Sunday, May 19, 2024

Dân Việt buôn bán nhỏ hòa vào đời sống Honolulu

Thiên An/Người Việt

HONOLULU, Hawaii (NV) – Du lịch và mua sắm thường đi liền nhau. Tại “thiên đường hạ giới” Hawaii xinh đẹp, với những tiểu thương gốc Việt, nghề mua bán nhỏ không chỉ mang lại nguồn thu nhập hằng ngày mà còn hòa nhập họ vào bức tranh muôn màu của tiểu bang sống bằng nghề du lịch này.

 

Nhiều người Việt định cư tại Hawaii chọn nghề buôn bán nhỏ.
(Hình: Thiên An/Người Việt)

Có người thì chỉ làm ba ngày một tuần, như tại chợ trời Aloha, có người thì phải làm cả bảy ngày một tuần từ sáng đến khuya, như tại International Market, nhưng thường thì ai cũng phải dậy rất sớm từ sáng, lấy công làm lời, và đối mặt với những niềm vui nỗi buồn rất riêng của nghề này, từ việc được tự do làm chủ chính mình, gặp người từ khắp năm châu đến, đến việc phải lo cho đủ “sở hụi” hàng tháng và cầm cự những tuần chậm trước và sau mùa hè.

Đến thăm Hawaii, nơi không màu da nào chiếm hơn nửa tổng dân số, chẳng phải khách du lịch nào cũng nhận ra được những gương mặt giọng nói đậm chất Việt Nam hòa lẫn giữa không khí đa văn hóa và sắc tộc hàng đầu thế giới. Để thực hiện điều này, nhóm phóng viên tìm đến ba khu mua sắm vừa nổi tiếng của Hawaii, vừa có đông các tiểu thương người Việt nhất tại đây: Phố Tàu, Chợ quốc tế International Market, và Chợ Trời Aloha.

Nếu có dịp ghé thăm một trong ba nơi này, khách không chỉ biết thêm nhiều điều về Hawaii, nghe tiếng Việt thân quen rôm rả vang lên đâu đó, mà nếu may mắn, sẽ còn được nghe chính những chủ sạp Việt Nam hồn hậu tâm sự về công việc và cuộc sống- nét hồn hậu đúng chất “dân Hawaii.”

Nhóm phóng viên của báo Người Việt đã có may mắn đó, khi gặp ông Sang Nguyễn tiệm trái cây, cô Phượng Lâm bỏ mối nữ trang lưu niệm, vợ chồng Thúy Minh buôn áo thun… và nhiều tiểu thương gốc Việt khác.

* Phố Tàu ở downtown

 

Ông Sang Nguyễn có tiệm Nhung’s Market ở Phố Tàu hơn 17 năm nay.
(Hình: Thiên An/Người Việt)

Có thể nói, đã là người Việt sống tại Hawaii thì sẽ biết đến khu China Town gần trung tâm thành phố Honolulu. Không chỉ là một nơi người gốc Hoa sinh hoạt và buôn bán, nơi đây có hẳn một khu vực rất Việt Nam với hai bên đường là những tiệm ăn và quán xá của người Việt.

40 năm qua, dòng người Việt Nam di tản sang khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ cũng tạo nên một cộng đồng khoảng 8,000 người Việt Nam ở Hawaii. Trong số đó, có đến hơn 6,000 người là sống tại thành phố Honolulu phồn thịnh. Và, những quán ăn cũng như các tiệm tạp phô đồ Việt Nam, trong và ngoài ngôi chợ Oahu Market của khu Chinatown, chính là nơi họ tìm đến để mua một bó rau muống hay một miếng thịt tươi vào mỗi cuối tuần.

Bên cạnh dân địa phương, khách du lịch hiếu kỳ từ khắp các châu lục cũng ghé thăm ngôi chợ hơn 100 năm tuổi này để cùng sống với những nét sinh hoạt rất địa phương tại đây. Ngày trước, dân của đảo Hawaii hoàn toàn là người thổ dân bản xứ. Đến một vài thế kỷ gần đây, người từ Châu Âu và Châu Mỹ bắt đầu tìm đến hòn đảo trù phú này. Những người Hoa đầu tiên được mang đến Hawaii để làm việc trong các nông trại. Lịch sử khi đó có lúc ghi nhận dân gốc Hoa chiếm đến hơn 56% tổng dân số. Mãi đến sau này, khi các sắc dân khác bắt đầu du nhập đông hơn, thì tỉ lệ người Hoa mới giảm dần. Cộng đồng người Hoa thành lập, kéo theo việc lập chợ. Không may, đợt cháy lớn vào năm 1900 tàn lụi nhiều chứng tích lịch sử. Ngôi chợ Oahu Market của ngày nay được thành lập từ năm 1904.

Theo lời dân địa phương, các cửa hàng của Người Việt tại đây phần lớn nằm trên trục đường King, đoạn giữa River Street và Kekaulike Street. Đến đây, khách có thể thấy những quán ăn như Tô Châu, Cửu Long, Ánh Hồng, và cả những tiệm buôn bán nhỏ như Quảng sửa Đồng Hồ, tiệm thuê băng dĩa có tên Sài Gòn, hay những khu tạp hóa có tên An Đông, Vĩnh Thịnh…

Tuy khá bận rộn với khách hàng, người chủ của quầy hàng Nhung’s Market là một trong những người đã dành thời gian để trò chuyện. Ông Sang Nguyễn, chủ sạp hàng trái cây và tạp phô này, được xem là người bán hàng kỳ cựu tại đây với thâm niên hơn 17 năm.

“Ngày nào cũng mở hết. Ba trăm sáu lăm ngày. Khách người Việt thì thích đồ local, đồ đất liền như cam quít của California thì họ cũng thích, nhưng đồ local như xoài, sa bô chê, nhãn, chôm chôm, vú sữa, mãng cụt, boòng boong. Đông nhất là dịp Tết dịp Hè, mấy ông taxi làm ăn được cũng là lúc mình làm ăn được, mấy ông taxi không làm ăn được thì mình cũng không được.” Vui vẻ, hồn hậu đúng chất dân Hawaii, ông Sang kể.

“Trước khi tôi làm nghề này thì tôi chạy taxi, 22 năm. Tôi mới nghỉ taxi một năm rồi thôi, vì lớn tuổi. Hồi đó vừa bán ở đây vừa chạy taxi. Sáng 6 giờ ra bán, chiều 6 giờ về, tắm rửa thay bộ đồ lên chạy taxi, chạy tới 2 giờ khuya. Thứ Bảy, Chủ Nhật, có khi chạy đến 4 hay 5 giờ sáng, đến thẳng đây dọn hàng rồi ngủ mấy tiếng trước khi bán. Mình cực vậy đó vì tiiền thuế với tiền chỗ nhiều lắm. Dù sao thì cái cực ở đây cũng không bằng cái cực hồi xưa. Hồi xưa đi lính, Hạ Lào, Cambodia cũng từng đi qua hết. Bây giờ cực cũng đâu thấm gì đâu.”

“Bán chợ thì sở hụi nhiều hơn, taxi thì sở hụi ít hơn. Thí dụ, taxi thì sáng ra phải đóng $65/ngày thôi, bây giờ, một ngày mở mắt ra là $150/ngày, ở đây, cái góc chút xíu vầy mà $4,500/tháng, chưa tính tiền điện, tiền bảo hiểm. Ở chợ Tàu này thiếu gì người Việt mở tiệm, nhưng một thời gian thì nhiều người nghỉ. Có mình tôi là trụ đến 17 năm. Khó nhất là đủ thứ tiền, đủ thứ chi phí.”

“Vui thì cũng vui. Mỗi nghề có cái vui của nó, cái nào cũng kiếm tiền được, ở đây thì đông người Việt tới. Người Việt các nơi về gặp mình. Nhiều người ở Canada tới chơi sau 5, 7 năm, thấy tôi họ mừng như gặp lại người thân, ‘Trời ơi, tôi không ngờ ông còn đứng đây.’Tôi cười, nói là ‘tôi không đứng đây thì đứng đâu bây giờ?”

* International Market và Duke’s Lane

 

Một tiệm bán đồ nữ trang lưu niệm cho khách du lịch tại khu Duke’s Lane- International Market. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Khác với ngôi chợ Tàu gần trung tâm thành phố, người đến khu “chợ quốc tế” International Market gần bờ biển Waikiki hầu hết là khách du lịch tứ phương.

International Market được thành lập năm 1957 trước cả khi Hawaii chính thức trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ. Với những nét vừa đa dạng về văn hóa, như các “ngôi làng” Nhật Bản, Đại Hàn, hay Trung Hoa nho nhỏ, vừa đậm chất Hawaii như những món đồ lưu niệm thủ công đặc trưng hay ngôi nhà treo trên cây cổ thụ giữa khuôn viên. International Market từng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của biển Waikiki- bãi biển có nhiều khách sạn chọc trời nhất của Honolulu.

International Market hiện đang đóng cửa để thi công. Đây cũng là giai đoạn lịch sử cho khu mua sắm này, cũng như cho những người tiểu thương tại đây.

Quãng thời gian hoạt động gần sáu thập niên của Internation Market chứng kiến nhiều thay đổi của Hawaii- và cuối cùng là sự thay đổi của chính nó trong những năm vừa qua.

Gia nhập liên bang Hoa Kỳ, lượng khách du lịch đến Hawaii tăng vọt. Chuyến bay từ California sang Hawaii trước đây mất hơn 12 tiếng đồng hồ, nay chỉ còn khoảng 6 tiếng. Từ những năm 70, Waikiki bắt đầu chi chít các khách sạn cao tầng mọc lên chạy dọc con đường Kalakaua dọc bờ biển xanh mượt mà. International Market, với những sạp buôn bán và sân khấu ngoài trời, ngày càng tách biệt với  với những khu mua sắm sang trọng quanh nó.

Khi tất cả mọi thứ đã thay đổi so với những năm 1957, International Market cũng đối mặt với việc phải thay đổi. Sau nhiều lần “thoát” được các hoạch tính, như kế hoạch năm 1988 biến nơi này thành một trung tâm hội nghị hay năm 2003 thành một “mall”, thì khoảng cuối năm 2013 đầu 2014, International Market cuối cùng đóng cửa để xây sửa thành một khu mua sắm cao cấp, khi chủ đất Queen Emma Land bắt tay với nhà đầu tư Taubman. Dự tính khu chợ International Market Place mới sẽ hoàn thành thi công vào năm 2016, với nhiều cửa hàng và chỗ đậu xe hơn. Những lợi nhuận thu được từ sự thay đổi này sẽ được dành cho một bệnh viện thiện nguyện của Queen Emma.

Tạm bỏ qua các tranh cãi nên-không-nên về sự thay đổi lịch sử này của International Market, trong khi trung tâm mua sắm chưa hoàn thành để mở cửa cho kẻ mua người bán, thì các chủ sạp, trong đó có nhiều chủ sạp Việt Nam, buộc phải đóng cửa dọn sang các nơi khác. Theo ước lượng của cô Phượng Lâm, một người bỏ mối cho các cửa hàng, thì chỉ khoảng 20% các chủ sạp còn trụ lại và chuyển đến bán tại khu Duke’s Lane sát bên.

“Các tiệm ở góc Duke’s Lane sát nhau hơn, lối đi nhỏ hơn, nhưng giá thuê cũng rẻ hơn một nửa, khoảng ba ngàn thôi. Muốn mở tiệm thì chờ có người sang tiệm, tùy vị trí mà giá cũng khác nhau, từ khoảng $50,000 đến $200,000,” cô Phượng cho hay.

“Đồ lưu niệm của Hawaii phải có tính chất đặc trưng ở đây: bông, rùa, đuôi cá… Những kiểu này rất lạ, không có ở đất liền, và mang qua đó cũng bán không được nhiều.”

“Hawaii thì khí hậu và con người rất tốt, nhưng ngược lại thì đời sống khá đắt đỏ. Người mới sang định cư thì làm nhà hàng, bán ở China town, làm nail, buôn bán nhỏ, làm khách sạn… Làm buôn bán nhỏ thì cũng ổn định được. Khoảng 20 năm trước, người ta dễ kiếm tiền hơn. Một sạp kiếm khoảng được $8,000/tháng – $10,000/tháng. Lúc đó nhà còn rẻ, lương tối thiểu có $5. Có một cái sạp là nhiều tiền hơn lương kỹ sư. Bây giờ thì thị trường chậm hơn. Hồi đó khách du lịch mua nhiều đồ hơn, khi kinh tế xuống, họ chi trả cho tiền hotel, tiền xe, chứ bớt mua sắm.”

Cô Phượng đưa chúng tôi đi một vòng khu chợ Duke’s Lane. Chợ ngoài trời, mát mẻ. Chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, khách cũng có thấy chất Hawaii qua màu sắc và kiểu dáng các mặt hàng tại đây. Khi được hỏi, những tiểu thương Việt Nam cho biết họ mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, bảy ngày một tuần, và thường thì “lấy công làm lời” chứ không thuê mướn người phụ. “Cực lắm, làm 14 tiếng ngày. Nếu muốn về sớm thì mướn người, mà mướn người thì sẽ không có lời,” một chủ sạp Việt Nam vừa bận tay thu dọn hàng hóa chuẩn bị ra về vì trời đã khuya, vừa nói với chúng tôi.

* Chợ trời Aloha

 

Sạp bán áo thun Hawaii gần 20 năm nay của anh Kiến Minh và chị Quốc Thúy.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chỉ cần một lần ghé đến chợ trời Aloha, bạn sẽ mê ngay. Không thích sao được, khi chỉ cần $1 là bạn cũng có thể tìm được các món quà lưu niệm vừa rẻ vừa đẹp. Hơn thế, bạn đi cả ngày trời cũng không thể nhìn ngắm hết các mặt hàng đầy màu sắc của khoảng 400 sạp hàng tại đây, từ áo quần, thức ăn đến những đồ lưu niệm thủ công, đặc trưng Hawaii.

“Aloha” là một trong những từ thông dụng nhất tại Hawaii, người ta dùng nó khi chào nhau, khi cám ơn, và khi nói lời yêu thương. Có lẽ vì thế mà tiểu bang tuyệt đẹp này của nước Mỹ còn được gọi bằng nickname “Tiểu bang Aloha.”

Aloha cũng là tên sân vận động lớn nhất của Hawaii. Đặc biệt, điều thu hút hàng ngàn người địa phương và khách du lịch đến đây đều đặn ba ngày một tuần- chẳng phải một sự kiện thể thao nào- mà lại là khu chợ trời hơn 35 năm tuổi..

Khi đến với Chợ Trời Aloha, không kể đến việc bạn sẽ có dịp tha hồ mua sắm với mức giá không thể rẻ hơn, mà bạn còn sẽ gặp rất đông những người buôn bán nhỏ gốc Việt tại nơi này. Theo lời dân địa phương, người Việt chiếm đến 40% – 50% trong số các chủ sạp của Chợ Trời Aloha.

Làm chợ trời có cái vui, cái khổ của riêng nó. Các chủ sạp phải thức dậy thật sớm từ 3, 4 giờ sáng để hàng được bày sẵn sàng khi chợ mở vào 8 giờ sáng. Khi chợ đóng cửa vào 3 giờ chiều, dẹp hàng xong, một ngày làm việc cũng đã kết thúc sau hơn 12 giờ đồng hồ. Dù nắng hay mưa, các sạp đều có mặt vào Thứ Tư và hai ngày cuối tuần. Bù lại, các chủ sạp chỉ cần làm ba ngày trong tuần và tự do trong những ngày còn lại.

“Dân chợ trời sống nhờ khách du lịch,” anh Kiến Minh chủ một sạp áo thun, có thâm niên bán hàng gần 20 năm tại Chợ trời Aloha cho biết.

“Người Việt Nam mình bán ở đây khá đông, có thể nói là 40%, 50%. Công việc bán chợ trời ở đây chắc cũng giống ở những nơi khác. Cũng dậy sớm giống tụi này. 3 giờ sáng dậy. Chở đồ ra đây là khoảng 4 giờ sáng, đến 8, 9 giờ thì trải đồ ra xong. Khoảng 2 giờ mấy thì bắt đầu dọn. Về đến nhà cũng 5 giờ. Một ngày làm là từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Được cái khỏe là một tuần thì chợ mở có 3 ngày thôi.”

“Tụi này mua sỉ áo trơn về, tự làm mẫu mã. Áo in sẵn cũng có, nhưng sẽ lời ít hơn. Mình làm áo vào những ngày nghỉ. Ngày nghỉ vừa làm vừa coi phim hay uống bia cũng được.”

“Một ngày bán khoảng $1,000 tiền áo. Bán phải trên $1,000 thì coi như đủ vốn. Có những ngày lỗ, như hôm qua trời mưa, bán được khoảng $300-$400, lỗ cả công lẫn đồ. Thường những tháng ế là từ sau Hè, tháng 9 tháng 10, đến trước Hè. Cuối năm thì bán áo cũng ế, tại mấy cái mall bán đồ giảm giá, người ta đi mall. Năm nào cũng có những tháng ế, mình phải chịu. Đến mùa Hè thì đông. Mùa Hè họ bu vô là không thấy mình luôn. Họ bu mà cái sạp này mình nhìn không thấy vợ đâu hết.”

“Nhớ có một lần kỷ lục, bán được hơn $4,000. Nhớ lần đó mưa bão, người ta báo động mà tụi này vẫn cầm cự bán. Hết mưa người ta đi chợ, mình bán được. Làm nghề này vui nhất là bữa nào bán được hàng…”

***

Giữa những bãi biển tuyệt đẹp của Hawaii và những tòa nhà sang trọng dành cho khách du lịch đến nghỉ dưỡng, đâu đó là những người dân gốc Việt vẫn đang âm thầm ngày ngày cần mẫn buôn bán, sinh hoạt, để đóng góp phần mình vào cuộc sống đầy sắc màu của Hawaii.


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT