Thursday, March 28, 2024

Sư Phạm Sài Gòn hải ngoại họp mặt 2017

Uyên Nguyễn/ Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood trên đường Lampson trong thành phố Garden Grove, gần ba trăm nam nữ cựu giáo sinh của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975 đã tề tựu cùng nhau chung vui trong một cuộc họp mặt hàng năm.

Trong phần giới thiệu, MC Nguyễn Hữu Chi cho biết cuộc họp mặt năm nay có 8 vị giáo sư của trường đã đến chung vui với các trò cũ của mình, trong đó có GS Doãn Quốc Sỹ, GS Dương Ngọc Sum, GS Nguyễn Hữu Phước, GS Nguyễn Tử Quý, GS Trần Thế Uy, GS Nguyễn Duy Linh và cô Hồ Hiệp.

Phần các nam nữ cựu giáo sinh, vẫn theo ban tổ chức cho biết thì đã có mặt của các cựu giáo sinh đến từ Virginia, Washington DC, Canada, Washington State, Texas…

Không khí cuộc họp mặt rộn rã ngay từ lúc gặp nhau ghi danh ngoài cửa. Các khuôn mặt mô phạm ngày nào, nay tạm gác đi để cho tình cảm mừng vui được gặp lại nhau ùa vỡ không nén được.

Phần nghi thức chào cờ Việt-Mỹ, mọi người tham dự đều ghi nhận được rõ một chi tiết là tất cả ban đồng ca Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại đều cất lên giọng hát hùng hồn bài Quốc ca VNCH. Điều này quả không lạ, vì sau bao nhiêu năm sau khi ra trường các nam nữ giáo sư này đã chỉ huy những mái đầu xanh chào cờ vào mỗi buổi sáng Thứ Hai đầu tuần. Đã cất lên bao nhiêu lần bài quốc ca rung cảm này. Đến nay, sau khi rời trường rời lớp vào ngày quốc biến 30 Tháng Tư, 1975 những lời ca ấy vẫn còn trong tim trong óc những người đã chọn một nghề cao quý là dạy học trong một nền giáo dục dân tộc, khai phóng và nhân bản.

Giáo Sư hội trưởng Dương Ngọc Sum, trong diễn văn khai mạc buổi họp mặt thường niên năm nay đã bày tỏ niềm vui khi vẫn còn được gặp lại nhau đông đủ thầy trò hàng năm.

Các vị giáo sư được học trò cũ của Đại học Sư Phạm Sài Gòn trao tặng những bó hoa tình nghĩa thầy trò. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)

“Nhưng niềm vui ấy thật không trọn vẹn khi gia đình sư phạm chúng ta còn có nhiều người kẹt lại tại Việt Nam, phải chịu đựng biết bao khó khăn trù dập của chính quyền mới. Nên ngay từ sau năm 1975, một số anh chị em trong ngành giáo dục VNCH đã tìm đến nhau thành lập được tổ chức Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn để vừa thông báo cho nhau ai đã thoát được ai còn kẹt lại. Lúc đầu thì chỉ có lơ thơ khoảng ba chục người, nhưng chỉ một vài năm sau con số đã vượt lên hàng trăm để hôm nay chúng ta có được những cuộc hội ngộ như thế này,” giáo sư nói.

Giọng vị giáo sư cao tuổi hơi trầm đi khi nhắc đến công lao xây dựng nên Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại của nhà giáo Nguyễn Quý Bổng. Ông nói: “Giáo sư Bổng dù định cư ở Canada nhưng đã cố gắng liên lạc với đồng nghiệp của mình và các em học trò cũ để cùng nhau vun đắp, mở rộng sự liên lạc ra khắp thế giới. Tiếc thay, đến năm 1989, vì lý do sức khỏe không còn đi xa được nên giáo sư Bổng đã trao lại việc điều hành Gia Đình Sư Phạm Giáo sư Hải Ngoại cho chúng tôi.”

Trong diễn văn khai mạc, Giáo sư Sum cũng nhắc lại sự hình thành của trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ sau khi đất nước bị chia đôi, miền Nam trong chế độ tự do dân chủ. Chính phủ Đệ I Cộng Hòa đã đẩy mạnh sự phát triển giáo dục, vừa cho xây cất thêm nhiều trường ốc, cơ sở giáo dục khắp các tỉnh thị miền Nam, vừa tổ chức đào tạo cấp tốc giáo chức. Sư Phạm Sài Gòn được thành lập vào thời gian này với học kỳ là 3 năm cho các giáo sinh đã tốt nghiệp tú tài toàn phần. Nhưng để đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết, năm đầu tiên Sư Phạm Sài Gòn cũng đã mở lớp sư phạm học kỳ 1 năm để cung ứng kịp thời cho bực tiểu học và trung học đệ I cấp khắp các tỉnh miền nam. Tiếp sau đó là Sư Phạm Qui Nhơn cũng mau chóng được thành lập để cung ứng nhu cầu giáo chức cho các tỉnh thị miền Trung.

Kết thúc bài diễn văn khai mạc, GS Dương Ngọc Sum đã thân thiết gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em giáo sinh đã làm trọn nhiệm vụ đối với đất nước là góp công đào tạo những thế hệ trẻ biết sống có đạo dức, có trách nhiệm với gia đình, đất nước và dân tộc để ngày nay tại hải ngoại những thế hệ kế tiếp vẫn còn lưu truyền được truyền thống giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng.

Những tiết mục kế tiếp sau phần khai mạc của GS Dương Ngọc Sum là các cựu giáo sinh trao tặng những bó hoa tình nghĩa thầy trò tới các nam nữ giáo sư có mặt.

Một màn xúc động là một vài cựu giáo sinh đã thành công tại hải ngoại cũng lên để được trao lời tri ân thắm thiết đến các thầy cô cũ của mình.

Sau đó một tiết mục văn nghệ của toàn ban hợp ca Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại trình diễn một liên khúc về Việt Nam, với 3 ca khúc nổi tiếng Mẹ Việt Nam ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây, Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ và Việt Nam! Việt Nam!

Không khí bỗng nhộn nhịp hẳn lên sau những tiếng hát đầy hùng khí gợi lên từ những hùng ca có từ thời chinh chiến điêu linh mà những nhà giáo cũng là những đối tượng của cộng sản tại các vùng thiếu an ninh không kém gì các chiến sĩ VNCH.

Quí độc giả cần liên lạc với Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, xin gọi tới (714) 894-6974, (657) 262-5722, (657) 257-9055.

Mời độc giả xem chương trình Người Việt Bếp Việt “Ăn phở bò Kobe Pasteur”

MỚI CẬP NHẬT