Wednesday, April 24, 2024

Little Saigon: Thực hư chuyện ‘tranh chấp’ chùa Bảo Quang (Kỳ cuối)

Ngọc Lan/Người Việt

Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?

WESTMINSTER, California (NV) – Xoay quanh đến những “đồn đãi” về chuyện tranh chấp chùa Bảo Quang, một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Orange County, đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới Phật tử, trong Kỳ 1 và Kỳ 2 của loạt phóng sự này, phóng viên Người Việt đã trình bày các vấn đề liên quan đến hoạt động của chùa Bảo Quang, về những thành viên trong Hội Đồng Quản Trị, về vị trụ trì hiện tại, cũng như các vấn đề tài chánh của chùa.

Bên cạnh đó, “di chúc” của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh để lại là gì; Hòa Thượng Thích Chơn Thành, người được sự ủy thác của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh giúp cho trụ trì hiện tại của chùa lo tất cả mọi việc liên quan đến pháp lý của giáo hội, nói gì chung quanh vụ “lùm xùm” này; và Phật tử đặt vấn đề về việc điều hành trước nay của chùa Bảo Quang sai ra sao. Đó là những vấn đề phóng viên Người Việt đề cập trong kỳ cuối của phóng sự này.

Cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh có để lại “di chúc” không?

Chùa Bảo Quang được thành lập từ năm 1990 theo quy chế của một công hội tôn giáo và từ thiện bất vụ lợi (A Non-Profit Religious and Charitable Corporation), và người sáng lập là cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.

Từ lúc thành lập cho đến ngày Hòa Thượng Thích Quảng Thanh viên tịch hôm 9 Tháng Sáu, 2019, mọi chuyện ở chùa Bảo Quang đều diễn ra trong vòng quy củ, tốt đẹp. Tuy nhiên, kể từ lễ cúng 100 ngày mất của ông, thì Bảo Quang Tự thật sự “dậy sóng.”

Văn bản thành lập chùa Bảo Quang năm 1990. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong ngày này, một đoạn ghi âm được cho là lời của Thượng Tọa Thích Phước Hậu, trụ trì chùa Bảo Quang, nói với ai đó và được các Phật tử ghi âm lại, đã đề cập đến vấn đề thừa kế chùa cũng như di chúc của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.

“Tôi nói thật với chú, chùa này ai cũng biết, khi thầy Quảng Thanh ở trong bệnh viện nói tôi được thừa kế, thầy công nhận điều đó không? (tiếng người kia trả lời: ‘đúng rồi’). Bây giờ nói là không có di chúc. Đâu có lật ngược được,” lời người được cho là Thượng Tọa Thích Phước Hậu nói bằng giọng đầy bực tức.

Cũng trong cuộc nói chuyện được ghi âm đó, người được cho là Thượng Tọa Thích Phước Hậu còn nói, “Mắc gì phải tốn tiền nuôi mấy thằng nhà báo? Mắc gì phải nuôi mấy thằng đó, lúc $500, $300, lấy tiền đâu?”

Liên quan đến chuyện này, nhà báo Nguyễn Thanh Huy, phóng viên báo Việt Báo, lên tiếng, “Kể từ lúc thầy Quảng Thanh mất cho đến lúc cúng 100 ngày của thầy, thì bà Thương đều gọi tôi để nhờ đưa thông báo cũng như đi đăng báo cho mọi người biết, chứ bà Thương không trực tiếp liên lạc với phóng viên báo đài nào hết. Cho nên điều thầy Phước Hậu nói là không đúng.”

Bà Hoàng Thị Thương, người làm công quả ở bếp chùa Bảo Quang từ hơn 20 năm qua, cho biết, “Ngay chiều hôm cúng 100 ngày thầy Quảng Thanh, thì Hòa Thượng Thích Chơn Thành và Thích Chơn Tôn của chùa Liên Hoa gặp tôi để nêu lên một số vấn đề. Thứ nhất là các thầy hỏi về giấy thầy Quảng Thanh bảo lãnh cho thầy Phước Hậu sang Mỹ. Thứ hai là hỏi giấy ủy quyền chùa Bảo Quang, ai là người làm chủ. Thứ ba là hỏi di chúc của Hòa Thượng Quảng Thanh.”

Ngày hôm sau, cũng tại chùa Bảo Quang, anh Lộc Hoàng Bạch (con trai bà Thương), trong vai trò là thành viên Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang, đã trả lời các câu hỏi trên, rằng, “Không có giấy tờ yêu cầu bảo lãnh thầy Phước Hậu, mà chỉ có thư Hòa Thượng Quảng Thanh mời thầy Phước Hậu sang dự lễ Phật Đản. Về giấy ủy quyền chùa Bảo Quang thì thầy Quảng Thanh không có ủy quyền cho ai hết, vì chùa có ‘Board of Directors.’ Thứ ba là di chúc của chùa Bảo Quang thì ngày trước di chúc này làm cho thầy Thích Nhuận Hùng. Nhưng sau này khi hai thầy xích mích thì tên của thầy Thích Nhuận Hùng được lấy ra khỏi di chúc, và không để tên ai khác vô. Ngoài ra, thầy Quảng Thanh chỉ có di ngôn là để thầy Phước Hậu làm trụ trì thôi.”

“Di ngôn” của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh được mọi người nhắc đến và xem đó là lời bảo đảm cho tất cả mọi việc liên quan đến chùa Bảo Quang chính là một video clip quay lại cuộc nói chuyện của cố viện chủ chùa Bảo Quang ngay tại giường bệnh trong bệnh viện vào ngày 5 Tháng Sáu, 2019, bốn ngày trước khi ông qua đời.

Trong video clip đó có Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ, chủ tịch Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (GHPGVNTTG); anh Lộc Hoàng Bạch; Thượng Tọa Thích Phước Hậu; một nhân viên bệnh viện và một số người không rõ mặt.

Trong đoạn video này, được quay và thu lại theo lời yêu cầu của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, ông có nhắc đến một số điều sau: Chùa Bảo Quang là tài sản của chùa Bảo Quang. Trước sau như một, thầy muốn tài sản này là của Phật Giáo. Cá nhân thì có thầy Phước Hậu làm trụ trì. Board of Directors thì là Na (tức Lộc Hoàng Bạch) và Trâm (tức Christie Hoàng Bạch), và “Thầy muốn về sau không có sự cạnh tranh.”

“Có thầy hay không có thầy nó (chùa Bảo Quang) vẫn là tài sản của Phật Giáo hải ngoại, và Phật Giáo hải ngoại này có thể dùng nó làm tài sản để phát triển Phật Giáo hải ngoại chung nếu sự phát triển này chính đáng,” Hòa Thượng Quảng Thanh nói trong video.

Quay về phía anh Lộc, Hòa Thượng Quảng Thanh, nói, “Con cũng vậy, cố gắng giúp cho thầy, từ buổi đầu mới mua, cho đến khi cuối cùng, nó vẫn là tài sản của Phật Giáo, của sự phát triển Phật Giáo hải ngoại.”

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cũng khẳng định chùa Bảo Quang không còn nợ ai bất kỳ món tiền nào.

Cũng trong buổi này, cố Hòa Thượng, nói, “Chùa có thể xây cất được nhưng mà để có sự tiếp nối giữ gìn văn hóa” và “Thầy lặp lại nè, nghe nè, sợ cái điều là không hòa hợp với nhau để gìn giữ tài sản, chứ không phải là sợ tốn tiền.”

Câu chuyện từ Hòa Thượng Thích Chơn Thành

Chiều Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, 2019, tại chùa Liên Hoa ở thành phố Garden Grove, ngay khi nghe phóng viên Người Việt đến để tìm hiểu về những vấn đề “lùm xùm” của chùa Bảo Quang, Hòa Thượng Thích Chơn Thành đã tự động đi vào bên trong mang ra một xấp hồ sơ và nói “Đây là giấy tờ liên quan đến chùa Bảo Quang mà Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã mang đến cho thầy trước khi ông mất.”

“By Law” của chùa Bảo Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Viện chủ chùa Liên Hoa giải thích luôn, “Sở dĩ thầy Quảng Thanh mang đến đưa thầy vì ở đây chỉ có thầy thân thiết với ông ấy nhất. Không chỉ vậy, thầy là phó thượng thủ GHPGVNTTG, còn thầy Quảng Thanh là chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTTG.”

Trong số giấy tờ liên quan đến chùa Bảo Quang mà Hòa Thượng Thích Chơn Thành đang giữ có hồ sơ thành lập chùa Bảo Quang theo quy chế của một công hội tôn giáo và từ thiện bất vụ lợi (A Non-Profit Religious and Charitable Corporation), có “By Law” (Điều lệ), có “Regulations (Nội quy), có “Article of Incorporation” của chùa Bảo Quang, và nhiều chứng từ khác.

Hòa Thượng Thích Chơn Thành đưa văn bản “By Law” của chùa năm 1990 và nói, “Chùa Bảo Quang đầu tiên chỉ có thầy Quảng Thanh làm trụ trì, và thầy Nhuận Hùng làm thư ký thôi.”

Tuy nhiên, Ban Chấp Hành (Executive Committee) được ghi trong văn bản thành lập chùa Bảo Quang khi đó bao gồm: Hòa thượng Thích Quảng Thanh (chủ tịch), Hòa Thượng Thích Nhuận Hùng (thủ quỹ) và Waren Powers (thư ký).

Tên những thành viên trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang năm 1990. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Đồng thời, Hòa Thượng Chơn Thành cũng đưa Biên Bản Họp Bất Thường và Giáo Chỉ bổ nhiệm Thượng Tọa Thích Phước Hậu làm trụ trì chùa Bảo Quang từ ngày 18 Tháng Sáu, 2019, với đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội Đồng GHPGVNTTG.

“Thầy Quảng Thanh đã trải qua ít nhất 10 năm cực khổ để hoàn thành chùa Bảo Quang, không chỉ là đi vay mượn tiền bạc, mà còn là công sức mỗi ngày thầy Thích Quảng Thanh và thầy Thích Nhuận Hùng bỏ ra từ sáng đến tối leo lên mái nhà, mái chùa sửa sang, xây cất,” Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói.

Ông nói thêm, “Thầy Nhuận Hùng từng giúp thầy Quảng Thanh rất nhiều. Nhưng sau đó thì thầy Nhuận Hùng phạm phải một sai lầm lớn, được coi là phản thầy, nên bị đuổi ra khỏi chùa. Chuyện này xảy ra cũng mấy năm trước. Khi thầy Quảng Thanh sắp mất, được đưa về chùa Bảo Quang, thầy Nhuận Hùng có ghé đến để xin lỗi nhưng thầy Quảng Thanh không chấp nhận.”

Lời kể của Hòa Thượng Chơn Thành cũng đã giải thích được lý do vì sao tên của Hòa Thượng Thích Nhuận Hùng bị lấy ra khỏi “Di Chúc” như anh Lộc Bạch đã cho biết.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao chùa Bảo Quang lại xảy ra những chuyện “lộn xộn,” thầy Chơn Thành cười nói, “Cũng vì tranh giành quyền hành thôi, tranh giành coi ai làm chủ của chùa.”

Ông nói thêm, “Thầy Quảng Thanh đã không nghĩ đến chuyện tương lai khi chọn Board of Directors. Đối với Phật Giáo, dù là Board of Directors hay là làm gì, thì cũng phải là đệ tử, phải có quy y tam bảo, phải biết quy luật của Phật Giáo, phải biết Phật Pháp, phải là người Phật tử thuần thành. Trong trường hợp của thầy Quảng Thanh, vì quen biết quá nên thầy đã không lựa chọn những tiêu chuẩn đó, không nghĩ tới đó. Nhưng với Giáo Hội thì đó là điều quan trọng nhất.”

“Bên cạnh đó, chọn vị trụ trì cho chùa cũng khó lắm. Chính vì vậy mà tại sao khi thầy Quảng Thanh mất rồi mới nổi lên những vấn đề lộn xộn như vậy,” vị Hòa Thượng có vị trí cao nhất trong GHPGVNTTG nói.

“Trong tình thần với Hòa Thượng Thích Quảng Thanh trong suốt mấy mươi năm qua, có bao giờ thầy nghe thầy Quảng Thanh phàn nàn gì về Board of Directors của chùa Bảo Quang chưa?” phóng viên Người Việt hỏi.

“Chưa. Thầy Quảng Thanh chưa bao giờ nói gì về những thành viên của Board of Directors,” Hòa Thượng Thích Chơn Thành trả lời.

“Về phần Thượng Tọa Thích Phước Hậu, theo thầy việc bổ nhiệm thầy Phước Hậu làm trụ trì có hợp lý không?” phóng viên Người Việt hỏi tiếp.

“Trên phương diện giáo hội thì là hợp lý. Nhưng cũng chỉ là tạm thời thôi, do di chúc của Hòa Thượng Quảng Thanh, bởi vì thầy Phước Hậu chưa có giấy tờ thường trú. Thầy Quảng Thanh không làm di chúc bằng giấy tờ, qua luật sư, mà chỉ di chúc bằng miệng được ghi âm, thu hình lại, thì đó cũng coi như là di chúc của trụ trì,” ông nói.

Người Việt hỏi thêm, “Theo hòa thượng, hướng giải quyết cho chùa Bảo Quang nên như thế nào?”

“Trong tương lai, tôi đề nghị với thầy Phước Hậu hãy cố gắng học tiếng Anh, học văn hóa, học cách xã giao của xã hội này để nếu chính phủ cho ở lại Mỹ thì biết cách đối xử, ứng xử với các Phật tử theo đời sống của xã hội Mỹ. Giáo hội cũng sẽ hướng dẫn thầy Phước Hậu phải biết mềm mỏng hơn, linh hoạt hơn, chứ ông ấy mới từ Việt Nam qua nên cũng còn hơi lung tung một chút. Tất cả đều phải học hỏi,” trụ trị chùa Liên Hoa nói.

Ông tiếp, “Đồng thời, trong tương lai, nếu muốn cho chùa yên ổn thì phải mời tất cả Phật tử tới, hỏi ý kiến các Phật tử, rồi tạo ra Board of Directors mới.”

“Nếu những người trong Board of Directors hiện tại không rút lui thì sao?” Người Việt hỏi.

“Ở đây mình thực hiện tinh thần dân chủ, không áp đảo hay hà hiếp ai hết. Mình hỏi ý kiến của các Phật tử, chỉ vậy thôi. Nhưng giờ mình chưa làm chuyện đó. Tuy nhiên, khi chùa đi đến chỗ lộn xộn quá thì giáo hội phải can thiệp,” vị phó thượng thủ GHPGVNTTG trả lời.

Ông cười nói thêm, “Chùa có yên thì Phật tử mới tới.”

Phật tử chùa Bảo Quang nói gì?

Ngày Thứ Tư, 21 Tháng Mười Một, 2019, ông Tony Bùi, một Phật tử của chùa Bảo Quang, cũng là người được xem là khá thân cận với cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, đã đến gặp phóng viên Người Việt để nêu một số vấn đề liên quan đến “By Law” (Điều Lệ) của chùa Bảo Quang.

Ông Tony Bùi, Phật tử chùa Bảo Quang, đề nghị thành lập Hội Đồng Quản Trị và Ban Điều Hành mới cho chùa Bảo Quang theo đúng “By Law” của chùa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Tony cho rằng, “Theo đúng By Law của chùa Bảo Quang, thì Hội Đồng Quản Trị của chùa phải có 20 thành viên, từ đó chọn ra Ban Điều Hành không dưới 10 người và không quá 20 người. Nhưng từ nhiều năm qua, thầy Thích Quảng Thanh có thể do không hiểu hết tiếng Anh nên đã làm sai nguyên tắc nêu trên. Tuy nhiên, hai thành viên trong Ban Điều Hành là cô Christie Hoàng và ông Lộc Hoàng là những người hiểu tiếng Anh đã không hề giúp thầy Quảng Thanh điều chỉnh sai lầm này, để trong suốt thời gian qua, ban điều hành vẫn chỉ có ba người mà thôi.”

Đồng thời ông cho biết, “Chúng tôi sẽ quy tụ các Phật tử từng đóng góp tiền của cho chùa Bảo Quang họp lại để bầu ra Hội Đồng Quản Trị mới, và từ đó sẽ bầu ra ban điều hành mới cho đúng với tinh thần của By Law.”

“Những điều này tại sao ông và các Phật tử khác không đề cập đến khi thầy Quảng Thanh còn sống?” phóng viên Người Việt hỏi.

“Vì thầy Quảng Thanh ‘rất dữ’ nên khi thầy còn sống không ai dám nói lên những điều sai lầm của chùa. Giờ thì mọi người muốn mọi chuyện nên theo đúng luật,” ông Tony trả lời.

Khi được hỏi tiếp, lúc sinh thời có bao giờ Hòa Thượng Quảng Thanh phàn nàn về những thành viên trong Hội Đồng Quản Trị hay không? Ông Tony suy nghĩ một lúc và trả lời “Tôi chưa bao giờ nghe!”

Điều ông Tony Bùi đề cập đúng là trong “By Law” của chùa Bảo Quang đã đưa ra.

Trong buổi họp báo diễn ra vào chiều Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một, 2019, do Hội Đồng Quản Trị chùa Bảo Quang tổ chức tại tòa soạn Việt Báo, phóng viên Người Việt cũng đã nêu vấn đề trên, thì được Luật Sư Nelson Wu, là luật sư của chùa Bảo Quang, trả lời rằng, “Liên quan đến số thành viên trong Hội Đồng Quản Trị, theo luật California, phải có một thành viên, và theo hồ sơ mà chùa đã nộp cho tiểu bang từ đầu thì chỉ đặt ra ba người thành viên.”

Luật Sư Nelson Wu, người thông dịch, anh Lộc Hoàng Bạch – chủ tịch Hội Đồng Quảng Trị chùa Bảo Quang, và ông Luyến Phạm – người điều hợp chương trình, tại buổi họp báo vào chiều Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Phóng viên Người Việt cũng hỏi về “Biên Bản Họp để chỉ định các thành viên Hội Đồng Quản Trị của chùa là ai?”

Luật Sư Wu cho rằng, “Theo điều lệ của chùa, thì tất cả thành viên của Ban Quản Trị có quyền trở thành một viên chức (officer). Theo luật của California, họ không đòi hỏi phải cho biết những thành viên của Hội Đồng Quản Trị, mà chỉ hỏi thành viên điều hành là ai mà thôi. Và theo điều lệ của chùa thì để trở thành thành viên ban điều hành, người đó phải là thành viên của Hội Đồng Quản Trị. Điều này cũng có hơi khác biệt một chút, nhưng những người trong ban điều hành đó là thành viên Hội Đồng Quản Trị.”

Trả lời cùng câu hỏi này cho Người Việt sau đó, anh Lộc Bạch cho biết, “Toàn bộ giấy tờ liên quan đến chùa, các biên bản họp từ đầu, đều do thầy Quảng Thanh cất giữ, không giao cho ai, nên tôi không hề nghe nói đến biên bản họp chỉ định đó, chỉ biết từ khi thầy mời chị Christie và tôi vào Board of Directors thì chúng tôi cứ theo đó mà giúp những gì thầy cần.”

Điều anh Lộc nói trùng hợp với điều Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói, “Toàn bộ giấy tờ của chùa, thầy Quảng Thanh đều mang qua giao cho thầy trước khi mất.”

Có lẽ, đã đến lúc chùa Bảo Quang cũng như tất cả các cơ sở tôn giáo đều phải thực thi tinh thần dân chủ như Hòa Thượng Thích Chơn Thành đã nói, “Hãy hỏi ý kiến Phật tử.” (Ngọc Lan)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT