Thursday, March 28, 2024

Phát hành Giai Phẩm Người Việt Xuân Mậu Tuất 2018

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hình ảnh quây quần vui tươi bên bánh mứt đưa không khí Tết đến mọi người, mọi nhà qua nét vẽ hiền hòa của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng, trình bày độc đáo của họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, bạn đọc sẽ không tìm thấy ở đâu ngoài Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018.

Trong Giai Phẩm Xuân vừa phát hành ngày 17 Tháng Giêng, quý độc giả không chỉ tìm về không gian xưa và nay của ngày Tết, tìm về cội nguồn, nước non, mà ở đó, các phóng viên Người Việt sẽ trình bày một số câu chuyện và hình ảnh về những người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ, ra đời vào những năm 1980, 1990, đang thành công trong các lĩnh vực của mình.

Những gương mặt trẻ thành công

Ngay tựa đề bài báo “Andy Nguyễn, 23 tuổi làm chủ hàng chục nhà hàng” ít nhiều sẽ làm bạn đọc tò mò, bởi vì làm thế nào mà giỏi thế? Phóng viên Khoa Lại kể rằng: “Giới trẻ tại Orange County không mấy xa lạ với tiệm kem Afters Ice Cream bởi các vị kem đặc sắc, lạ miệng. Ngoài tiệm kem, Andy Nguyễn còn mở nhiều nhà hàng, như tiệm trà sữa Milkbox, cửa hàng thức ăn chuyên về thịt heo Pig Pen Delicacy, quán Portside Fish tại Irvine, Wingman Chicken tại Santa Ana, và nhiều quán ăn khác, tạo ra nhiều xu hướng ăn uống mới tại Nam California.” Andy giải thích sự thành công của mình một phần là nhờ biết noi gương cha mẹ khi họ chạy tị nạn sang Mỹ với hai bàn tay trắng!

Đó là câu chuyện về “Thạch ‘Tak’ Nguyễn thành công nhờ một lần được gặp Tổng Thống Obama.” Anh từng là một trong năm người trẻ tuổi xuất sắc nhất được Tổng Thống Barack Obama vinh danh trong chương trình “Champions of Changes” tại Tòa Bạch Ốc năm 2012. Khi đó, anh đang học tại Đại Học UCLA. Tổ chức bất vụ lợi “Swipes for the Homeless” mà anh đồng sáng lập năm 2009, giúp hàng ngàn người vô gia cư có thức ăn.

Cô Phương Lưu (trái), công ty Golden Choice Funding, độc giả và cũng là khách hàng quảng cáo đầu tiên nhận Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018 vào chiều Thứ Tư, 17 Tháng Giêng, cùng chị Mỹ Linh, nhân viên Ban Thương Vụ nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đó còn là “Vũ Duy Thức, gương mặt Việt nổi bật nhất thung lũng Silicon.” Ở tuổi 35, Tiến Sĩ Thức được báo Silicon Valley Business Journal – báo uy tín hàng đầu ở thung lũng Silicon, California, về kinh doanh – chọn là người Việt duy nhất để vinh danh 40 gương mặt dưới 40 tuổi nổi bật nhất thung lũng Silicon (40 under 40) năm 2017. Phóng viên Quốc Dũng cho hay, Thức là đồng sáng lập OhmniLabs, một công ty sản xuất robot Ohmni để chữa “bệnh” cô đơn cho người già, chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi, giúp những người thân trong gia đình luôn gần nhau dù có ở nơi đâu.
“Kayla Nguyễn dạy tiếng Việt bằng cải lương, gây ‘bão’ trên mạng xã hội” là một bài viết dí dỏm về một cô gái 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng nói tiếng Việt như “gió,” bởi vì cô có cảm giác “hỗn” khi nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh. Trả lời phóng viên Khoa Lại, cô nói: “Kayla nghĩ việc gìn giữ tiếng Việt là một điều quan trọng… Và rồi, video “nhạc chế” ca khúc “What Do You Mean” theo “phong cách” cải lương của cô có gần ba triệu lượt người xem trên YouTube.

Một chàng trai trẻ nữa, “Khôi Đào, chàng trai gốc Việt duy nhất lồng tiếng phim hoạt hình.” Tâm sự với phóng viên Thiện Lê, chàng trai 26 tuổi này cho biết từ nhỏ anh đã thích các môn kịch nghệ, phim hoạt hình Nhật và game, nên cứ thấy nơi nào tuyển diễn viên là anh ghi danh tham gia. Cuối cùng, anh lại đam mê ngành lồng tiếng, dù “lồng tiếng cho các game đánh võ, diễn viên phải la hét rất nhiều, khan cả họng” và “tỷ lệ thành công trong ngành rất thấp” nhưng anh vẫn theo đuổi và có chỗ đứng như hôm nay.

Bìa Giai Phẩm Xuân Người Việt là bức tranh của hai họa sĩ Nguyễn Thị Hợp – Nguyễn Đồng và do họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông trình bày.

Một người nữa, rất nổi tiếng với câu nói “Tôi bước vào thế giới này chỉ để làm lông mi mà thôi,” dù rằng anh có bằng cấp cử nhân chuyên ngành máy tính… Không ai dạy, anh mày mò tự học, để rồi đến nay sau gần 10 năm bén duyên với lông mi, anh làm chủ chín tiệm salon chuyên làm lông mi tại khắp nước Mỹ, bao gồm ở Orange County, Beverly Hills, Downtown LA, Miami, Texas, Idaho, và Minnesota. Đọc bài viết của phóng viên Nhất Anh sẽ biết rõ “ông tổ” của nghề nối mi nhiều lớp như thế nào!

Tết sum vầy, Tết hoài niệm

Tết đến Xuân về, mỗi nhà không thể thiếu nghi thức mừng tuổi ông bà vào lúc Giao Thừa đã có trên trăm năm. Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt kể: “Có người sẽ cười cho rằng vẽ chuyện, mừng tuổi là hình thức lễ nghi. Làm lúc nào chẳng được cớ gì phải đúng Giao Thừa? Không làm cũng chẳng có sao. Có mừng tuổi hay không thì người ta vẫn sống. Nhưng, mừng tuổi lúc Giao Thừa hơn là lễ nghi, mà là tình cảm, tâm thức chất chồng lên trên nhiều thế hệ. Nó thiêng liêng, tinh khiết cả thời gian, không gian lẫn tâm hồn, cảm xúc của con người.” Với con cháu ở nước ngoài, làm thế nào mừng tuổi ông bà vào lúc Giao Thừa? Bài viết “Mừng tuổi online” sẽ gợi mở “nút thắt” này.

Một bài viết “lạ” về đón Tết là “Hai kiểu ăn Tết của người miền Nam ở Đông, Tây sông Hậu” của tác giả Lê Vũ Anh Thư. Ở miền Nam, Tết không phải bắt đầu từ chiều 30 với mâm cơm cúng rước ông bà, mà Tết là lễ tiệc hiếu nghĩa luôn ưu tiên cho người đã khuất. Đó là, từ Bình Thuận đến bờ Đông sông Hậu, tảo mộ Tháng Chạp, rước ông bà chiều 30. Trong khi ở phía Tây sông Hậu, tảo mộ đúng vào tiết Thanh Minh, có thêm lễ cúng đưa ông bà 25 Tháng Chạp.

Tết không chỉ để mọi người quây quần, tụ họp, mà Tết còn là lúc để mọi người hoài niệm, như tác giả Trúc Linh tâm sự: “Nhớ về những cái Tết khi còn là một cô bé ở một vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Long. Những cái Tết thời đó đặc biệt đến nỗi sau này dù có cuộc sống sung túc ở Sài Gòn và hiện giờ ở Mỹ nhưng tôi không thể nào quên được.” “Mà nhớ nhất đối với tôi là tiếng pháo đêm Giao Thừa. Cả một năm chờ đợi để được nghe tiếng pháo nổ râm ran trong một vùng quê tĩnh lặng…”

Còn tác giả Đoàn Ngọc Thạch thì ngậm ngùi kể: “Ngày trước, để có được một bộ đồ mới tươm tất trong ngày Tết đối với anh em chúng tôi mà nói chưa bao giờ là điều đơn giản.” Bởi ở đó là đàn gà 30 con được chăm sóc kỹ từng ngày để bán Tết, nhưng phút chót thì “Trúng gió chết hết rồi.” Và thêm một năm nữa, chuyện “bán gà mua áo Tết” thật sự vuột khỏi tầm tay của gia đình sáu người con khi cả đàn gà năm sau “trộm đã bắt hết rồi con à” nghe đến não lòng.

“Tết văn nghệ”

Đầu năm, nghe “Ca sĩ Phương Hồng Quế, Ti Vi Chi Bảo một thời” tâm sự với phóng viên Ngọc Lan về chuyện trở về nước trình diễn: “Mình đã lớn lên trong vòng tay của những người lính VNCH, những khán giả trước 1975, họ là những người đã nuôi dưỡng sự nghiệp ca hát của mình cho đến ngày hôm nay. Nên nếu bây giờ mình quay lưng thì cảm thấy lương tâm mình không cho phép. Chị nghĩ đến giờ này mình đứng phía nào thì đứng một bên thôi.” Đỉnh cao sự nghiệp của nữ ca sĩ này là hát nhạc phẩm “Phố Đêm” của nhạc sĩ Tâm Anh vào năm 1970. Cũng từ đó, Phương Hồng Quế được “mấy ông nhà báo gọi chị là ‘Ti Vi Chi Bảo’ tức là vật quý của ti vi.”

Với nhạc sĩ Lam Phương, để viết nên những nhạc phẩm nổi tiếng như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” “Cỏ Úa,” “Tình Anh Lính Chiến,” “Tình Bơ Vơ,” “Thành Phố Buồn,” “Khóc Thầm,” “Kiếp Nghèo”… ông đã hai lần vừa khóc vừa viết. Ông kể với phóng viên Ngọc Lan: “Một lần là khi viết bài ‘Kiếp Nghèo,’ một lần là viết bài ‘Một Mình.’ Viết mà khóc, vì đó là viết cho chính thân phận mình.” Tuy nhiên, ông lại dí dỏm nhận mình có số “đào hoa là do hoàn cảnh đưa tới thôi, chứ mình có muốn cũng không được, mà không muốn cũng không được. Hoàn cảnh thôi. Trời cho mình tâm hồn như vậy. Hoàn cảnh đưa tới mọi thứ. Trời cho đào hoa quá và giờ cũng cho luôn chiếc xe lăn ngồi một mình.” Ông còn “trần trụi” kể về bốn mối tình sâu đậm và “hơn thế nữa.”

Lật từng trang báo Xuân, quý độc giả sẽ thấy một sự gần gũi, quen thuộc, thân thương đến nao lòng bởi các bài viết thấm đẫm tình quê hương miền Nam, và những cái Tết của miền Nam. Đặc biệt, Tết Mậu Tuất năm nay không thể thiếu những bài viết về chó.

Với bài “Chuyện chó Việt, chó Thái,” tác giả Bùi Tấn Lược tả: “Thái Lan được cho là thị trường thú cưng lớn nhất và hình thành sớm nhất Đông Nam Á. Vì thị trường lớn nên việc nhân giống thú cưng, đặc biệt là các giống chó, có vẻ được những người làm nghề này đầu tư bài bản. Khu chợ cuối tuần lớn nhất thế giới Chatuchak dành hẳn một khu to để kinh doanh chó.” Trong khi “số phận những con chó Việt trên đất Việt xem ra còn bi đát và nghiệt ngã hơn vì cuộc sống của chúng từ khổ đến khổ hơn. Sau khi sinh ra và lớn lên, chúng luôn có nguy cơ bị giết để làm thịt, thậm chí bởi chính tay người chủ của mình hoặc bị chích điện nếu không may gặp bọn trộm chó, ngay cả khi đang đứng trong sân nhà.”

Tuy vậy, không hẳn chó ở Việt Nam đều bị “lên mâm,” mà “có người đề cao chó Phú Quốc là ‘vương cẩu,’ ‘quốc khuyển.’  Qua bài “Chó Phú Quốc, mãi mãi chỉ là huyền thoại?” của tác giả Anh Thư, bạn đọc sẽ biết hơn về chó Phú Quốc tinh khôn, có hình dáng thon đẹp, đặc biệt có vệt lông xoáy trên lưng…

***

Ngoài các chủ đề nêu trên, Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018 còn quy tụ nhiều cây bút quen thuộc như Nguyễn Danh Lam, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Thúy Hà, Đỗ Quý Toàn, Lê Nguyễn, Trần Mộng Tú, Mai Hiền, Trịnh Cung, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Hồng Lam, Hòa Khánh, Mai Thanh Sơn, Đặng Yên Hòa, Văn Lang, Khánh Trường, Phạm Quốc Bảo, Khánh Trường, An Lâm, Du Tử Lê, Đinh Quang Anh Thái,… và nhiều tác giả khác viết về nhiều chủ đề, nhiều góc nhìn từ văn hóa đến ẩm thực và cả tình người trong những ngày Xuân. (Quốc Dũng)

———-

Liên lạc tác giả: [email protected]



Giai Phẩm Người Việt Xuân Mậu Tuất 2018, dày 331 trang, phát hành rộng khắp miền Nam California với giá $9 một cuốn.

Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.

Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com

Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.

Liên lạc: (714) 933-7945 hoặc (714) 933-7931. Email: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình giới thiệu “Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT