Thursday, April 18, 2024

‘Sơn’ – nước mắm được nhiều nhà hàng nổi tiếng sử dụng

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nước mắm, áo dài và phở là ba nét văn hóa Việt Nam được nhiều người ngoại quốc biết đến. Đó là tự hào của mình. Nhưng, tại sao chỉ có người ngoại quốc mới dám ăn nước mắm ngon trong lúc người gốc Việt lại hài lòng với những sản phẩm thấp hơn?”

Anh Danny Trần, đồng giám đốc công ty nước mắm Sơn, không khỏi thắc mắc về sự lựa chọn của đa số khách tiêu dùng người Việt tại Orange County.

Dù sao, nước mắm “Sơn” cũng sắp được bày bán khắp nơi trên đất Mỹ.

Với phẩm chất đặc biệt, chỉ trong năm năm, nước mắm “Sơn” đã gây dựng được uy tín của mình và được nhiều nhà hàng danh tiếng khắp nơi chọn dùng, như “The Slanted Door” ở San Francisco, từng được giải James Beard và cũng là nhà hàng có doanh thu cao nhất California.

Ngoài ra các nhà hàng khác cũng chọn dùng nước mắm “Sơn” là “Chom Chom” ở Hong Kong, “NKU” ở Đài Loan (được giải Michellin).

Những nhà hàng ở Las Vegas dùng “Sơn” là “MGM Group,” “Cosmopolitan,” “Treasure Island,” “T-Mobile Arena.”

Quay về khu Little Saigon, nhà hàng đoạt giải “Michelin Guide Bib Gourmand” là “LSXO” ở Huntington Beach, cũng dùng nước mắm “Sơn.”

Chưa hết, “Sơn” đoạt giải “Amazon’s Choice Award” và được tạp chí “Le Feu” của Úc bình bầu là ngon nhất.

Với ý muốn được làm rạng danh văn hóa ẩm thực Việt Nam, Danny Trần cùng vợ là Albee Trần nhập cảng loại nước mắm tinh khiết nhất, có phẩm chất cao nhất từ Việt Nam.

“Món ăn Việt ngày càng được nhiều người ưa chuộng thì việc quan trọng nhất là phải có nước mắm ngon với giá phải chăng,” Danny trình bày.

Danny và Albee trong kho chứa hàng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nước mắm là linh hồn của món ăn Việt, theo Danny. “Rất khó mà tìm được một món ăn Việt Nam mà không dùng nước mắm,” anh nói.

Là người rất thích ăn món Việt Nam mà gia đình vợ lại chuyên nghề sản xuất nước mắm từ nhiều đời, chuyện anh Danny muốn nhập cảng nước mắm chỉ là dĩ nhiên.

Anh chia sẻ: “Vợ chồng tụi em đi khắp nơi trên thế giới rồi. Mà đi tới đâu, chỉ vài ngày sau là em phải ăn món Việt. Mà muốn có thức ăn Việt ngon, phải có nước mắm ngon.”

Anh Danny nói: “Ngay cả đầu bếp giỏi của Mỹ, Pháp, Ý, Nhật… tất cả đều dùng nước mắm Việt Nam rồi.”

“Với nước mắm ‘Sơn,’ tụi em cũng muốn hỗ trợ những đầu bếp trẻ gốc Việt. Họ đã can đảm vượt thoát những lựa chọn nghề nghiệp thông thường để làm điều họ muốn làm. ‘Sơn’ sẽ là một công cụ hữu ích cho họ, anh tiếp.

Trở ngại lớn nhất để trở thành cái tên quen thuộc của mọi gia đình gốc Việt là “Sơn” gia nhập thị trường hơi trễ, theo nhận định của anh Danny. “Người mình đã quen dùng các loại nước mắm khác lâu rồi, nhất là giá có vẻ như rẻ hơn nên rất khó mà thay đổi,” anh nói. “Nhưng thực ra, ‘Sơn’ không đắt đâu.”

Hiện giờ, một chai nước mắm “Sơn” được các chợ quanh Orange County bán với giá $4.50 với dung tích 550 cl.

“Nhưng ‘Sơn’ là nước mắm đậm đặc nên muốn dùng thì phải pha loãng nên trên thực tế, 1 lít mốt nước mắm ‘Sơn’ chỉ có $2.25 mà thôi,” anh Danny trình bày.


Những giải thưởng “Sơn” từng đoạt. (Hình: Danny Trần cung cấp)

Theo cách nghĩ của anh Danny, vì người Việt sử dụng nước mắm hàng ngày, họ không nên tiết kiệm tiền một cách vô lý.

Anh nói: “Người mình, vì ham rẻ mà mua những loại nước mắm có nhiều hóa chất độc hại, Rất có thể số người mình bị ung thư ngày càng nhiều cũng vì vậy. Tiết kiệm tiền kiểu này thì cũng không đủ tiền thuốc, đó là chưa nói thân thể bị hành hạ.”

Anh thắc mắc: “Tại sao chỉ có người ngoại quốc mới chịu mua nước mắm ngon của mình? Tại sao chỉ có Mỹ, chỉ có Nhật hay Đại Hàn mới dám mua nước mắm ngon của mình?”

Nước mắm “Sơn” được sản xuất tại đảo Sơn Rái, thuộc Kiên Giang, Việt Nam. “Chữ ‘Sơn’ là từ tên hòn đảo này, nơi gia đình vợ em, Albee, đã làm nước mắm trên bốn đời tại đây, bắt đầu từ năm 1951,” Danny cho biết.

Anh nói đùa: “Bởi vậy, chính Albee mới là bà chủ chứ em chỉ là thư ký thôi.”

Albee, đồng giám đốc công ty nước mắm “Sơn,” nhỏ nhẹ nói: “Thực ra hai vợ chồng em cùng là giám đốc thôi. Nhưng ai là chủ cũng được miễn sao nước mắm ‘Sơn’ giữ được đặc tính của nó là loại nước mắm truyền thống.”

“Nước mắm truyền thống” là một sản phẩm làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, theo định nghĩa của cô Albee. “Cứ nhìn vào phần ‘ ingredients’ của ‘Sơn’ thì thấy, chỉ có cá cơm (anchovy) và muối biển thôi,” Albee nói. “Nước mắm truyền thống hoàn toàn không có hóa chất.”

“Ở Mỹ có điểm rất hay là mình không được giấu diếm bất cứ cái gì có trong thức ăn. Tất cả đều phải liệt kê rõ ràng. Cứ coi ‘ingredients’ của các loại nước mắm rẻ tiền đi thì thấy, toàn là tên hóa chất dài lê thê,” cô nói. “’Sơn’ rõ ràng là 100% ‘organic’ vì chỉ dùng cá cơm thiên nhiên thôi,” cô chỉ rõ.

Cá cơm của “Sơn” được lưới trong vùng Vịnh Thái Lan, hoàn toàn không ô nhiễm.

Nước mắm “Sơn” vừa được phân phối cho chợ. (Hình: Danny Trần cung cấp)

Khi được hỏi cái gì làm nước mắm “Sơn” tốt hơn những hiệu khác, cô ôn tồn nói: “Nước mắm ‘Sơn’ làm theo công thức truyền thống nên mất ít nhất là một năm mới xong trong lúc đa số chỉ cần ba tháng là xong vì họ xài hóa chất, vừa nhanh hơn, vừa rẻ tiền hơn.”

Theo cô Albee, muối hóa học rẻ hơn muối biển nhiều. “Họ pha muối hóa học vào nước, trộn bột ngọt, màu hóa học, mùi hóa học, đường ‘fructose’ và các loại cá rẻ tiền hoặc cá khô nghiền nát rồi gọi là nước mắm,” cô phân tích. “’Anchovy extract’ là bã cá cơm xay thành bột chứ không phải cá.”

Cô nói một cách tự tin: “Nước mắm ‘Sơn’ luôn duy trì hương vị và sự tinh khiết cũng như sự nguyên chất ở mức cao nhất.”

Để được vậy, mỗi lần xong một mẻ, gia đình cô Albee cho rửa sạch bồn ngâm cá. “Làm vậy vừa tốn công, vừa uổng phí nhưng phải vậy thì nước mắm mẻ sau mới thơm ngon được,” cô trình bày. “Các hãng khác không chịu rửa bồn nên có mùi nặng lắm.”

Cá cơm tươi của “Sơn” được ủ với tỉ lệ bảy tấn cá với ba tấn muối suốt một năm trong thùng gỗ mít để có hương vị đặc biệt.

Để bảo vệ truyền thống, “Sơn” chỉ dùng có ba “nước” thôi. Sau đó, họ bán bã cá cho những hãng nước mắm có phẩm chất kém.

Cô giải thích: “Nước đầu là nước mắm nhĩ, có độ đạm là 40, nước hai 33 và nước ba còn chừng 25.”

Trong lúc ấy, những loại nước mắm rẻ tiền chỉ có độ đạm cao lắm là từ 12 đến 16 mà thôi. “Tương đương với ‘nước’ bảy của ‘Sơn.’” cô so sánh.

Độ đạm ở mức 40 của nước mắm “Sơn” loại nước đầu, loại “nhĩ” là lý tưởng.

Ông bà giám đốc lu bu trong kho hàng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cô Albee giải thích: “Có độ đạm cao cũng chưa hẳn là nước mắm ngon. Độ đạm cao hơn 43 chỉ có nghĩa là nước mắm làm từ các loại cá lớn, do đó cần máy móc hay hóa chất.”

Cô thêm: “Cá lớn có bao tử nên khi lên men làm cho nước mắm rất nặng mùi. Họ dùng máy móc rút bớt nước ra khỏi nước mắm nên có độ đạm cao hơn.”

Cô kết: “Tóm lại, nước mắm thơm ngon vì chỉ làm bằng cá cơm mà thôi. Cá cơm ăn rong rêu, bao tử rất nhỏ. Nhìn cá cơm trong suốt nên rất thơm ngon kiểu cổ truyền Việt Nam.”

Anh Danny chia sẻ: “Trên một mức độ, nghệ thuật làm nước mắm cũng như nghệ thật làm rượu vang. Loại cá, nắng và cách ủ men là những yếu tố quan trọng để có sản phẩm tốt.”

“Nước mắm là máu của người Việt mình. Tụi em lúc nào cũng tôn trọng điều này.” anh Danny nghiêm chỉnh trong câu nói đùa.

Nước mắm, áo dài và phở là ba nét văn hóa nổi bật của Việt Nam trong lúc nước mắm cũng là yếu tố quan trọng của phở.

Đầu năm 2020, nước mắm “Sơn” sẽ được quảng bá khắp nơi trên nước Mỹ. “Tụi em đã chuẩn bị mọi thứ. Bây giờ chỉ còn đợi hàng đến rồi phân phối thôi,” anh Danny nói.

Càng được nhiều người biết đến, nước mắm “Sơn” sẽ càng được ưa chuộng, Danny tin tưởng.

Hy vọng lớn lao của Danny và Albee là người gốc Việt sẽ không chấp nhận dùng nước mắm có phẩm chất kém cỏi nữa. (Đằng-Giao)

–—
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT