Saturday, April 20, 2024

Tưởng nhớ Việt Dzũng và trao giải phản bác phim ‘The Vietnam War’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Nói đến Phong Trào Hưng Ca Việt Nam thì mình không thể không nhắc đến cố nhạc sĩ Việt Dzũng, một trong những người đầu tiên đã sáng lập ra Phong Trào Hưng Ca Việt Nam. Đối với tôi, Việt Dzũng là một biểu tượng sinh hoạt của cộng đồng, anh đã hy sinh cả cuộc đời của anh để cho ánh sáng tự do của dân tộc Việt Nam. Thứ hai nữa là lập trường chống Cộng của anh rất bền vững từ khi Phong Trào Hưng Ca Việt Nam ra đời cho đến khi anh nằm xuống.”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Tùng, cựu Trưởng Ban Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trong đêm “Văn Nghệ Đấu Tranh Tưởng Nhớ Việt Dzũng & Lễ Trao Giải Truyền Thông Hưng Ca ‘Nhận Định Phim Tài Liệu The Vietnam War’” do Phong Trào Hưng Ca Việt Nam tổ chức tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, Garden Grove, vào chiều Thứ Bảy, 16 Tháng Ba.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Giải Truyền Thông Hưng Ca của Phong Trào Hưng Ca Việt Nam nhằm vinh danh những người đã có đóng góp cho cộng đồng hải ngoại với lập trường chống Cộng.”

Lễ tưởng niệm cố nhạc sĩ Việt Dzũng rất trang nghiêm và cảm động qua bài thơ “Truy Điệu Việt Dzũng” của Minh Huy với giọng ngâm của Chi Huệ.

Nhạc cảnh “Vì sao?” do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện trong đêm tưởng nhớ Việt Dzũng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nữ tài tử Kiều Chinh tâm tình: “Tôi biết Việt Dzũng lúc anh còn nhỏ, vì chúng tôi là hàng xóm với nhau, nhà của Việt Dzũng và nhà của tôi chung nhau một bức tường. Đối với tôi, nhạc sĩ Việt Dzũng là một người rất tài hoa và có lòng yêu nước rất sâu đậm. Anh mất đi là một mất mát lớn cho phong trào đấu tranh tại hải ngoại.”

Tiếp theo, ban tổ chức trao Giải Truyền Thông Hưng Ca “Nhận Định Phim Tài Liệu ‘The Vietnam War,’” với giải nhất trị giá $3,000 thuộc về tác giả Phan Minh Khánh (Westminster, California); giải nhì $2,000 thuộc tác giả Trọng Đạt (Dallas, Texas); giải ba $1,500 thuộc tác giả Ngô Xuân Tâm (Honolulu, Hawaii); giải tư $1,000 thuộc tác giả Lâm Vĩnh Thế (Canada); giải năm $500 thuộc về tác giả Lý Tống (San Jose, California) và Linh Mục Phan Văn Lợi (Việt Nam).

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao bốn giải đặc biệt, mỗi giải $500 dành cho Bác Sĩ Vĩnh Chánh (California); tác giả Thomas Nguyễn (Australia); tác giả Christina Cao (California) và tác giả Huỳnh Kim Hiếu (Dallas, Texas).

Ông Phan Minh Khánh (trái), người đoạt giải nhất trong lễ trao Giải Truyền Thông Hưng Ca. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Ngô Quốc Sĩ, từ San Jose về, một trong hai thành viên của Ban Tuyển Chọn Giải Truyền Thông Hưng Ca cho biết: “Phần nhiều những bài tham luận để dự thi thì họ đặt nặng về vấn đề cuộc chiến của Việt Nam, mà cuốn phim ‘The Vietnam War’ của đạo diễn Ken Burns và Lyn Novick chỉ nói về một chiều có lợi cho Cộng Sản; nói sai quá nhiều về lịch sử của cuộc chiến đó và vai trò của VNCH và của Cộng Sản Việt Nam cũng sai, kể cả vai trò của người Mỹ cũng sai. Vì thế mới có cuộc tuyển chọn Giải Truyền Thông Hưng Ca. Mục đích ban tổ chức là bây giờ mình phải làm sao để sửa đổi lại cái sai lầm đó.”

“Chúng tôi là những người giám khảo, chúng tôi không được quyền biết tên của tác giả, tại vì nếu biết thì không có khách quan. Vì thế, khi chúng tôi nhận được bài viết dự thi thì chúng tôi chỉ xem nội dung của bài dự thi như thế nào, tư tưởng của tác giả có ý phản biện lại cuốn phim ‘The Vietnam War’ hay không, sau đó chúng tôi mới tuyển chọn. Cho đến giờ này, khi ban tổ chức đã công bố kết quả thì chúng tôi mới biết những bài được tuyển chọn là của người nào,” ông chia sẻ về vai trò giám khảo của mình.

Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một thành viên trong Ban Tuyển Chọn, cho biết có 62 bài dự thi, trong đó có chín bài không hợp lệ.

Bác Sĩ Vĩnh Chánh (phải) người trúng giải đặc biệt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Còn ông Phạm Văn Nam, thành viên ban tổ chức từ tiểu bang Massachusetts về, và ông cũng thuộc nhóm thực hiện phim “Through Our Eyes – The Vietnam War” mà Phong Trào Hưng Ca Việt Nam đã chính thức nhận lời yểm trợ, cùng hợp lực nhằm tiếp tục phản bác bộ phim tài liệu “The Vietnam War” của đạo diễn Ken Burns và Lyn Novick, nói: “Chúng tôi đang thực hiện cuốn phim có nội dung về lịch sử chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của người Việt. Vì chiến tranh Việt Nam sau 60 năm qua hầu như bị thế giới bóp méo, hoặc lãng quên, nhất là gần đây có những cuốn phim mới nói về chiến tranh Việt Nam, nhưng cũng chỉ lập lại những điều sai lầm từ hơn 40 năm trước. Chúng tôi nghĩ rằng, mình phải nói lên tiếng nói của mình, và mình không thể chờ đợi người khác nói giúp mình, mà ngay chính chúng ta phải tìm mọi cách để nói lên chính nghĩa của chúng ta cho thế giới biết được.”

“Dự án của chúng tôi là không phải chỉ làm cuốn phim thôi, mà chúng tôi cũng làm một tài liệu giáo khoa đi kèm theo cuốn phim để hướng dẫn những thế hệ sau có một cái nhìn chính xác về lịch sử chiến tranh của cuộc chiến Việt Nam. Đồng thời chúng tôi cũng làm một Đài Tưởng Niệm trên Internet để mọi người có thể tri ân, ghi nhớ những người đã hy sinh cho chính nghĩa tự do của Việt Nam,” ông nói thêm.

Cô Christina Cao (giữa), người trúng giải đặc biệt và cha mẹ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Đồng hành với ông Phạm Văn Nam và đạo diễn Fred Koster để thực hiện bộ phim “Through Our Eyes – The Vietnam War” còn có anh Hà Tấn Phi, cháu của bà Nguyễn Mỹ Vân, cựu giám đốc Mỹ Vân Phim trước 1975. Vai trò của anh trong cuốn phim này là thông dịch và thực hiện phần Việt Ngữ, Anh Ngữ.

Nói về sự khó khăn để thực hiện bộ phim này, anh Phi cho biết: “Cái khó khăn duy nhất là chúng tôi cần nhiều người ủng hộ bộ phim này để nói lên tiếng nói trung thực về cuộc chiến Việt Nam cho thế giới biết.”

Có mặt tại đêm văn nghệ đấu tranh, ông Nguyễn Văn Ức, chủ tịch Hội Đồng Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, chia sẻ: “Phong Trào Hưng Ca Việt Nam là một tổ chức dùng văn nghệ để đấu tranh và họ cũng có những điều cần phải nói lên quan điểm của người Việt Nam từ hải ngoại kể cả trong nước. Vì thế, khi cuốn phim ‘The Vietnam War’ ra đời có nội dung bóp méo sự thật cũng như chỉ nhằm sự ích lợi cho phía Cộng Sản Việt Nam, thì Phong Trào Hưng Ca Việt Nam cũng phải lên tiếng để phản bác lại sự sai lầm của cuốn phim này. Ngoài ra theo tôi nghĩ, bổn phận và trách nhiệm của người Việt tại hải ngoại cũng phải lên tiếng để chống đối sự sai lầm của cuốn phim.”

Từ trái, đạo diễn Fred Koster, nữ tài tử Kiều Chinh, ông Phạm Văn Nam và anh Hà Tấn Phi trong đêm “Văn Nghệ Đấu Tranh Tưởng Nhớ Việt Dzũng & Lễ Trao Giải Truyền Thông Hưng Ca ‘Nhận Định Phim Tài Liệu The Vietnam War.’” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Stu A Cầu, cựu tổng hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Việt Nam, tâm tình: “Điểm chính của tôi đến đây hôm nay là để hỗ trợ cho một hậu duệ của Võ Bị Đà Lạt, đó là cô Christina Cao là một trong những người đã trúng Giải Truyền Thông Hưng Ca. Tôi đã từng xem cuốn phim ‘The Vietnam War’ và cuốn phim này làm cho tôi và nhiều người của chúng ta bất mãn vì có rất nhiều điều không đúng trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam. Và những việc làm của những người ký giả trong cuốn phim đó đã có ý thiên vị theo phe của Cộng Sản Việt Nam. Nhưng tôi rất vui mừng vì những hậu duệ của Quân Lực VNCH ở hải ngoại đã hiểu biết nhiều về lịch sử của chiến tranh Việt Nam và họ đã đứng lên đồng hành với cộng đồng để đấu tranh cho chính nghĩa.”

Những người trúng giải hiện diện trong buổi trao giải chỉ có ba tác giả là ông Phan Minh Khánh, Bác Sĩ Vĩnh Chánh và cô Christina Cao.

Ông Phan Minh Khánh, cựu sĩ quan Sư Đoàn 23 Bộ Binh, người đoạt giải nhất, chia sẻ: “Điểm chính trong bài viết của tôi là tôi muốn phản bác vấn đề sai sự thật của phim ‘The Vietnam War.’ Thí dụ như họ nói cuộc chiến Việt Nam là chiến tranh từ người dân, cũng có nghĩa là chiến tranh do dân của hai bên đánh nhau, mà theo tôi đó là sai. Vì miền Nam là tự vệ đối với cuộc xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam được sự hỗ trợ của khối Cộng Sản từ phương Bắc muốn đánh chiếm miền Nam, mà Việt Cộng lại nói những từ hoa mỹ là Giải Phóng Miền Nam, đó là sai… Tôi viết bài tham luận này không phải vì để nhận tiền trúng giải mà là cơ hội để cho tôi nói lên sự phản bác của mình đối với phim.”

Cô Christina Cao, con của cựu Trung Tá Cao Xuân Lê, cựu Tổng Thanh Tra Sư Đoàn 18 Bộ Binh, nói: “Sau khi xem bộ phim ‘The Vietnam War’ thì tôi rất là thất vọng. Tôi cảm ơn Phong Trào Hưng Ca Việt Nam đã cho tôi cũng như nhiều người khác có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình qua bài viết nhằm phản bác nội dung của cuốn phim này. Tôi là hậu duệ của Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị, vì ba tôi là cựu Sinh Viên Sĩ Quan Quân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và ông cũng hy sinh cả đời người để đấu tranh cho lý tưởng tự do. Tôi biết, ba của tôi rất đau đớn vì chiến tranh Việt Nam chấm dứt một cách tức tưởi. Hơn thế nữa là lịch sử của cuộc chiến Việt Nam đã bị nhiều bộ phim ở hải ngoại bóp méo, không đúng sự thật. Và đây là cơ hội để cho những hậu duệ như chúng tôi được lên tiếng.”

Bác Sĩ Vĩnh Chánh, cựu bác sĩ của Tiểu Đoàn Quân Y Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH, cho biết: “‘Nhận Định Về Phim Vietnam War’ đó là đề tựa của bài tôi viết, và nội dung là nói lên sự thật của người Việt Nam nhìn về cuộc chiến Việt Nam mà chính tôi cũng là người trong cuộc. Vì tôi thấy cuốn phim này có rất nhiều sự dối trá, không thực hiện đúng với lịch sử chiến tranh Việt Nam, nên tôi mới viết bài tham luận này.” (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT