Tuesday, April 23, 2024

Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, nơi giữ gìn văn hóa Việt cho giới trẻ ở San Diego

 Đằng-Giao/Người Việt

SAN DIEGO, California (NV) – Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là cơ sở lâu đời nhất với tôn chỉ cùng cộng đồng gốc Việt lưu giữ ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa cho nhiều thế hệ tại San Diego.

Cả trường cùng chào cờ mỗi sáng Thứ Bảy, truyền thống lâu đời của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang tại San Diego. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hàng tuần, cứ mỗi sáng Thứ Bảy là các phụ huynh đưa con em đến trung tâm để học tiếng Việt.

Được thành lập từ thập niên 1980, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là kết quả của lòng quyết tâm giữ gìn tiếng Việt tại quê hương thứ hai của những người tuy phải rời bỏ quê cha đất tổ nhưng vẫn muốn duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em mình.

Hình thành từ tình yêu tiếng Việt 

Năm 1984, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là nơi đầu tiên và duy nhất dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ gốc Việt.

“Hồi đó, ai muốn con cái còn nói được tiếng Việt và giữ được văn hóa truyền thống thì chỉ đến Văn Lang mà thôi,” ông Dương Thanh Phong, hiệu trưởng, nói. “Bây giờ cộng đồng lớn mạnh, có nhiều trung tâm Việt ngữ khác nhưng Văn Lang vẫn có nhiều cái nhất.”

Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang được nhiều người tại San Diego biết nhất, mở cửa thường xuyên nhất, có đội ngũ giáo viên hữu hiệu nhất và có đông học sinh nhất.

Đầu năm 1984, để đáp ứng nhu cầu giúp trẻ em gốc Việt tại San Diego duy trì cũng như phát triển ngôn ngữ và nề nếp Việt Nam, một số thành viên Hội Phụ Huynh và Giáo Chức Việt Nam tại San Diego đã đứng ra thành lập Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang.

Từ đó đến nay, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang vẫn liên tục hoạt động, là ngôi trường Việt Ngữ lớn nhất và lâu đời nhất ở San Diego.

Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang chủ trương không chỉ đơn thuần dạy tiếng Việt một cách khô khan giáo điều hay cứng ngắt từ chương mà muốn truyền đạt cho các em sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa cũng như nghệ thuật Việt Nam, và hun đúc tâm hồn Việt để các em dùng làm nền tảng xây dựng gia đình và cộng đồng Việt nữa.

Tại Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, mọi học sinh cùng hăng hái tham gia học tập. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Chúng tôi luôn tạo một không khí thân mật, thoải mái để các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và dễ dàng. Các em đến đây để học vì thích chứ không phải vì bị cha mẹ ép buộc,” Hiệu Trưởng Dương Thanh phong nhấn mạnh.

Ban đầu, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang có bảy lớp, từ mẫu giáo đến lớp sáu, nhưng về sau, trình độ của các em cao hơn nên trường có thêm lớp bảy và tám.

Em Tim Lê, học sinh lớp bảy, nói: “Con học ở đây mấy năm rồi. Hồi đầu con rất chán nản vì cuối tuần không được nghỉ ngơi mà phải vô đây học.”

Rồi dần dần, từng em, từng em cảm thấy tinh thần hiếu học gia tăng.

Em Tim tiếp: “Nhưng từ từ, khi thấy các thầy cô ở đây tốt quá, hết lòng dạy dỗ và con có thêm  nhiều bạn bè khác cùng nói tiếng Việt nên con thấy vui lắm.”

Em thêm: “Bây giờ con rất thích đến đây học. Các bạn và con đều thích học tiếng Việt.”

Khác với Tim Lê, em Lê Song Thuận, học sinh lớp bảy, ngay từ đầu tự đòi học tiếng Việt vì tinh thần dân tộc.

Em Song Thuận tâm sự: “Con thấy nhiều bạn học gốc Trung Quốc ở trường (phổ thông) đều nói tiếng Hoa rất giỏi nên con nghĩ, mình là người gốc Việt thì phải nói được tiếng Việt chứ.”

Không chỉ học chữ, em Tim, em Song Thuận cùng các bạn thuộc lớp lớn như lớp bảy hay tám còn tham dự chương trình giáo dục kinh doanh của trường nữa.

“Thí dụ như tuần rồi, tui con chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm được thầy cô hướng dẫn cách phát triển  một thương hiệu nước mắm rồi tìm người đầu tư để tung ra thị trường,” Tim nói. “Tụi con rút ra rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ đây.”

Dù đây là một bài thực tập nhưng các em vẫn trải qua những giai đoạn gay go y như thật.

Thầy Hiệu Trưởng Dương Thanh Phong (phải) trao giải thưởng cho học sinh xuất sắc trong một cuộc thi tại Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Được lòng tín nhiệm của phụ huynh 

Các phụ huynh có con đến học tại Trung Việt Ngữ Tâm Văn Lang đều tỏ lòng tin tưởng trường.

Ông Tuấn Lê, cha của Tim Lê, cho biết ở nhà, Tim nói tiếng Việt. “Đây chính là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi muốn con mình không quên quê cha đất tổ. Thấy con tôi thích học ở đây là tôi yên tâm rồi.”

Bác Sĩ Nguyễn Thượng Trí có bốn người con tuần tự học tại đây.

“Hai đứa lớn đã lên đại học rồi. Hiện giờ tôi còn hai đứa nhỏ đang học tại trường.”

Bác Sĩ Trí luôn tỏ lòng  tri ân những thầy cô tại Văn Lang bằng cách sẵn sàng bảo trợ những chương trình gây quỹ. Ông cho rằng ủng hộ Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là một chuyện đương nhiên.

“Mấy đứa con tôi nói được tiếng Việt là nhờ quý thầy cô ở đây,” ông nói. “Sự đóng góp của tôi không đáng gì so với công sức của các vị.”

Có thể nói rằng một trong những lý do khiến Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang có chỗ đứng cao trong sự đánh giá của giới phụ huynh là sự giảng dạy kiên trì lâu bền của các thầy cô. Bao năm qua, họ giảng dạy không ngưng nghỉ.

Truyền thống lâu dài 

Bà Nguyễn Thùy Trang, phó hiệu trưởng giám học, vừa giữ chức hiệu phó vừa trực tiếp dạy các em.

Bà nói: “Suốt 22 năm qua, tôi gắn bó với Văn Lang. Lúc đầu, tôi đưa con đến đây học rồi khi thấy trường thiếu người đứng lớp, tôi tình nguyện dạy. Rồi thấm thoát, hơn 20 năm qua đi.”

Theo bà, dạy lớp mẫu giáo khó khăn nhất vì các em chưa biết gì.

“Càng lên lớp lớn, các em hiểu biết hơn nên công việc giảng dạy dễ dàng hơn cho chúng tôi,” bà chia sẻ.

Hai cha con đều làm thầy giáo. Anh Tôn Thất Quân (trái) và ông Tôn Thất Duy. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hai cha con cùng dạy tại một trường 

Một điều đặc biệt duy nhất tại Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là có học sinh bắt đầu lớp một tại đây, ra trường rồi quay lại cùng cha dạy cho thế hệ mới. Đó là ông Tôn Thất Duy và con là Tôn Thất Quân.

Ông Duy nói: “Tôi dạy ở đây 25 năm rồi. Lúc đầu, tôi tính dạy cho vui nhưng sau rồi thấy yêu nghề nên dạy luôn dù rằng đây là công việc hoàn toàn thiện nguyện.”

Anh Tôn Thất Quân, một kỹ sư công chánh của CalTrans (California Department of Transportation) rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ.

Anh bắt đầu lớp Một tại Văn Lang năm 1995. Vì có nhiều gắn bó với trường nên sau khi có công ăn việc làm ổn định, anh quay lại gia nhập ban giảng huấn của trường.

Ngoài việc giảng dạy, anh còn là trưởng ban sinh hoạt và đảm trách chương trình tài năng trẻ.

Cô giáo cùng học sinh chơi đố nhạc trước khi vào lớp. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Anh nói: “Tôi thích tổ chức những chương trình văn hóa như sinh hoạt Tết, Trung Thu, đố vui và thi đánh vần cho các em.”

Như bao nhiêu học sinh khác, lúc đầu, anh Quân học tiếng Việt vì vâng lời cha mẹ nhưng rồi lòng yêu thích tiếng Việt nảy nở trong lòng anh tự lúc nào và giờ đây, anh muốn trao món quà ấy cho con mình.

“Năm tới, con trai tôi năm tuổi, bắt đầu học được rồi. Tôi sẽ cho cháu đến đây học tiếng Việt.”

Duy trì Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang rất khó khăn vì phải trả tiền thuê trường lớp đủ rộng cho hàng trăm học sinh.

“Tuy nhiên, với uy tín lâu năm và sự tận tâm của ban giảng huấn hùng hậu cũng như sự ủng hộ của phụ huynh và mạnh thường quân, chúng tôi vẫn sẽ tồn tại cho thế hệ trẻ,” hiệu trưởng Dương Thanh Phong khẳng định. [kn]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT