Thursday, April 25, 2024

Đêm nhạc ‘Về Nơi Gió Bão’ thu được $1,200 giúp nạn nhân bão Harvey

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Kết thúc đêm nhạc “Về Nơi Gió Bão” để gây quỹ giúp nạn nhân thiên tai tại Hoa Kỳ vừa được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều Thứ Bảy, 23 Tháng Chín, ban tổ chức thu được $1,200.

Đêm nhạc do nhóm ca sĩ thân hữu, với tinh thần lá lành đùm lá rách, đặc biệt hát về nhạc lính để giúp nạn nhân hai trận bão Harvey, những người đã mất mát rất nhiều trong cơn bão lụt kinh hoàng tại Mỹ vừa qua.

Ca sĩ Mai Dung, trưởng ban tổ chức đêm nhạc, người nặng lòng với người lính VNCH, đứng ra tổ chức đêm nhạc lính này với tâm trạng của người Việt hải ngoại trong tinh thần đùm bọc những nạn nhân bão lụt tại Mỹ, cũng như nhớ về một thời chiến tranh với cơn bão lửa đạn tơi bời trên quê hương Việt Nam.

“Đã từ lâu, tôi ấp ủ việc tổ chức một chương trình tình ca cho lính. Và chương trình này có nhiều giọng ca trẻ hát về nhạc lính, chứng tỏ các bạn trẻ cũng biết đến dòng nhạc này. Đây cũng là dịp để anh chị em ca nhạc sĩ chúng tôi muốn đóng góp vào cuộc cứu trợ nạn nhân của cơn bão Harvey do nhật báo Người Việt kêu gọi,” cô nói.
MC Đặng Tam Lang cũng tâm tình rằng: “Đa số chúng ta đều xem nước Mỹ như quê hương thứ hai của mình, đã yêu thương nước Mỹ như chính quê hương Việt Nam. Cơn giông bão chiến tranh Việt Nam đã đi qua hơn 40 năm, nhưng cơn bão về nhân quyền cho tới hôm nay vẫn chưa hề có giây phút bình an. Bão Hoa Kỳ, bão Việt Nam về hình thức nói chung và tâm linh nói riêng, đều là những mất mát lớn lao. Hôm nay gặp nhau để nghe lại những bài hát của thời giông bão cũ, hy vọng những bài hát đêm nay sẽ dự phần nhỏ nhoi vào sự hồi sinh sau hai cơn bão tại Mỹ vừa qua.”

Hai ca sĩ Ngọc Diệp và Mạnh Hùng mở màn với nhạc phẩm “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê,” sáng tác Duy Khánh, thật tha thiết khi chàng trai từ giã ra đi vì nghe lời quê hương réo gọi khi đất nước chia phôi, mà bao mùa Thu rồi chàng vẫn còn nhiều mơ ước nơi biên cương xa vời, người con gái vẫn mong chờ gặp lại nơi quê nhà sau mùa chinh chiến.

Có những bài nhạc lạ và ít người nghe như “Bắc Đẩu,” sáng tác Trần Thiện Thanh, ca sĩ Mai Dung hát, nói về sự bất tử của người anh hùng, cố Thiếu Tá Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích, biệt danh Truyền Tin Bắc Đẩu, tử trận trong mặt trận Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1972. Ông đã qua ba lần tử trận, khi đồng đội đưa ông trên đường về quê an táng lại bị trúng đạn thêm.

Ca sĩ Ngọc Diệp và Mạnh Hùng trong nhạc phẩm “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hoặc nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh,” sáng tác Trần Thiện Thanh, nhắc đến người anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương, trên đồi 31 mặt trận Hạ Lào vào Tháng Hai, 1971. Giọng hát trẻ Khang Huy đã lấy đi rất nhiều nuớc mắt thính giả trong nhạc phẩm này.

Đêm càng về khuya, không gian càng thấm đậm tình người qua những nhạc phẩm, càng nghe càng thương người lính đã xả thân vì lý tưởng tự do. Có những giọt lệ âm thầm rơi, thuơng cho người lính, thương cả thân phận những người Mỹ nghèo lâm vào cảnh mất hết tài sản trong hai cơn bão vừa qua.

Nhạc sĩ Ngô Tín với ngón đàn flamenco tuôn chảy trong “Hòn Vọng Phu,” ba nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Lê Thương, bản trường ca nói lên tâm trạng của người chinh phụ, ôm con mòn mỏi chờ chồng mãi còn chinh chiến nơi biên cương.

Ngón tay nhảy múa cùng âm thanh réo rắt như gọi hồn tử sĩ trong gió, khi thì dồn dập trong tiếng trống trận xuất chinh, khi thì tha thiết lòng người vợ mong chồng, guitarist Ngô Tín đã đưa cả thính phòng đi vào một thời chiến tranh Việt Nam.

Cũng có lúc nhạc sĩ Ngô Tín đệm đàn cho ca sĩ Erlinda Thùy Linh hát bài “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh,” tác giả Trần Thị Lam, mà quên rằng cô đã hát dứt bài rồi mà anh vẫn say sưa đàn, đến nỗi ca sĩ phải nhắc là hết rồi, anh mới sực tỉnh cơn mê, làm thính giả một phen cười thoải mái.

Tất cả 25 bài hát trong đêm nhạc “Về Nơi Gió Bão” do các ca sĩ thế hệ trước như Mai Dung, Kim Yến, Kim Thoa, Ngọc Diệp, Mạnh Hùng, và những thế hệ trẻ sau này như Khang Huy, Đình Ngọc, Huy Hoàng, Erlinda Thùy Linh, Châu Hải, Nguyễn Hoan, Tom Võ, và nhạc sĩ Ngô Tín, cùng guitar Mai Huy Cường, keyboard Phượng Vũ, đã chiếm trọn cảm tình của khán thính giả.

Ca sĩ và toàn ban nhạc chào tạm biệt thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Mai Lương, đi cùng chồng và con trai, trầm ngâm nói rằng đêm nhạc quá hay, cả ca sĩ, ban nhạc, và nhất là MC Đặng Tam Lang, với những diễn giải về hoàn cảnh lịch sử ra đời của bài nhạc, đã mang lại sự hiểu biết thêm tâm tư tình cảm của tác giả khi sáng tác.

“Tôi cho con trai đi nghe đêm nhạc này để cháu hiểu thêm về người lính đã hy sinh hết cả đời mình vì lý tưởng tự do, hiểu để thương người lính nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng không gì tốt cho bằng hiểu tâm tình người lính chiến bằng chính dòng nhạc lính, nó sẽ trở thành bất tử trong nền âm nhạc Việt Nam,” bà tâm sự.

Ông Hải Lê, chiến sĩ mặt trận Quảng Trị 1972, cho biết những bài hát này đã đi vào lòng người Việt bao năm qua, giờ nghe lại vẫn nhớ như in ngày ông lên đường nhập ngũ, với nhiều hứa hẹn đẹp tương lai.

“Nhưng đối với tôi thì có khác. Khi trở về với nhiều vết thương sau cuộc chiến, người em gái của lòng tôi đã vĩnh viển ra đi khi trốn chạy Cộng Sản năm 1975,” ông ngậm ngùi nói.

Bà Phi Yến, cư dân Westminster, ngồi thưởng thức với tâm tư trĩu nặng, cho biết nghe từng bản nhạc trong đêm nay, mà cứ ngỡ như chuyện mất nước vừa xảy ra mới hôm qua, chứ không phải đã 42 năm rồi.

Bà nói: “Mỗi bản nhạc lính được trình bày đêm nay, qua những giọng ca tuyệt vời không hề thua kém ca sĩ chuyên nghiệp, khiến tôi như trở về với thời gian ngày trước, nhất là trong bài ‘Gõ Cửa’ của nhạc sĩ Anh Bằng. Nó diễn tả đúng tâm trạng của người con gái đến thăm người yêu, nhưng khi gõ cửa thì căn gác đã vắng bóng người trai, lên đường theo tiếng gọi non sông.”

“Từng bản nhạc nghe sao mà thương người lính quá, tôi nghĩ rằng người tổ chức chương trình nhạc này nên làm thêm một đêm nhạc lính nữa vào dịp Lễ Tạ Ơn, chúng ta còn mang nặng ơn tình với người lính VNCH nhiều lắm,” bà thổn thức nói.

Bà Mai Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi nghĩ cũng đúng khi ngày xưa, chúng ta đã mất mát quá nhiều trong cơn bão tàn khốc của chiến tranh. Bây giờ thấy thương người Mỹ nghèo trong hai cơn bão vừa qua, mất hết tài sản trong thiên tai. Nhớ câu ‘Máu chảy ruột mềm,’ tôi hoàn toàn ủng hộ đêm nhạc này. Xin cầu nguyện ơn trên che chở nạn nhân bão lụt mau chóng hồi phục.”

Chiều 26 Tháng Chín, ca sĩ Kim Yến (bìa phải) cùng chồng, đại diện ca sĩ Mai Dung, mang số tiền $1,200 thu được trong đêm nhạc “Về Nơi Gió Bão” trao cho nhà báo Khôi Nguyên (trái), tổng thư ký online nhật báo Người Việt. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Chiều 26 Tháng Chín, ca sĩ Kim Yến cùng chồng đã đại diện ca sĩ Mai Dung mang số tiền $1,200 thu được trong đêm nhạc “Về Nơi Gió Bão” trao cho nhà báo Khôi Nguyên, tổng thư ký online nhật báo Người Việt, để gởi vào quỹ One America Appeal do nhật báo Người Việt kêu gọi.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 26 tháng 9 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT