Thursday, April 18, 2024

Tản mạn nhân ngày 8 Tháng Ba

 

Song Chi

 

Ở Việt Nam, việc kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 Tháng Ba hàng năm được “du nhập” từ Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cũ. Sau năm 1975, dân miền Nam mới được biết đến ngày này.

Tại một số quốc gia, ngày Quốc Tế Phụ Nữ thường được kỷ niệm bằng những hoạt động, những cuộc diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới trong cơ hội học tập, công việc, mức lương, hay điều kiện an sinh xã hội…

Nghĩa là rất thực tế, và đúng với tinh thần, ý nghĩa lịch sử của sự ra đời ngày Quốc Tế Phụ Nữ – là thành quả đấu tranh lâu dài hàng chục năm của hàng triệu phụ nữ trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, đòi cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, giảm giờ làm, đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, v.v…

Trong khi đó, ở Việt Nam, 8 Tháng Ba là ngày phái nam chiều chuộng phụ nữ, chị em phụ nữ được tặng hoa, quà, nhận những lời chúc tụng từ những người đàn ông của họ, bạn bè, đồng nghiệp nam giới… Các cơ quan đoàn thể cũng tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày này nhưng chủ yếu có tính biểu dương, khích lệ phụ nữ về mặt tinh thần.

So với một số quốc gia Hồi Giáo ở vùng Trung Ðông hay một số quốc gia ở Châu Phi, cho đến nay người phụ nữ vẫn bị thiệt thòi rất nhiều so với nam giới, bị lệ thuộc từ trong gia đình ra ngoài xã hội, thậm chí vẫn còn bị xem như một món hàng để đổi chác, gả bán… VN được đánh giá tốt hơn về bình đẳng giới.

Trong công việc, phụ nữ VN có thể làm việc ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, có thể tham gia vào mọi hoạt động xã hội đoàn thể như đàn ông. Kể cả những ngành nghề, lĩnh vực vốn vẫn phù hợp hơn với nam giới như giám đốc, phi công, công an, đạo diễn phim, hay hoạt động chính trị.

Trong đời sống cá nhân, phụ nữ VN có thể yêu và lấy người mình yêu, có thể “sống thử” mà chưa cưới, có thể ly dị, và sau đó làm lại cuộc đời với người khác. Trong rất nhiều gia đình, người phụ nữ VN vẫn đóng vai trò là “nội tướng,” tay hòm chìa khóa, dạy dỗ chăm sóc con cái, thậm chí là trụ cột kinh tế…

Tuy nhiên, phụ nữ VN vẫn chịu rất nhiều áp lực trong đời sống. So với thời đại cách đây năm, sáu thập niên, phụ nữ bây giờ thật ra lại vất vả hơn nhiều.

Ngày xưa, người phụ nữ chỉ cần “công dung ngôn hạnh,” tam tòng tứ đức, làm tốt vai trò người vợ người mẹ, chăm sóc gia đình. Ngày nay phần lớn phụ nữ VN bên cạnh việc phải làm tốt thiên chức làm vợ làm mẹ, còn phải chia sẻ trách nhiệm gánh vác kinh tế cùng với chồng. Và nếu có nghề, có sự nghiệp riêng thì họ còn phải phấn đấu trong công việc, sự nghiệp như đàn ông.

Nhìn vào các gia đình tại các quốc gia văn minh, tiến bộ ở phương Tây, người đàn ông – chồng hay con trai thường tự giác vui vẻ chia sẻ mọi công việc lặt vặt trong nhà với vợ, mẹ hay chị em gái. Trong khi ở VN, phần lớn những công việc tề gia nội trợ này người phụ nữ vẫn phải đảm nhận, cho dù họ cũng đi làm như chồng.

Nếu tại nông thôn, vùng sâu vùng xa thì sự bất bình đẳng sẽ nặng nề hơn. Nhiều gia đình vẫn quý con trai hơn vì con trai mới là người nối dõi tông đường, “con gái là con người ta.”

Khi cô gái lớn lên thì lại đối mặt với những nỗi khổ khác. Từ quan niệm hẹp hòi về chữ trinh mà mới đây, câu chuyện một gia đình giàu có ở Cần Thơ trả dâu chỉ vì cho rằng con dâu/vợ mình không còn trong trắng, hư hỏng, là một ví dụ. Tình trạng phổ biến là phụ nữ phải gánh hết việc nhà, thậm chí cả việc đồng áng, vườn tược… Cho đến nạn bạo hành gia đình…

Hoàn cảnh kinh tế nghèo đói, cơ cực cộng với tương lai không mấy sáng sủa trước sự bất bình đẳng trong hôn nhân gia đình đã khiến hàng ngàn cô gái trẻ VN ở những vùng quê từ miền Tây cho đến những làng mạc sát biên giới phía Bắc nhắm mắt tính chuyện đổi đời. Bằng những cuộc hôn nhân vội vã không tình yêu với những chú rể xa lạ người Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc,… Phần lớn là không hạnh phúc do ngôn ngữ văn hóa bất đồng, chưa kể có những trường hợp bị chồng bạo hành, giết chết mà báo chí trong nước đã đăng tải.

Nhiều người bảo vì lý do kinh tế. Kinh tế là một phần nhưng nếu đời sống hôn nhân ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của VN thật sự bình đẳng tốt đẹp thì chưa chắc nhiều cô gái đã chấp nhận lấy chồng xa xứ một cách liều lĩnh đến vậy.

Dù sao, những cuộc hôn nhân đó cũng có sự tự nguyện của các cô gái. Còn nhiều trường hợp các em gái, cô gái bị bắt cóc, bị lừa, thậm chí bị chính gia đình vì nghèo túng đã bán con qua biên giới Campuchia vào các động mãi dâm, hay biên giới phía Bắc, cho những người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ.

Phụ nữ vẫn chưa thật sự được tôn trọng, bảo vệ. Nạn xâm hại tình dục, nhất là đối với các bé gái đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng.

Mới đây, trong cuộc họp của Quốc Hội “giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010,” báo cáo của Ủy Ban Văn Hóa-Giáo Dục-Thanh Thiếu Niên và Nhi Ðồng cho biết, mỗi năm có khoảng gần 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, kể cả hiếp dâm (theo báo Ðại Ðoàn Kết). Ðó chỉ mới là con số chính thức. Trong thực tế, con số có thể lớn hơn vì có nhiều gia đình khi xảy ra chuyện, vì lý do này lý do khác, đã không làm đơn tố cáo.

Chính vì vậy, 8 Tháng Ba thay vì được kỷ niệm như một ngày mà người phụ nữ được tặng hoa, tặng quà, được đàn ông chiều chuộng… sẽ hay hơn và đúng với tinh thần của ngày Phụ Nữ Quốc Tế hơn nếu các cơ quan đoàn thể, Hội Phụ Nữ… tổ chức những hoạt động thiết thực cho phụ nữ. Như đòi quyền bình đẳng giới thật sự ở nông thôn vùng sâu vùng xa, hoặc yêu cầu nhà nước phải có những biện pháp, chính sách cụ thể ngăn ngừa nạn buôn người, nạn xâm hại tình dục trẻ em… chẳng hạn.

Nhưng đó là một điêu rất khó thực hiện, trong một chế độ độc tài như VN. Và ngược lại, việc không thể có những hoạt động như vậy diễn ra đã chứng tỏ VN là một quốc gia độc tài, rất giỏi mỵ dân bằng những lễ lạt mang tính hình thức. Từ ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 Tháng Ba, Quốc Tế Thiếu Nhi 1 Tháng Sáu, Quốc Tế Lao Ðộng 1 Tháng Năm hay ngày Hiến Chương Thầy Giáo 20 Tháng Mười Một,… ngày gì ở VN cũng có. Nhưng trong thực tế, đời sống của phụ nữ, trẻ em, người lao động hay thầy giáo ra sao, có được đảm bảo đầy đủ những quyền lợi của mình hay không lại là chuyện khác.

Trong khi đó, có vẻ như cộng đồng blogger, những người quan tâm tới tình hình chính trị của đất nước tại Hà Nội đã chọn ngày 8 Tháng Ba năm nay để nhớ đến những người phụ nữ đã dấn thân trên con đường dài đòi tự do dân chủ cho đất nước. Bằng việc tổ chức buổi gặp mặt và chúc mừng những người phụ nữ quả cảm, đi thăm và tặng hoa cho chị Bùi Thị Minh Hằng, người biểu tình chống Trung Quốc bị đi đưa đi giáo dục cải tạo ở trại cải tạo phục hồi nhân phẩm Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc. Hay tặng hoa cho Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà, người vợ can trường của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ…

Những việc làm đó, nếu được tiếp tục duy trì và mở rộng cho tất cả những người phụ nữ đã vì việc chung của đất nước mà phải trả giá bằng chính sự tự do của mình hay của người thân yêu nhất là chồng, cha, con của họ, sẽ thật sự có ý nghĩa.

Trong một xã hội mà sự sợ hãi, sự vô cảm vẫn còn bao trùm, những người dám lên tiếng luôn luôn phải chịu nổi cô đơn giữa một đám đông chọn sự an toàn cho bản thân là trên hết. Vì vậy, một hành động chia sẻ, ủng hộ về mặt tinh thần cũng trở thành nguồn sức mạnh to lớn để người đó có thể chịu đựng những năm tháng dài trong trại giam hoặc chờ đợi người thân của mình trở về…

MỚI CẬP NHẬT