Friday, March 29, 2024

Ly dị không còn là cấm kỵ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – Một phóng sự đăng tải trên tờ Los Angeles Times mới đây cho thấy vấn đề ly dị, từng là điều cấm kỵ trong cộng đồng người Việt, nay đang dần được chấp nhận.

Theo bài viết của nữ ký giả Anh Đỗ, mức độ ly dị của người Mỹ gốc Việt hiện vẫn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, nhưng đang tiến gần hơn, do các thế hệ sau ngày càng ảnh hưởng nhiều tới quan niệm của thế hệ trước đó.

Bà Mimi Hồ, 48 tuổi, sống ở San Jose, kể với tác giả bài báo rằng từ nhiều năm vẫn phải chịu đựng nhiều đòi hỏi, không chỉ từ ông chồng, mà còn cả phía họ hàng nhà chồng và cả các chú bác cô dì.

Bà Mimi, làm nghề giữ trẻ, lại còn phải bán quần áo để sống, cảm thấy mình sao giống như kẻ đi ở đợ hơn là sống trong một gia đình.

“Tôi luôn phải làm đủ mọi chuyện, nấu ăn, giặt giũ, may vá, hết chuyện này tới chuyện kia,” bà Mimi cho hay.

Khi bà muốn chấm dứt cuộc hôn nhân, các cú điện thoại từ Việt Nam sẽ gọi sang, và mẹ của bà khẩn nài con đừng nghĩ đến việc ly dị.

Nhưng người em gái út của bà, tên là Susie, cũng là người em duy nhất sinh ra ở Mỹ, thuyết phục là bà hãy tự chọn con đường cho mình.

“Em tôi hỏi, tại sao chị chịu sống như vậy? Đây là xứ Mỹ mà. Cha mẹ mình từ bỏ mọi thứ để đến đây để được tự do,” bà Mimi kể. “Em gái tôi muốn tôi phải có tự do cho chính mình.”

(Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Và khi ly dị vào năm 2015, sau 16 năm chung sống, bà Mimi Hồ trở thành một trong số những người di dân gốc Việt vượt qua một sự cấm kỵ mà họ mang theo sau hơn bốn thập niên đến Mỹ với tư cách là người tị nạn.

Nhiều người trong số những người đến Mỹ ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 thường gạt bỏ những lời nói liên quan đến việc ly dị, tạo áp lực lên chính họ, cũng như con cái họ, là phải tiếp tục duy trì hôn nhân.

Việt Nam hiện là một trong số các quốc gia có mức ly dị thấp nhất trên thế giới, chưa bằng 1/10 mức ly dị ở Mỹ, vốn ở trong số cao nhất, theo các dữ kiện của Liên Hiệp Quốc liên quan đến gia đình.

Mức độ thấp này một phần được giải thích là vì có nhiều gia đình Công Giáo trong cộng đồng người Việt.

Ngoài ra, khi khởi sự tị nạn ở Mỹ, nhiều người đến nơi đây với hầu như hai bàn tay trắng. Sống chung với nhau giúp họ đương đầu với các thử thách trong môi trường mới, khi phải học ngôn ngữ mới, khởi sự lập nghiệp, và thích ứng với đời sống mới nơi xứ người.

Bài báo của ký giả Anh Đỗ cho hay sau mấy thập niên, cũng cùng sức mạnh hội nhập đó, vốn cũng từng ảnh hưởng tới các nhóm di dân khác trước đó, bắt đầu bén rễ vào cộng đồng người Việt.

Ngày nay, mức ly dị trong các gia đình người Mỹ gốc Việt, tuy vẫn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước Mỹ, đang tiến gần sát hơn.

Theo kết quả nghiên cứu dựa trên dữ kiện của thống kê dân số Mỹ, nhà xã hội học Philip Cohen tại đại học University of Maryland nói rằng cứ 1,000 cuộc hôn nhân trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì có 16 vụ ly dị. Mức trung bình của cả nước Mỹ là 19.

Giáo Sư Linda Võ, chuyên nghiên cứu về vấn đề người Mỹ gốc Á Châu tại đại học UC Irvine, cho hay “trước đây người ta cảm thấy có bổn phận phải tiếp tục chung sống vì áp lực tài chánh hay vì được bảo trợ sang Mỹ cùng với nhau hay do phải đáp ứng sự trông đợi theo truyền thống gia đình. Họ không muốn than thở với ai vì sợ xấu hổ.”

Giáo Sư Linda Võ cho biết thêm: “Một khi họ thấy có thêm nhiều người chung quanh có quyết định này, trở thành những chuyện thông thường hơn, thì họ cảm thấy thoải mái hơn để làm điều muốn làm.”

Ở những khu đông người Việt sinh sống, như Little Saigon ở Orange County, các chỉ dấu này được thấy ở khắp nơi.

Bài báo LA Times cho biết ở những nơi này, người ta thấy đầy những quảng cáo giúp ly dị dễ dàng, qua các tờ flyer ở các cột đèn, thân cây ở góc phố, hay trên bảng của các xe quảng cáo. Nếu quảng cáo đăng trên những tờ nhật báo và tạp chí của các văn phòng luật sư trước đây thường chỉ nói về dịch vụ giúp vào quốc tịch, thẻ xanh, hay visa du học, thì nay là giúp ly dị nhanh chóng.

Luật Sư Tina Phạm Đào Bạch Tuyết, có văn phòng ở Westminster và chuyên về luật gia đình, cho hay có tới 70% trường hợp thân chủ của bà lúc này liên hệ đến vấn đề ly dị. Mỗi tuần bà có chương trình nói chuyện trên đài truyền hình và truyền thanh, để trả lời câu hỏi về việc ly thân, ly dị, trả tiền cấp dưỡng vợ, con, cũng như các vấn đề khác khi cặp vợ chồng chia tay.

“Tôi nói rất rõ ràng về vấn đề này. Khán thính giả cám ơn tôi vì không giấu diếm điều gì,” Luật Sư Tina Phạm Đào Bạch Tuyết cho hay.

“Thỉnh thoảng, có ông hỏi tôi: ‘Tại sao bà đề cập đến chuyện đó làm gì? Vợ tôi không hề biết là tôi phải chia tiền để dành trong quỹ hưu 401(k),”’ bà cho hay.

Cũng theo vị nữ luật sư, đời sống trong gia đình Việt ở Mỹ đã thay đổi trong những năm qua.

Bà nói rằng nếu trước đây các bậc cha mẹ quyết định vấn đề ly dị thì nay chính các con họ cũng góp phần đề nghị họ chia tay. “Chúng hỏi cha mẹ là: ‘nếu sống với nhau khổ quá thì sống làm gì?’”

Cũng cùng kinh nghiệm này, bà Nga Nguyễn, 51 tuổi, một người làm tóc, ly dị chồng 10 năm trước đây, có hai đứa con, cho hay con trai nhỏ nhất của bà, nay 18 tuổi, hỏi “ba mẹ cũng giống như người muốn tắt đèn, người đòi mở đèn. Tại sao hai người không ở nhà riêng để muốn làm gì thì làm?”

Và không chỉ chia tay, các cặp vợ chồng người Mỹ gốc Việt nay càng có khuynh hướng ra tòa đòi quyền lợi của mình.

Luật Sư Lynn Quách, chuyên về luật ly dị và có văn phòng tại Newport Beach, nói rằng nếu trước kia các thân chủ muốn giàn xếp ổn thỏa thì nay họ muốn ra trước tòa để đòi chia phần của mình.

Luật Sư Tina tiết lộ một yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng ly dị là vì có nhiều ông khi trở về Việt Nam, để du lịch hay làm ăn, lúc trở lại có thêm người tình trẻ hơn, có cá tính “truyền thống Việt Nam hơn” và sau cùng chia tay với vợ để lấy người mới này.

Cô Taylur Ngô, 38 tuổi, cho nhà báo Anh Đỗ hay phải ngồi xuống nói với cha mẹ về việc ly dị vào năm 2013.

“Cha mẹ tôi rất ngạc nhiên. Họ không ngờ là điều này xảy ra. Nhưng sau cùng cha mẹ tôi ủng hộ tôi. Cha mẹ tôi chấp nhận quyết định của tôi, cho dù điều đó có thể làm họ buồn lòng.”

Cô Taylur Ngô nói rằng “các bậc cha mẹ người Việt thường nói: ‘Đừng là nghệ sĩ. Đừng là người đồng tính. Đừng ly dị.’ Đối với tôi đây là những điều cấm kỵ không cần thiết,” cô cho hay.

“Chúng ta nay trở thành công dân của cả hai thế giới. Và một phần của kinh nghiệm cuộc sống Mỹ là đón nhận lấy những gì từng khiến chúng ta sợ hãi ở quê nhà mình trước đây.” (V.Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT