Thursday, April 25, 2024

Vinh danh Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – “Hôm nay, chúng ta cùng đến đây để vinh danh một người mà chúng ta quý mến. Ông cũng là cựu đại tá Tư Lệnh Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, kiêm nhà văn Toàn Phong, đồng thời ông cũng là nhà khoa học cho NASA Hoa Kỳ. Xin được giới thiệu Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh.”

Ban tổ chức trao tặng tấm plaque “Lifetime Achievement Award,” vinh danh Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Đó là lời Giáo Sư Nguyễn Khoa Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, giới thiệu tại buổi vinh danh Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh do Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, Câu Lạc Bộ (CLB) Hùng Sử Việt và Hội Bưởi-Chu Văn An đồng tổ chức tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim, vào trưa Chủ Nhật, 20 Tháng Ba.

Giáo Sư Phạm Thị Huê, hội trưởng CLB Hùng Sử Việt, có lời tâm tình với đồng hương đến dự. Bà kể một câu chuyện đầy cảm xúc, miêu tả người dân miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản Bắc Việt đánh chiếm quê hương của họ. Rồi sau đó, họ phải rời quê hương tản mát khắp nơi trên thế giới. Trên xứ người, người dân ly hương cố gắng làm việc để vươn lên cho con cháu của họ sau này. Thế rồi, cách đây không lâu, đại dịch đã xảy ra. Lúc đó, người ta rất lo sợ, vì hơn hai năm của cơn đại dịch, có nhiều người thân và bạn bè của họ đã ra đi lặng lẽ.

“Trong cơn đại dịch, người ta tự hỏi, điều gì quan trọng nhất đối với người dân Việt tại hải ngoại. Đó chính là những giá trị tình người, đó là tình yêu mến quê hương, đất nước; tình đồng đội; tình thầy trò; tình cha con, và nhất là tinh thần hiếu học. Chính những giá trị này đã thúc đẩy họ đi tìm một cái gì quý giá. Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe, đó là hành trình tìm kho báu. Trong hành trình này, nhờ sự hỗ trợ của các anh chị em, những người đồng nghiệp khắp nơi đã khuyến khích chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đã mạnh dạn tiến bước,” Giáo Sư Huê kể tiếp.

Giáo Sư Huê nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta gặp nhau ở đây để cùng vui mừng và hãnh diện, vì chúng ta đã tìm được kho báu. Kho báu đó là ngọn đuốc sáng soi từ thế hệ này đến những thế hệ về sau. Vì có một biểu tượng, một kết tụ tinh hoa của đất nước, và chúng ta sẽ cùng nói cho nhau rằng, chúng ta là người Việt Nam. Đại diện ban tổ chức, xin vinh danh một sĩ quan trong QLVNCH, một nhà giáo, một nhà văn, một nhà khoa học lẫy lừng trên thế giới, và cũng là một người Việt Nam yêu nước. Xin quý vị cùng chúng tôi chào đón Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.”

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh (ngồi) và vợ là bà Phiến Đan. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong lời phát biểu của cựu Đại Tá Không Quân Bồ Đại Kỳ, ông có kể lại rằng, ông là đồng môn với Giáo Sư Vinh, vì họ cùng được huấn luyện Sĩ Quan Không Quân Việt Nam, do Pháp đào tạo. “Khi tôi vào quân trường thì anh Vinh đã đi học bay ở Phi Châu rồi. Nhưng lúc đó, tất cả những người sinh viên sĩ quan Việt Nam đều nở mặt, nở mày với mấy ông ‘Tây con,’ vì có một người sinh viên sĩ quan Việt Nam được đi học ở bên Phi Châu. Khi ra trường thì anh Vinh được chính phủ Pháp gởi một chiếc phi cơ qua đón anh về. Sau này, tôi gặp anh Vinh ở Việt Nam, thì anh đã mang lon trung tá. Tuy anh là cấp trên của chúng tôi, nhưng trong tinh thần đồng đội thì chúng tôi vẫn là anh em đồng môn Không Quân, và tôi rất kính trọng anh cho đến bây giờ,” ông nhớ lại.

Nhà văn Võ Ý, cựu chiến sĩ Không Quân VNCH, nói: “Chúng ta hãnh diện là Không Quân VNCH, coi như chúng ta cùng đồng đội với Giáo Sư Vinh. Chúng ta hãnh diện ông Tư Lệnh Không Quân Đại Tá của chúng ta mới 28 tuổi. Chúng ta hãnh diện vì trong những tác phẩm viết về Khoa Học Không Gian của giáo sư, thì ông vẫn để tên Nguyễn Xuân Vinh, chớ không để tên Victor hay Henri gì hết. Chúng ta ủng hộ tinh thần Việt Nam của Giáo Sư Vinh.”

Kế tiếp, đại diện ban tổ chức, Giáo Sư Phạm Thị Huê nói: “Tôi xin được trao tặng Giáo Sư Vinh tấm plaque ‘Lifetime Achievement Award.’ Thưa giáo sư, một đời cống hiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính, nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học, nên sự cố gắng và thành tựu của giáo sư là niềm vinh dự và hãnh diện cho cộng đồng, là sự chia sẻ cho đồng môn, đồng đội, đồng nghiệp và các môn sinh. Là ánh đuốc soi đường cho thế hệ tiếp theo. Trân trọng chúc mừng giáo sư.”

Từ trái, Linh Mục Mai Khải Hoàn, Đức Ông Nguyễn Đức Minh và Linh Mục Đặng Văn Chín tại buổi vinh danh Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh cũng có lời cảm tạ ban tổ chức, các chiến hữu, các bạn đồng nghiệp và đồng hương đến tham dự.

Bà Phiến Đan, phu nhân của Giáo Sư Vinh, tâm tình: “Hôm nay tôi có mặt ở đây với vai trò của một hậu duệ của giáo sư mà thôi. Tức là một người mà Phiến Đan hay đùa với giáo sư là, ‘Em chỉ là hậu duệ, là osin của bố thôi.’ Nhưng sự thật, giáo sư là một người thầy vĩ đại ở trong lòng của tôi.”

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh, Hội Nghiên Cứu Sử Học và Văn Hóa Việt Nam, nói: “Có nhiều người nói về Giáo Sư Vinh, với những thành tích làm hãnh diện cho người Việt Nam. Với chúng tôi thì chỉ có một câu là, ‘Có một người Việt Nam như thế.’ Ông là một ngôi sao Bắc Đẩu mở đường để chinh phục mặt trăng.”

Ông Huỳnh Xuân Sơn và cô Hoàng Ánh là thành viên của Giải Khuyến Học Nguyễn Xuân Vinh tại St. Louis, Missouri, cùng đến đây để vinh danh Giáo Sư Vinh.

“Năm 1998, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh đến St. Louis làm thuyết trình viên cho Hội Khuyến Học của chúng tôi. Sau đó, hội đổi thành Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh với sự đồng ý của giáo sư. Kể từ đó giải được tổ chức hằng năm vào thượng tuần Tháng Sáu, sau khi niên học kết thúc. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 60 đến 80 em từ lớp 1 đến lớp 12 được phát thưởng, nhưng giải chỉ trao cho một em học sinh xuất sắc nhất được chọn từ lớp 12, của tất cả các trường trung học tại St. Louis,” cô Hoàng Ánh cho hay.

Giáo Sư Nguyễn Trung Chánh, Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, tâm tình: “Tôi vô cùng ngưỡng mộ tài đức của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, ông như một tia, trong những tia hào quang trí tuệ nhất, đã soi sáng bằng sự nghiệp là vừa bảo vệ tổ quốc vừa phụng sự khoa học vũ trụ, vì hạnh phúc của nhân loại, với tư cách một người Việt Nam.”

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh (thứ hai từ trái) và Hội Nghiên Cứu Sử Học và Văn Hóa Việt Nam. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh sinh ngày 3 Tháng Giêng, 1930, tại Yên Bái. Tháng Chín, 1951, ông thi hành lệnh động viên của Quốc Trưởng Bảo Đại, ông nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định.

Ngày 1 Tháng Sáu, 1952, ông tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy phục vụ ngành Không Quân và được đi du học tại Học Viện Không Quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l’Air).

Đầu năm 1954, ông tốt nghiệp với bằng phi công. Sau đó, ông phục vụ chuyên ngành tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này, ông ghi danh học đại học và thi đậu bằng cử nhân toán ở đại học Aix-Marseille University.

Đầu năm 1955, ông được lệnh trở về Việt Nam và được thăng cấp trung úy, phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Không Quân. Cuối năm 1955, ông được thăng cấp đại úy làm trưởng phòng nhân viên trong Bộ Tư Lệnh Không Quân. Tháng Mười, 1956, ông được thăng cấp thiếu tá làm Tham Mưu Phó tại Bộ Tư Lệnh Không Quân.

Ngày Quốc Khánh 26 Tháng Mười, 1957, ông được thăng cấp trung tá và được bổ nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng Không Quân. Tháng Hai, 1958, ông được thăng cấp đại tá, với chức vụ Tư Lệnh Không Quân.

Tháng Hai, 1962, ông xin giải ngũ và du học Hoa Kỳ để bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình khi mới 32 tuổi. Năm 1965, ông là người đầu tiên được cấp bằng Tiến Sĩ Khoa Học Không Gian tại Đại Học Colorado. Ba năm sau, ông được làm giảng sư tại Đại Học Michigan.

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh (ngồi xe lăn) và đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Năm 1972, ông được phong hàm giáo sư tại Viện Đại Học Michigan. Cũng trong năm này, ông lấy tiếp bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Toán Học tại Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp. Năm 1982, ông là giáo sư của ngành Toán tại đại học National Tsing Hua University, Đài Loan.

Năm 1984, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba, và là người Châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hàng Không và Không Gian Pháp. Năm 1986, ông trở thành viện sĩ chính thức của Viện Hàn Lâm Không Gian Quốc Tế.

Trong nhiều năm ông đã được mời tham gia thuyết trình tại nhiều đại học lớn, và các hội nghị quốc tế nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Isreal, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, và Úc.

Năm 1999 nghỉ hưu, ông được Hội Đồng Quản Trị Đại Học Michigan phong tặng chức Giáo Sư Danh Dự ngành Kỹ Thuật Không Gian (Professor Emeritus of Aerospace Engineering), do công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT