Monday, March 18, 2024

‘Nhạc Trẻ Một Thời’ vang vọng mãi với thời gian tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nhạc Trẻ Một Thời” khiến người thưởng thức ngỡ ngàng, khi chủ đề này xuất hiện trong chương trình ca nhạc được tổ chức tại Viện Việt Học, Westminster tối Thứ Bảy, 14 Tháng Chín, bởi cứ tưởng dòng nhạc một thời vàng son này nay đã không còn nữa.

Chính vì lẽ đó mà khán thính giả đến từ sớm và ngồi kín cả thính phòng, thưởng thức cho đến giờ phút chót. Điều này cho thấy dòng nhạc trẻ xuất hiện từ thập niên 60 tại miền Nam Việt Nam đã có một vị trí xứng đáng trong làng âm nhạc Việt cho tới tận hôm nay.

Hơn 20 tiết mục được trình bày qua giọng ca của các ca sĩ Ái Liên, Bình Nam, Diệu Trang, Dung Nghi, Hương Thơ, Hy Đạt, Kim Anh, Kim Phượng, Kỳ Hương, Lâm Dung, Mạnh Tuấn, Minh Tuấn, Ngọc Quỳnh, Quốc Công, Thu Quyên, Tịnh Trang, Xuân Hy, đã làm nên một đêm nhạc trẻ thật đúng nghĩa.

Ca sĩ Trung Thành và Tuấn Dũng (Ban Mây Trắng) trong nhạc phẩm “Đồng Xanh” (Green Field) nhạc Việt Lê Hựu Hà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt có 3 nhóm nhạc trẻ chơi hết mình theo phong cách của những nhóm nhạc trẻ ngày xưa, gồm nhóm Ngọc Thạch (Lead Guitar), Trần Toản (guitar), Nguyễn Đài (Keyboard); Nhóm thân hữu Minh Tâm, Bình Nam và Trọng Nghĩa; Và Hoài Khanh (Keyboard), thuộc nhóm Phượng Hoàng ngày trước, cùng sự góp mặt của Tuấn Dũng, Trung Hành (Nhóm Mây Trắng), và Hoài Khanh (Nhóm Phượng Hoàng).

Giây phút mạn đàm thật thú vị cùng Trần Đăng Chí, và Trần Thanh Tùng thuộc Ban Hải Âu cùng với Lê Hựu Hà, tiền thân của Ban Phượng Hoàng sau này, đã giúp nhiều người biết thêm về phong trào “Việt Hóa” các ban nhạc trẻ, với phong cách người Việt chơi nhạc Việt, với con người và tuổi trẻ biết yêu thương với tình yêu đầy nhân bản, hoặc hiểu về nhạc sĩ Lê Hựu Hà với tính cách đặc biệt khi đưa các hợp âm và ý Thiền vào nhạc của ông.

Những bài hát quen thuộc của một thời được sáng tác bởi Lê Hựu Hà, Trường Kỳ, Tùng Giang, Nguyễn Trung Cang, Lê Uyên Phương, lần lượt được giới thiệu sân khấu đã làm sống lại một thời huy hoàng trong những đêm trình diễn tại Sài Gòn ngày trước.

Giây phút mạn đàm thú vị về nhạc trẻ một thời với Trần Đăng Chí (trái), cô Kim Ngân và Trần Thanh Tùng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc trẻ xuất hiện rất sớm tại miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 60, khi nhạc kích động ngoại quốc thâm nhập vào thị trường vào cuối năm 1959, gây ảnh hưởng lên nền tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ với những dòng nhạc tiền chiến thân quen với những tác giả và tác phẩm vượt thời gian.

Nhạc trẻ thời ấy không có những ca từ bi lụy đau thương, mà chan hòa những ước vọng cháy bỏng về tình yêu tha nhân, yêu người yêu đời, cho dù đời sống có nhiều bi ai và nghịch lý. Lê Hựu Hà và Lê Uyên Phương đã mang triết thuyết hiện sinh vào âm nhạc Việt Nam, và thuần hóa nhạc rock theo âm điệu rất nhân bản.

Hoài Khanh (Ban Phượng Hoàng) trong ca khúc “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời” sáng tác Lê Hựu Hà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Minh Tuấn, Bình Nam và Trọng Nghĩa trình bày liên khúc Phượng Hoàng các nhạc phẩm của Lê Hựu Hà gồm Yêu Em-Tôi Muốn-Yêu Người Yêu Đời-Kho Tàng Của Chúng Ta-Thương Nhau Ngày Mưa, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.

Tiếp nối với những lời nhạc nhẹ nhàng, nói về thân phận con người và mong ước tìm lại chân thiện mỹ trong cuộc sống đầy những bóng tối rối ren của cuộc chiến, nhạc phẩm “Hãy Nhìn Xuống Chân” sáng tác Lê Hựu Hà do tam ca Ái Liên-Lâm Dung-Ngọc Quỳnh trình bày.

Dòng nhạc Lê Uyên Phương bất hủ cũng hiện diện qua nhạc phẩm “Tình Khúc Cho Em” được trình bày qua giọng ca Kim Phượng.

Ca sĩ Hy Đạt, người đã ái mộ dòng nhạc trẻ, rất mê Ban Mây Trắng với những âm hưởng lạ từ khi mới là cậu bé 10 tuổi, chia sẻ: “Thật sự lúc đó trong gia đình chính ba mẹ tôi dạy tiếng Pháp, mấy chị em trong nhà cũng học chương trình Pháp. Trước đó bọn tôi cũng thích nhạc tiền chiến, nhưng từ khi dòng nhạc Việt trẻ xuất hiện với những nét mới lạ, từ giai điệu, âm hưởng cho tới lời nhạc và phong cách trình diễn, thì tụi tôi mê. Gia đình có 6 anh chị em, ở thành phố nhỏ Phước Tuy, Bà Rịa, một thành phố rất buồn, có một rạp hát nhỏ nhưng ít khi đến đó. Những lúc được về Sài Gòn bọn tôi thường cùng hát để quên đi thời gian. Dù không được học nhạc trường lớp, nhưng có lẽ ảnh hưởng bởi ba mẹ là người rất mê âm nhạc, đã thổi vào lòng chúng tôi một tình cảm và lòng yêu nhạc say mê.”

Hy Đạt cùng Tịnh Trang song ca nhạc phẩm Il Faut Toujours Un Perdant.

Bà Lê Kim Anh cùng anh chị em trong nhà đến xem đêm nhạc, cho biết: “Có 10 anh em thì mỗi người có một sở thích, ba của chúng tôi giỏi tiếng Pháp và chúng tôi thường xuyên nói và đọc sách tiếng Pháp trong nhà. Những rạp hát ở Biên Hòa thời đó, trước khi chiếu phim thường cho phát những bản nhạc Pháp do Silvie Vartan hát, rồi ông anh đi học ở Nhật cũng đem về toàn là những bản nhạc của ban The Beatles. Thời đó cả gia đình đều mê dòng nhạc trẻ Việt Nam và thế giới.”

“Chính nhờ người anh thứ sáu, học chung với các anh Cao Giảng, Trung Hành, và Tuấn Dũng, nên hôm nay nghe dòng nhạc trẻ này nhớ lại thật nhiều những không khí gia đình với nhiều kỷ niệm đoàn tụ gia đình êm ấm ngày xưa,” bà Kim Anh hồi tưởng.

Họa sĩ Lam Thủy, người sinh hoạt âm nhạc trong Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, thường hát chèo và hát chầu văn trong những sinh hoạt âm nhạc cổ truyền, cho biết: “Thời sinh viên tôi thường cùng người anh lớn xem những chương trình nhạc trẻ trình diễn ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, trong sân Hoa Lư, rạp Văn Hoa Đa Kao, hoặc tại trường Tabert với niềm say mê thích thú.”

“Hơn nữa thế kỷ trôi qua, dòng nhạc trẻ này vẫn có sức thuyết phục công chúng, nếu các nhạc sĩ ở đây tìm hiểu về khía cạnh hòa hợp về âm điệu giữa Đông và Tây, tôi nghĩ thế hệ trẻ ở Mỹ cũng có thể dung nạp và thích nó. Hát bằng lời Việt cũng không sao, âm nhạc là không biên giới về ngôn ngữ. Có ai hiểu hết lời của các bài nhạc tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc Đại Hàn đâu, nhiều khi chỉ nghe âm điệu thôi là thích rồi,” họa sĩ Lam Thủy chia sẻ.

Tam ca Ái Liên, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh trong ca khúc “Hãy Nhìn Xuống Chân” sáng tác Lê Hựu Hà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nữ họa sĩ nêu ý kiến: “Theo thiển ý, tôi nghĩ người phụ trách Viện Việt Học có thể mở ra một buổi họp mặt các nhạc sĩ, kêu gọi đẩy mạnh việc phục hồi nhạc trẻ Việt Nam, có thể sẽ được nhiều người đặc biệt là giới trẻ sẽ ủng hộ, mong rằng nếu có được những mạnh thường quân tài trợ thì quý hóa lắm!”

“Phong trào Việt hóa nhạc trẻ” khởi xướng từ khi ban Phượng Hoàng ra đời với hai nhạc sĩ trẻ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, chỉ hát những bản nhạc của mình sáng tác, không dùng nhạc ngoại quốc. Ngoài ra, phải kể đến các nhạc sĩ cùng tiên phong trong phong trào này như Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Lê Hựu Hà, Kỳ Phát, Jo Marcel, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn trung Cang, Nguyễn Duy Biên,…

Ban đầu giới trẻ Việt Nam thường hát nhạc tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng rồi dần dà những ban nhạc trẻ ra đời, lấy tên Việt như các ban nhạc Mây Trắng, Phượng Hoàng, Hải Âu, Ba Con Mèo, Ba Trái Táo,… Không những thế, bài hát cũng được chuyển ngữ qua tiếng Việt, tâm tư tình cảm, phong cách trình diễn, cũng dần được “Việt Hóa,” mà người đi tiên phong là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng tiếp tay chuyển ngữ sang tiếng Việt những nhạc phẩm tiếng Pháp, tiếng Mỹ như “Dona Dona” (Tiếc Thương), “Listen to the music” (Hãy Lắng Tai Nghe)

Nếu tính từ khi Đại Hội Nhạc Trẻ đầu tiên ở Sài Gòn được tổ chức tại thính đường trường Lasan Tabert vào năm 1964 thì đến nay nhạc trẻ Việt Nam đã có mặt gần 60 năm, và rất thành công khi thổi làn gió mới vào nền âm nhạc Việt thời đó, với những ban nhạc trẻ tiếp tục ra đời, mang phong cách trẻ trung được mọi giới mến mộ.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhạc trẻ Việt Nam với phong trào “Việt Hóa Nhạc Trẻ Sài Gòn,” từ thập niên 1960 đã có chỗ đứng vững vàng trong nền âm nhạc Việt Nam, và hôm nay tại Little Saigon, Viện Việt Học đã làm sống dậy một thời vàng son của dòng nhạc này, với tâm tư sẽ phục hồi và phát triển một nền âm nhạc trẻ thuần Việt nơi xứ người. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT