Friday, April 19, 2024

Tình cảm ‘family’ khi ‘cách ly’ thời ‘Cô Vy’

Kỳ-Phong Trần

(Câu chuyện về một người chồng, người cha kể chuyện con cái phải tự học ở nhà khi bị “cách ly” trong thời dịch bệnh COVID-19.)

Đã qua tuần thứ chín, người dân California thực thi lệnh “ở nhà.” Chẳng ai biết được chuyện gì! Ngày qua ngày, mọi thứ cứ trôi như những cơn sóng ở bãi biển Torrance, cách nhà tôi chỉ khoảng ba dặm, nhưng mấy tuần qua tôi không đụng được một giọt mặn của biển, vì cuộc “đại cách ly” khủng khiếp của năm 2020. Mà đâu chỉ có biển, hầu hết những nơi khác như công viên, trung tâm thương mại, nhà hàng, và thư viện, đều phải đóng cửa, chỉ vì COVID-19.

Khắp California, toàn quốc và cả thế giới, hàng triệu gia đình cũng như tôi, đang phải quay cuồng với cả mớ công chuyện, cũng như “cai quản,” chăm sóc con cái tại nhà, khi trường học đóng cửa.

Thời “mắc dịch,” không đơn giản!

Vợ chồng tôi có hai nhóc tì. Cậu lớn 8 tuổi, học lớp hai, cu út 4 tuổi, sẽ vô mẫu giáo vào mùa Thu này. Vợ tôi làm việc cho một phòng thí nghiệm về di truyền, có trụ sở tại Vùng Vịnh, nhưng cô ấy làm việc tại nhà gần chục năm qua. Đại dịch xảy ra chẳng ảnh hưởng nhiều đến công việc của cô ấy. Nhân vật cuối trong gia đình tôi là… tôi, giáo viên Anh Ngữ của trường trung học về nghệ thuật ở Long Beach. Đó là một trường công.

Học khu chỗ tôi có tới gần 70% học sinh đủ điều kiện để hưởng bữa ăn trưa miễn phí hoặc giá rẻ. May mắn cho gia đình tôi là nằm trong số hơn 30% còn lại, thuộc những gia đình có cuộc sống tương đối sung túc: Hai công việc toàn thời gian, có bảo hiểm y tế, một ngôi nhà với sân vườn rộng rãi, Wi-Fi, máy tính, máy tính bảng, máy in, giấy, và đầy đủ vật dụng khác.

Tuy nhiên, từng ngày trôi qua, tôi càng cảm thấy mọi thứ cứ linh tinh cả lên ở cái thời “mắc dịch” này. Như việc ăn uống của bọn trẻ, đúng ra là ngày ba bữa, nhưng tôi không hiểu liệu chúng có cần đúng y chóc “ba bữa ăn” hay không, khi thức ăn trong nhà đầy đủ, và chúng có thể ăn, uống bất cứ lúc nào tùy thích. Còn tôi vẫn tham dự những buổi họp qua Zoom, và cứ xuất hiện là phải tươm tất với trang phục công sở. Có điều, tôi chỉ cần “lịch sự” từ… thắt lưng trở lên mà thôi.

Và mọi chuyện diễn ra trong gia đình tôi, khá… ổn, nhưng không đơn giản chút nào. 

Thách thức

Vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất, mà cũng nan giải nhất, là không gian sống.

Chúng tôi có khoảng 1,100 sq ft, thật sự với diện tích này không thể đủ cho một nơi được sử dụng cho ba mục đích: Sống, làm việc, và giải trí trong suốt 24 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Chúng tôi – hai lớn, hai bé, và một chú chó, vị chi “ba nhóm,” phải thay phiên nhau để đáp ứng nhu cầu của từng “nhóm.”

Phòng khách bây giờ trở thành “lớp học” của hai cậu bé. Để có thể làm việc tại nhà, tôi phải sử dụng cái kho, nơi hồi giờ chủ yếu để lưu trữ giấy tờ, hồ sơ. Nhưng vì chỉ có một người làm việc trong văn phòng thôi, nên tôi đành phải thiết kế một bàn gấp và máy tính xách tay ở sân sau. Chúng tôi không thể ngồi chung vì khó mà tập trung vì nếu có ba cú gọi Zoom xảy ra cùng lúc thì âm thanh sẽ hỗn loạn thế nào.

Vậy mà tôi vẫn cảm thấy thiếu. Đó là không gian yên tĩnh. Tôi thiếu ghê gớm một nơi tĩnh lặng để có thể làm việc. Nhưng tôi không có. Tuy vậy, với tôi, gia đình và những người tôi yêu là quan trọng hơn cả. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ thành công, khi dành hết thời gian cho những người mình yêu.

Dù là một giáo viên, nhưng tôi cũng làm nhiều “việc không công” (làm không có lương) khác, như là “nhà cố vấn,” huấn luyện viên, gia sư, và diễn viên hài. Tôi cũng có một nhóm bạn “viết lách.” Tôi là người mơ mộng, muốn thay đổi thế giới bằng lời. Tôi cũng là huấn luyện viên đội bóng rổ của cậu con lớn, và đang cố gắng trở thành “John Wood của Việt Nam.” Với bạn bè, tôi thích “quậy” với những trò đùa vui nhộn và có khi hơi nói tục chút xíu.

Ở thời kỳ đại dịch này, mọi người cách ly ở nhà, chắc chẳng ai còn giữ được những thói quen, không ai ngủ đủ giấc, hoặc siêng năng luyện tập thể dục; và nếu có ít xung đột gì với đồng nghiệp, chắc cũng chẳng ai quan tâm.

Thằng con 4 tuổi của tôi chưa đi học, cháu không có giáo viên, bạn bè, cũng chưa phải ăn ngủ đúng giờ, nên nó “quậy” kinh khủng. Thỉnh thoảng tôi phải trốn khỏi phòng vì sợ sẽ nổi nóng lên vì cu cậu. Là người viết văn, một phần công việc của tôi là phải hồi tưởng, là phải lãng mạn. Con cái cứ quấy rầy bên hông, làm được vậy, mới là lạ. Thật tệ! 

“Rạp chiếu phim Walk-In” trong sân nhà. (Hình: Kỳ-Phong Trần cung cấp)

Thành công

Nhưng “ở nhà” cũng cũng có cái hay. Khi có thời gian nhiều như vậy, chắc chắn quý vị sẽ nghĩ đến chuyện sửa sang lại nhà cửa – điều mà “có muốn cũng không được” khi phải dành nhiều thời gian cho công việc.

Để dọn dẹp lại phòng ốc, trước tiên tôi phải sắp xếp lại nhà xe để có chỗ mà chất đồ đạc. Một nhà xe sạch sẽ rất hữu ích trong thời điểm này.

Thật ra việc mở rộng không gian cho thêm thông thoáng chỉ mất một tuần là xong. Tôi có cơ hội làm một phòng tập thể dục, nơi tôi có thể đạp xe, nâng tạ và đấm bốc. Tôi cũng mua một cái loa lớn trên Amazon giá rẻ (có đèn nhấp nháy mà người ta hay dùng trong các bữa tiệc). Nghe nhạc bằng cái loa này giảm căng thẳng đáng kể, khi tập thể dục.

Gia đình tôi cũng tận dụng không gian ngoài trời mà chúng tôi may mắn có được. Sân trước là nơi để mấy đứa nhỏ chơi cầu lông, chơi vượt chướng ngại vật và các trận đấu “bocce” sôi động. Mấy đứa con tôi cũng thích đạp xe và xe đạp điện ở vỉa hè và ngoài đường. Sau nhà của tôi là một sân bóng rổ, nó giúp tôi tỉnh táo mỗi khi bị cơn buồn ngủ ập đến. Tôi cũng luyện thành công được nhiều pha “bắn vào lưới” tuyệt chiêu đó nhe! Tôi cũng mua một hộp cát DIY (do-it-yourself) chỉ có giá $15. Đó là một hộp các tông bự, giống một bảo tàng và thư viện cho hai cu cậu, và hai thùng làm vườn giúp chúng trồng dâu tây, cà chua, và bí. Ở bức tường trống, tôi dùng làm màn ảnh để lũ nhỏ xem phim “Lion King.”

Bi kịch lớn nhất hiện nay là trong thời gian này, cả “hai chàng trai” của tôi không được đến trường. Nhưng cũng may, cậu bé lớp Hai được dạy từ xa, có đầy đủ thiết bị để học ở nhà. Vậy chứ tôi cũng phải để mắt đến cu cậu này nhiều lắm, xem bài vở của cháu thế nào, có hoàn thành chưa. Nhưng thú thật, nhiều khi lu bu với công chuyện, phải đến cuối ngày tôi mới có giờ để kiểm tra.

Nhưng với cậu út 4 tuổi thì khác. Tôi có cảm giác, thời gian này là lúc cu cậu… khổ sở nhất. Cậu bé chẳng có gì để làm, mà chuyện Zoom hay Facetime gì đó không làm cậu bé hứng thú chút nào. Lắm lúc tôi phải ngưng việc của mình để cùng con xem các video về những chủ đề mà cháu thích, như vẽ, hoặc tạo các mô hình.

Các chủ đề của cậu bé 4 tuổi thích, thật là thật tuyệt vời. Cu cậu thích trò chơi xác ướp, “raptor,” tàu ngầm robot dưới nước, lâu đài và… làm vườn. Vào bữa ăn tối, cậu bé phải thuyết trình cho ba mẹ xem đã làm được gì. Những buổi thuyết trình chẳng giống như TED Talks tí nào, ngoại trừ “người trình bày” này rất ngắn gọn và không hề tự phụ, khoe khoang. 

Ấn tượng

Sau tất cả những chuyện diễn ra trong thời kỳ “đại cách ly” này, ấn tượng để lại trong tôi là gì?

Chà, tôi chắc chắn không thể gọi đây là một sự tái thiết lập xã hội, hoặc là thời gian tuyệt vời để học một kỹ năng mới, hoặc bắt đầu một doanh nghiệp. Với tôi, đây là thời gian để làm điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm, đó là “học.”

Tôi học được rằng, cô vợ bé bỏng của tôi nhìn vậy, chứ có thể giải quyết chu toàn được một mớ hỗn loạn. Từ công việc, nấu nướng, mua sắm, căng thẳng vì bố con tôi. Mọi thứ, vợ tôi đều sắp xếp một cách thuần thục và duyên dáng.

Tôi học được rằng cậu “con trai cả” nhà tôi có tính tự lập đến mức khó tin khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhưng lại rất thích chia sẻ suy nghĩ của mình.

Tôi học được rằng cậu út bé bỏng 4 tuổi nhà tôi có thể nói năng, sáng tạo, và suy nghĩ nhiều hơn những đứa bé đồng trang lứa. Cu cậu cũng rất cũng rất thông minh và hài hước.

Tôi học được cách làm thế nào để tái sử dụng nhiều thứ trong nhà. Một lon bia cũ có thể chứa một con khủng long; một chai Gatorade trống rỗng cũng có thể làm thành chiếc tàu ngầm khám phá đại dương; chiếc bàn nhựa mà tôi đặt bên ngoài, dưới gốc cây là “văn phòng làm việc tốt nhất” tôi từng có; hay một hồ bơi bơm hơi giá rẻ cũng có thể là bờ biển Hawaii mát rượi vào ngày nắng nóng.

Quan trọng nhất, tôi học về mình trong thời gian “tái khám phá” bản thân. Tôi vẫn đọc sách và chơi bóng rổ rất nhiều. Tôi đọc xong vài cuốn sách và hoàn thành chương trình để được cấp giấy phép trở thành huấn luyện viên bóng rổ. Nhưng tôi cũng có thời gian để “thử sức” với những điều mới mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ đụng tới, như đạp xe (chán ngắt mà hiệu quả); hoặc se lông mặt (ngứa và chắc cũng chẳng đi đến đâu, theo lời vợ tôi nói).

Một đêm trong tuần thứ ba của giai đoạn cách ly phải ở nhà, vợ tôi và tôi ngồi bó gối trên chiếc ghế Adirondack ở bãi cỏ phía trước nhà. Những đứa trẻ đã ngủ say. Trời lạnh và đêm California là sự pha trộn giữa màu xanh lam, màu chàm lóng lánh như được nhìn thấy trong những hạt pha lê. Chúng tôi nói về những chuyện nghiêm trọng như tỉ lệ lây nhiễm và làm phẳng đường cong.

(Thật hài hước là hồi giờ chẳng ai quan tâm đến toán học, cho đến khi toán học khiến mọi người phải quan tâm đến nó).

Rồi chúng tôi lại nói về mấy chuyện nhăng cuội, đại loại như làm sao để người hàng xóm trông giống như con gà cồ. Chúng tôi nắm tay nhau và nói về tương lai.

Hết chuyện tương lai, chúng tôi lại quay về hiện tại, như việc cách ly, về giá trị của công việc và con người. Ai và cái gì là thiết yếu. Công nhân thiết yếu. Doanh nghiệp thiết yếu. Thiết bị y tế thiết yếu. Nhưng khi nắm tay vợ, tôi lại nghĩ rằng cơ bản nhất vẫn là sự kết nối giữa con người với con người. Tôi nghĩ về bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đội bóng rổ của tôi. Tôi nghĩ về những người bạn, về người quản lý một cửa hàng tạp hóa và nhiều người bạn khác trong ngành y. Tôi nghĩ về các đồng nghiệp của mình. Tôi nghĩ về cả người lạ hoắc mà tôi từng “high-five” ở trận đấu bóng rổ của đội Lakers, hoặc một người xa lạ nào đó tôi gặp trong các buổi hòa nhạc.

Trong khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi đó, tôi biết ai là người quan trọng. Tôi hy vọng mọi người trong chúng ta đều giữ cho mình những điều mà mình cảm nhận được, ở thời điểm này. (Đ.Trang) (đ.d.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT