Monday, March 18, 2024

Bâng Khuâng

Tác phẩm của một nhà văn thường được ví như một “đứa con tinh thần” của họ. So sánh như vậy vừa hợp tình lẫn hợp lý vì cả hai khía cạnh đều là sự nối tiếp hết sức riêng tư của một cá nhân: Thời gian suy tư để sáng tạo một bản thảo cũng tương tự như thời kỳ thai nghén của bào nhi. Rồi khi xuất bản tác phẩm cũng chẳng khác gì sinh ra đứa bé. Đứa con thường là niềm tự hào của người cha… Nhưng sâu xa hơn, tương quan giữa tác giả và tác phẩm có thể còn mật thiết hơn cả giữa liên hệ cha và con, vì có khi con cái không giống cha mẹ, như trường hợp “cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Trái lại, người viết có toàn quyền nhào nặn đứa con tinh thần theo ý mình, và tác phẩm là thành quả lao động của họ, nhưng lại không thể hoàn toàn là tác giả được (bởi vì có sự khác biệt giữa người viết và tác giả).

Tác giả và tác phẩm, sẽ vô nghĩa nếu không có độc giả, khán-thính giả (người xem tranh, thưởng thức). Vì theo tôi, độc giả, khán-thính giả mới là đối tượng chính của sáng tác nghệ thuật. Ở đây, xin được nói đến vài suy nghĩ vụn vặt về ba vế trong phương trình nghệ thuật, đó trong tương quan tác giả, tác phẩm và độc giả… Và lẽ cũng nên sửa lại cái tựa của bài viết này là “bàn về tác giả, tác phẩm và độc giả”? Vì là đối tượng của mọi tác phẩm nghệ thuật cho nên chính độc giả hay khán-thính giả mới tạo nên một tác phẩm…

Tại sao lại không hoàn toàn là tác giả của chính công trình của mình?

Vì lý do có sự khác biệt giữa định nghĩa của hai từ ngữ người viết và tác giả. Người viết có công sáng tạo ra bản thảo, nhưng chỉ một khi cuốn sách được xuất bản và phổ biến đến tay độc giả, thì chính nhận thức của độc giả về cuốn sách mới có thể biến nó thành một tác phẩm. Như vậy chính tác phẩm đã tạo nên tác giả, chứ không phải người viết.
Nhiệm vụ của người viết chấm dứt ngay sau khi đã cho xuất bản sách của mình. Gần đây, có môn phái Triết Học còn đi xa hơn, cho rằng tác giả đã chết (Roland Barthes, 1967). Họ quan niệm rằng, ý kiến của người viết, dù về công trình của chính họ, thì cũng không có gì gọi là đáng kể hơn phần nhận định của một người đọc được. Ý định của người viết tất nhiên được gửi gấm trong công trình của họ, nhưng thật ra không ai có thể biết được, và thành quả đem đến lại là một chuyện khác, có thể đó là hai nhận thức khác hẳn nhau. Mục đích cuốn sách là để đọc; và nhận thức hay suy đoán của độc giả là có thật và quan trọng y như kẻ đã viết ra nó. Cũng như đứa trẻ khi trưởng hành, nó tự lập đối với cha-mẹ của nó. Ngôn ngữ và chữ viết đều có giới hạn trong việc diễn tả cũng như tiếp nhận tư tưởng và cảm xúc; do đó, không ai có thể tường tận hết được rằng người viết muốn nói gì. Phải chăng biết rõ được giới hạn này, Phật đã cảnh cáo các môn sinh trong câu: “Như Lai xưa nay chưa nói lên điều gì cả.”

Nếu độc giả không công nhận những bài họ đọc là hấp dẫn và sống động với họ, thì người viết cũng chỉ là kẻ sắp xếp mớ chữ trơ trọi nhạt nhẽo trên trang giấy mà không tạo nổi một tác phẩm. Có lẽ quan điểm này gây buồn lòng nhiều nhà văn, bởi vì phân tích như vậy là có ý hạ thấp vai trò của họ chăng?

Nhà văn người Anh W. Somerset Maugham cũng có một quan điểm tương tự khi ông cho rằng người đọc, chứ không phải người viết, làm chủ tác phẩm của họ.

Vua Tự-Đức (1848-1883) thường được coi là tác giả bài thơ Khóc Thị Bằng, trong đó có hai câu :

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Nhưng thật ra nhà vua đã mượn hai câu đó của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), và lồng vào trong bài thơ của mình, mặc dù có sửa lại vài chữ và làm hay ra thêm (thay vì: Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng, Xếp manh áo lại để dành hơi. Cung Oán Ngâm Khúc). Nhưng chính hai câu nổi danh này đã làm nên tác giả Tự-Đức.

(Có nhiều nghi vấn về tác giả bài thơ Khóc Thị Bằng, cho là không phải là vua Tự Đức, nhưng đó lại là một vấn đề khác. Xin không bàn đến ở đây.)

Lấy thêm một thí dụ điển hình: Trong chúng ta (người Việt tỵ nạn), mỗi khi nghe hát bài Quốc Ca thì đều xúc động vì cái hồn thiêng được Quốc Ca mang đến tượng trưng cho cả một Tổ Quốc, Lý Tưởng và Một Đất Nước Việt-Nam Tự Do, mặc dầu bài này lại do một người sau này đã đứng vào hàng ngũ Cộng Sản viết ra, Lưu Hữu Phước. Nếu dựa vào sự kiện vừa nêu trên, bản nhạc ban đầu có tên là Tiếng Gọi Thanh Niên ấy đã không còn và không thể là bài Quốc Ca của chúng ta! Ông nhạc sĩ ấy đã viết ra (lúc ông ấy có thể chưa là CS), nhưng ông ta vẫn không hề là tác giả của bài Quốc Ca của VNCH như nhiều người đã đơn giản nghĩ. (Cũng cần nhắc lại cho rõ, lời trong hai bản nhạc “Tiếng Gọi Thanh Niên” và Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa có đôi chút khác nhau, vì đã được sửa đổi, và vì hoàn cảnh phức tạp ấy nên ở đây vấn đề tác quyền có lẽ không được tôn trọng đúng đắn như đã ghi rõ trong Quy Ước Berne!)

Cũng như thế, Marx đã viết cuốn Tư Bản Luận, nhưng chính những kẻ sau ông có thể đã làm thay đổi cả tư tưởng của chính ông, và theo diễn tiến lịch sử thì Marx đã không thể là người cha đẻ của chủ nghĩa Cộng Sản!

(Cũng xin nói thêm ở đây: Bài viết này, chỉ là một vài tóm tắt những suy nghĩ giản dị của một người không chuyên môn, mà chỉ lạm bàn về lý luận văn học để mua vui độc giả, không có tham vọng tiến sâu vào lãnh vực triết lý và chính trị của đề tài tác giả và tác phẩm. Bởi vì riêng để định nghĩa cho hai từ tác giả, Foucault đã phải viết ra cả một bài tham luận triết học, “What is an author” Foucault, 1969).

Trước tiên xin nói về tác giả: Họ là ai?

Tất nhiên họ là những văn sĩ, thi sĩ hay họa sĩ v.v… Họ là những người đã sáng tạo ra bản văn, bức tranh hay bức tượng… Nhưng J.P. Sartre cho rằng một người viết chỉ trở thành một nhà văn khi có người đọc. Trái lại, một số văn sĩ người Việt chúng ta cho là họ viết, mục đích chỉ để viết, không đả động cho biết là viết cho ai? Nếu chỉ như vậy thì điều này trở thành phiếm diện, thiếu thành thật, và thậm chí coi thường độc giả: Chẳng lẽ độc giả chỉ là những người đọc lén? Có trường hợp người viết chỉ viết cho mình, như Anne Frank viết nhật ký, có lẽ ban đầu Anne Frank chỉ tính viết nhằm tự bộc lộ, nhưng sau chiến tranh, khi cô đã qua đời, cha cô cho xuất bản nhật ký của con gái mình, thì bỗng nhiên cô trở thành một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Lạ lùng là câu chuyện riêng tư của một cô bé thời chinh chiến, viết về những sự việc tầm thường hàng ngày trên căn gác tối tăm mà thôi, ai ngờ khi có người đọc tới thì nhật ký ấy là câu chuyện sâu đậm làm xúc động mọi người. Cho mãi đến nhiều đời sau người ta vẫn còn say mê đọc nó, và nó đã trở thành một tác phẩm vượt thời gian và không gian.

Quay trở về câu chuyện văn học nói riêng, hay văn nghệ nói chung, nếu chúng ta đẩy suy luận tới tận cùng thì sẽ trở thành một vấn đề triết học. Nó sẽ không có ranh giới rõ rệt, trắng hay đen, đôi khi mơ hồ, và bao gồm nhiều mức độ, đi từ cực đoan này đến cực đoan kia. Do đó, quan điểm về văn học phóng rộng ra thì cũng đa dạng nhưng thực chất vẫn bắt nguồn từ chủ quan, nên thường có những môn phái này chống lại phe nhóm kia, như hiện thực chê bai phe lãng mạn v.v…

Văn-thi sĩ, một khi nổi tiếng, lỗi lạc, họ trở thành một văn hào, như cụ Nguyễn Du với Truyện Kiều. Vì tính chất chủ quan và phức tap, mơ hồ của nghệ thuật nên có nhiều nhà tâm lý học đã cố tìm kiếm một mẫu số chung để có câu trả lời phổ quát và khách quan về cái đẹp, cái hay trong nghệ thuật. Nhiều ý kiến đã được đưa ra bàn cãi, nhưng theo thiển ý, tất cả đều không đạt trọn vẹn và vẫn là do chủ quan của quần chúng, bởi vì nghệ thuật thiên về cảm giác, chỉ có một chút phần suy luận, lý trí chen vào.

Trong một buổi sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi được tiếp chuyện với một nhạc sĩ trẻ sành sỏi về nhạc cổ điển. Qua cuộc trao đổi, nhạc sĩ này đã tỏ ra hiểu biết tinh tế, phức tạp và sâu xa, về nhạc thính phòng Tây Phương nhưng lại có ý chê nhạc truyền thống dân gian của ta (như Cải Lương) là thô thiển, nghèo nàn… Chúng tôi không đồng ý nhưng vì kém
cỏi về âm nhạc nên đã không cãi lý được… Mỗi khi nhắc đến Cải Lương, tôi lại nhớ về một kỷ niệm xưa, thời còn học sinh ở trọ nhà người bạn trong một xóm lao động nghèo. Cứ độ vào mỗi buổi trưa, đang cần nghỉ ngơi thì lại phải chịu đựng nghe những bản Cải Lương phát oang oang từ cái radio của nhà hàng xóm vọng sang, tôi rất bực mình và từ đó trong bụng cũng có ý chê Cải Lương là quê mùa, hời hợt… Gần đây, khi đã có tuổi, và có lẽ hiểu đời thêm, tình cờ nghe lại một bản Cải Lương trên màn ảnh truyền hình, tôi tự nhiên bỗng cảm thấy thấm thía và xúc động: Nó buồn…nhưng hay quá, mộc mạc và đơn sơ, nó diễn tả được cuộc đời một cách khác, không thua gì một bản đại hòa tấu của Beethoven hay Mozart!

Sau khi hoàn tất bản thảo, dù trong thâm tâm người viết không sẵn ý định là muốn cho ai đọc, hay không chú tâm vào mục đích viết để làm gì, nhưng một khi bản thảo đã được in và cho xuất bản, người viết trở thành nhà văn (hay nhà thơ v.v…). Và sau khi có nhiều người thưởng thức, người viết trở thành tác giả của tác phẩm nghệ thuật đó.

Vấn đề nêu lên ở đây là một người thưởng ngoạn có cần tìm hiểu thêm về tác giả, biết rõ hơn về hoàn cảnh tâm lý-xã hội của một tác phẩm, mới có thể thưởng thức sâu xa và chính xác hơn tác phẩm nghệ thuật hay không? Cũng như khi uống một ly rượu, ta có cần biết về chai rượu đó đã được cất lên từ loại nho gì, năm nào, trồng ở đâu…và giá bao nhiêu tiền không? Đối với người bạn nhạc sĩ trẻ nêu trên của tôi, tôi nghĩ, câu trả lời sẽ là đúng như vậy: Nếu hiểu biết kỹ nhiều về tác phẩm và tác giả thì người thưởng ngoạn sẽ cảm thấy hay hơn, thích thú hơn và…có lẽ văn minh hơn.

Edouard Manet, một họa sĩ tiên phong chính của phái ấn tượng (Impressionism) vào cuối Thế-Kỷ 19, nổi tiếng nhờ bức họa “Điểm Tâm Trên Cỏ” (Le Dejeuner sur l’herbe, 1863)(1), trong đó vẽ một cô gái khỏa thân ngồi bên hai thanh niên trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đang ngả nghiêng trên cỏ, phía sau và đứng trên mé sông là một cô gái thứ hai, ăn mặc hở hang, dường như đang nghịch nước. Nội dung trông giản dị là vậy nhưng sau này có nhà phê bình Tây Phương đem mang ra mổ xẻ, cho thấy rất nhiều chi tiết mà kẻ phàm phu (như tôi) không thể ngờ: Ví dụ bên trên bức tranh có vẽ một con chim đang bay (nó tượng trưng cho thiên thần…còn dưới góc trái, một con cóc, dấu hiệu của quỷ Satan…) Và cô gái chính ra đang tắm rửa (sau cuộc truy hoan) mà tôi đã nghĩ là cô ta đang nghịch nước! Bức tranh như là câu chuyên Adam và Eva trong kinh Cựu Ước. Những chi tiết ấy, cộng thêm sự hiểu biết về cuộc đời họa sĩ Manet, có làm cho người xem tranh thích thú hơn không? Câu trả lời của tôi là lúc mới được giải thích như trên, nghe lạ tai và kích thích trí tò mò, nhưng ngay sau đó chỉ giây lát thôi, tôi đã có cảm nhận khác và kém thú vị đi hẳn… Cảm nhận (có trước khi nghe giải thích) của tôi khi xem bức họa này là lâng lâng, có đôi chút bâng khuâng buồn vì thương cho phận đàn bà đã bị coi như là một trò mua vui cho mấy ông Tây (ngồi chễm chệ, có lẽ sau cuôc vui…). Chỉ thế thôi, và tôi đâu cần biết thêm là tên của người mẫu là ai, hai người đàn ông là em và là bạn của Manet v.v… Xin các nhà phê bình hãy cứ để cho trí tưởng tượng riêng của người thưởng ngoạn đưa họ vào thế giới của nghệ thuật, đừng xen vào chút lý luận giải thích, để làm gì? Phải chăng Einstein đã nói “Trí tưởng tượng quan trọng hơn cả sự hiểu biết.”

Tương tự, mỗi khi xem trình chiếu ca nhạc trên TV, trông thấy mấy người M.C. giới thiệu nhạc, họ thường hay giảng giải vong vo về tác phẩm-tác giả, làm như nhất thiết cần phải chỉ dạy khán-thính giả. Có lẽ người M.C. có thói quen muốn làm nhà giáo, muốn lên lớp người khác chăng? Phải chi, những người có cơ hội cầm micro, khi lên tiếng, thì tốt thiểu nên tôn trọng cử tọa đôi chút. Tốt đẹp biết mấy!

Nhưng thêm nữa, ý thích của người thưởng ngoạn cũng thay đổi theo thời gian và không gian. Ví dụ như theo quan điểm Tây-Phương thì nhạc cổ điển của họ mới là đỉnh cao của nghệ thuật, còn tất cả ca nhạc Dân Gian, nhất là của các dân tộc những nước nhược tiểu, là thô thiển và kém văn minh! Chỉ có họ mới là “ăn trùm” trên thế giới. Đúng là bất công vì thái độ của họ rõ rệt là chèn ép những công dân xứ nhược tiểu? Kẻ quyền thế luôn là kẻ chiến thắng! Như câu “lịch sử là do kẻ viết ra nó.” Như lịch sử nước Mỹ cũng đã che dấu bao nhiêu sự kiện tàn sát dã man người thổ dân Da Đỏ vì sử ấy do người da trắng viết ra. Cơ hội chỉ đến với giới có quyền hành, và tiếng nói của những dân tộc nhược tiểu lúc nào cũng bị xao lãng trong câm lặng. May thay, cách đây gần nửa thế kỷ, giới làm phim ảnh Hollywood đã bắt đầu thể hiện sự giảm thiểu dần đi thái độ đối xử bất công ấy…

Nói riêng về văn chương tiếng Việt của chúng ta, hiện nay cũng đang đứng trước một khủng hoảng về ngôn ngữ: Tiếng Việt trong nước và ở hải ngoại đang phát triển theo hai ngả khác nhau. Ngôn ngữ trong nước càng lúc càng trở nên sáo ngữ và kém trong sáng, có lẽ do sự phá sản của cả một nền giáo dục sai lầm, hay vì do một xã hội ngày một băng hoại phát xuất từ một chủ nghĩa ngu xuẩn và do những kẻ tham quyền độc tài gây ra. Tất nhiên quan điểm của chúng tôi chỉ hạn hẹp, và vấn đề này bắt buộc cần có sự bổ túc bởi những nghiên cứu của quý học giả chuyên môn. Tác giả chỉ dám nêu lên một tệ nạn đang phơi bày ra mà thôi…

Descartes đã nói “tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu.” Theo tôi, nên thêm câu “vì tôi yêu thương nên tôi đã sống!” Con người đúng là một con vật tràn đầy sức sống nhờ cảm xúc quyện lấy lý trí, cho nên có khi vì thưởng thức nghệ thuật một cách quá tận tình và do yêu mến tác phẩm nên đam mê luôn tác giả, vì vậy mà người thưởng ngọan họ trở thành “fans”của tác giả!

Ở Mỹ có rất nhiều fan club (do từ fanatic,cuồng tín)… Nhiều khi, dù không là một “fan” của ai mà họ cũng không thể tách rời hai vế tác giả và tác phẩm ra được, như khi không thích người cha thì ghét bỏ đứa con. Điển hình như trường hợp của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn: Trước kia, một người ở trong nước, một ở hải ngoại, cả hai đều được coi là hai nhân tài, có quá nhiều nhạc phẩm được yêu chuộng… Nhưng gần đây do họ thay đổi hoàn cảnh sống mà khán thính giả cũng thay đổi hẳn thái độ đối với họ… Tất nhiên yêu ghét là quyền riêng của mỗi người, và ai cũng phải tôn trọng ý kiến người khác, nhưng trong nghệ thuật làm gì có chân lý hay lẽ phải!

Có lẽ phải đợi một trăm năm sau vấn đề chính trị mới không còn ảnh hưởng đến nghệ thuật nữa chăng. Mục đích của nghệ thuật là mua vui, và đôi khi sự hiểu biết nhiều về tác giả hay tác phẩm cũng chỉ làm giảm thú thưởng ngoạn: Như khi còn trẻ, tình yêu bao giờ cũng đẹp hơn người yêu, có nhạc sĩ than thở: “Làm sao giết được người trong mộng!” Là một “fan” hay bị lung lạc bởi tác giả là quan niệm ấu trĩ về nghệ thuật, vì như đã nêu ở trên, chính kẻ thưởng ngoạn làm chủ tác phẩm. Hãy trả lại chủ quyền cho khán thính giả, cho giới thưởng ngoạn.

Bàn về nghệ thuật, có lẽ nếu đi sâu quá thì sẽ không cần thiết và lâm vào lãnh vực chuyên môn của mấy nhà khảo cứu triết học. Tuy nhiên, là một độc giả, khán thính giả bình thường, cũng nên có một xác định rõ rệt về sở thích của riêng mình. Cũng như khi cầm ly rượu lên uống, không cần biết nó đắt tiền, giá bao nhiêu mà chỉ cần biết là nó ngon với mình, như vậy là đủ rồi.

Bài viết này chỉ có mục đích mua vui quý độc giả, và không có ý gì khác hơn. Xin cảm tạ quý vị đã đọc qua và mong đợi sự góp ý. Với mọi sự dè dặt…

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT