Nam: “Người lình không bao giờ chết.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Tuy nhiên, tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau, nên người ta đưa vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan.

Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn phi công Mỹ, đem về chôn cất ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

Trong khi đó, không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.

Năm 1986, 81 di cốt này được chuyển về Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.

Bác Sĩ Trung Tá Nguyễn Quốc Hiệp đại diện binh chủng Nhảy Dù. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Cách đây khoảng hai năm, ông Jim Webb, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, được Bộ Quốc Phòng Mỹ giao trách nhiệm giải quyết số phận của 81 di cốt này.

Với sự quyết tâm cùng sự giúp đỡ của những người bạn chung vai sát cánh, sau cùng, ông Webb đã thành công trong việc đưa 81 di cốt về an nghỉ giữa lòng cộng đồng người Việt hải ngoại.

Hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, một chiếc máy bay của Không Lực Hoa Kỳ chở 81 di cốt này đến California, để trong một căn cứ quân sự.

Nhà văn Phan Nhật Nam, cựu đại úy Nhảy Dù và từng là đại đội trưởng đại đội của 81 tử sĩ, trong phần phát biểu đã gọi sự kiện có được 81 di cốt ở đây là một “phép lạ” và gọi công sức của Thượng Nghị Sĩ Webb là “một hành vi cao thượng.”

Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (trái) nhận quốc kỳ Việt Nam trước giờ hạ huyệt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông nhắc lại nguyên lý trung hậu của William Gladstone, một thủ tướng Anh thuộc thế kỷ thứ 19, là “Chỉ cho tôi xem cách thức một quốc gia hay một cộng đồng chăm sóc những người chết của họ, tôi sẽ đo lường với sự chính xác mức độ cảm thông tế nhị của những con người sống trong cộng đồng đó…”

Về 81 đồng đội đã bỏ mình, ông nói: “Người lính không bao giờ chết. Họ sẽ sống mãi trong lòng người dân nhớ nước.”

Ông kết: “Người lính sắt son với màu cờ tổ quốc…”

Lễ an táng

Buổi lễ an táng 81 tử sĩ Nhảy Dù tại nghĩa trang Westminster Memorial Park được tổ chức một cách nghiêm trang và ngắn gọn.

Khi một chiếc quan tài chung vừa được hạ xuống huyệt, ông Webb trân trọng ngắt một nhánh hoa từ vòng hoa rồi trao cho bà quả phụ Lê Thị Sẻ. Bà cầm di ảnh của chồng là cố chiến binh Nguyễn Thảo, tiến đến bên huyệt đạo và ngậm ngùi tặng chồng nhánh hoa muộn màng.

Nơi 81 tử sĩ Nhảy Dù an nghỉ trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đứng xem thôi, bà Trịnh Minh Tâm, cư dân Garden Grove, nói: “Đây là một bằng chứng hùng hồn là Cộng Sản không có tinh thần cao thượng. Họ chối bỏ không cho con dân nước Việt được chôn cất trên quê hương. Người chiến sĩ, khi nằm xuống, không cổ xúy cho chế độ nữa. Họ chết cho đất nước thì họ xứng đáng được tuyên dương.”

Bà cười buồn: “Thôi, mấy anh sẽ nghỉ ngơi trên mảnh đất tự do, lý tưởng mà các anh đã bỏ mình để bảo vệ.” (Đằng-Giao)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT