Thursday, March 28, 2024

Little Saigon có nhà hưu dưỡng tư nhân cho linh mục

Quốc Dũng/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Nếu không là người Công Giáo, có lẽ ít ai biết rằng, mỗi linh mục khi đến tuổi về hưu đều phải rời khỏi giáo xứ mình đã phục vụ.

Tại Giáo Phận Orange, nỗi trăn trở lớn nhất mà các linh mục phải vượt qua, đó là tìm cho mình một nơi ở.

“Suốt cuộc đời phục vụ Thiên Chúa và giáo hội, linh mục khi về hưu phải tự tìm cho mình một nhà biệt lập, hay nhà condo, hoặc nhà mobilehome, cũng như nhà chung cư, nếu không muốn ở chung với gia đình, hay anh em, họ hàng; cá biệt, có linh mục phải đi thuê phòng ở. Bởi vì, dù địa phận có kế hoạch xây dựng một nhà hưu dưỡng cho các linh mục, nhưng 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được,” Linh Mục Mai Khải Hoàn, trước đây linh mục niên trưởng của Giáo Phận Orange, nay đã nghỉ hưu, cho biết.

Linh mục từng là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ, thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, và giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, Santa Ana.

Cần nhà hưu dưỡng cho linh mục

Linh mục chia sẻ: “Thời gian làm việc trong giáo xứ lúc nào cũng bận rộn vào tất cả các công việc mục vụ. Đến khi về hưu thì linh mục hết tất cả các trách nhiệm, cảm giác đầu tiên là trống rỗng. Sau đó thì nhiều thứ phải lo. Đầu tiên phải lo chỗ ở của mình. Thứ đến là phải tìm công việc gì để có thể làm, để tiếp tục phục vụ cho giáo hội, nếu không sẽ cô đơn, buồn lắm.”

“Trong đó, chỗ ở là khó tìm hơn cả. Trước khi nghỉ hưu, giáo phận sẽ báo trước một năm để linh mục chuẩn bị lo chỗ ở. Các cộng đoàn biết, nhưng cũng khó tìm được một chỗ cho mình, phần lớn thì các linh mục phải tự lo. Khi đến ở chung với họ hàng, hay thuê phòng ở, nhiều linh mục sẽ không thoải mái, bởi vì hai cuộc sống khác nhau. Nếu phải sống với gia đình có con cái nhiều, lúc nào cũng ồn ào thì linh mục cảm thấy tâm hồn không thoải mái, ngược lại gia đình đó cũng không cảm thấy tự do. Đó là trở ngại, vì linh mục vốn đã quen với cuộc sống thinh lặng hơn, cần giờ yên lặng để cầu nguyện,” linh mục nói.

Chính vì lẽ đó, khi các linh mục triều bước vào tuổi hưu cũng đồng nghĩa với việc sẽ trải qua một giai đoạn tổn thương tâm lý do môi trường, hoàn cảnh sống thay đổi đột ngột. Bởi lẽ, tìm một nơi yên tĩnh để suy niệm và cầu nguyện trong những năm tháng cuối đời không hẳn là dễ.

“Khi còn trẻ, linh mục làm việc vì trách nhiệm bổn phận nên không bao giờ nghĩ tới khi về già thì sẽ như thế nào. Nhưng đến khi gần tuổi hưu rồi thì mới đặt vấn đề đó. Quả thật, nếu có điều kiện, các linh mục về hưu sống với nhau là tốt nhất, vì họ có cùng nếp sống, nên sống chung với nhau để cùng chia sẻ, nâng đỡ mọi chuyện. Nếu sống một mình thì cô đơn quá,” Linh Mục Mai Khải Hoàn tâm sự.

Linh Mục Mai Khải Hoàn (trái) và ông Nguyễn Văn Nam. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Linh Mục Mai Khải Hoàn (trái) và ông Nguyễn Văn Nam. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Tư nhân xây nhà hưu dưỡng

Linh Mục Mai Khải Hoàn vừa dọn đến Joseph’s House, nhà hưu dưỡng cho các linh mục tại số 1512 S. Brookhurst St., Anaheim, CA 92804, do ông bà Nguyễn Văn Nam xây cất đặc biệt để phục vụ cho các linh mục.

Joseph’s House được xây dựng trên một khu đất rộng 9,200 sq ft với hai lầu rộng 3,500 sq ft. Lầu dưới có phòng khách lớn, hai phòng ngủ lớn, nhà bếp, nhà ăn, garage để xe. Lầu trên có ba phòng ngủ lớn, phòng tiếp khách, phòng khách nhỏ, phòng Thánh Thể và phòng giặt.

“Năm phòng lớn đều có phòng tắm, phòng vệ sinh, tủ đựng đồ, cửa chính ra ban công và cửa sổ. Đặc biệt có phòng Thánh Thể, chỗ này để các linh mục ở nơi đây làm lễ, đọc kinh,” linh mục mô tả.

Kế bên nhà chính là phòng sinh hoạt rộng 1,500 sq ft, có thể chứa trên 50 người. Bên trong phòng có bàn thờ để có thể dâng lễ, có phòng áo, phòng âm thanh, và một phòng vệ sinh.

“Bên ngoài phòng sinh hoạt có đài Thánh Giuse, có sân, bếp, lò nướng và bồn rửa tay. Đài Thánh Giuse và tường xung quanh được làm toàn bộ bằng trúc, hoàn toàn mang kiến trúc Việt Nam. Các linh mục về hưu có thể sang bên này để hưởng bầu khí trong lành và rèn luyện sức khỏe,” linh mục cho hay.

“Phòng sinh hoạt để các linh mục dâng lễ, và vào những ngày trong tuần, giáo dân có thể tới tham dự. Các linh mục sẽ không dâng Thánh Lễ cho giáo dân vào cuối tuần từ 4 giờ chiều Thứ Bảy đến hết Chủ Nhật vì thời gian này giáo dân phải đến nhà thờ dự lễ. Ngoài các giờ sinh hoạt của linh mục thì phòng sinh hoạt có thể cho người ngoài, cá nhân hay đoàn thể, sử dụng cho các sinh hoạt tâm linh, xã hội và gia đình nhưng không có chính trị hay thuần túy giải trí đời,” linh mục nói.

Theo Linh Mục Mai Khải Hoàn, cuộc sống ở nhà hưu dưỡng là cuộc sống của sự chiêm niệm, và mỗi ngày ông đều làm Thánh Lễ. Thường từ 8 giờ sáng ông đọc kinh, đến 9 giờ sáng làm Thánh Lễ. Ngoài ra còn các giờ cầu nguyện vào buổi trưa, buổi chiều; những giờ khác thì đọc sách hay làm việc khác.

“Bắt đầu vào Tháng Giêng, 2017, vào mỗi 6 giờ chiều Thứ Tư, tôi có giờ chầu Thánh Thể, 6 giờ 30 phút có Thánh Lễ cho đến 7 giờ 15 phút có giờ khấn Thánh Giuse. Lúc đó giáo dân lân cận đến tham dự cùng tôi,” linh mục mời gọi.

Nói về việc ăn uống hằng ngày, linh mục cho hay: “Trước đây khi ở giáo xứ thì có người khác lo, nhưng bây giờ phải tập thôi. Tuy nhiên, có cái hay là mình nấu những gì mình thích. Tôi ăn uống rất đơn giản. Cơm thì có nồi điện, còn thịt thà, nước mắm thì tự tập nấu ăn rồi cũng xong. Đôi khi đi chợ thì giáo dân nhận ra, và nhiều lúc được giáo dân mang đồ ăn tới.”

“Hiện tại chỉ ở một mình nên tôi tự túc. Khi nào có nhiều linh mục đến ở cùng, tôi nghĩ sẽ thuê người nấu ăn, dọn dẹp. Giá cả thuê phòng ở đây rất rẻ, với giá $750 một tháng dưới lầu và $650 một tháng trên lầu bao gồm cả tiền điện, nước, gas, rác. Linh mục trong nhà được tự do sử dụng các phòng chung như phòng khách lớn dưới lầu, phòng khách nhỏ trên lầu, nhà ăn, nhà bếp, máy giặt, garage… Thuê phòng, nhưng thật sự dùng cả cái nhà. Nhà này rất khang trang, rộng rãi, thích lắm,” linh mục vui vẻ nhận xét.

“Nếu địa phận có xây nhà hưu dưỡng đi nữa thì các linh mục ở vẫn phải trả tiền, bởi vì khi về hưu chúng tôi được cấp tiền để mình tự kiếm chỗ nào thích hợp để ở. Do vậy, với nhà hưu dưỡng tư nhân xây dựng như thế này đã là quá tốt rồi. Riêng các linh mục dòng thì đương nhiên khi về hưu được nhà dòng lo hết mọi thứ từ nơi ăn, chốn ở cho đến khi qua đời. So với linh mục triều thì linh mục dòng đỡ phải lo khi về hưu,” linh mục chia sẻ.

Đài Thánh Giuse được làm hoàn toàn bằng trúc. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Đài Thánh Giuse được làm hoàn toàn bằng trúc. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Tôi muốn các cha có nơi tốt để ở cuối đời”

Là chủ nhân của nhà hưu dưỡng Joseph’s House cho các linh mục, ông Nguyễn Văn Nam nói: “Nhà này có đầy đủ tiện nghi, vì tôi muốn các cha sau khi về hưu có một nơi ở thoải mái, vui vẻ, mà khi tinh thần thoải mái thì mới làm việc được. Thời gian tới tôi sẽ làm thang máy để các cha đi lại dễ dàng. Bất kỳ cha nào về hưu cũng đều đến đây ở được, tôi không phân biệt là chỉ dành cho cha người Việt Nam.”

“Thật sự số tiền thu mỗi tháng của các cha không là bao nhiêu, chủ yếu tôi muốn các cha có nơi tốt để ở khi về già đến cuối đời. Tôi không tính toán lợi lộc gì hết. Nếu các cha về ở không hết các phòng thì tôi vẫn cứ để vậy, chỉ dành riêng phục vụ cho các cha, vì mình vẫn còn khả năng để lo cho các cha. Tôi xây căn nhà này tốn khoảng $550,000 trong sáu tháng, vì thấy thời gian sau khi về hưu không làm gì thêm, nên dành thời gian làm nhà này. Từ khi tôi có ý định đến khi hoàn thành ngôi nhà này thì vợ con tôi đều ủng hộ,” ông cho biết.

Nói về ý nghĩa tên của ngôi nhà, ông cho hay: “Nhà này tôi đặt là Joseph’s House vì liên quan đến chương trình khuyến học Thánh Giuse do tôi khởi xướng. Chương trình này tôi làm và vợ tôi ủng hộ, con cái ủng hộ. Chương trình khuyến học này tôi muốn giúp các em học sinh ở Việt Nam, bởi vì ở Việt Nam tôi có xây một trường học, hiện nay, tôi mời một nhà dòng hợp tác để lo cho các em. Tôi thích làm giáo dục vì cuộc đời mình học dở dang. Mình không đến nỗi dốt nhưng chỉ vì thua kém hoàn cảnh thôi, do hoàn cảnh không cho phép.”

“Khi vượt biên qua đây năm 1982 thì tôi học nghề sửa xe, rồi làm cắt cỏ, học làm thiết kế phong cảnh, sau đó làm chung với một vài người bạn có công ty xây dựng. Tôi có tính tìm tòi nên tự học và tự làm lấy. Nhà đầu tiên tôi ở là do một người bạn xây cho. Từ bản vẽ này tôi đọc, nghiên cứu và tập làm. Con đường đến với nghề xây dựng của tôi là như vậy,” ông kể.

“Thật ra nghề nào cũng có tiền, nếu chịu khó, và có sức khỏe. Quan trọng là tinh thần lúc nào cũng muốn làm việc. Đừng nghĩ nghề này trọng, nghề kia không trọng. Đối với tôi, miễn sao mình làm nghề gì mà tinh thần thoải mái, lo trách nhiệm với gia đình vợ con là được,” ông nói.

“Và sau khi lo tròn trách nhiệm với gia đình, trước khi về hưu, tôi xây dựng ngôi nhà này để các cha hưu về đây có nơi để sinh hoạt, gần các giáo dân, và giáo dân có điều kiện thuận lợi hơn khi đến đây gặp các cha để hàn huyên, tâm sự,” ông mong muốn. (Quốc Dũng)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT