Monday, May 20, 2024

Hôn ghế thần tượng

 

Tạp ghi Huy Phương

 

 

Hết chuyện công an lấy ghế che mặt để khỏi nhận diện, bây giờ lại đến một chuyện “ghế” khác là ngửi và hôn ghế thần tượng. Nguồn tin từ Hà Nội cho biết nam ca sĩ Nam Hàn Bi Rain đã đến Việt Nam tham gia hai buổi trình diễn tại nhà hát Quân đội vào ngày 19 tháng 3 và một tại nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 21 tháng 3.

Truyền thông Việt Nam bao vây chiếc xe chở Angelina Jolie khi nữ tài tử này đến thăm Sài Gòn năm 2007. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Trong một đêm lưu diễn của ca sĩ nhạc Pop này, một số nam nữ trẻ tuổi hâm mộ cuồng nhiệt của đất Hà Nội, nơi gọi là “đỉnh cao trí tuệ của nhân loại” đã quì xuống để ngửi và hôn hít chiếc ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi. Ðó là những gì lớp trẻ bây giờ sống và lớn lên trong cái gọi là xây dựng nếp sống văn hóa mới của xã hội chủ nghĩa, vượt hơn hẳn Saigon, dù là khi ca sĩ Pháp gốc Ý Dalida nổi danh, thần tượng của nhiều người đến Saigon vào năm 1964.

Chúng ta cũng đã thấy tuổi trẻ đua đòi văn minh vọng ngoại của Hà Nội năm 2009, khi Micheal Jackson qua đời, đã tụ tập với nhau ở công viên, lập bàn thờ ông Hoàng này và ôm nhau khóc như cha chết, khiến nhân gian có câu:

“Thương thay con cháu bác Hồ

Nước mất không khóc, khóc Mai-Cồ Rắc-Xơn!”

Dư luận trong nước nhận xét, phê phán đây là sự xuống cấp của đạo đức và phẩm giá con người và cho rằng tuổi trẻ Việt Nam ngày càng “mất nết”. Thật ra, vì mê thần tượng dưới ánh đèn sân khấu, chúng ta đã thấy những lớp trẻ trong các buổi trình diễn đã phấn khích reo hò, nhảy múa, khóc lóc, vật vã đến điên cuồng. Họ chạy theo, níu xe chở thần tượng hằng trăm thước hoặc sẵn sàng nhận diễm phúc ngủ với thần tượng qua đêm.

Ca sĩ nổi danh thường phải có cận vệ, để ngăn cản người hâm mộ đến gần, tránh những việc không hay như nắm tay, nắm chân, ôm hôn thắm thiết hay xé áo xé quần, và cũng để bảo vệ người ca sĩ khỏi bị sát hại. Yêu thần tượng, người ta có thể giết luôn thần tượng như trường hợp Mark David Chapman, đã ám sát John Lennon của ban nhạc huyền thoại The Beatles năm 1980 vì những ám ảnh bất thường trong tâm lý và bệnh ích kỷ, điên rồ muốn chiếm hữu thần tượng cho riêng mình. Từ Tây sang Ðông cũng không thiếu người tự sát vì quá yêu thần tượng, mà phần đông người đi tìm cái chết này là phụ nữ.

Ca dao Việt Nam đã có câu: “Yêu ai yêu cả bàn chân…” Bạn đã có lần nào hôn bàn chân của người yêu chưa? Bàn chân chắc hẳn thơm tho hơn nhiều nơi khác. Không những bàn chân thơm tho mà cái vật nâng niu, ôm ấp bàn chân cũng thơm tho, nên bên Tây, người hào hoa đã dùng dày của mỹ nhân thay cốc để uống champagne, chứng tỏ tình yêu say đắm của mình.

Thật ra chuyện mê mệt thần tượng không phải chỉ xảy ra ở các nước văn minh hay chỉ dành cho lớp trẻ, mà ở một nước lạc hậu nghèo đói như Việt Nam ngày trước cũng đã xảy ra. Muốn hướng dẫn ngu dân người ta cũng tạo ra thần tượng, suy tôn thần tượng, bằng cách dùng bọn văn công đặc trách tuyên truyền nhồi sọ ngay từ lớp trẻ ở trong nhà trường. Trẻ con không mơ hoa, mơ bướm, mơ bà Tiên, ông Bụt mà mơ bác Hồ “râu bác dài, tóc bác bạc phơ”, mơ “em âu yếm hôn lên má bác” (trong khi theo những hình ảnh ghi lại thì bác đã ôm ghì lấy đầu em và hôn môi em!) Ðã tạo nên thần tượng, thì khi thần tượng chết, tiếc thương phải khóc lóc, hơn cả cha chết, từ hoạt cảnh Hồ Chí Minh Việt Nam cho đến Kim Nhật Thành hay Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn. Hơn cả cha chết vì thương cha thương mẹ chỉ một, nhưng thương thần tượng Staline đến mười.

Ở Trung Cộng thì ngay khi Mao Trạch Ðông thở hắt ra hơi thở cuối cùng, nhiều trăm triệu dân ngoài đường vẫn tiếp tục hát bài “Suy Tôn Mao Chủ Tịch Sống Lâu Muôn Tuổi”. Tôi không nghĩ là trong các nước Cộng Sản nghèo đói, nhân dân đổ xô ra đường khóc thảm thiết khi cha già hay thần tượng chết để có nửa cân khoai mì hay một lạng đường, nhưng vì cái hệ thống “loa-báo” một chiều trong các nước này với sự dâng hiến hết mình của hằng trăm nhạc sĩ, thi sĩ, kịch sĩ… đã thành công lải nhải ngày đêm từ năm này qua năm khác, từ trong xưởng máy đến ngoài chợ làng, ca tụng, tâng bốc, suy tôn lãnh tụ đến mây xanh làm cho đám dân lành ngây thơ, man rợ trở thành đàn cừu của Panurge làm theo nhau mà không hề hỏi mình đang làm cái trò gì!

Khi mà Cộng Sản Việt Nam nợ cơm áo, nợ lương khô, nợ súng đạn đàn anh thì không những cá nhân Staline, Mao Trạch Ðông là thần tượng mà cả những đất nước Liên Xô, Trung Quốc kia cũng là những gì vĩ đại, cao cả, tuyệt đối kiểu “đỉnh cao chói lọi”, nếu không, trong “kho tàng văn học cách mạng” đâu có những ví von lố bịch kiểu “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ!”

Tác giả Nhọ của nguồn Dân Luận đã cho rằng: “Chúng ta chướng mắt khi giới trẻ Việt quì xuống hôn ghế một thần tượng âm nhạc nước ngoài, nhưng hãy nhìn cái quì suốt dòng lịch sử của các thế hệ đi trước!” và “Hãy nhìn lại tư thế khúm núm, xum xoe, khăm khẳm mùi nịnh bợ mà đại thi hào Tố Hữu – nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng kiêm bí thư ban chấp hành trung ương – đã dành cho cái ghế quyền lực dưới mông hai thần tượng của mình là Mao Trạch Ðông và Staline.”

Vậy theo ông thì hành động ngu ngốc của lũ trẻ ngày nay không nguy hiểm và tồi tệ bằng những bậc tiền bối của chúng? Vậy thì nên tha thứ cho lũ trẻ vì hình ảnh này chỉ là phiên bản một thứ ngửi, hôn những chiếc ghế đã ôm ấp “chỗ ngồi” của những thần tượng ngày trước, đã có công đem đất nước vào chỗ khốn nạn hôm nay, phải không, thưa ông?

MỚI CẬP NHẬT