Thursday, April 25, 2024

Tưởng Niệm NS Trầm Tử Thiêng và NS Nhật Ngân: Khán phòng không còn chỗ trống

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chương trình âm nhạc nồng nàn tình quê hương đất nước qua chủ đề “Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhạc Sĩ Nhật Ngân” do Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, tại Moonlight Restaurant, Westminster, với sự tham dự đông đảo khán giả khiến cả thính phòng không còn chỗ trống.

“Quảng Nam là đất của văn học và nghệ thuật, với các cụ Nguyễn Tường Tam đi đầu trong Tự Lực Văn Đoàn, cụ Phan Ngô là nhà báo tiên phong, nhà thơ Bùi Giáng danh tiếng thời hiện đại. Quảng Nam là đất của văn học, của khoa bảng. Trong một khóa thi, 5 văn sĩ đất Quảng Nam đã đỗ đại khoa, được nhà vua phong tặng “Ngũ Phụng Tề Phi” (Năm Con Chim Phụng Hoàng Cùng Bay Lên). “Ngàn trùng quê mẹ xa vời vợi. Muôn dặm quê người nhớ cố hương,” chiều nhạc này đến với quý vị với tất cả tấm lòng.” Đó là lời khai mạc của ông Đoàn Ngọc Đa, hội trưởng Hội Quảng Nam Đà Nẵng trong buổi chiều tưởng niệm.

Nhạc Sĩ Nhật Ngân đã sống và dạy học tại Quảng Nam, miền đất nắng thì cháy khô cằn, mưa thì dầm dề lũ lụt nhưng đầy ắp tình người, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nhạc sĩ tài hoa, viết lên những nhạc phẩm bất hủ nói lên tình người chân chất, tính thẳng thắn và tình yêu nước nồng nàn.

Nhạc phẩm “Quảng Nam Quê Ta Ơi” sáng tác Nhật Ngân, do ban hợp ca Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng trình diễn, trong những tà áo dài màu tím, cùng hình ảnh của Quảng Nam Đà Nẵng, với Ngũ Hành Sơn và Chùa Cầu, Hội An, đã mở đầu cho chiều nhạc.

Quang cảnh buổi chiều nhạc tưởng niệm Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhạc Sĩ Nhật Ngân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bản hùng ca này qua những địa danh Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ, Hội An, giờ đã quá xa xôi, dù có trôi giạt khắp bốn phương trời, nhưng vẫn trọn tình đất nước, hẹn với lòng sẽ về xây dựng lại quê hương.

“Một Mai Giã Từ Vũ Khí” sáng tác Nhật Ngân và “Đưa Em Vào Hạ” sáng tác Nhật Ngân tiếp nối chương trình qua giọng hát mạnh, trầm ấm của Quốc Anh.

Nhạc của Trầm Tử Thiêng như những mảng ghép của cuộc đời, tình yêu và thân phận, là sự vô thường của kiếp người, là tâm tình của Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm “Tưởng Niệm,” khi “Ta khổ đau một đời để chết trong một thời,” do ca sĩ Kim Loan trình diễn.

Trong đề tài “Trầm Tử Thiêng, Cuộc Đời và Âm Nhạc,” ông Huỳnh Phước, cựu hội trưởng Hội Quảng Nam Đà Nẵng phát biểu: “… Trái tim anh đã đong đầy bởi tình yêu quê hương dân tộc và nhiệt huyết đấu tranh, mong một ngày đất nước không còn bóng Cộng thù để quê mẹ Việt Nam tìm lại mùa Xuân thật sự. Anh kêu gọi đừng lãng quên thêm mùa Xuân, mỗi người cùng ghé vai nhau loan tin giờ lên đường, từ đây quyết tâm xóa đi bóng đêm, đem lại ngày mai tươi sáng. Trái tim của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng luôn cùng nhịp đập với vận nước và hơi thở đầy vơi theo sự nổi trôi của mẹ Việt Nam…”

Ca Sĩ Kim Loan trong nhạc phẩm “Tưởng Niệm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Mỹ, cựu hội trưởng Hội Quảng Nam Đà Nẵng, cũng nhắc nhớ về nhạc sĩ Nhật Ngân, như “Một người nhạc sĩ tài hoa với đủ mọi thể loại, và là một người hiền lành thật thà có sao nói vậy, biết trân quý tình bạn, tình quê hương, lập trường quốc gia vững chắc, luôn ủng hộ những người đấu tranh vì lý tưởng tự do.”

Ông Mỹ cũng xin mượn mấy vần thơ của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình để nói lên tâm tình của nhạc sĩ Nhật Ngân với mọi người trước khi ra đi: “Xin vĩnh biệt anh em/ Xin vĩnh biệt mọi người/ Tôi ra đi lần cuối/ Không bao giờ trở lại/ Hẹn nhau trong nước Trời/ Con thuyền đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Trần Nhật Ngân đã đi qua cuộc đời/ Xin để lại tình yêu…”

Bà Nguyễn Thanh Thủy, hội trưởng Hội HO và Thương Phế Binh VNCH chia sẻ: “Nhạc của hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân tự nó đã đi vào lòng người rồi, và qua buổi nhạc tưởng niệm, ban tổ chức đã chọn lựa những bài thật đặc sắc, hơn nữa tính đoàn kết của Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng đã biểu dương được sức mạnh của Hội. Thể hiện qua việc đóng góp hết mình, từ việc lo dàn dựng, âm thanh ánh sáng, tuyển lựa bài nhạc và ca sĩ trình bày, tất cả đều hoàn hảo, để nói lên tâm tình của mình đối với hai nhạc sĩ tài hoa này, thật đáng trân trọng!”

Nhạc cảnh “Khăn Sô Cho Huế” do Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày trong chiều nhạc tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cảm nhận trong buổi chiều nhạc, phu nhân cố nhạc sĩ Nhật Ngân xúc động nói: “Xin chân thành cảm ơn tấm lòng của Hội Quảng Nam Đà Nẵng và quý anh chị em đã hết lòng thương yêu anh Ngân bao nhiêu năm qua, và sẽ còn mãi mãi, đã luôn nghĩ tới anh Ngân, và trong chiều nhạc hôm nay, cùng với sự tham dự thật đông như thế này của những tấm lòng khán thính giả, thật đáng trân trọng!”

Nói với Người Việt, Ca Sĩ Ngọc Hạ, cũng là đồng hương xứ Quảng, chia sẻ: “Hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân, tuy không cầm súng nhưng với vũ khí là âm nhạc, đã thiêu cháy trái tim của quân thù, và đánh động những trái tim yêu nước, thắp lên những ngọn lửa tình yêu của mọi người bùng cháy mãnh liệt hơn. Hôm nay rất trân quý những thính giả đến để nghe lại những giai điệu hào hùng muôn thuở ấy.”

Tình mẹ yêu con bao la vô cùng, không gì sánh được, và tình con yêu mẹ lại thiêng liêng cao vời. Người con với trái tim yêu mẹ nhưng đành phải chia hai vì đất nước đang còn phân ly, đành gởi về mẹ lời hứa đến nao lòng, chưa về thăm mẹ được khi ngày Xuân vẫn còn nơi chiến trường, qua nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” sáng tác nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, Ngọc Hạ trình bày.

Trận thảm sát người dân vô tội ở Huế ngày đầu năm Tết Mậu Thân 1968 do cộng sản gây ra, Ban Tù Ca Xuân Điềm đã đưa người xem trở về ký ức của trận thảm sát kinh hoàng qua nhạc cảnh “Khăn Sô Cho Huế,” đã làm nhiều người rơi lệ.

Ông Hội Trưởng Đoàn Ngọc Đa trao hoa cho phu nhân cố Nhạc Sĩ Nhật Ngân trong đêm tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một chuyện tình buồn nhẹ nhàng lướt qua tiếng hát của Carol Kim trong nhạc phẩm “Tôi Đưa Em Sang Sông,” sáng tác Nhật Ngân, qua mối tình chân thật của chàng trai khi tiễn người yêu nơi bến đò Xu, Đà Nẵng, “sợ bến đất lấm gót chân sợ bến gió buốt trái tim,” hay “Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa…” để ngày nay phải thêm buồn hơn khi xác pháo vướng gót chân, tiễn nàng lên xe hoa ngày cưới. Bài hát đầu tay này đã chiếm cảm tình của biết bao cô gái năm xưa khi nghe chàng trai hát tỏ tình thuở ban đầu.

Ông Phùng Minh Tiến, người dự buổi nhạc từ đầu đến cuối chương trình, cho biết: “Tôi người Hội An, cũng đã từng ngồi nhâm nhi cà phê cùng 2 vị này. Rất hãnh diện cho những dòng nhạc của hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân, đã đi vào lòng người từ bao năm tháng qua. Hôm nay được ban tổ chức làm sống dậy dòng nhạc này, sẽ mãi mãi đi vào lòng người. Nhất là các ca sĩ đã cống hiến hết mình, không chỉ hát cho quê hương Quảng Nam Đà Nẵng thôi, mà còn cho cả dân tộc, đầy ắp tình người!”

Với 21 tiết mục, chương trình đã để lại nhiều nỗi bâng khuâng, cùng hai nhạc sĩ đi suốt hành trình của cuộc chiến, dẫu đã qua bao năm tháng vẫn còn đọng lại trong tâm tư, với những nỗi lòng thổn thức khôn nguôi.

Với các ca sĩ Quốc Anh, Kim Loan, Ngọc Hạ, Carol Kim, Lê Toàn, Ánh Tuyết, và Ban Tù Ca Xuân Điềm, cùng ban nhạc, âm thanh Vũ Quốc Phúc, với 2 MC Bích Ngọc và Hoàng Tấn Kỳ, làm nên một buổi chiều nhạc tuyệt vời.

Trong kho tàng vô giá của nền âm nhạc thời VNCH, trong đó có dòng nhạc của hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân, với tình yêu, quê hương, đấu tranh, thân phận con người và vận nước nổi trôi, đã mang lại nhiều cảm xúc trong nỗi chia ly, và cả những tình yêu thăng hoa.

Khi nhạc phẩm “Lửa Bolsa” sáng tác Nhật Ngân do Ban Hợp Ca Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng cất lên, cả thính phòng rầm rập khí thế trong điệu quân hành, cờ vàng tung bay trong tiếng vỗ tay hòa nhịp đã khép lại chương trình. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT