Thursday, April 18, 2024

Chỉ một viên chức Cộng Hòa có thể làm cả đảng mất phiếu?

 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Có thể nào chỉ vì Mitt Romney trông cậy vào sự giúp đỡ của một viên chức Cộng Hòa ở một tiểu bang nhỏ ở trung tâm nước Mỹ, mà đảng Cộng Hòa mất hy vọng chiếm Tòa Bạch Ốc, thậm chí có thể bị thua ở Thượng Viện, Hạ Viện nữa luôn?









Phản đối chủ trương của Romney muốn phủ quyết luật DREAM Act, người biểu tình đòi “phủ quyết Romney”. Chủ trương cũng như cách nói của Romney về vấn đề di trú đang khiến nhiều cử tri gốc Mỹ La Tinh, dù bảo thủ, lánh xa đảng Cộng Hòa. Nhiều lãnh tụ đảng đang lo lắng về vấn đề này. (Hình: Michael Thurston/AFP/Getty Images)


Ðó là mối lo của nhiều nhân vật quan trọng, như Thượng Nghị Sĩ John Cornyn đại diện Texas, hay Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham đại diện South Carolina, chẳng hạn.


Mối lo đó là nếu Romney cứ tiếp tục tấn công nặng nề và ủng hộ những đạo luật khắt khe đối với người di dân không giấy tờ, Romney sẽ mất mức ủng hộ ở người Mỹ gốc Mỹ La Tinh, và điều đó sẽ gây hại cho toàn bộ đảng Cộng Hòa.


Và người bị cho là có trách nhiệm trong việc làm mất phiếu người gốc Mỹ La Tinh, là Kris Kobach, bộ trưởng tiểu bang của Kansas.


Kobach, 46 tuổi, từng hoạt động nhiều năm chống di dân không giấy tờ. Ông là luật sư trong một loạt các vụ kiện chống các tiểu bang vì cho phép sinh viên di dân không giấy tờ được trả tiền học phí ngang với sinh viên trong tiểu bang nếu hội đủ điều kiện cư trú.


Tại Arizona có đạo luật SB 1070 cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ ai có vẻ là di dân lậu. Hơn 65% cử tri gốc Latino “tuyệt đối chống” luật này, và thêm 9% nữa “chống”.


Tại Alabama cũng có luật tương tự. Kobach, tuy là viên chức Kansas, nhưng chính là tác giả viết ra các đạo luật đó.


Ở tiểu bang nhà, Kobach tố cáo di dân không giấy tờ là đầu mối gian lận bầu cử và đòi có luật soát thẻ căn cước cử tri. Người Latino cho là những luật này nhằm ngăn chặn công dân gốc Latino đi bầu.


Và Kobach lại là cố vấn của văn phòng tranh cử của Romney. Cố vấn thì có nhiều, nhưng sự hiện diện của Kobach là đặc biệt, và được chính Romney dùng để quảng cáo tranh cử ở South Carolina, ở Arizona. Chính Romney kiếm phiếu bằng cách khoe khoang mình được Kobach ủng hộ và cố vấn.


Romney nức nở khen luật SB 1070 của Arizona, gọi đó là “tấm gương” cho cả nước.


Romney cũng loan truyền một thuyết của Kobach, là thuyết “tự trục xuất” (self-deportation): Như Kobach, Romney kêu gọi làm luật khắt khe và áp bức tới độ những người di dân không giấy tờ chịu không nổi đành tự trở về nước.


Ðối với cộng đồng gốc Mỹ La Tinh, những thứ luật này làm họ rất lo ngại và họ chống đối rất mạnh, kể cả người theo đảng Cộng Hòa. Và cũng vì vậy, Kobach là người bị cộng đồng này nghi ngại nhất, vì họ cho rằng ông này cố tình đẩy cộng đồng của họ ra khỏi dòng chính Hoa Kỳ.


Lý do họ chống, là vì họ thấy những đạo luật này, tuy bề mặt là chống người di dân không giấy tờ, nhưng trên thực tế là gây ảnh hưởng xấu cho tất cả những ai gốc Mỹ La Tinh.


Nước Mỹ có khoảng 200,000 người Ấn Ðộ là di dân không giấy tờ, thêm khoảng 200,000 người Hàn Quốc, 120,000 người Trung Quốc, và từ 65,000 tới 75,000 người Canada, theo Bộ Nội An và viện Urban Institute.


Nhưng khi áp dụng những loại luật chống di dân không giấy tờ, người ta thấy dường như chỉ nhắm vô người gốc Mexico và Trung Nam Mỹ.


Không những vậy, ngay cả người gốc Mỹ La Tinh nhưng là công dân Mỹ, là di dân hợp pháp, thậm chí có thể là người sinh trưởng ở đây hàng mấy thế hệ, cũng bị nghi là di dân lậu vì tóc họ cũng đen, da họ cũng nâu, như nhau.


Vì vậy, khi những ứng cử viên Cộng Hòa đua nhau tấn công người di dân không giấy tờ, toàn thể cộng đồng gốc Mỹ La Tinh nhìn vào đấy và cho rằng đảng Cộng Hòa đang tấn công họ.


Việt Nam có câu, “Của cho không bằng cách cho”. Người Mỹ La Tinh nhìn những đạo luật chống di dân không giấy tờ và họ suy nghĩ tương tự: “Của cấm không bằng cách cấm.” Có những cách ngăn chặn di trú lậu mà không làm họ cảm thấy bị lâm nguy, và có những cách của đảng Cộng Hòa khiến họ cảm thấy lâm nguy.


Và như vậy họ bỏ đảng Cộng Hòa. Và khi người gốc Mỹ La Tinh bỏ đảng Cộng Hòa, thì đảng Cộng Hòa lo sợ, vì là phiếu cộng đồng gốc Mỹ La Tinh là lá phiếu quan trọng.


 


Người gốc Mỹ La Tinh và đảng Cộng Hòa


 


Ðảng Cộng Hòa từng xem người gốc Mỹ La Tinh là cử tri “thuộc phe mình”. Người gốc Mỹ La Tinh đa số Công Giáo, bảo thủ trong vấn đề gia đình, đạo đức. Họ chống phá thai, không ủng hộ hôn nhân đồng tính, và ủng hộ quân đội.


“60% người Latino là trung dung hoặc bảo thủ, và chúng ta đang mất lá phiếu của họ vì cái cách chúng ta tranh luận luật di trú,” theo lời Bob Quasius, một sáng lập viên nhóm cử tri Cộng Hòa Latino mang tên Cafe Con Leche Republicans. Ðiều này khác hẳn những gì đảng Cộng Hòa làm hồi đầu thế kỷ.


Năm 2000, khi George W. Bush (con) tranh cử lần đầu, ông chiếm được 35% số phiếu của cử tri gốc Mỹ La Tinh, theo thống kê của Voter News Service. Năm 2004, ra tái tranh cử, con số này còn tăng lên nữa, lên tới 38%, theo National Election Pool, hậu thân của VNS.


Tổng Thống Bush ủng hộ việc cho phép người từ các nước Mỹ La Tinh vào Mỹ để làm việc đồng áng – như họ vẫn làm xưa nay không có giấy tờ. Ông chống việc đòi hỏi nước Mỹ phải dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức – vì ông hiểu rằng luật này chỉ có một tác dụng duy nhất là đẩy các ngôn ngữ khác (tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha) – ra khỏi sinh hoạt ở Mỹ.


Nói cách khác, Tổng Thống Bush con có đủ nhạy bén để đồng cảm với nhu cầu tinh thần và vật chất của cộng đồng gốc Mỹ La Tinh. Cựu chiến lược gia Cộng Hòa Dick Morris đánh giá Bush là “đã làm việc ‘overtime’ để thu hút lá phiếu người Hispanic”. Và đảng Cộng Hòa đã dần dần thành công trong việc này.


Nhưng mọi sự thay đổi sau kỳ bầu cử 2008. Giới bảo thủ không vừa lòng với những biện pháp kinh tế trong năm cuối thời Tổng Thống Bush, và họ quay ra bác bỏ tất cả những gì ông Bush đã từng làm. Một trong những điều phía Cộng Hòa bảo thủ lật ngược lại là họ không còn muốn mềm mỏng trong vấn đề di dân nữa.


Nạn nhân đầu tiên của sự thay đổi này là John McCain. Ông thua cuộc bầu cử 2008 và thua nặng trong số phiếu Latino. Có tới 2/3 số phiếu Latino là bầu cho Barack Obama, còn McCain chỉ được 31% – thấp hơn hẳn con số của Bush 2000 hay Bush 2004, theo thăm dò cử tri khi họ rời phòng phiếu do Edison Mitofsky Research thực hiện cho CNN.


Ông McCain hứng đạn vì chính sách của Cộng Hòa, mặc dù cá nhân ông có tư tưởng rất thoáng trong vấn đề di dân. Mà đó là vào năm 2008, khi di trú không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với người gốc Mỹ La Tinh.


Ana Navarro là một nhân vật Cộng Hòa gốc Latino, cộng sự viên thân cận của cựu Thống Ðốc Jeb Bush. Bà đánh giá, “Năm 2008, John McCain phải trả giá cho những gì người Cộng Hòa khác nói và làm.”


Còn năm nay, bà Navarro nói với trang Politico, “Romney có thể phải trả một giá còn cao hơn với người Latino, nhưng điều đó sẽ là vì những điều chính ông nói và làm.”


“Bi kịch ở chỗ,” bà tiếp, “ông làm những điều đó để thuyết phục giới bảo thủ, và họ vẫn không ủng hộ ông ấy!”


 


Cộng Hòa gốc Mỹ La Tinh


 


Không phải Romney chỉ nghe một tiếng chuông của Kris Kobach. Văn phòng vận động tranh cử của ông có cả một ủy ban cố vấn về cộng đồng gốc Mỹ La Tinh. Những người này đều không ủng hộ các giải pháp của Kobach, nhưng Romney đã chọn nghe theo Kobach.


Ðồng chủ tịch ủy ban cố vấn về cộng đồng gốc Mỹ La Tinh cho Romney là Dân Biểu Ileana Ros-Lehtinen, thuộc đảng Cộng Hòa tiểu bang Florida. Bà là một người bảo thủ gốc Cuba, chống cộng mãnh liệt.


Khác với Romney, khác với Kobach, bà Ros-Lehtinen chống cả việc xây hàng rào ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico. Bà ủng hộ dự luật DREAM Act, cho phép một số sinh viên, quân nhân, mà là di dân không giấy tờ, được xin thẻ xanh.


Chủ tịch danh dự ủy ban này, cựu Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mel Martinez, là một đồng tác giả luật DREAM Act. Trong khi đó, Romney đã hứa với cử tri là nếu đắc cử và Quốc Hội thông qua luật DREAM Act, ông sẽ phủ quyết.


Một đồng chủ tịch khác của ủy ban, Dân Biểu Mario Diaz-Balart nói với Yahoo! News chữ “tự trục xuất” của Romney dùng chỉ là một “lỗi lầm trong cách dùng chữ”.


Trang mạng Politico phỏng vấn văn phòng tranh cử của Romney, thì họ chuyển qua một đồng chủ tịch khác của nữa ủy ban này, Thống Ðốc Jose Fuentes của Puerto Rico. Ông Fuentes nói vấn đề di trú không phải là vấn đề Top 5 của người Hispanic, và “di trú chỉ trở thành quan trọng khi người ta dùng ngôn ngữ xúc phạm”.


Ông Fuentes cho rằng ngôn ngữ Romney dùng không xúc phạm. Nhưng, “của cho không bằng cách cho,” và con số thăm dò cho thấy người gốc Mỹ La Tinh đang cho là Romney xúc phạm họ.


Thăm dò mới nhất của đài Fox Latino – một bộ phận của Fox News, đài truyền hình nổi tiếng bảo thủ – cho thấy khi được hỏi chọn ai giữa Romney và Obama, chỉ có 14% cử tri Mỹ la Tinh chọn Romney. Con số chỉ bằng 1/3 mức ủng hộ với Bush.


Trong khi đó, khối lá phiếu người gốc Mỹ La Tinh là một mảng quan trọng có tính quyết định ở nhiều tiểu bang như Nevada, Florida, Colorado, Arizona. Ðây là những tiểu bang trước đây nằm hẳn trong phía Cộng Hòa nhưng này đã ngả về vị trí 50/50.


 


Cộng Hòa lo ngại


 


Ðiều này khiến một số chính trị gia Cộng Hòa lo ngại. Nguồn tin trong đảng này ở Quốc Hội cho Politico biết, Thượng Nghị Sĩ John Cornyn, chủ tịch ủy ban tranh cử Thượng Viện Cộng Hòa, cảnh báo với văn phòng tranh cử của Romney là coi chừng làm cho cả đảng Cộng Hòa bị mất phiếu, không những trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, mà còn ở trong Thượng Viện và Hạ Viện nữa.


Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham gọi ngôn ngữ của các ứng cử viên dùng khi nói về vấn đề di dân là “sự tự sát” cho đảng Cộng Hòa.


Cựu Thống Ðốc Fuentes thì nói thẳng ra là văn phòng tranh cử của Romney cần lánh xa Kobach. “Tôi không cho rằng ông ấy đại diện cho quan điểm của ứng cử viên (Romney),” Fuentes nói thêm.

MỚI CẬP NHẬT