Monday, April 29, 2024

Nghệ sĩ hải ngoại tổ chức lễ giỗ tổ sân khấu tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Trong tin thần uống nước nhớ nguồn, Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại Nam California và Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang cùng các ca nghệ sĩ đã tề tựu hằng năm vào ngày 12 Tháng Tám Âm Lịch để tưởng nhớ và tri ân Tổ Thầy và các bậc tiền bối đã có công sáng tạo và gầy dựng các bộ môn nghệ thuật ca diễn.”

Đó là lời của bà Mai Chân, giám đốc Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, nói trong Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu và Tưởng Niệm Nghệ Sĩ Tân Cổ Hải Ngoại Quá Vãng vừa được tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 30 Tháng Tám, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

“Nghệ thuật ca diễn đã trải dài hơn một trăm năm của nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mà các ca nghệ sĩ đã thể hiện trên sân khấu, với mục đích đem lời ca, tiếng hát và sự duyên dáng của mình để phục vụ cho khán giả, và những tuồng tích của các soạn giả cũng nhằm để cho nhân gian nhận thức được sự thiện ác, trả vay trong triết lý luân hồi của đức Phật để hướng dẫn nhân loại đến chân thiện mỹ,” bà nói tiếp.

Nhiều quan khách, nghệ sĩ, khán giả đến tham dự và họ trầm trồ khen ngợi ban tổ chức đã xếp đặt một bàn thờ tổ nghiệp rất trang trọng và lộng lẫy trên sân khấu. Và, có nhiều khán giả đã hiểu được về ý nghĩa của hai chữ “Cải Lương” qua hai câu: “Cải cách đờn ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” được đặt hai bên bàn thờ tổ.

“Tôi đã mê xem cải lương từ còn nhỏ, nhưng đến giờ này tôi mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ cải lương nhờ hai câu liểng trên bàn thờ Tổ,” bà Quách Cung Liên, khán giả từ Riverside đến, nói.

Hai nghệ sĩ Xuân Mỹ (trái) và Phượng Liên hát bài cổ nhạc “Con Gái Của Mẹ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong không khí của lễ dâng hương, một lực lượng hùng hậu của dàn cổ nhạc gồm các nhạc sĩ Duy Khiêm (đàn cò), Hoàng Nam (đàn sến), Hoàng Phúc (đàn guitar) và Huy Thanh (đàn tranh) hòa tấu 20 câu “Ngủ Đối Hạ” để dâng lên tổ những âm thanh tuyệt hảo của các nhạc cụ cổ nhạc Việt Nam.

Giáo Sư Trần Văn Chi, thành viên trong ban tổ chức, nói về ý nghĩa của ngày giỗ tổ. Ông kể qua về sự hình thành của Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại Nam California được ra đời từ năm 2004: “Những người có tâm huyết đầu tiên để hình thành hội, đó là những người không phải là nghệ sĩ trong các ngành nghề ca diễn, trong đó có tôi cùng Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu và ông Nguyễn Minh Chiêu, cùng ngồi lại để bàn về hội này.”

Cũng theo ông Chi, sau đó, một số người cũng tham gia vào chương trình này như soạn giả Yên Lang, thương gia Trần Dũ, cùng các ca nghệ sĩ Phượng Liên, Trung Quân, Thành Được, Chí Tâm, Dũng Thanh Lâm, bà bầu Thúy Uyển, cùng các nhạc sĩ Duy Khiêm, Hoàng Phúc, và còn nhiều người khác.

Sau nhiều năm thăng trầm của Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại Nam California, các thành viên trong hội vẫn cố gắng duy trì nên văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt cho đến ngày hôm nay. Năm 2014, cũng là năm đầu tiên tổ chức ngày Giỗ Tổ Sân Khấu ở Little Saigon tại nhà hàng Seafood World, Westminster, với sự tham dự đông đảo của quan khách, các mạnh thường quân, ca nghệ sĩ và khán giả.

Mở đầu chương trình văn nghệ là bài “Tổ Nghiệp Cải Lương” qua điệu “Khóc Hoàng Thiên” sáng tác của soạn giả Trần Văn Hương do các nghệ sĩ của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang trình diễn.

Từ trái, các nghệ sĩ Hồng Phượng, Xuân Mỹ và Ngân Linh trong trích đoạn cải lương “Thần Nữ Loạn Viên Cung.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tiếp đến, nhạc sĩ Duy Khiêm độc tấu Hạ Uy Cầm qua bài “Trăng Thu Dạ Khúc.” Ông ngoài tài sử dụng rất nhiều nhạc cụ cổ nhạc, còn là một nhạc sĩ sáng tác tân nhạc và từng mở những lớp đào tạo tài năng trẻ về cổ nhạc và tân nhạc tại Little Saigon, và ông cũng là một họa sĩ. Mấy năm qua, ông bị ngã bệnh phải đi lọc máu hằng tháng. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì đến với những buổi tổ chức về nghệ thuật cổ nhạc tại Little Saigon. Và, trong Lễ Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu lần này, ông cũng mang những bức tranh vẽ của mình để triển lãm cho khán giả chiêm ngưỡng.

Sau đó, mười ngón tay vàng của các nhạc sĩ Hoàng Nam (đàn sến), Huy Thanh (đàn tranh) và Hoàng Phúc (đàn giutar) qua bài hòa tấu liên khúc cổ nhạc “Duyên Kỳ Ngộ.” Và những âm thanh tuyệt hảo này cũng làm say mê khán giả đến tham dự qua những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Đến cúng tổ có nghệ sĩ cải lương Phượng Liên. Bà có lời tâm sự cùng khán giả: “Phượng Liên mê cải lương từ con nhỏ, cho đến bây giờ, tôi đã có trên 50 năm tuổi nghề. Tôi có nguyện vọng là xin những nghệ sĩ trong nhiều bộ môn của ngành cải lương hãy cố gắng duy trì nghệ thuật này tại hải ngoại, vì nếu sau này cải lương bị mất đi thì thật là uổng. Bởi vì, cải lương rất hay và đa dạng và cũng là một trong những nét văn hóa của Việt Nam. Ngoài bản vọng cổ, cải lương còn có rất nhiều bài bản khác để các diễn viên ca diễn tùy theo các vai của mình trong tuồng hát, và đã được sự ngưỡng mộ của hàng triệu con tim của khán giả.”

Sau đó, hai nghệ sĩ Phượng Liên và Xuân Mỹ cùng ca diễn lớp cổ nhạc “Con Gái Của Mẹ” phục vụ khán giả.

Chương trình văn nghệ được tiếp nối với những nghệ sĩ có tiếng tăm như Linh Tâm, Hồng Phượng, Ngân Linh, Ngọc Hà, Đình Hiếu, Tuấn Phong, Minh Hùng,…

Độc đáo nhất là trích đoạn cải lương “Thần Nữ Loạn Viên Cung” với các diễn viên Hồng Phượng (vai Phàn Lê Huê), Ngân Linh (vai Tiết Ứng Luông), Xuân Mỹ (vai Thần Nữ) và Lâm Phương (vai quân hầu).

Các nghệ sĩ đồng hát bài “Tổ Nghiệp Cải Lương” trong Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu và Tưởng Niệm Nghệ Sĩ Tân Cổ Hải Ngoại Quá Vãng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, nhận định: “Sân khấu là một xã hội thu hẹp, trong đó vai trò của những diễn viên thể hiện những thiện ác, nhân quả. Vì vậy, chúng tôi xem những nghệ sĩ trình diễn những vở tuồng nói lên những đạo lý đó, họ không thua gì những người đi truyền giáo.”

Có mặt tại buổi tổ chức, nghệ sĩ Diễm Ngọc, cư dân Santa Ana, gia nhập vào ngành cổ nhạc mới bảy năm, cho biết bà học sáng tác những bài cổ nhạc của nghệ sĩ Chí Tâm và học đàn guitar cổ nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Châu. Nhân ngày giỗ tổ, bà đã tự soạn và hát bài cổ nhạc “Nhớ Ơn Thầy Tổ.”

“Tôi đã thích bộ môn cổ nhạc lúc còn ở trong nước. Khi ra hải ngoại, vì công việc gia đình và mưu sinh nên tôi không thường tiếp xúc với những nghệ sĩ ở Little Saigon. Cho đến khi con tôi đã lớn, chúng khuyên tôi nên tìm một thú vui nào cho cuộc sống của mình được thú vị hơn. Cũng vì vậy, tôi đã chọn con đường là đi học về đàn và sáng tác những bài ca cổ nhạc,” bà tâm sự.

Nghệ sĩ Linh Tâm cũng có lời chia sẻ: “Hy vọng phong trào cải lương sẽ được sống lại rất mạnh tại hải ngoại kể từ giỗ tổ hôm nay. Linh Tâm đến đây để thắp nén hương tỏ lòng kính trọng những bậc tiền nhân đã có công sáng lập bộ môn cải lương. Đồng thời, tôi cũng mong rằng, xin các khán giả của cải lương lúc nào cũng có nhiều sức khỏe và tinh thần ủng hộ cho các nghệ sĩ cải lương tại hải ngoại. Bởi vì nếu không có sự ủng hộ của khán giả thì cải lương sẽ trở thành mai một sau này.” (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT