Sunday, April 28, 2024

Sean Bùi, thầy giáo ‘giỏi nhất’ California năm 2020 nói gì về nghề giáo?

Titi Mary Trần/Người Việt

CUPERTINO, California (NV) – Đang miên man trong suy nghĩ về ông ngoại, người vừa mới qua đời hôm trước, thầy Sean Bùi, người được vinh danh Giáo Viên Giỏi Nhất Năm 2020, lái xe quẹo vào con đường quen thuộc dẫn về nhà ông bà ngoại.

“Ngay lúc đó, điện thoại reo. Số máy gọi từ Sacramento, California,” thầy Bùi kể. Từ máy nghe blue-tooth gắn sẵn trên tai, thầy Bùi nghe đầu dây bên kia nói, “Đây là Tony Thurmond, tôi có tin vui cho anh đây. Thứ nhất, anh đã được chọn làm một trong năm người nhận giải Giáo Viên Giỏi Nhất Năm 2020 của California.”

“Tôi rất hân hạnh, ông Thurmond à, cảm ơn ông rất nhiều,” thầy Bùi trả lời.

Nhưng ông Thurmond, bộ trưởng Giáo Dục California, nói tiếp, “Tôi có tin tốt hơn cho anh, anh là người được chọn để đại diện California vào cuộc thi Giáo Viên Giỏi Nhất Năm 2020 của nước Mỹ.”

Thầy Bùi kể lại cho phóng viên nhật báo Người Việt về cú điện thoại bất ngờ. Đối với thầy, ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục California có thể gọi cho thầy bất cứ lúc nào, nhưng lại đúng vào lúc xe thầy rẽ vào con đường về nhà ông bà ngoại. Phải chăng, từ thế giới khác, ông ngoại đang giúp thầy?

Sean Bùi, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được giải Giáo Viên Giỏi Năm 2020 tại California. (Hình: Sean Bùi cung cấp)

Cuộc đời thầy giáo có nhiều khúc rẽ

Trước khi trở thành một thầy giáo dạy Anh Văn và Luật tại trường trung học Cupertino High School, thầy Bùi là một luật sư chuyên về luật gia đình. Thầy Bùi kể, “Tôi sinh ra ở Mỹ và điều làm cho người khác ngạc nhiên về nghề nghiệp của tôi nhất chính là con đường dẫn tới nghề giáo. Hầu như cả cuộc đời của tôi, tôi chỉ nhắm trở thành một luật sư. Tôi học tại đại học Santa Clara. Tôi sinh ra ở đây. Tôi lấy được bằng cử nhân kinh doanh, thương mại, và tiếp tục cao học Luật tại trường này. Tôi rất may mắn là lấy được bằng cao học Luật và đậu bằng hành nghề tại California. Hiện giờ tôi vẫn có thể làm việc như là một luật sư tại California.”

“Khi tôi ngồi trong phòng luật sư, với cái ghế da thật lớn, và cửa sổ kính cao từ trần nhà xuống nền, tôi có cả thư ký riêng, mọi thứ đều tốt, nhưng có điều gì đó làm cho tôi cảm thấy không đúng lắm. Có điều gì đó trong đầu làm tôi nghĩ rằng tôi đang làm một việc tôi thích, nhưng chưa hẳn tôi yêu nó. Tôi không hăng say trong công việc của mình. Tôi cảm ơn công việc luật sư cho tôi cơ hội để tôi giúp người khác, nhưng thật sự thì tâm trí của tôi đang ở đâu đó. Tôi quyết định đổi nghề. Tôi nói với vợ, người luôn luôn ủng hộ tôi và cũng là ‘người hùng’ của tôi, về ý định của mình. Vợ tôi ủng hộ và nói ngay, ‘được anh cứ làm, đổi nghề đi.’”

Công việc thầy Bùi thích nhất lúc còn làm luật sư là giúp người “miễn phí.”

“Tôi làm ở văn phòng luật của Santa Clara County, chuyên về luật gia đình và họ cãi giúp người miễn phí. Tôi thích nhất là giúp đỡ họ, chỉ dẫn cho họ [về luật gia đình], không cần biết tôi phải làm copy giấy tờ hay làm các việc lặt vặt,” thầy Bùi nói.

Sean Bùi, thầy giáo dạy Anh Văn và Luật tại Cupertino High School, được các giáo viên
chúc mừng khi ông đoạt giải. (Hình: Facebook Fremont Union High School District)

Khó khăn trong nghề

Thầy Bùi nói khi quyết định đổi nghề từ luật sư qua giáo viên, có nhiều ưu tư khiến thầy phải cân nhắc. Nhất là vấn đề tiền bạc vì lúc đó thầy vẫn còn nợ tiền học. Thầy Bùi tâm sự với những người thân trong gia đình, và họ hết sức ủng hộ thầy, nhất là vợ của thầy. Tuy nhiên, thầy vẫn có cái nhìn thực tế, nhờ cha của thầy nhắc nhở, là trong đời tiền bạc quan trọng, nhưng “Nếu bạn làm những gì bạn tha thiết, và cố gắng làm điều đó tốt hơn ai hết, hy vọng tiền sẽ tới, và tôi đã bàn với vợ để tìm cách đạt được điều tâm huyết của tôi,” thầy Bùi nói.

Sau bước khó khăn ban đầu chuyển nghề, nhất là thời gian đi học lấy chứng chỉ ngành giáo và thực tập, thầy Bùi được nhận vào làm tại trường trung học Cupertino High School, một khu vực có thu nhập khá giả vùng Bắc California.

Nhưng đối với thầy Bùi, cái khó khăn trong nghề giáo không phải là tiền bạc, học sinh, phụ huynh, hay giáo chức trong trường, mà là sự đồng cảm của thầy đối với các khó khăn học sinh của thầy gặp gỡ.

“Học sinh tôi dạy phải chịu sức ép của các môn học cao và khó bằng các lớp dạy tại các trường đại học, cộng với sức ép từ bạn bè, cha mẹ, các trang mạng xã hội, hay từ ước muốn thành công trong tương lai. Thỉnh thoảng, tôi rất e ngại về tinh thần và mối lo lắng của các em trong giao tiếp xã hội. Tôi tin là khi học sinh có cảm giác an toàn và tự tin trong giao tiếp cũng như trong tinh thần, các em sẽ học được. Cho nên cái khó khăn nhất trong công việc của tôi là nhìn thấy các em phải chịu những căng thẳng đó và dùng hết sức của mình tìm phương pháp đúng trong nghề giáo để giúp các em. Giáo viên không chỉ là giáo viên mà còn là huấn luyện viên, cố vấn, vân vân,” thầy Bùi tâm sự.

Thầy giáo Sean Bùi bị “chụp lén” trong giờ nghỉ trưa. (Hình: Twitter Cupertino Athletics)

Chúng ta là một gia đình

“Chúng tôi là một gia đình khổng lồ – We are a giant team,” thầy Bùi nói về các đội ngũ giáo viên, cố vấn giáo dục, giáo chức, phụ huynh, và những thành viên trong trường khi thầy diễn tả cách nhà trường tìm cách giúp các em học sinh. “Không chỉ một mình tôi giúp các em, mà còn có các cố vấn giáo dục, hiệu trưởng, phụ tá hiệu trưởng, tất cả các giáo viên và nhân viên trong trường nữa giúp đỡ các em. Chúng tôi kết hợp với nhau, làm việc với nhau, và biết rằng nếu tôi có câu hỏi gì, sẽ có người giúp tôi, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều. Nó giúp tôi tìm được cân bằng trong cuộc sống,” thầy Bùi tiếp tục.

“Nhiều cha mẹ vẫn cố gắng đi họp phụ huynh sau những ngày làm việc vất vả. Họ không cần phải đi họp, nhưng họ vẫn đi và còn hỏi họ có giúp được gì không.”

Mỗi năm, khi gặp các học sinh mới trong lớp, thầy Bùi luôn nhắc đi nhắc lại một câu, “Chúng ta là một gia đình.” Nhắc đến nỗi học sinh của thầy lặp lại câu nói của thầy trước khi thầy nói. Thầy Bùi còn có biểu ngữ với hàng chữ này gắn trong lớp học của thầy.

“Khi học sinh bước vào lớp của tôi, các em trở thành một thành viên của một gia đình. Sau đó, chúng tôi tạo ra một sự thật là chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau vì chúng tôi cùng chung một nhà. Vì vậy nếu một em thấy bạn mình đang mang sách và bị rớt, em giúp bạn. Một khi học sinh sống trong tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, thì tôi nói với họ rằng ‘chúng ta là một gia đình.’ Đó là câu tôi nói mỗi ngày trong lớp. Tôi còn thực hành nữa. Tôi cho các em thấy các em rất quan trọng đối với tôi, chúng tôi quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi tôn trọng nhau. Và chúng tôi là một gia đình,” thầy nói.

Một điều ông thầy được chọn là Giáo Viên Giỏi Nhất Năm 2020 của California muốn nhắc nhở đến các em là “Bản thân các em là đầy đủ rồi – You are enough.”

“Bất cứ việc gì, khi các em có quyết định tốt, chú tâm vào việc làm cho bản thân tốt hơn, giúp cho xã hội tốt hơn, các em đã đầy đủ rồi,” thầy Bùi nhắc nhở. “Nếu các em tin là bản thân em là đủ rồi, và làm cho người khác tin bản thân họ là đủ rồi, thì thế giới này sẽ tốt hơn. Các em sẽ thành công vì các em tin tưởng vào các em.”

Bằng chứng cho lời nói này thể hiện trong lớp học Anh Văn của thầy Bùi. Nhiều em vào đầu năm học không biết một chút tiếng Anh, nhưng vào cuối năm thì các em có thể đọc diễn văn tiếng Anh dài 3 tới 5 phút trước công chúng và được giải thưởng.

Phần thưởng lớn nhất của thầy Bùi là sau khi các em nhận được các giải thưởng và nói với thầy, “Mr. Bui, em làm được rồi. Em không nghĩ em làm được, nhưng vì chúng ta làm việc với nhau, vì thầy tin vào em, em làm được rồi.” (Titi Mary Trần)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT