Friday, March 29, 2024

Công Giáo Việt Nam – Charles Keith (Dịch giả: Phạm Nguyên Trường)

Công Giáo Việt Nam (Từ Đế Chế Đến Quốc Gia)

Công việc nghiên cứu Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được phục hồi sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và những thay đổi về kinh tế và xã hội của thời cải cách thị trường ở Việt Nam. Trong hai mươi năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã và đang cung cấp cho chúng ta những bản tường trình đầy màu sắc về Giáo hội Công giáo Việt Nam từ khi tôn giáo này xâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay. Tuy nhiên, có một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sử liệu học đã bị bỏ qua, giai đoạn mà một số người cho là quan trọng nhất, mà cụ thể là giai đoạn chuyển hóa trong thời thuộc địa, từ công việc truyền giáo do người nước ngoài lãnh đạo thành Giáo hội địa phương độc lập. Bằng tác phẩm Công giáo Việt Nam, Charles Keith đã lấp được chỗ trống đó và bằng cách làm như thế, ông còn cung cấp cho chúng ta một công trình phân tích cực kỳ đặc sắc về bản chất văn hóa – xã hội và chính trị của quá trình chuyển hóa này và những hậu quả phức tạp của nó. Ông cũng cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc, đầy sức mạnh về lịch sử Việt Nam đương đại.

Dựa vào những nguồn tài liệu cực kỳ phong phú của chế độ thuộc địa, của truyền giáo, của Vatican và nhất là những nguồn tài liệu của Việt Nam, Keith đã chứng minh cho chúng ta thấy quan hệ ngày càng dễ đổ vỡ giữa các tín đồ Công giáo Việt Nam với các nhà truyền giáo châu Âu và quan chức Pháp mà chính quyền thuộc địa đã tạo. Đồng thời, ông còn phân tích những thay đổi về xã hội, kinh tế và văn hóa diễn ra ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới quan hệ giữa các tín đồ Công giáo Việt Nam và những người không theo đạo Công giáo. Nếu các nhà sử học tập trung chú ý vào những cuộc khởi nghĩa nổi tiếng, đã bị người Pháp đập tan, ở Yên Bái và Nghệ An trong những năm 1930 – 1931 thì Keith là người đầu tiên quan tâm tới ý nghĩa của việc tấn phong Nguyễn Bá Tòng – vị giám mục đầu tiên của Việt Nam – vào năm 1933. Khi chiến tranh kết thúc, việc tấn phong một vị linh mục nổi tiếng khác là Lê Hữu Từ và việc ban đầu ông này ủng hộ Hồ Chí Minh làm cho người ta không thể nghi ngờ rằng từ thế kỷ XIX trong cộng đồng giáo dân Việt Nam đã diễn ra nhiều sự thay đổi. Trước khi cuộc Chiến tranh Đông Dương kết thúc, người Việt Nam – chứ không phải người châu Âu – đã cai quản các giáo phận Hà Nội, Bắc Ninh, Vinh, Hải Phòng và Sài Gòn. Sự năng động của giai đoạn thuộc địa, trong đó có sự cáo chung đầy bạo lực của nó, đã tạo ra quá trình phi thực dân hóa về mặt tôn giáo.

Nhưng Keith còn đi xa hơn thế. Ví dụ, ông chỉ ra cách thức mà chế độ thuộc địa đã tạo ra những mối liên kết vươn ra bên ngoài biên giới quốc gia để rồi các tín đồ Công giáo Việt Nam có thể biến thành lợi thế cho mình. Qua mối liên kết đầy hấp dẫn, ông còn phân tích cách thức mà những cố gắng của Vatican trong giai đoạn sau Thế chiến I nhằm xây dựng các Giáo hội Công giáo trong thế giới bên ngoài phương Tây đã tạo điều kiện cho giới tinh hoa tôn giáo bản xứ suy nghĩ lại về quan hệ của họ với các nhà truyền giáo châu Âu và chính quyền thuộc địa. Tính chất đang thay đổi của Giáo hội Công giáo quốc tế còn cung cấp cho các tín đồ Công giáo Việt Nam những cuộc tiếp xúc cũng như những phương tiện mang tính thiết chế, phù hợp với giáo luật và hiện đại, cho việc mường tượng và xây dựng Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Trong công trình nghiên cứu quan trọng này, Charles Keith đã cung cấp cho chúng ta một bản tường trình dài hơi đầu tiên về Công giáo Việt Nam trong giai đoạn thuộc địa. Chúng tôi xin đưa cuốn sách này vào loạt tác phẩm của chúng tôi với sự vui mừng và lòng biết ơn vô hạn. Các chuyên gia cũng như các độc giả bình thường sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị trong tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành và rất dễ thương này. Họ có thể thậm chí suy nghĩ hơi khác không chỉ về Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn về cả nước Việt Nam nữa.

Christopher Goscha
Fredrik Logevall


Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT