Monday, May 20, 2024

Người Mễ đáng yêu

 


Huy Phương/Người Việt


 


Người Việt chúng ta có thói quen gọi những người Châu Mỹ La Tinh là Mễ, bất kể họ đến từ Mễ Tây Cơ (Mexico,) Chile hay Ecuador… Ðến Mỹ, chúng ta sống trong một quốc gia hợp chủng cùng nhiều sắc dân khác như Ðại Hàn, Trung Hoa, Nhật, Lào, Cam Bốt… nhưng phải nói gần gũi với chúng ta nhất là người Mễ.










Người Mễ cầm bảng quảng cáo trên đường phố. (Hình: Huy Phương)


Bạn thử quay nhìn đời sống chung quanh chúng ta mỗi ngày, ở đâu mà không thấy người Mễ. Người Mễ đến cắt cỏ trong vườn bạn hay lái xe lấy rác mỗi tuần, người Mễ rửa xe, lau nhà, lợp mái nhà cho bạn, người Mễ bưng dọn, rửa chén bát trong quán ăn, cầm bảng quảng cáo ở đầu đường… Xa hơn nữa, người Mễ đang sửa đường cho bạn đi, dựng cầu qua xa lộ, làm những ngôi nhà mới. Người Mễ chiếm tỷ lệ cao trong các sắc dân thiểu số, làm việc cần cù, nặng nhọc. Những việc như xây dựng cầu cống, đường sá, nhà cửa, nhân công hầu hết là Mễ, người da trắng chỉ cầm bản vẽ, chỉ trỏ và ra lệnh.


Ðất Mễ Tây Cơ không nuôi nổi người Mễ, nên mỗi năm, hàng chục nghìn người Mễ vượt biên giới sang Hoa Kỳ để kiếm ăn, chính phủ Mỹ phải tăng cường quân đội đến vùng biên giới, xây tường cao, tăng cường tuần tra mà cũng không thể nào ngăn chặn nổi làn sóng vượt biên đông đảo và thường trực này. Chính phủ Mễ chỉ cung cấp khoảng 400,000 công việc trên 1.3 triệu nhân công. Số còn lại là thất nghiệp và tha phương để đem về cho quê nhà của họ trung bình $13 tỷ mỗi năm. Nhiều người Việt đã bỏ mình trên Thái Bình Dương vì tự do, nhưng những người Mễ lại qua biên giới Mỹ vì cái bụng đói. Họ đã chết vì đói khát trong sa mạc nóng cháy lên đến 110 độ hay hơn thế nữa. Là di dân lậu, đến được Mỹ rồi, kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân qua ngày đã khó, lại lo toan dành dụm gửi tiền về quê để nuôi mẹ, nuôi vợ con.


Ðến Mỹ rồi, không phải ai cũng kiếm được đồng lương $5, $7 một giờ. Ở trước cửa hiệu bán vật liệu xây cất, làm vườn, lúc nào cũng có hàng chục người Mễ chờ đợi khách hàng để xin việc. Nếu bạn cần đào ao, sửa nhà, cưa gỗ hay dọn vườn, thì ra đây ngã giá rồi chở một hai ông thợ này về nhà, chẳng khó khăn gì. Người Mễ bán hoa ở góc đèn xanh đèn đỏ hay người Mễ bán dâu ở chỗ đông người. Bạn thử tìm cho tôi một người Việt Nam đứng trước cửa Home Depot kiếm việc hay bán hàng dạo như những người Mễ kia! Họ cũng là những người vụng về, không khéo tay, cứ nhìn những đồ thủ công nghệ của họ trên đất Mễ hay ngành nghề của họ đang làm thì đủ rõ, quả là thua xa người Việt về chuyện thông minh, khéo tay và khôn lanh.


Nước Mỹ đôi khi điên đầu vì nạn di dân về biên giới phía Nam. Chuyện này đã gây chia rẽ không ít qua các cuộc tranh luận tại Quốc Hội, qua các kỳ bầu cử. Ai cũng muốn ngăn chặn người Mễ tràn vào đất Mỹ, nhưng cũng có người lại cho rằng, nếu không có 31 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha gốc La Tinh trên đất Mỹ thì quốc gia này sẽ ra sao?


“A Day Without A Mexican” (Một Ngày Không Có Người Mễ) là một bộ phim của đạo diễn Sergio Arau sản xuất năm 2004, nó cung cấp một cái nhìn châm biếm những hậu quả khi mà người Mễ ở tiểu bang California đột nhiên biến mất: “Một buổi sáng California thức dậy và đột ngột thấy rằng 1/3 dân số của mình đã biến mất.” Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Ông chủ nhà hàng: “Tôi bước vào nhà hàng không thấy một ai. Thực phẩm không có người giao đến, chén bát dơ còn đầy trong bếp, đương nhiên không có cả khách hàng!” Quang cảnh ở ngoài phố thì “rác rến đầy trên đường, bệnh viện đóng cửa, không có giáo viên, không có trái cây hay rau quả, và ngoài đường phố vắng teo…”


Cả California cũng như ngày tận thế, đương nhiên Little Saigon cũng tiêu điều. Ai lau bàn, cửa chén, ai nhặt rau, đổ rác kể cả ai đổ bánh bèo hay nấu nồi phở cho bạn hôm nay! Không có sự hiện diện của 13.7 triệu người Mễ ở đây, dễ chừng ở California, mọi sự xảy ra bi đát như ngày tận thế.


Người làm phim “A Day Without A Mexican” hy vọng cộng đồng La Tinh có vị trí xứng đáng của nó như là một đóng góp quan trọng trong lịch sử và tương lai của Hoa Kỳ: “Chúng tôi sẽ được ghi lại quá trình và kết quả với hy vọng thúc đẩy hơn nữa các cuộc thảo luận đóng góp cho xã hội và nền kinh tế của chúng ta, không chỉ là người nhập cư La Tinh, nhưng tất cả những người từ nước khác. Ðó là những đóng góp tăng năng suất và nâng cao mức sống cho tất cả chúng ta.” Lẽ cố nhiên trong đó có cả những người Việt tại Mỹ.


Vậy mà người Việt vẫn nói giọng khinh bạc: “Không ăn cắp không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam.” Một người Mễ tương đối có học, đã nói với tôi: “Tôi đã phải từ bỏ một mối tình với một thiếu nữ xinh đẹp Việt Nam, vì mẹ cô này khinh tôi ra mặt!”


Người Mễ có gì để đáng khinh?


Người Mễ “ăn cắp!” Một bà triệu phú ở quận Cam cho tôi biết, một cô Mễ được thuê dọn dẹp vệ sinh trong phòng bà, đã đánh cắp một chiếc nhẫn hột xoàn đắt tiền trong chiếc tủ trên đầu giường của bà, nhưng bà bỏ qua, không khai báo với cảnh sát. Bà nghĩ người Mễ nào sang đây kiếm việc làm cũng nghèo, khó khăn và phải nói là đáng thương. Nếu người đàn bà này ở tù, chắc chắn sẽ bỏ lại một đàn con nheo nhóc.


Ðây là một người Mễ ít học, có thể nói là không được đi học, đói rách phải lặn lội qua bao nhiêu gian khổ, chết chóc để bỏ xứ ra đi, vì nghèo mà phải ăn cắp, trong khi trong cộng đồng người Việt chúng ta có vô số người giàu có, trí thức mà vẫn… ăn cắp.


Bản thân tôi là một người đã bị ăn cắp căn cước để lấy tiền vô tội vạ từ quỹ Medicare của liên bang về những dịch vụ mà tôi không hề được hưởng. Người Mễ đã lừa bạn lấy tiền mua vật liệu sửa nhà rồi biến mất không? Người Mễ có lừa bán bảo hiểm “ma” cho bạn rồi cao bay xa chạy không? Có người Mễ nào làm nghề mua bán nhà đã giả chữ ký của bạn để co-sign cho một người mua nhà không đủ điều kiện không? Có người Mễ nào đã giật hụi, bán cẩm thạch giả cho bạn không? Người Mễ làm nghề nail với bạn có khi nào ra tiệm đối diện bên kia đường để giật khách lại của người chủ cũ không? Có người Mễ nào làm công mà phản chủ, học nghề để cạnh tranh với bạn không?


Người Mễ chính thống (để phân biệt với số người lai Tây Ban Nha) thường được xem là những người vai u thịt bắp, ăn no vác nặng, chân chất thật thà, có tính cách du mục, tạm thời, thích tự do không bị ràng buộc, đương nhiên rất khó thành công. Một vị chủ nhân người Việt có đất bên Mễ Tây Cơ, thuê khoảng 200 công nhân địa phương, kinh doanh nông phẩm, trồng mít, rau, bầu bí… chở về bán ở California và miền Ðông nước Mỹ. Lương công nhân ở đây mỗi ngày chỉ 80 pesos (chừng hơn $7) đã có những nhận xét về các nhân công người Mễ của ông: “Tất cả đều làm việc tùy theo thời vụ và tùy hứng của họ. Không thể nào kêu họ vào làm thường trực được, khó lắm.” Hay: “Nói chung thì người nông dân nào cũng rất chất phác, dễ thương. Ðặc biệt với người Mễ thì càng lè phè hơn nữa. Lãnh lương xong là vô quán bia ngay. Lắm khi lương suốt tuần chỉ đủ trả một bữa nhậu suốt đêm với nhau.”


Ðó phải chăng là những đặc tính đáng yêu như hầu hết dân Nam bộ của chúng ta không?


Dù đôi khi khác nhau, chúng ta đến đây vì lý do chế độ chính trị, người Mễ Tây Cơ vì chế độ cầm quyền bất lực, không tạo nổi công ăn việc cho dân, băng đảng ma túy tràn lan, nhưng họ và mình cũng giống nhau ở chỗ là phải bỏ quê hương, làng mạc ra đi, phải chăng “cùng một lứa bên trời lận đận!”


Người Mễ trên đất Mỹ, sống khó khăn hơn là chúng ta, họ chật vật nghèo khó, có khi 10 người ở chung với nhau trong một căn chung cư một phòng, đi lại bằng phương tiện di chuyển công cộng, mua được một cái xe cũ thì nhiều khi không đủ tiền mua bảo hiểm, con cái học hành dở dang vì phải lăn lưng ra đời kiếm cơm sớm.


Người Mễ không những đáng yêu mà còn đáng thương nữa!

MỚI CẬP NHẬT