Saturday, May 18, 2024

Người LGBTQ ở Little Saigon bị bắt nạt, tuy không thấy rõ nhưng vẫn nguy hiểm

Thiện Lê/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Tình trạng bắt nạt trong trường học là một phần của thù ghét đang gia tăng ở khắp Hoa Kỳ, với một trong lý do chính là giới tính khác biệt. Tuy không được coi là nghiêm trọng ở Little Saigon, nhưng đây là một vấn đề vẫn xảy ra, và ít người để ý đến.

Viet Rainbow of Orange County tham dự Diễn Hành Tết 2024. (Hình: Facebook Viet Rainbow of Orange County)

Little Saigon là thủ đô của người Việt Nam ở hải ngoại, tọa lạc tại Orange County ở Nam California, có đến khoảng 200,000 người gốc Việt sinh sống tại hai thành phố chính là Westminster và Garden Grove. Cộng đồng này còn mở rộng ra một số thành phố lân cận khác như Fountain Valley và Santa Ana.

Mặc dù có nhiều trường học với đa số học sinh là gốc Việt như Garden Grove High School và Bolsa Grande High School, nhiều phụ huynh cho biết họ không nghe nhiều đến những vụ bắt nạt trong trường và còn nói không thấy nhiều tin tức.

Trong khi đó, tình trạng bắt nạt trong trường học đang gia tăng ở Hoa Kỳ, trong đó có nhiều thành phố khác ở Orange County có nhiều sự việc thù ghét xảy ra trong các trung học đệ nhị và đệ nhất cấp.

Trong năm 2022, có đến 50 sự việc xảy ra trong trung học đệ nhất cấp, và 32 sự việc xảy ra trong trung học đệ nhị cấp. Không chỉ vậy, còn có sáu vụ việc xảy ra trong tiểu học.

Một số phụ huynh ở Little Saigon đọc báo cáo về thù ghét ở Orange County của năm 2022 được phát hành vào Tháng Chín, 2023, tuy lo sợ, nhưng nói mình chưa bao giờ nghe thấy chuyện bắt nạt xảy ra trong trường học của con mình.

Ông Nguyễn Thanh Chí, cư dân Westminster, cho biết: “Con trai tôi đi học ở trường Westminster High School, cháu Lớp Mười Một rồi mà mấy năm qua tôi không nghe thấy chuyện gì xảy ra cả. Tôi biết là thù ghét người Á Châu đang gia tăng, nhưng ở đây thì mình chỉ toàn là người Việt Nam với nhau thôi nên làm gì có ai thù ghét nhau. Cháu đi học thì cũng gặp bạn là người Việt, rồi có thêm học sinh người Mexico với người da trắng trong trường, và tôi thấy đa số là người Việt ở trường nên chưa bao giờ nghe thấy chuyện bị bắt nạt.”

Khi hỏi về tình trạng người đồng tính và chuyển giới (LGBTQ), ông nói mình chưa bao giờ nghe con trai mình hay bất cứ phụ huynh nào khác kể lại việc nhóm này bắt nạt trong trường.

Bà Trinh Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói con gái mình học ở trường Garden Grove High School, có một người bạn là người LGBTQ, nhưng đi học không hề bị bắt nạt, và thậm chí còn được bạn bè ủng hộ.

Nhiều học sinh LGBTQ bị bắt nạt hay quấy rối mà ít ai biết. (Hình minh họa: Araya Diaz/Getty Images for The Recording Academy)

“Tôi nghe con gái nói có người bạn là người LGBTQ, nhưng đi học thì không bị ai quấy phá cả. Tuy người Việt Nam có thể không hài lòng với giới tính của con cái, nhưng đó chỉ là chuyện trong gia đình giải quyết với nhau, còn ra đường thì ai cũng tôn trọng nhau thôi,” bà nói.

Tuy không có những sự việc xuất hiện trên nhiều cơ quan truyền thông tại Orange County, nhưng một số học sinh LGBTQ tại thủ phủ của người Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng đã gặp nhiều khó khăn về bắt nạt và quấy rối trong trường học.

Giáo Sư Linda Trinh Võ, thuộc ngành nghiên cứu người Mỹ gốc Á của đại học UC Irvine, giới thiệu một sinh viên LGBTQ từng gặp nhiều khó khăn trong trường học vì xu hướng tính dục của mình.

Người đó là cô Caitlin, cư dân Garden Grove, chia sẻ mình bị quấy rối từ lúc còn học tiểu học cho đến trung học.

Cô cho hay mình là người đồng tính nữ, bắt đầu cảm thấy mình thích phái nữ hơn từ Lớp Một mà chưa biết gì về người đồng tính và không tìm hiểu những cảm xúc đó vì được dạy là phụ nữ phải sống chung với đàn ông. Đến Lớp Bốn, Caitlin mới biết nhiều hơn về người đồng tính.

“Tôi xem phim truyền hình và thấy một nhân vật nữ gặp nhiều khó khăn vì xu hướng tính dục của mình, và thấy cô được nhiều bạn cùng lứa chấp nhận giúp tôi hiểu được nhiều hơn về bản thân,” cô chia sẻ.

Sau đó, cô chỉ nói cho bạn bè biết về xu hướng tính dục của mình, và được bạn bè trong trung học đệ nhất và đệ nhị cấp đón nhận. Tuy nhiên, đến nay, cô vẫn chưa nói với gia đình vì quan điểm bảo thủ và sùng đạo, cùng họ nhiều suy nghĩ khác của họ về cộng đồng LGBTQ. Trong gia đình, cô chỉ nói với anh em họ vì cùng độ tuổi, và họ cách họ đón nhận Caitlin gần như không khác như trước, vẫn yêu thương cô, nhưng bây giờ quý cô hơn vì biết cô gặp nhiều khó khăn.

Cô từng bị bắt nạt và quấy rối khi vào Lớp Năm, và người bắt nạt cô lúc đó là bạn thân. Nữ sinh đó kể hết chuyện Caitlin là người đồng tính nữ với nhiều học sinh khác, sau đó làm quen với bạn mới để xa lánh cô và thường nói xấu về cô. Sau đó, Caitlin phải gặp các nhà tư vấn trong trường để nhờ giúp đỡ, nhưng không dám nói mình bị bắt nạt vì là người đồng tính.

Một hội thảo về người LGBTQ ở Little Saigon, không có nhiều người tham dự. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Khi vào Lớp Bảy, cô có tình cảm với một nữ sinh khác, và hai người là bạn thân cho đến khi Caitlin cảm thấy thoải mái để chia sẻ mình là người đồng tính. Nữ sinh đó cắt mọi liên lạc trên mạng xã hội và không muốn tiếp xúc với Caitlin nữa, sau đó kể hết mọi chuyện với nhiều học sinh, và chế giễu cô khi hai người đụng độ về vấn đề đó, khiến cô không cầm được nước mắt.

Cô vượt qua được nỗi đau đó nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và một thầy giáo được cô gọi là “Thầy Phan.” Thầy giáo này nghe được những lời mà nữ sinh kia chế giễu Caitlin nên trấn an cô, giúp cô hiểu được xu hướng tính dục không hề thay đổi bất cứ điều gì về bản thân mình. Sự giúp đỡ đó là lần đầu tiên Caitlin cảm thấy mình có một người lớn bảo vệ mình vì trong nhiều năm chỉ biết người lớn trong cộng đồng Little Saigon thường bảo thủ và áp đặt suy nghĩ tôn giáo về cộng đồng LGBTQ.

Cô cũng từng thấy một số cảnh quấy rối nhiều học sinh LGBTQ khác trong trường như bị gọi bằng những từ ngữ miệt thị, nhưng chưa bao giờ thấy ai bị tấn công, chỉ có những hành vi nhỏ như vò tờ rơi của nhóm hoạt động LGBTQ.

Cô cho rằng cộng đồng Little Saigon nên hiểu biết nhiều hơn về người LGBTQ vì họ không được đối xử công bằng và không ai lắng nghe những khó khăn của họ, còn thường gặp những lời chỉ trích hay những lời không hay về “sự khác thường trong giới tính” của họ.

Về những cách bảo vệ học sinh LGBTQ, California đang có nhiều chính sách như những luật bắt buộc mọi trường học phải có quy định để đối xử công bằng với những học sinh đó, đào tạo nhân viên những cách hỗ trợ học sinh, cũng như không được đưa những điều kỳ thị người LGBTQ vào giáo trình.

Học Khu Garden Grove có thể nói là nơi có nhiều học sinh gốc Việt nhất, đang làm theo các chính sách của tiểu bang, cam kết bảo vệ học sinh, không hề kỳ thị bất cứ ai theo tín ngưỡng hay giới tính của họ cùng nhiều yếu tố khác. Học khu này còn có quy định chống quấy rối hay bắt nạt bằng cách nói miệng hay tấn công người khác.

Ngoài ra, học sinh ở Garden Grove còn có thể chia sẻ hay khiếu nại với nhà trường để được bảo vệ. Những học sinh vi phạm quy định sẽ bị kỷ luật và có thể bị đuổi học, còn nhân viên nhà trường cũng bị kỷ luật và có thể bị sa thải.

Không chỉ vậy, Học Khu Garden Grove còn cam kết giáo dục học sinh về nguy hiểm của bắt nạt.

Little Saigon cũng có một số tổ chức cộng đồng giúp đỡ người LGBTQ, trong đó có Viet Rainbow of Orange County (VROC). Tổ chức này hoạt động bằng cách thay đổi cộng đồng qua giáo dục, kêu gọi bảo vệ quyền lợi và gầy dựng sức mạnh đoàn kết.

Về giáo dục, VROC muốn nhiều người LGBTQ gốc Việt hiểu biết rõ hơn về bản thân và có những sinh hoạt để gia đình chấp nhận họ. VROC còn kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho những người bị cộng đồng Việt Nam hắt hủi, và hoạt động với nhiều tổ chức hay cộng đồng khác để tạo sự đoàn kết.

Bắt nạt và quấy rối học sinh người LGBTQ ở Little Saigon là một vấn đề tuy không nghiêm trọng, nhưng là một phần nhỏ trong cách cộng đồng Việt Nam đối xử với người LGBTQ.

Khảo sát trong năm 2021 của VROC cho thấy nhiều người LGBTQ trẻ tuổi ở Orange County nhận dạng giới tính của mình từ lúc còn nhỏ. Trong khi những người trẻ tuổi có giới tính bình thường được xã hội đón nhận và có sức khỏe tốt nói chung, nhiều trường hợp trong cộng đồng LGBTQ thì lại trái ngược.

Theo khảo sát đó, hầu hết cộng đồng LGBTQ đều có bảo hiểm y tế, nhưng họ phải đề phòng những công ty bảo hiểm không có khả năng chăm sóc đúng theo giới tính của từng người và không kỳ thị, nhất là người chuyển giới không nhận được hay không biết về các dịch vụ y tế phù hợp với họ.

Anh James Huỳnh, cựu thành viên hội đồng quản trị của VROC, kể mình và tổ chức này từng là một phần của đoàn diễn hành trong Diễn Hành Tết tại Little Saigon vào năm 2018, và bị một số người la hét “Cút đi!” làm anh cảm thấy sợ hãi và hổ thẹn.

Vào năm 2013, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California từng nói LGBTQ không phải là văn hóa Việt Nam và không cho một nhóm năm người LGBTQ tham dự Diễn Hành Tết năm đó. Sau nhiều nỗ lực và biểu tình tại Hội Đồng Thành Phố Westminster, VROC được quyền tham dự diễn hành.

The Trevor Project, tổ chức lớn nhất thế giới về ngăn chặn tự tử và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người LGBTQ trẻ tuổi, đưa ra báo cáo vào năm 2022, cho thấy có nhiều xu hướng đáng lo ngại trong sáu cộng đồng Á Châu, trong đó có người Việt Nam.

Những vụ bắt nạt hay quấy rối ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của học sinh. (Hình minh họa: Brandon Bell/Getty Images)

Báo cáo đó cho thấy có 31% người LGBTQ trẻ tuổi gốc Việt từng nghĩ rất nhiều đến việc tự tử, và 14% đã tìm cách tự tử trong năm 2021.

Có đến 41% người LGBTQ gốc Á không dám nói về xu hướng tính dục của mình với ít nhất là một phụ huynh và 60% trong số đó là người LGBTQ trẻ gốc Việt.

Sự kỳ thị và hắt hủi từ gia đình và cộng đồng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người LGBTQ, thêm vào đó sự bảo thủ trong văn hóa Việt Nam, làm nhiều người không muốn chia sẻ về giới tính của mình.

Sự hiểu biết và không chấp nhận người LGBTQ trong cộng đồng Việt Nam tuy chưa được rõ ràng như nhiều nơi khác, nhưng không có nghĩa là điều đó không hiện hữu và ít nguy hiểm hơn. [kn]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT