Thursday, April 25, 2024

Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn

NGHĨ TỚI MỘT BỆNH VIỆN MANG TÊN NGHIÊM SỸ TUẤN

Vũ Khắc Niệm, sinh năm 1936 tại Thái Bình,  di cư vào Nam 1954, Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội, Chu Văn An Sài Gòn, tốt nghiệp Y Khoa Đại học Sài Gòn 1964. Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, Y sĩ trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh,  Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y kiêm Y sĩ trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù. Tốt nghiệp lớp Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp. Về Trường Quân Y 1974. Cấp bực cuối cùng Trung Tá. Di tản khỏi Việt Nam sau 1975, định cư và trở lại hành nghề Y khoa ở Dallas, Texas Hoa Kỳ.

Khi nhận được điện thư của BS Ngô Thế Vinh vài tháng trước đây hỏi tài liệu về một đồng nghiệp và đồng đội trong Quân Y Nhảy Dù hy sinh cách đây cũng đã 50 năm khi làm Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù: Bác sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn, tôi đã vô cùng bối rối vì tôi không có gì để gửi cho Vinh cả, ngoại trừ một tấm hình đã cũ do Lê Văn Châu gửi cho khi tôi toan tính làm một Tập San Quân Y Nhảy Dù nhiều năm trước đây.

Tôi không được hân hạnh biết Ngô Thế Vinh nhiều cho đến khi về Trường Quân Y trong những ngày cuối của cuộc chiến. Biết rõ tính nghiêm túc của Vinh, tôi đành thú thực là tôi đã không giúp gì được cho công việc của Vinh và các bạn đang muốn ghi lại cuộc đời đặc biệt của một con người đặc biệt Nghiêm Sỹ Tuấn.

Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng, trước giờ lên máy bay cho một Saut nhảy dù bồi dưỡng, 1966. [tư liệu BS Vũ Khắc Niệm & Trang Châu]

Nghiêm Sỹ Tuấn học Y khoa chỉ sau tôi một lớp, tuy gặp nhau nhiều ở trường Y Khoa, trong các bệnh viện nhưng ít chuyện trò vì Tuấn kín đáo, ít nói. Tôi ra trường về Nhảy Dù cùng Đỗ Vinh gần hai năm trước khi Tuấn gia nhập Quân Y Nhảy Dù. Tôi ngạc nhiên khi biết Tuấn quyết định về đơn vị này. Riêng lớp chúng tôi, khi mãn khóa không ai được chọn chỗ mà chỉ định đơn vị theo một danh sách đã được Cục Quân Y in sẵn không hiểu bằng cách nào, nhưng cũng nghe nói, có khóa sinh viên Quân Y tốt nghiệp có quyền chọn đơn vị theo điểm cao thấp.

Trong thời gian ngắn ngủi Nghiêm Sỹ Tuấn ở Nhảy Dù tôi cũng ít được gặp. May mắn khi Tuấn đang học nhảy dù, vì một y sĩ khác cùng khóa Nhảy Dù với Tuấn đã gặp khó khăn khi anh ấy nhảy “chuồng cu” nên anh ta đòi bỏ cuộc mặc dù tôi sang Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù hàng ngày trấn an, khuyến khích mà không có kết quả nhưng tôi có dịp chuyện trò với Nghiêm Sỹ Tuấn vài lần ngắn ngủi. Tuấn vui vẻ và hăng hái trong mọi giai đoạn của chương trình huấn luyện.

Những người Bạn Nhảy Dù của Nghiêm Sỹ Tuấn, từ phải: BS Vũ Khắc Niệm, BS Lê Văn Châu / Trang Châu, BS Trần Đoàn đang chờ lên phi cơ cho một Saut nhảy dù, cả ba đều có bài viết trong Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn. [Tư liệu BS Vũ Khắc Niệm]

Tôi còn nhớ mãi một buổi sáng trong căn cứ Hoàng Hoa Thám, tôi như thường lệ xuống câu lạc bộ Tiểu Đoàn Quân Y ăn sáng thì thấy anh Hoàng Cơ Lân đã ngồi đó tự bao giờ, mắt anh đỏ mặt buồn rầu nói với tôi: Nghiêm Sỹ Tuấn chết rồi nhờ toa báo cho anh em biết; xong anh về văn phòng. Tôi sững sờ đứng im lặng, hình ảnh Tuấn trong nón sắt đeo dù mờ ảo hiện về.

Hôm nay, Ngô Thế Vinh gửi cho tôi những bài vở và hình ảnh trong Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn gần hoàn tất, tôi đã đọc và qua những bài viết của bạn hữu cũng là những người tôi hân hạnh quen biết, và có người tôi chỉ nghe danh nhưng tất cả là những người có uy tín mà tôi rất mến phục. Cùng với những bài vở do chính Nghiêm Sỹ Tuấn viết đã làm tôi có cái nhìn rộng hơn về Nghiêm Sỹ Tuấn, một con người vô cùng đặc biệt với những hiểu biết sâu rộng nhưng vô cùng khiêm tốn.

Chúng ta đã mất đi một người bạn, một tài năng hiếm hoi trong cái tuổi quá trẻ. Nghiêm Sỹ Tuấn đã không có dịp đem những tiềm năng dồi dào ấy hiến dâng cho đời, tiếc thay!

Suy nghĩ miên man tôi tự hỏi sao chúng ta không có một cơ sở y tế quân đội nào, một bệnh viện nào mang tên Nghiêm Sỹ Tuấn để tên Anh được nhiều người biết và nhắc đến như Đỗ Vinh, Lê Hữu Sanh, Trần Ngọc Minh…

Nhưng với đức tính khiêm cung thực sự của một kẻ sĩ, tôi nghĩ Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ cần một số bạn bè thân thiết thấu hiểu Anh là đủ.

Tôi xin nhân danh một đồng nghiệp, một đồng đội của Nghiêm Sỹ Tuấn trong Quân Y Nhảy Dù cảm ơn Ngô Thế Vinh và các bạn hữu của Tuấn đã dành công sức tạo nên Tuyển Tập này để thế hệ mai sau còn có người nhớ tới Nghiêm Sỹ Tuấn, con người với cuộc sống ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.

VŨ KHẮC NIỆM (Dallas, Texas 16.04.2019)

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT