Sunday, May 19, 2024

Tết quê Nam Bộ trên đất Houston

Kalynh Ngô/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Một mái chòi tranh, một tách trà lài, một nồi bánh chưng xanh, một ao cá uốn lượn hình chữ S, một cành mai vàng… là những hình ảnh mộc mạc, ấm áp, chân phương trong ngày Tết xưa ở miền quê Tây Nam Bộ hiện ra trước mắt chúng tôi, không phải ở Việt Nam, mà ở Houston, Texas.

Quán nước mái lá miền Tây Nam Bộ của vợ chồng anh Vũ Oanh và chị Anh Thư. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Trên mặt bàn có đủ các loại trái cây tươi ngày Tết kết hợp thành màu sắc của ngũ hành “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.” Bánh chưng, bánh tét, bao lì xì đỏ được chủ nhân sắp đặt khéo léo trên quầy nước. Mỗi một vật thể nơi đây đều toả ra nguồn năng lượng ấm áp của làng quê Nam Bộ.

Lúc nào cũng nhớ Việt Nam

Dù biết rõ đây là khung cảnh tái hiện nhưng từng chi tiết nhỏ đã làm cho người đối diện cảnh vật không thể không bồi hồi.

“Có lẽ chị là người miền Tây?” là câu hỏi đầu tiên khi chúng tôi bước vào khu vườn sau nhà chị Nguyễn Anh Thư. Chị cười nói: “Tôi người miền Tây, quê ở Bến Tre.” 

Ra là thế. Chỉ có người miền Tây “rặt,” sống lâu ở vùng Nam Bộ mới nhớ thương “chịu không nổi” để mang cả mái chòi tranh vách lá qua tận xứ người. Chị kể rằng, chị đến Mỹ được 26 năm, nhưng “lúc nào cũng nhớ Việt Nam.” Hình ảnh làng quê cứ ẩn hiện trong đầu.

Thế rồi, chị kể về một lần đi chơi biển, chị nhìn thấy những sản phẩm quà lưu niệm làm từ tre lá, chị nói với chồng mình: “Nếu sau nhà mình có một mái nhà tranh chắc là đẹp lắm.” Từ câu nói mơ ước đó của vợ, anh Nguyễn Vũ Oanh, chồng của chị Anh Thư, một “thuyền nhân Việt Nam” năm 1980, bắt tay vào công trình mang “làng quê Nam Bộ vào nhà.”

Vợ chồng anh Nguyễn Vũ Oanh và chị Nguyễn Anh Thư bên quán mái lá của mình. (Hình: Anh Thư cung cấp)

Chị kể: “Thế là anh về nghiên cứu. Lúc đầu anh tìm mua nguyên một căn nhà lá nhưng nó rất nhỏ, không đẹp mà lại mắc, không như ý tôi mong muốn. Chúng tôi bắt đầu tìm mua từng thứ một, đầu tiên và khó nhất là mái lá này, xem có nơi nào bán hay không.”

Sau khi tìm mua được món đồ đúng như mong muốn trên trang mạng eBay, anh Vũ Oanh bắt đầu đo, cắt, tìm mua thêm gỗ và những vật dùng cần thiết để tự dựng lên mái nhà lá. Khoảng một tháng sau đó, quán “TiKi Bar miền Tây Nam Bộ” ra đời.

Tùy theo từng ngày lễ mà chủ nhân sẽ trang trí ngôi nhà mái tranh này phù hợp với ý nghĩa của nó.

Chị Anh Thư cười vui “thú nhận” rằng: “Từ khi có nhà này, chúng tôi bắt đầu bày ra nhiều trò lắm. Tiệc sinh nhật, bạn bè đến chơi, rồi lễ lộc gì cũng tụ tập ở quán này, chút bia chút rượu, có khi thì uống trà. Vào mùa Hè, vợ chồng tôi ngồi ở đây uống trà nói chuyện đến tận khuya.”

Nơi “canh bánh chưng chờ trời sáng.” (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Ra đi mang theo hồn quê, sông nước miền Tây Nam Bộ

Chiều Mùng Sáu Tết trời lạnh. Tiếng leng keng phát ra từ chiếc chuông gió treo trên cành cây sát căn chòi lá dễ làm lòng người viễn xứ thêm nao nao. Gian bếp nhỏ đặt cạnh căn nhà tranh tái hiện khung cảnh “canh bánh chưng chờ trời sáng.”

Những chiếc ghế gỗ đơn sơ, mộc mạc nằm trên mặt đất. Nhìn quanh nơi này, cứ như nhìn thấy hình ảnh một gia đình, một nhóm bạn đang ngồi quây quần bên bếp lửa ấm của nồi bánh chưng xanh. Xung quanh họ rộn rã những câu chuyện kể thâu đêm suốt sáng.

Những kỷ niệm ấm áp đó theo chị Anh Thư suốt 26 năm xa quê. Giờ đây thì gia đình hai bên của vợ chồng chị đều định cư ở Mỹ. Thế nên, nỗi nhớ đó dành cho những người bạn thời thơ ấu. Kỷ niệm tuổi thơ luôn êm đềm, khó quên.

“Gia đình chúng tôi hai bên nội ngoại đều ở bên này hết rồi, không còn ai ở Việt Nam. Nên nói nhớ Việt Nam thì đó là tôi nhớ những người bạn của mình. Năm nào vợ chồng tôi cũng về một vài tuần, nhưng không phải vào dịp Tết. Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 thì chưa về lần nào,” chị kể.

Rổ bánh chưng, bánh tét được đặt trong quán mái lá. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Với chị Anh Thư, Tết thì không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ. Chị khẳng định: “Đó là truyền thống, là văn hóa của người Việt Nam. Mình phải gìn giữ. Chúng tôi đã dạy cho hai người con của mình điều này, trong đó có cả gìn giữ tiếng Việt.”

Mỗi một người khi xa quê đều mang theo một hình ảnh, một câu chuyện của riêng mình. Với chị Anh Thư, chị ra đi mang theo hồn quê, sông nước của miền Tây Nam Bộ. Chị mang theo tất cả những gì thuộc về hai tiếng “Quê Hương.”

Còn với anh Vũ Oanh, người biến ý tưởng, biến ước mơ của vợ mình thành sự thật thì có lẽ trong hành lý hơn 40 năm của anh, anh gói vào đó cả dãy đất hình chữ S.

Cách đó không xa là hồ cá koi hình bản đồ chữ S có cả chiếc cầu Kiều nho nhỏ bắc ngang. Chiều hôm đó anh Vũ Oanh bận việc nên vắng nhà. Chúng tôi tiếc vì mất đi dịp được gặp mặt người đã ra đi hơn 40 năm nhưng thật sự chưa bao giờ xa quê hương mình.

Hồ cá koi mang hình chữ S. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Tiếng lành đồn xa. Người này bảo với người khác. Cứ thế, quán nước mái lá của anh Vũ Oanh và chị Anh Thư đã đón tiếp rất nhiều khách đến chơi kể từ ngày anh chị mở cửa “khai trương quán.” Không những thế, chị Anh Thư còn để sẵn những bộ áo dài khăn đóng cho những vị khách nào có nhã ý muốn chụp hình trong trang phục cổ truyền của Việt Nam. Tinh thần hào sảng của người miền Tây Nam Bộ là thế.  

Trời đã xế chiều. Tách trà xanh cũng cạn. Chúng tôi tạm biệt quán mái tranh của vợ chồng anh Vũ Oanh và chị Anh Thư trong cảm giác bồi hồi. Nếu nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng tự hỏi “Rồi mai đây có khi em quay về nơi cũ/ Mang trong tim mình những ước mơ đã nhòa xưa/ Làm sao khi tóc ta thay màu lòng ta vẫn/ Tìm lại được ra bao hình bóng đã phai mờ…” (Quê Hương Thu Nhỏ) thì câu chuyện “ra đi mang theo quê hương” của gia đình chị Nguyễn Anh Thư gần như đã rõ câu trả lời: “Tết này, mang làng quê Nam Bộ về nhà.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT