Thursday, April 25, 2024

Hội Ái Hữu Bạc Liêu Nam California tặng 500 phần ăn cho người vô gia cư

Tâm An/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Hàng trăm người vô gia cư đã được khoản đãi bữa cơm chiều với thực đơn sang trọng và đầu bếp chuyên nghiệp tại trung tâm O.C Health Care Agency, số 400 Santa Ana Blvd., thành phố Santa Ana do Hội Ái Hữu Bạc Liêu Nam California tổ chức vào chiều Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, 2019.

Đây là lần đầu tiên Hội Ái Hữu Bạc Liêu thực hiện chương trình ‘Feed The Homeless 2019’ (giúp người vô gia cư bữa ăn) theo sự khởi xướng của bà tân Hội Trưởng Tăng Ngọc Lan, nhằm tri ân người dân Mỹ đã cưu mang hàng triệu thuyền nhân và người tị nạn Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Theo báo cáo mới nhất của Tòa Bạch Ốc, tính tới Tháng Giêng 2018, có khoảng 552,830 người vô gia cư, chiếm 0.2% dân số Mỹ, trong đó có tới 65% người vô gia cư đang trú ngụ trong các nhà ở tạm (Shelter) còn lại hầu hết chịu cảnh lang thang, “màn trời chiếu đất.”

Theo tạp chí LA Times, hiện nay Orange County có gần 7,000 người vô gia cư. Trung Tâm O.C Health Care Agency hiện là nơi ở tạm thời của gần 300 người vô gia cư.

Từ 11 giờ sáng, hơn hai mươi thành viên của Hội Ái Hữu Bạc Liêu đã có mặt tại nhà bếp của trung tâm Orange County Rescue Mission (OCRM) ở Santa Ana để chuẩn bị 500 phần ăn.

Đầu bếp Danh Nguyễn (trái) từng làm việc tại hệ thống nhà hàng Mỹ Cheesecake Factory nấu món Mỳ Ý Tôm Nướng và soup thịt bò cho người vô gia cư. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Ông Ryan Wong, đại diện trung tâm OCRM, dẫn đoàn thiện nguyện cùng các phóng viên đi thăm một vòng nơi đây để thấy được ý nghĩa thiết thực của cái tên “Rescue Mission” (sứ mệnh cứu người). Đây là một trong hơn 10 trung tâm ở Orange County được lập ra để cứu vớt những mảnh đời bất hạnh, là nạn nhân của nạn bạo hành, hãm hiếp, nghiện ngập, v.v… mà muốn làm lại cuộc đời.

Nơi đây có đầy đủ phòng ở, nhà giữ trẻ, lớp học GED, điện toán, phòng cắt tóc, tập thể hình, sân chơi, nhà ăn đẹp và rộng hàng ngàn foot vuông. Nhà bếp đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, hệ thống tủ lạnh, tủ mát bảo quản thực phẩm chuyên nghiệp như nhà hàng. Ngoài ra còn có nhà kho chứa các đồ dùng thiết yếu như tã em bé, giấy vệ sinh, quần áo, đồ điện gia dụng đựng trên các giá đỡ cao như ở Costco. Theo ông Ryan Wong: “Tất cả những hàng hóa này đều do các mạnh thường quân và các cơ sở thương mại, các tổ chức thiện nguyện gửi tới giúp đỡ, hầu hết là hàng mới, trị giá hơn 10 triệu đô la.”

“Chúng tôi hiện đang giúp đỡ 262 người, trong đó có khoảng 80 trẻ em. Tất cả đều được cung cấp miễn phí nơi ăn chốn ở, chăm sóc y tế và dịch vụ trông trẻ. Ngoài ra chúng tôi còn giúp đào tạo nâng cao kiến thức, giúp họ tìm việc làm, thậm chí việc làm có lương cao.”

Trong số những người từng “làm lại cuộc đời” thành công, có một người phụ nữ gốc Việt tên Thủy Khúc. Mồ côi mẹ từ lúc còn là đứa trẻ trong trại tị nạn trước khi tới Mỹ vào khoảng 1975, ba lấy vợ khác khi mới 9 tuổi và ít được quan tâm, Thủy đã sa ngã vào nghiện ngập trong suốt 20 năm. Ngày cô tới Trung Tâm Rescue Mission là khi cô đang ở dưới đáy của cuộc đời: cô mang bầu ở tháng thứ sáu trong tình trạng không nơi ở, không việc làm, không chỗ dựa.

Câu chuyện về cô Thủy Khúc, người phụ nữ gốc Việt đã làm lại cuộc đời nhờ sự giúp đỡ của OC Rescue Mission được vinh danh để khuyến khích nhiều người noi theo. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Thế nhưng kể từ ngày vào trung tâm này, cô đã được nâng đỡ mọi thứ cả về vật chất và tinh thần. Cô được học tiếp để hoàn tất bằng GED, được dạy cách chăm con, làm mẹ và chu cấp mọi thứ cần thiết. Tháng Tám vừa qua, cô đã chính thức tìm được việc làm tại một hãng lớn ở California và đủ khả năng nuôi sống bản thân cũng như con của cô.

Câu chuyện của cô Thủy Khúc được in lên brochure để thắp lên niềm tin và hy vọng cho rất nhiều mảnh đời ở đây.

Năm vừa qua, tổ chức này đã phục vụ 1.5 triệu bữa ăn, cung cấp 157 ngàn đêm trú ngụ và 5,600 lớp đào tạo tay nghề cho những người kém may mắn.

Trở lại chương trình “Feed the homeless” của Hội Ái Hữu Bạc Liêu, với sự thiện nguyện của đầu bếp Danh Nguyễn, người đã từng làm bếp tại hệ thống nhà hàng Cheesecake Factory, các món ăn được hoàn thành chỉ trong vài tiếng. Thực đơn bao gồm tôm sú nướng, soup thịt bò và mì Ý. Ngoài ra còn có hàng nghìn hộp bánh cookie, bánh cupcake, bánh kem và nhiều bánh ngọt loại hảo hạng. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ của Trung Tâm OCRM, Hội Ái Hữu Bạc Liêu còn mang tới hàng trăm bộ quần áo, vớ ấm để tặng cho người vô gia cư.

Những người vô gia cư tại Courtyard Shelter ở Santa Ana xếp hàng chờ bữa ăn thiện nguyện. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Khi những chiếc xe chuyên chở thức ăn lăn bánh vào khuôn viên của nơi tiếp tế thực phẩm trong shelter, một hàng dài những người vô gia cư yên lặng, kiên nhẫn đứng chờ. Họ không hào hứng, náo nhiệt như ở trên Los Angeles. Nhiều người trong số họ có vẻ tự ti, mặc cảm và mệt mỏi. Trong hàng người dài đó, hầu hết là người Hispanic và Mỹ trắng, rất ít người Á Châu và da màu. Có khoảng 3-4 người Việt Nam.

“Tôi vào đây được hai tháng rồi. Trong này họ cho mình có bữa ăn, chỗ ngủ thôi, còn lại không có gì cả. An ninh thì kém lắm. Có mấy tháng mà tôi mất 3-4 cái điện thoại rồi,” người trung niên gốc Việt chừng 50 tuổi, có mái tóc nhuộm vàng nổi bật như nghệ sĩ tâm sự. “Tôi sang Mỹ từ năm 1975, ngày xưa tôi ở Sài Gòn. Tôi không có người thân, một năm nay thất nghiệp nên cứ lang thang từ Midway City, Westminster giờ về đây ở tạm chờ kiếm việc. Ở đây, ngoài tôi còn vài ba người nữa cũng là người Việt.”

Không hề giấu diếm, anh cho biết tên mình là Đào Hưng Đạo. Anh còn dẫn phóng viên đi gặp những người gốc Việt hiện đang ở đây. Cũng đang đứng xếp hàng chờ bữa ăn, người đàn ông 57 tuổi, dáng thấp nhỏ, khuôn mặt tiều tụy, hàm răng rụng gần hết, tâm sự: “Tôi sang Mỹ từ năm 13 tuổi. Tôi không nghiệp ngập gì cả nhưng vì gần đây, tôi bị đãng trí, lúc nhớ lúc quên, nên không có việc làm, phải vào đây tá túc.”

“Vậy anh có muốn tìm việc, làm lại cuộc đời không?” phóng viên nhật báo Người Việt hỏi.

Người đàn ông đáp lại với ánh mắt sáng lên đầy hy vọng: “Có chứ, tôi mong lắm. Tôi ở đây nhìn nhiều cảnh đời bất hạnh, họ than vãn hàng đêm, họ chìm vào nghiệp ngập, khiến cho tinh thần tôi đi xuống, bệnh của tôi càng nặng thêm. Tôi mong có việc làm để được ra khỏi nơi đây.”

Anh Đào Hưng Đạo, một trong những người gốc Việt đang ở tạm trong Shelter. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Ngoài hơn 40 thành viên của Hội Ái Hữu Bạc Liêu, còn có ca sĩ Lâm Nhật Tiến cũng tới giúp sức. Gần 5 giờ chiều, từng phần cơm, súp, bánh được gửi tới tay người vô gia cư.

Có người thốt lên: “Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ được ăn ngon như vậy!” Rất nhiều người vô gia cư khác gật đầu đồng tình. Họ liên tiếp nói làm cảm ơn và lời chúc tốt lành tới những người thiện nguyện.

Sau bữa cơm, Hội Trưởng Tăng Ngọc Lan còn nán lại trò chuyện với những người vô gia cư gốc Việt và giới thiệu họ tới tổ chức OCRM. Một vài mạnh thường quân trong hội hứa sẽ giúp đỡ tìm việc làm giúp họ. Bởi có câu ngạn ngữ: “Feed the man a fish, you feed him for a day. Teach the man to fish, you feed him for a lifetime” (Tạm dịch: Giúp người một con cá, bạn cứu sống họ một ngày. Dạy người ta biết câu cá, bạn cứu sống họ suốt cuộc đời).

Nói về ý nghĩa của chương trình này, bà Tăng Ngọc Lan cho biết: “Tôi cũng như hàng triệu người Việt tị nạn khác, tới đây từ hai bàn tay trắng. Chúng ta được người dân Hoa Kỳ mở rộng vòng tay cưu mang, cho cơ hội làm lại cuộc đời để có ngày hôm nay: nhà cửa ổn định, sự nghiệp trọn vẹn, con cái đã trưởng thành. Vì thế tôi mong muốn được làm những điều hữu ích để trả ơn lại cho đất nước này.”

Bà Tăng Ngọc Lan nói thêm:“Tôi tin là có rất nhiều người trong cộng đồng Việt cũng mong muốn như thế. Tôi mong rằng quý vị đồng hương hãy chung tay cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, cô đơn, những số phận kém may mắn trên đất nước đã cưu mang giúp đỡ chúng ta.” (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT