Saturday, May 18, 2024

‘Truyện Kiều’ qua buổi giới thiệu của GS Nguyễn Trung Quân tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đề tài “Giới thiệu Truyện Kiều của Nguyễn Du” do Giáo Sư Nguyễn Trung Quân thuyết trình trong buổi hội thảo tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Tám, được nhiều vị giáo sư, học giả, cùng những người yêu thích tác phẩm này, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến dự.

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân giới thiệu “Truyện Kiều” qua sách “Truyện Thúy Kiều” của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, do nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn ấn hành trước năm 1975. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mặc dù diễn giả chỉ “giới thiệu” thôi, nhưng “Truyện Kiều” luôn là một đề tài miên man nói mãi vẫn không bao giờ hết. Trong gần ba giờ đồng hồ, “Truyện Kiều” được diễn giả trình bày hết sức phong phú, với nhiều tình tiết éo le gay cấn.

Với 3,254 câu, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, phóng tác dựa theo bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, được chuyển từ cái gốc bình thường, sửa đổi lại những gì thấy không cần thiết để sau đó học giả Trương Vĩnh Ký biến thành một tuyệt tác hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, theo thể thơ lục bát của Việt Nam.

Giáo Sư Quân tập trung vào việc giải thích tại sao người Việt Nam yêu “Truyện Kiều” như vậy. Và lý do nào “Truyện Kiều” êm đềm đi vào lòng dân tộc, được mọi người yêu mến. Đó là vào năm 1924, cụ Phạm Quỳnh và có lẽ cả cụ Trần Trọng Kim, đã tổ chức buổi thảo luận lớn về “Truyện Kiều,” và cụ Phạm Quỳnh đã viết một bài văn rất quan trọng nói về “Truyện Kiều,” trong đó có câu nói gây xúc động “Truyện Kiều còn tiếng ta còn/ Tiếng ta còn nước ta còn.”

Đến số 86 Nam Phong Tạp Chí, cụ Phạm Quỳnh đăng bài viết trong đó có câu này, gây nên một cuộc tranh luận lớn, chia làm hai phe bênh và chống, đến nỗi trong văn giới gọi là “Cuộc chiến về Truyện Kiều.” Theo thời đại, thế mạnh của “Truyện Kiều” phải lên năm 1925, có lẽ do cụ Trần Trọng Kim và cụ Bùi Kỷ đã đưa ra ấn bản này, góp phần cho thấy “Truyện Kiều” có giá trị lớn không thể phủ nhận.

Nhưng đến 1945 hỗn loạn của Đệ Nhị Thế Chiến, Vua Bảo Đại mời cụ Trần Trọng Kim lập chính phủ lúc đó gọi là “Đế Quốc Việt Nam,” với quốc kỳ chữ Ly cờ vàng ba sọc đỏ nhưng sọc giữa bị mất đi một đoạn (Quẻ Khảm, còn gọi là Cung Ly, theo Kinh Dịch thì người phương Nam thuộc quẻ Ly).

May thay trong chính phủ ấy, cụ Trần Trọng Kim mời toàn giới trẻ, trong đó có Thạc Sĩ Hoàng Xuân Hãn, được giao chức bộ trưởng Giáo Dục trong nội các Trần Trọng Kim, và “Truyện Kiều” được đưa vào chương trình học thời bấy giờ. Từ đó, người Việt biết đến “Truyện Kiều” nhiều hơn.

Cô Quỳnh Hương (bìa phải), giáo viên dạy Tiếng Việt trường tiểu học DeMille Elementary School, Học Khu Westminster, ghi chú cẩn thận bài thuyết trình về “Truyện Kiều” do Giáo Sư Nguyễn Trung Quân trình bày tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ngay chính mấy câu mở đầu ‘Truyện Kiều’ là ‘Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,’ tôi nghĩ là chính tâm trạng của cụ Nguyễn Du sau cuộc chống và bênh ‘Truyện Kiều,’ chứ không phải của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân,” Giáo Sư Quân dẫn chứng.

“Trong luận đề cõi sống 100 năm, chữ Tài là chính, đó là khả năng lớn lao của con người để sống trong xã hội, và chữ Mệnh là cách sống, đời sống, và cơ hội sống. Hai chữ Tài và Mệnh đối chọi nhau. Đó cũng là quy luật ‘Tài mệnh tương đố,’ không có ai tài mệnh vẹn toàn cả,” Giáo Sư Quân tiếp.

Ngay đoạn đầu tiên, “Truyện Kiều” đã nói “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen,” trải qua cuộc đời 15 năm luân lạc của Thúy Kiều đã chứng minh luận đề đó cho đến khi nàng được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên gia đình. Cụ Nguyễn Du luôn theo bước trung dung của nhà Nho, nhà Phật gọi là trung đạo. Đó là mấu chốt vấn đề để “Truyện Kiều” đi vào lòng người Việt.

Diễn giả đã dẫn dắt người nghe qua những ngóc ngách của “Truyện Kiều,” từ khi Kiều đi tảo mộ Thanh Minh, gặp Kim Trọng, rồi gia đình gặp nạn phải bán mình chuộc cha, đưa đẩy nàng Kiều vào lầu xanh, ba chìm bảy nổi chết đi sống lại, đi tu, tự tử trên sông Tiền Đường, với kết thúc có hậu khi sum vầy cùng Kim Trọng.

Câu chuyện với nhiều tình tiết éo le, được vị giáo sư diễn giả tóm lược lại trong những đoạn tuyệt tác của “Truyện Kiều,” cho thấy những tinh hoa của văn học Việt Nam, khi “Truyện Kiều” được mệnh danh là một kiệt tác của nước nhà.

Giáo Sư Quân cũng cho hay “Truyện Kiều” từng xuất hiện trong quan hệ ngoại giao thời đại, với những vị tổng thống Mỹ yêu thích “Truyện Kiều.” Khi Tổng Thống Bill Clinton đến Việt Nam năm 2000, ông đã lẩy hai câu Kiều “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài, ngày ngắn, Đông đà sang Xuân.” Hoặc năm 2015, Phó Tổng Thống Joe Biden khi tiếp giới chức cao cấp Việt Nam tại Mỹ, đã đọc hai câu “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.” Và lần thứ ba khi Tổng Thống Barack Obama đến Việt Nam năm 2016, đã đọc hai câu Kiều “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin, gọi một chút này làm ghi.”

Đến cảnh Hoạn Thư, với kiểu đánh ghen độc đáo có một không hai, đã dàn cảnh Thúy Kiều bị bắt làm con hầu đánh đàn cho hai vợ chồng Thúc Sinh và Hoạn Thư ngồi nghe, đến nỗi anh chồng Thúc Sinh chịu không nổi, phải “Giọt châu lả chả khôn cầm/ Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương,” “Sinh càng như dại, như ngây/ Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi” theo tiếng đàn của Thúy Kiều.

Các vị giáo sư, học giả, và giới trẻ trong buổi giới thiệu về “Truyện Kiều” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Và cũng độc đáo không kém khi Từ Hải, một tay chọc trời khuấy nước, đem Thúy Kiều về làm vợ. Khi đã là phu nhân, Thúy Kiều thực hiện câu ơn đền oán trả với những kẻ đã làm Kiều đau khổ, nhưng khi Hoạn Thư quỳ lạy, thưa “Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông, thì cũng người ta thường tình” và kể lể khi Thúy Kiều trốn khỏi am tu hành, đã lấy cắp theo chuông vàng khánh bạc, mà bà cũng không bắt tội. Do đó Kiều cũng tha tội cho Hoạn Thư, chứng tỏ Kiều cũng là người có lòng nhân từ.

Giáo Sư Quân cũng nhắc lại câu nói lịch sử nổi tiếng của cụ Phạm Quỳnh, quan thượng thư triều đình Huế thời Vua Bảo Đại, rằng “Truyện Kiều còn tiếng ta còn/ Tiếng ta còn nước ta còn.” Và khi “Truyện Kiều” ra đời, có lẽ cụ Nguyễn Du đoán trước thơ lục bát là thể thơ của dân tộc, là một quốc bảo của văn học Việt Nam, thấm đượm tính dân tộc rất cao nên dễ đi vào lòng người.

Ngày nay, những chữ trong “Truyện Kiều” trở nên thông dụng trong ngôn ngữ Việt, khi nói những chữ “Tú Bà,” “Sở Khanh,” “Lầu Xanh,” “Máu Hoạn Thư,” hoặc trong âm nhạc, văn chương khi nói “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”… thì ai cũng hiểu.

Những câu thơ trong “Truyện Kiều” dù tả cảnh, tả người, hay diễn tả tâm tình… đều man mác một trời tinh hoa văn học, mỗi câu mỗi chữ đều diễn tả chính xác hình thái hoặc tâm trạng, nỗi lòng. Từ tầng lớp bình dân cho đến giới trí thức đều nồng nhiệt đón nhận.

Như câu tả cảnh “Dưới trăng quyên đã gọi Hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” hoặc “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không” để tự hỏi mà cũng bâng khuâng cho mối tình đầu, hoặc “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh” tả nét đẹp của nàng Kiều, hay “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e,” “Mai cốt cách tuyết tinh thần”… thật là những biện pháp tu từ tuyệt vời, càng đọc càng thấm ý.

Giáo Sư Trần Huy Bích cũng có những  đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo, khi đưa ra những bằng cứ cho thấy hiện nay dựa theo một website về Nguyễn Du, có bảy bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh. Nhưng theo tạp chí Nghiên Cứu Văn Học ở trong nước, số phát hành Tháng Giêng, 2016, thì có 12 bản dịch. Cho tới nay, được đánh giá cao là các bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Vladislav Zhukov và Timothy Allen. Cách dịch của Huỳnh Sanh Thông không gì chê được, còn mỗi khi đọc bản dịch Kiều của Zhukov có cảm giác như đọc thơ vậy.

Quang cảnh buổi thuyết trình về “Truyện Kiều” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Quỳnh Hương, giáo viên dạy Tiếng Việt trường tiểu học DeMille Elementary School, Học Khu Westminster, cho hay: “Có thể dùng Truyện Kiều để dạy cho các em trong việc tả cảnh, hoặc học về nội dung câu chuyện, hoặc học về phân tích, hay lịch sử gốc gác ra đời của Truyện Kiều. Tùy theo lứa tuổi, thầy cô sẽ dạy nhiều hay ít, nhưng nên dạy Truyện Kiều trong trường học vì Truyện Kiều có giá trị lịch sử và văn học. Về văn chương Việt Nam, người Việt phải biết Truyện Kiều, nếu biết những câu độc đáo của Truyện Kiều thì càng tuyệt vời hơn, và nếu biết thêm về lịch sử ra đời của Truyện Kiều lại càng hay hơn nữa.”

Khởi đầu “Truyện Kiều” với những câu “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đã cho thấy rõ thuyết “Tài mệnh tương đố,” và cụ Nguyễn Du đã hạ bút hai câu cuối “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như một lời khẳng định con người sống bằng lòng nhân ái sẽ được phần tốt đẹp.

Người đọc cũng bâng khuâng tự hỏi khi cụ Nguyễn Du kết thúc “Truyện Kiều” bằng hai câu “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh,” có thật “Truyện Kiều” chỉ để mua vui chăng?

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, sinh năm 1937 tại Cần Thơ. Cựu học sinh các trường Phan Thanh Giản Cần Thơ và Petrus Ký Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn 1962. Cựu giáo sư, giám học, hiệu trưởng trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Cựu hiệu trưởng trung học tổng hợp Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Cựu hội viên Hội Đồng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đến 30 Tháng Tư, 1975. Cựu hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại. Giám khảo và điều khiển chương trình thi môn Văn của Giải Khuyến Học. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT