Tuesday, April 23, 2024

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ mừng Xuân, ra mắt đặc san ‘Trở Về’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Mừng năm mới Quý Mão 2023, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ vừa có buổi họp mặt hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Hai, tại NT Dance Studio, Westminster, với nhiều văn thi hữu từ các nơi về tham dự, và trao đổi, tâm tình về quyển đặc san “Trở Về” được phát hành.

Các thành viên nhận bằng tri ân từ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ trong ngày hội ngộ, ra mắt đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Đình Duy Phương, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, phát biểu: “Mùa Xuân là mùa vạn vật vui tươi, muôn hoa đâm chồi nảy lộc, với thiên nhiên lòng người cũng mở rộng tình thân ái với nhau. Nhưng vui Xuân chúng ta không quên những chiến sĩ anh hùng của Ukraine đang chiến đấu để giành lấy độc lập cho quê hương của họ, chúng ta cũng không quên những nạn nhân đang bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, vì thế chúng tôi rất trân trọng giây phút chúng ta cùng sum họp bên nhau hôm nay. Xin tạ ơn Thượng Đế, chúng tôi và chúng ta thật may mắn đang sống trên đất nước Hoa Kỳ bình an mạnh khỏe yên vui hạnh phúc như thế này. Xin cám ơn tất cả quý vị đã đến đây với chúng tôi, cám ơn cô Cung Thị Lan, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương, đã gởi thơ chúc mừng.”

Nhà văn Trần Đức Hân, cố vấn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, giới thiệu đặc san “Trở Về:” “Là một ấn phẩm hằng năm vừa phát hành, với nhiều bài viết của các văn thi hữu, trong đó chan chứa tình người khi trở về với tinh thần thành thật không dối trá, sống trong công bình không gian tham. Với 34 bài viết, 35 bài thơ và một bài nhạc, ‘Trở Về’ là một cẩm nang của đời sống, mỗi bài thơ, bài văn có nội dung riêng. ‘Trở Về’ còn có tính cách vị nhân sinh, khi nhớ về chiến tranh Việt Nam với quá nhiều đau khổ, hoặc cuộc sống của vị bồ tát Bác Sĩ Yersin sống với tha nhân ở thế kỷ trước, hay những hồi ký đau khổ nhục nhằn sau 1975, rồi cũng có nhân sinh quan trong cuộc sống tinh thần, làm sao để có hạnh phúc.”

Nhiều văn thi hữu từ các nơi về tham dự hội ngộ và ra mắt đặc san “Trở Về” của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với phần tham luận trong quyển đặc san, ông cho biết: “Văn Bút Việt Nam có từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam, là một thành viên của Văn Bút quốc tế được PEN International Congress công nhận ngày 21 Tháng Mười, 1957, trong kỳ họp lần thứ 29 tại Tokyo Nhật Bản.”

“Sau Tháng Tư, 1975, vị đứng đầu Văn Bút Việt Nam là nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã từ chối làm thơ và viết bài ca tụng chế độ Cộng Sản nên bị cầm tù, sau khi ra tù một tháng sau thì chết khi mới 60 tuổi. Và chế độ Cộng Sản tuyên bố khai tử Văn Bút Việt Nam khi chi hội vẫn còn sống! Một số văn thi hữu hội viên vượt thoát được sang các nước tự do, đứng đầu là nữ văn sĩ Minh Đức Hoài Trinh, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, chủ biên chủ bút Trần Tam Tiệp và vài hội viên nữa đã vượt qua khó khăn, xin Văn Bút Quốc Tế được tiếp tục sinh hoạt, đã tái ra mắt ở Paris, Pháp, ngày 25 Tháng Sáu, 1978,” ông nói.

Nhà văn Đình Duy Phương, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, chúc mừng năm mới, giới thiệu đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Như vậy Văn Bút Việt Nam là thành viên duy nhất trong sinh hoạt quốc tế vẫn còn tồn tại đến ngày nay, có Ban Chấp Hành Trung Ương và Ban Đại Diện của nhiều vùng ở các nước tự do, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương có năm tiểu ban phụ trách các lãnh vực khác nhau, trong đó có ba ủy ban quan trọng là Ủy Ban Hòa Bình, Ủy Ban Văn Học, và Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù,” ông Trần Đức Hân nói thêm.

Nhà văn Lê Thị Nhị (trái), tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương, trao tặng bằng tưởng lục đến nhà văn Đình Duy Phương, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, trong ngày ra mắt đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Lê Thị Nhị, tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương, phát biểu: “Hội Nhà Việt Nam của chúng tôi tại vùng Washington, ngoài việc phát hành những sách do tủ sách Tiếng Quê Hương cũng là một cơ cấu của Nhà Việt Nam, gồm 100 đầu sách trong 23 năm qua. Tôi thấy sáng tác và phổ biến ở hải ngoại rất khó, nhưng với sự phát triển của truyền thông ngày nay đã giúp làm dễ dãi hơn nhiều, cần thiết nhất là làm sao giữ cho các thế hệ trẻ biết nói, đọc và viết tiếng Việt. Tôi theo dõi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ từ rất lâu, từ một sinh hoạt nhỏ lúc đầu, các em sẽ trở về nguồn trong tương lai.”

Nhân dịp này, bà Nhị trao tặng một bằng tưởng lục của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Trung Ương đến bà Đình Duy Phương. Và ông Charlie Nguyễn Mạnh Chí, thị trưởng Westminster, cũng trao tặng bằng tưởng lục đến bà Đình Duy Phương.

Quang cảnh buổi họp mặt đầu năm của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ ra mắt đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nói về quyển đặc san, nhà thơ Huỳnh Nguyệt Ngân, phó chủ tịch ngoại vụ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, cho hay: “Chủ đề ‘Trở Về’ chính là trở về cội nguồn dân tộc của mình, trở về cội nguồn Việt Nam tốt đẹp xa xưa còn lưu giữ từ ngàn xưa đến hôm nay. Sở dĩ các phụ huynh có đưa con em đi dự những buổi họp mặt của các hội đoàn nhưng không được các em hưởng ứng, là vì người lớn chưa tận tình chỉ dạy cho con em mình. Học trò không hiểu bài không phải vì dốt, mà chỉ vì người thầy chưa đủ sức khai mở trí tuệ cho học trò. Chỉ khi nào hiểu được tường tận nếu không có ông bà tổ tiên sẽ không có mình, lúc đó các em mới biết yêu quê hương, yêu văn hóa nước Việt.”

Các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ múa “Tuổi Thơ Ngày Tết” trong buổi hội ngộ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ ra mắt đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tâm tình về những người cầm bút còn quan tâm đến đất nước, nhà văn, nhạc sĩ Cao Minh Hưng chia sẻ: “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là một tổ chức duy nhất còn sót lại của thể chế Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, Cộng Sản đã cố gắng chen chân vào nhiều tổ chức, tuy nhiên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là một tổ chức duy nhất được thế giới công nhận, nên người Việt Quốc Gia hãy cố gắng gìn giữ tổ chức này, nơi những người cầm bút đấu tranh có tiếng nói rất mạnh trong khi nhiều người Việt đang cầm bút ở Việt Nam bị giam cầm, không có cơ hội lên tiếng như chúng ta.”

“Những sáng tác của các văn hữu trong Văn Bút không phải để cùng đọc với nhau, mà để các thế hệ trẻ Việt Nam có thể biết được tiếng Việt, giữ gìn văn hóa Việt, đó là mục đích của chúng tôi. Nếu mai này thế hệ chúng ta ra đi, những tác phẩm này sẽ không còn ai đọc nữa nếu các em không biết tiếng Việt. Trong chương trình đào tạo các em về ca hát, chúng tôi còn khuyến khích các em làm MC, phải biết nói tiếng Việt nữa,” nhạc sĩ Cao Minh Hưng tiếp.

Fashion Show “Áo Dài Việt Nam” trình diễn trong buổi hội ngộ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Tây Nam Hoa Kỳ ra mắt đặc san “Trở Về.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Mắt Nâu cho rằng “Trở Về” là từ nơi mình ra đi, nay quay trở lại. Bà nói: “Ngày xưa các thế hệ lớn tuổi không phải sinh ra trong thời đại Hai Bà Trưng cách mấy ngàn năm mà sao ai cũng biết sử Việt với những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, ai cũng biết đạo đức lễ nghĩa? Ngày nay giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nếu các em không hiểu biết về lịch sử và văn hóa nước nhà, trách nhiệm phần lớn là do gia đình và trường học. Chủ đề “Trở Về” của đặc san năm nay muốn nói lên điều đó.”

“Tôi có chương trình biên khảo ‘Xã Hội Việt Nam Xưa và Nay’ gồm 12 quyển đã ra mắt, trong đó rất nhiều chủ đề từ văn miếu, quốc tử giám, rồi các món ăn đủ loại… tất cả đã nằm trong các thư viện Mỹ và Úc. Sau này lại có bộ ‘Hải Ngoại Thi Văn Hợp Tuyển’ nói về sách giáo khoa và nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, đó là những điều mình cần phải suy tôn, dù trong nước hiện nay không cần biết. Tôi cũng đang hợp tác chương trình song ngữ Việt-Anh để giúp các em trẻ hiểu biết hơn về chuyện tiểu thuyết, hoặc những áng văn thơ tuyệt tác như ‘Truyện Kiều.’ Nếu đọc tiếng Anh thì các em sẽ thích thú và hiểu nhiều hơn về văn hóa nước nhà. Đó cũng là hình thức ‘Trở Về’ cho giới trẻ,” bà chia sẻ thêm.

Chương trình hội ngộ đầu năm kéo dài với những màn văn nghệ “cây nhà lá vườn” trong tâm tình của người Việt tha hương luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc, khát khao niềm tin yêu hạnh phúc sẽ trở về với nước Việt mến yêu. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT