Tuesday, May 7, 2024

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Tây Nam Hoa Kỳ họp mặt, tràn đầy văn hóa Việt

Văn Lan/Người Việt

STANTON, California (NV) – Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ  (VBVNHN/TNHK) nhiệm kỳ 2022-2023 vừa họp mặt thường niên hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Tám, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 1, Stanton, dưới sự điều hợp chương trình của văn hữu Hạo Nhiên Trần Thế Ngữ, cùng nhiều văn thi hữu về tham dự.

Chào cờ và hát quốc ca Việt-Mỹ trong giây phút khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong không khí vui mừng gặp lại sau gần 3 năm cách ly vì đại dịch, hôm nay là cơ hội gặp lại các bậc đàn anh, các văn thi hữu, và tỏ lời cảm ơn đến các văn thi hữu hội viên đã bầu phiếu tín nhiệm cho Liên Danh Dân Nguyện do văn hữu Đình Duy Phương thụ ủy, và các phiếu bầu gởi qua bưu điện được trưởng ban bầu cử tuyên bố kết quả ngày 29 Tháng Năm, 2020,với sự tín nhiệm đạt mức đắc cử 9/10.

Sau nghi thức khai mạc là phút mặc niệm để tưởng niệm công ơn khai quốc của các vị tiền nhân, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vì tổ quốc; các văn thi hữu đã mất như nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, người đã khai sinh Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại; nhà văn Vũ Văn Tùng, cựu chủ tịch VBVNHN/TNHK, chủ tịch VBVNHN. Đặc biệt là tưởng nhớ văn hữu Trần Thy Vân, cựu chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại vùng Tây Nam Hoa Kỳ, vừa qua đời cách đây vài ngày.

Về tổ chức, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại có ban chấp hành trung ương và các ban đại diện của nhiều vùng ở các nước tự do, nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Buổi họp hôm nay là ở Vùng Tây Nam Hoa Kỳ do trưởng ban đại diện, văn thi hữu Đình Duy Phương tổ chức với sự tiếp tay của ban đại diện.

Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng (bìa trái) giới thiệu quyển “Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt” trong buổi họp Văn Bút Vùng Tây Nam Hoa Kỳ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến, nhà thơ Đình Duy Phương, chủ tịch VBVNHN/TNHK trong lời phát biểu khai mạc, nói: “…Nay tôi nhận trách vụ chủ tịch VBVNHN/TNHK, chúng tôi vẫn làm việc theo tinh thần Bản Điều Lệ và Nội Quy VBVNHN, với đường hướng là:

1-Bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Khuyến khích hội viên sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới, xuất bản sách.

2-Đoàn kết hợp tác với chủ tịch và Ban Chấp Hành Trung Ương Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

3-Hưởng ứng Bản Lên Tiếng của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và Văn Bút Quốc Tế đòi quyền tự do cho các văn nhân thi sĩ bị cầm tù.

Niềm tự hào của VBVNHN/TNHK là trực thuộc Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại – Vietnamese Abroad PEN Centre – một tổ chức văn hóa của chính thể Việt Nam Cộng Hòa còn hiện hữu vẫn được Văn Bút Quốc Tế (International PEN) công nhận. Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại hiện nay do đương kim chủ tịch, văn thi sĩ Cung Thị Lan giữ trọng trách này,” bà cho biết thêm.

“Cô Gái Việt” do các văn thi hữu Văn Bút Vùng Tây Nam Hoa Kỳ hợp ca. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà tiếp: “Nói về những hoạt động của Ban Đại Diện (Ban Chấp Hành), Văn Bút Vùng Tây Nam Hoa Kỳ vẫn sinh hoạt đều đặn qua phương tiện internet, cụ thể là các hội viên đã thực hiện được những việc:

1-Năm 2020-2021: Ebook 1 ‘Nắng Hạ Mưa Thu’ và Ebook 2 ‘Hương Xuân Ngọt Ngào.’

2-Năm 2022: Xuất bản sách Đặc San Xuân Nhâm Dần tựa đề ‘Bốn Mùa Yêu Thương.’”

Tiếp theo, văn hữu Trần Đức Hân trình bày đôi nét về Văn Bút Việt Nam (VBVN).

Ông cho biết: “Văn Bút Việt Nam có từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Nam Việt Nam, là một thành viên của Văn Bút Quốc Tế được PEN International Congress công nhận ngày 21 Tháng Mười, năm 1957, trong kỳ họp lần thứ 29 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau Tháng Tư, 1975, vị đứng đầu VBVN, nhà văn Vũ Hoàng Chương đã từ chối làm thơ và viết bài ca tụng chế độ Cộng Sản nên bị cầm tù, sau khi họ cho ra tù một tháng thì chết lúc 60 tuổi. Chế độ đó tuyên bố khai tử VBVN. Nhưng họ khai tử một chi hội vẫn còn sống.”

“Sau khi bị tuyên bố như vậy, một số văn thi hữu hội viên vượt thoát sang được các nước tự do, đứng đầu là nữ văn sĩ Minh Đức Hoài Trinh, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, chủ biên chủ bút Trần Tam Tiệp, và vài hội viên nữa đã cố gắng vượt qua khó khăn, xin Văn Bút Quốc Tế và được tiếp tục sinh hoạt, đã tái ra mắt ở Paris, Pháp, ngày 25 Tháng Sáu, 1978. Như vậy VBVN là thành viên duy nhất trong sinh hoạt quốc tế vẫn tồn tại đến ngày nay,” ông Hân nói.

Một số sách được thực hiện của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ thực hiện. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông cho biết thêm: “Sau Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương, có năm tiểu ban phụ trách các lãnh vực khác nhau. Ba tiểu ban quan trọng là:

1-Ủy Ban Hòa Bình: Phản đối các cuộc chiến tranh xâm lăng và kêu gọi hòa bình.

2-Ủy Ban Văn Học: Giới thiệu các tác phẩm của văn thi hữu lên các diễn đàn.

3-Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ bị Cầm Tù: Phản kháng và thông báo trên diễn đàn quốc tế những văn nghệ sĩ bị giam cầm vì đã nêu ra những bất công và lạm dụng của chính thể độc tài.”

“Hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại không chủ trương các việc về lãnh vực khoa học mà nhắm vào các việc văn học nghệ thuật. Có tám bộ môn văn học nghệ thuật như Thơ Văn, Âm Nhạc, Hội Họa, Điêu Khắc, Kịch Nghệ, Khiêu Vũ, Nhiếp Ảnh, và Điện Ảnh,” ông Hân cho biết tiếp.

Không khí hào hứng tiếp nối khi Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, tác giả quyển “Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt,” đã được Đại Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris xếp hạng vào loại tác phẩm hàn lâm. Qua 33 năm nghiên cứu biên soạn, với trọng tâm của ông là 35 triệu trẻ em ở Việt Nam và gần một triệu trẻ em Việt ở hải ngoại cần phải biết rõ tiếng Việt, cần phải thấy vẻ vang về tiếng Việt khi nói tiếng Việt, và khi chỉ vẽ cho người ngoại quốc để họ biết rằng tiếng Việt là tiếng nói rất rõ ràng, và người dân Việt Nam phải hiểu rõ thêm và tự hào về ngôn ngữ của mình.

Nhà thơ Đình Duy Phương, chủ tịch Văn Bút Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, trong diễn văn khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Hữu Của, cựu chủ tịch VBVNHN/TNHK nói ông đã về núi để vui thú điền viên từ 15 năm nay, nhưng hôm nay là ngày rất đặc biệt, không thể bỏ Đình Duy Phương, không thể bỏ các văn thi hữu được nên phải xuống núi, một mình một xe lái từ San Diego về đây tham dự buổi hội ngộ này.

“Tiếng Việt còn, nước Việt còn, đó là sự khẳng định không ai có thể chối cãi được. Nhà thơ Đình Duy Phương, nhà văn Lê Anh Dũng, và một số đông ở đây đang làm công việc duy trì văn hóa và văn học Việt Nam tại hải ngoại. Chỉ có thế hệ thứ nhất còn thông suốt được văn hóa Việt Nam, hiểu được lịch sử Việt Nam, lịch sử chân chính của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm nay, những người làm văn hóa đã duy trì được nếp sống văn hóa tại hải ngoại qua ngôn ngữ, như Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, ông đã góp công rất lớn trong việc bảo tồn và duy trì nền văn học tại hải ngoại, không phải đi dạy cho các cháu tiếng Việt là đủ, mà còn phải dạy các cháu biết nói, biết viết tiếng Việt, và phải biết suy nghĩ về tiếng Việt, như vậy mới làm tròn nhiệm vụ. Văn hóa Việt còn, nước Việt không bao giờ bị mất!,” ông Của nhấn mạnh.

“Muốn biết các sinh hoạt của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, xin vào ‘History of Vietnamese Abroad PEN Centre’, rồi click vào “Contacts”hay ‘Authors’, sẽ thấy một bảng gồm gần 20 tiểu mục tìm hiểu.

Giới thiệu Ban Chấp Hành Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ. Từ trái: ông Trần Đức Hân (cố vấn), bà Huỳnh Nguyệt Ngân (phó chủ tịch ngoại vụ), bà Đình Duy Phương (chủ tịch), bà Võ Ngọc Hoa (thủ quỹ), bà Lê Nguyễn Nga (tổng thư ký). (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ví dụ click mục ‘Authors’ sẽ thấy 136 tác giả với tiểu sử ngắn gọn và các tác phẩm của mỗi hội viên. Xin thông báo, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại sẽ ra mắt tác phẩm song ngữ ‘Văn Nhân Lục: Vietnamese Authors and Literary Collection’ vào ngày 17 Tháng Chín 2022 tại Maryland, Hoa Kỳ,” ông Trần Đức Hân nói thêm.

Chương trình buổi hội ngộ với nhiều tiếng hát “cây nhà lá vườn” kéo dài trong tinh thần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, với nhiều nhạc phẩm và những bài thơ tràn đầy khí phách hiên ngang của dân tộc Việt. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT