Friday, April 26, 2024

Tân trụ trì chùa Bảo Quang: ‘Oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nhưng im lặng thì họ làm tới’

Ngọc Lan/Người Việt

Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’
Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

SANTA ANA, California (NV) – “Tôi là trụ trì theo lời di chúc. Hòa Thượng Thích Quảng Thanh có nói với tôi rằng ‘Phước Hậu, con là trụ trì thì con điều khiển thư ký, thủ quỹ, tất cả các ban’ chứ không phải họ (tức Hội Đồng Quản Trị của chùa – NV) điều khiển tôi,” Thượng Tọa Thích Phước Hậu, trụ trì chùa Bảo Quang ở Santa Ana, giãi bày những “oan ức” mà ông cho rằng mình đã phải mang trong suốt thời gian qua, khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt vào sáng Chủ Nhật, 15 Tháng Mười Hai, 2019.

Phóng viên Người Việt có mặt tại chùa Bảo Quang lúc 11 giờ 30 phút sáng với mục đích đưa tin liên quan đến việc “tổ chức bầu cử Ban Quản Trị” theo lời thông báo của Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Bảo Quang.

“Họ (Ban Quản Trị) là gia đình trị” 

Trả lời phóng viên báo Người Việt về những gì đang xảy ra tại chùa Bảo Quang, vị trụ trì nói, “Chúng tôi là tân trụ trì theo nguyện vọng của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh. Lúc hiện tiền còn sống, thầy muốn tôi lãnh vai trò trụ trì thay thầy trước khi thầy ra đi mãi mãi không có ngày về. Mong muốn của thầy chỉ là lo cho Phật pháp, dìu dắt Phật tử trên đường tu hành tụng kinh bái sám. Còn vấn đề tranh chấp thì chúng tôi không tranh chấp.”

Thượng tọa nhắc lại “sự kiện” ngày 17 Tháng Mười Một, được xem là ngày “phát pháo” khi một số Phật tử cho rằng gia đình bà Hoàng Thị Thương, người phụ trách bếp chùa Bảo Quang trong hơn 20 năm qua, có hai người con là Bạch Hoàng Lộc (Na) và Bạch Hoàng Christie (Trâm) là thành viên của Hội Đồng Quản Trị từ năm 2001, muốn “cướp chùa” bùng nổ.

Theo ông, sau khi cúng 100 ngày mất của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh thì bà Thương cũng “đi mãi mãi không về chùa này nữa.” Sau đó ít lâu, ông nhận được “thư mời mở cuộc họp.”

“Tôi suy nghĩ rất nhiều, chùa mình có gì đâu mà họp. Tôi thấy họp là họp với tư cách gia đình, giữa gia đình cô Thương và tôi thôi. Rốt cuộc vào ngày 17 Tháng Mười Một, lúc một giờ chiều, lúc họp thì mời một mình tôi, trong khi gia đình cô thì đem theo hai bảo vệ đứng trước gác cổng, leo cửa tự động vào, có nhà báo, luật sư đầy đủ, trong khi bên chúng tôi không có ai hết,” ông kể.

Ông nói tiếp, “Tôi là trụ trì mà tôi cảm thấy họ cho tôi là người ngoài cuộc, không có tư cách gì hết trơn, tôi thấy điều đó hoàn toàn vô lý.”

Cũng theo ông Hậu, “Khi vô họp, tôi không biết tiếng Anh, mà họ lại không cho Phật tử vào thông dịch cho tôi, trong khi họ chỉ nói tiếng Anh, điều đó tôi thấy không đồng ý lắm.”

“Chúng tôi chỉ mong muốn chùa Bảo Quang trở lại như xưa. Chúng tôi mong muốn Phật tử, bà con đồng bào xa gần về có một nơi thanh tịnh để tu, không có quậy phá gì hết. Chúng tôi cũng không có gì quậy phá trong chùa. Mọi việc, chỉ tự gia đình cô Thương bầu lên, chủ tịch này kia nọ, tự sắp xếp trong một nhà của gia đình cô thôi. Trong gia đình cô Thương, Na và Trâm là anh em ruột, chú Kiệt cũng là bà con dòng họ, điều nay có được luật pháp Hoa Kỳ đồng ý không? Cái đó gọi là gia đình trị,” trụ trì chùa Bảo Quang nói tiếp.

Các Phật tử chờ chứng thực chữ ký trong Thỉnh Nguyện Thư. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Bên đó đánh thì Phật tử chúng tôi bên này chỉ có đỡ thôi” 

Không cần phóng viên đặt câu hỏi, vị trụ trì tiếp tục giãi bày, “Là một vị trụ trì, tôi chỉ muốn đem lại bình an cho Phật tử. Người sống được bình an, người mất được siêu sanh Phật quốc. Nhiều lần quý vị hỏi, chúng tôi không trả lời, vì sao? Tôi nghĩ rằng tu hành có thăng có trầm, có oan ức. Nếu oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nên chúng tôi im lặng, dù có nói xấu bao nhiêu chúng tôi cũng không ‘care,’ vì lợi ích cho chúng sanh chúng ta phải im lặng.”

“Mà tôi im lặng hoài thì họ càng làm tới, họ không có sự im lặng. Mong muốn của họ như thế nào chúng tôi không biết. Bên đó đánh thì Phật tử chúng tôi bên này chỉ có đỡ thôi, chứ không biết sự tính toán. Vì lợi ích chúng sanh, chúng tôi chỉ muốn đem lại sự bình yên thôi,” ông nói.

Vị thượng tọa tiếp tục, “Tôi đi tu, là Phật pháp, còn đại diện cho Ban Hộ Trì Tam Bảo là chú Tony Bùi, chú Phúc là Thiện Tâm, và vợ chồng chú Hòa, Bác Sĩ Khải và chú Thuận. Hộ Trì Tam Bảo nghĩa là về pháp lý hành chánh thì mấy chú này đại diện cho chùa Bảo Quang, mọi chuyện về giấy tờ, tranh chấp gì đó thì mấy chú này giúp, còn tôi chỉ biết dìu dắt Phật tử tụng kinh bái sám.”

Thượng Tọa Thích Phước Hậu cũng nhắc lại chuyện “Ban Quản Trị nói tôi di chuyển tài sản bán con ó $5,500.” Sau khi giải thích lý do vì sao con ó đó được cho chùa Khánh Hỷ, cũng như chùa Khánh Hỷ đã trả lại con ó cho chủ nhân cúng dường, trụ trì chùa Bảo Quang cho rằng, “Đó là cái cớ họ tìm cách để chụp mũ tôi, chứ thật sự bên trong họ đi khác.”

Ông cũng nêu thắc mắc về vai trò của ông Luyến Phạm, người được cho là phát ngôn nhân của Hội Đồng Quản Trị chùa Bảo Quang. Theo vị trụ trì, ông chưa bao giờ thấy ông Luyến như là một Phật tử của chùa, cũng như tại sao ông Luyến lại đóng vai trò thông dịch trong khi ông Lộc và cô Christie đều có thể nói tiếng Việt được.

“Vừa rồi chú Luyến có nói không biết tài sản bên trong còn gì không, và muốn kiểm kê. Tôi hoàn toàn chỉ biết Phật pháp, còn kiểm kê tài sản chúng tôi đồng ý cho nhưng phải có điều kiện,” ông tiếp tục.

“Tôi là trụ trì theo lời di chúc. Hòa Thượng Thích Quảng Thanh có nói với tôi rằng ‘Phước Hậu, con là trụ trì thì con điều khiển thư ký, thủ quỹ tất cả các ban trong 20 người, còn lại 10 người đó, điều hành trong chùa cho tốt đẹp, chứ không phải họ điều khiển tôi, sai tôi đuổi ông thầy này, đuổi ông thầy kia là không theo đúng Phật pháp,” ông bày tỏ.

Ba ông Tony Bùi (phải), ông Hòa (thứ hai, phải), và ông Ngô Văn Thuận (thứ hai, trái) thuộc Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Bảo Quang đứng vây quanh và đôi lúc chen vào câu trả lời của Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong lúc phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn vị trụ trì chùa Bảo Quang. (Hình: Thanh Long/Người Việt)

“Còn nói tôi lấy tài sản thì tài sản đâu? Nhưng trước mắt thì chú Bạch Lộc di chuyển tài sản của tam bảo này đem về cho gia đình mình, chuyển địa chỉ nhà băng này đem về địa chỉ nhà mình là không đúng,” vị trụ trì nói không ngưng nghỉ, trong khi ông Tony Bùi, ông Ngô Văn Thuận (pháp danh Bảo Hòa), và ông Hòa (cả ba ông đều thuộc Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Bảo Quang) lần lượt đến đứng kế bên Thượng Tọa Thích Phước Hậu lúc ông đang trả lời phỏng vấn.

Sau 15 phút nói không ngừng nghỉ, vị trụ trì mới dừng lại để phóng viên hỏi “Theo thầy, nguyên nhân mâu thuẫn giữa tân trụ trì và Hội Đồng Quản Trị, đều là những người do cố Hòa Thượng Quảng Thanh cắt cử là vì đâu?”

Ông trả lời, “Không có gì gọi là mâu thuẫn. Nó rất bình thường. Tôi mới sang, không biết gì hết. Cô Thương nói ‘Thầy cần gì phải hỏi tôi, các Phật tử ai muốn cần gì, phải hỏi tôi. Tôi sẽ giải quyết cho.’ Tôi nghĩ tôi là một ông trụ trì do Hòa Thượng Thích Quảng Thanh di ngôn mà mình không có trách nhiệm gì hết, hành động khởi dạy đầu tiên của cô là tôi không biết một cái gì, mọi việc gia đình cô sắp xếp mình không hiểu…”

Trong khi vị trụ trì đang trả lời thì ông Tony chen vào nói, “Vấn đề đó quý vị nên tìm hiểu phía bên kia…”

Nhưng vị trụ trì vẫn nói tiếp, “Thật sự là chúng tôi không có sóng gió, không có vấn đề gì hết. Tôi có nói cô Thương cuộc sống bên Mỹ này có gì cô cứ chỉ cho tôi, tôi không có tự ái đâu, cô cứ thật lòng chỉ biểu, tôi sẽ nghe chứ cô đừng có ngại. Tôi coi cô cũng như người dì của tôi, và coi Na, Đại như những người em của tôi. Mọi việc làm là do tự gia đình cô đưa lên thôi, tự bầu tự làm chứ tôi không biết gì hết.”

“Còn Phật tử ở đây không chấp nhận là vì họ chỉ chấp nhận theo giấy tờ rõ ràng. Chứ đi họp biểu tôi làm cái này cái kia thì làm sao mà được. Tôi không biết vấn đề pháp lý ở đây thì làm sao mà tôi bầu được, tôi không có quyền. Quyền là của Phật tử, chùa là của cộng đồng tại đây, không phải của cá nhân tôi. Thật sự từ xưa giờ giữa tôi và gia đình cô Thương không có vấn đề gì hết, sóng gió chỉ từ cô Thương mà thôi,” ông nói thêm.

Phóng viên không hỏi thêm được vị trụ trì vì những vị trong Ban Hộ Trì Tam Bảo đứng chung quanh ông đã không cho ông nói thêm, mà đưa ông đi ra chỗ khác.

Thỉnh Nguyện Thư 

Cũng trong buổi sáng 15 Tháng Mười Hai, sân chùa Bảo Quang khá đông đúc, nhộn nhịp. Có người đến để tụng kinh, cầu siêu, cầu an. Có người đến để viếng cốt người thân đang được thờ cúng tại chùa. Bên cạnh đó, cũng có rất đông Phật tử mặc áo lam hay thường phục chờ đợi trước một góc của ngôi nhà bát giác để được chứng thực chữ ký với lệ phí $15 mỗi người.

Tờ giấy mà những người này chờ chứng thực chữ ký là một “Thỉnh Nguyện Thư” (Petition) do Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Bảo Quang soạn ra.

Nội dung Thỉnh Nguyện Thư này chỉ ra những sai phạm của ông Bạch Hoàng Lộc trong vai trò của thư ký Hội Đồng Quản Trị từ nhiều năm qua nhưng lại không tổ chức bầu cử theo “By Law.” Thỉnh Nguyện Thư cũng cho rằng thư ký và thủ quỹ đã hủy bỏ bản “By Law” gốc để tạo nên một bản mới mà các thành viên không được biết đến. Nội dung Thỉnh Nguyện Thư cũng yêu cầu “Attorney General” (Bộ Trưởng Tư Pháp) điều tra sự sai phạm của ông Lộc và cô Christie, đồng thời hướng dẫn để các thành viên của chùa Bảo Quang tổ chức bầu cử, tái sắp xếp lại theo đúng tinh thần “By Law” điều lệ đã nộp cho tiểu bang.

Thỉnh Nguyện Thư nêu sai phạm của Hội Đồng Quản Trị và bày tỏ ý muốn được tổ chức bầu cử lại. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Thỉnh Nguyện Thư này, theo lời ông Tony Bùi, một thành viên của Ban Hộ Trì Tam Bảo, được gửi ra “theo sự đề nghị của luật sư giúp đỡ chùa.”

“Luật sư nói chúng ta phải báo cáo cho chính quyền tiểu bang California biết những sai lầm mà Ban Quản Trị chùa Bảo Quang đã làm. Do đó, chúng tôi và các đồng bào Phật tử ở đây cùng nhau ký một Thỉnh Nguyện Thư gửi cho ông Tổng Trưởng Lý cũng như IRS. Vị luật sư đề nghị chúng tôi phải làm để chấm dứt những rối loạn mà những người hiểu lầm về ‘By Law’ cố tình tạo ra, khiến cho chùa náo động như là cô đã thấy,” ông Tony nói với báo Người Việt.

Khi được hỏi “Ai có quyền ký Thỉnh Nguyện Thư này? Ông Tony nói, “Phật tử nào cũng được quyền đóng góp và những Phật tử nào cảm thấy những điều này đúng thì họ được quyền ký.”

Tuy nhiên, ông Thuận giải thích thêm “Người ký phải là Phật tử chùa Bảo Quang.”

“Phải là những người sinh hoạt lâu ở đây hiểu được vấn đề ở đây, những người có công cán, đi thường xuyên, chứ những người lâu lâu mới đi thì mình không tính,” ông Thuận nói.

Ông Tony nói thêm, “Chúng tôi có danh sách có 800 người Phật tử của chùa. Khi có một cuộc họp khoáng đại chúng tôi phải mời tất cả Phật tử cùng tham dự để cùng bầu một ban đại diện.”

“Vậy cần bao nhiêu chữ ký thì đủ?” Người Việt hỏi thêm.

Ông Tony trả lời, “Không cần tính bao nhiêu chữ. Chỉ là làm rồi gửi lên chính quyền California để nói lên nguyện vọng của Phật tử ở đây đều tha thiết muốn sửa đổi, điều chỉnh chùa này đi theo đúng luật pháp.”

“Mình chỉ đang yêu cầu và trong thư này chúng tôi cũng có nói là trong quá khứ, chúng tôi đã làm sai nên cho chúng tôi cơ hội để điều chỉnh lại những sự việc theo đúng ‘By Law’ mà chúng tôi đã đệ nạp lên cho quý vị,” ông Tony giải thích.

Trả lời câu hỏi của Người Việt, “Vậy nếu họ không cho thì sao?,” ông Thuận nói, “Chuyện đó tính sau. Không cho thì thôi chứ sao.”

Với câu hỏi “Vậy thì bao lâu sẽ hết hạn ký Thỉnh Nguyện Thư?” cả hai ông đều nói, “Trước mắt phải lấy chữ ký trước đã.”

Người Việt định hỏi thêm, “Phật tử ở xa hoặc không biết thì làm sao ký?” nhưng ông Thuận chỉ cám ơn để kết thúc cuộc nói chuyện, còn ông Tony thì nói thêm, “Sao cô hỏi hoài!”

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả những vấn đề liên quan đến cáo buộc cho rằng Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng “phản thầy”; vì sao Thượng Tọa Thích Huệ Minh không tiếp tục ở lại trong chùa với vai trò trị sự theo di ngôn của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh; cũng như vì sao Thượng Tọa Thích Tuệ Đạt bị nhận lệnh trục xuất ra khỏi chùa trong 60 ngày. (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT