Friday, March 29, 2024

Kỷ Yếu Triển Lãm Và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký

Lời nói đầu

Cuốn Kỷ yếu này là đúc kết những nội dung đã được trình bày trong cuộc Hội Thảo và Triển Lãm về Trương Vĩnh Ký tổ chức tại báo Người Việt, miền Nam California vào ngày 8 tháng 12, 2018. Ngoài ra, để bổ túc cho sự tìm hiểu rộng hơn về nhà bác học ngôn ngữ này, chúng tôi cũng in vào sách một số bài viết và tài liệu khác về Trương Vĩnh Ký mà chúng tôi nhận được từ các tác giả hoặc sưu tầm được. Cuốn sách sẽ gồm những phần như sau :

  1. Các bài đã được trình bày trong cuộc hội thảo, gồm diễn văn khai mạc của ban tổ chức, các bài thuyết trình của các diễn giả được mời, và phần đúc kết cuộc hội thảo. Song song với các bài viết là các hình ảnh diễn tiến của cuộc hội thảo; các tư liệu của hoặc liên quan đến Trương Vĩnh Ký đã được sưu tầm và triển lãm.
  2. Một số thư từ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Latinh của Trương Vĩnh Ký viết cho các giới chức hoặc bạn bè, với đầy đủ thủ bút của chính tác giả và bản dịch kèm theo. Một số công trình học thuật của Trương Vĩnh Ký đã hoặc chưa được xuất bản.
  3. Một số bài vở nghiên cứu về sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký. Và đặc biệt, cũng trong phần này chúng tôi đăng lại toàn bộ công trình của một chuyên gia thư viện, đã lập nên một Thư mục đầy đủ nhất về Trương Vĩnh Ký từ trước đến nay. Với Thư mục này hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm tòi tài liệu.

Do hoàn cảnh đặc biệt trong thời đại của mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời sau đánh giá khác nhau về việc ông cộng tác với người Pháp. Có người nghĩ một cách đơn giản chỉ cần cộng tác với Pháp là đương nhiên là Việt gian bán nước. Nhưng với một cách nhìn khác, với sự đào sâu tìm hiểu sự nghiệp văn hóa của ông, phần đông người Việt Nam đều cho ông là người có công lớn đối với đất nước khi lợi dụng làn gió mới mẻ từ Tây phương để mở ra một hướng khác cho văn hóa Việt Nam, hầu nước nhà có thể thoát ra khỏi ảnh hưởng bế tắc của Trung Hoa để theo kịp nền văn minh mới của năm châu bốn biển.

Cuốn Kỷ yếu này chỉ mong góp một phần nhỏ để mở những cánh cửa cho những ai quan tâm đến lộ trình đổi mới ấy, bắt đầu từ Trương Vĩnh Ký với tư cách là một người Việt Nam đầu tiên đã :

  • theo nghề làm báo tiếng Việt, tự mình đứng ra thành lập một tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên
  • viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ,
  • đã viết lại bằng chữ quốc ngữ những tác phẩm cổ điển chữ nôm rồi in ra và phổ biến
  • viết lại bằng chữ quốc ngữ một phần kho tàng văn chương bình dân của dân tộc Việt Nam và xuất bản
  • viết và giải thích bằng chữ quốc ngữ các lý thuyết của đạo Khổng Mạnh đã thấm nhuần trong văn hóa và giáo dục Việt Nam từ hàng nghìn năm

Các công lao đồ sộ ấy, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, đã mở đường và gây cảm hứng cho nhiều cây bút khác tiếp tục phát huy chữ quốc ngữ bằng báo chí, bằng sáng tác văn học và phong trào dịch tiểu thuyết Tàu từ Nam Kỳ tràn ra cả nước. Các cuộc vận động về chính trị cũng như văn hóa như Đông Kinh Nghĩa Thục, Phong Trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, các tờ báo Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong của Phạm Quỳnh … đều là các cố gắng tiếp nối tinh thần Trương Vĩnh Ký ngay từ đầu thế kỷ 20, dùng công cụ mới mẻ là chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán để làm chuyển ngữ chính thức cho đất nước hầu xây dựng nên một nền quốc học mới, tuyên truyền một văn hóa mới.

Nếu không có các bước khởi đầu ấy của Trương Vĩnh Ký, và nước ta vẫn dùng chữ nho, vốn là một ngoại ngữ, như là văn tự chính thức thì chỉ một bộ phận ít ỏi người trong nước có thể học được, và việc học chữ nôm lại còn khó khăn hơn nữa, liệu nước Việt Nam có thể có một bộ mặt văn hóa như hiện nay hay không ? Chỉ với chữ quốc ngữ –là “chữ nước ta” như Tản Đà đã khẳng định– thì toàn dân Việt Nam mới có thể đều biết đọc biết viết chữ của nước mình được. Khi một dân tộc không có chữ viết riêng biểu đạt tiếng nói của chính mình thì không khi nào có thể đạt đến một trình độ văn hóa rộng khắp có trình độ cao được.

Một cuộc triển lãm và hội thảo về cụ Trương Vĩnh Ký, rồi một cuốn Kỷ yếu ghi lại công trình ấy dĩ nhiên không thể đáp ứng đầy đủ những hiểu biết về con người văn hóa lớn lao này. Nhưng ít ra công việc này cũng góp phần cho một cái nhìn đúng về một nhân vật có công lao lớn đối với văn hóa đất nước, và nhất là cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn đối với cụ, vì người Việt Nam là một dân tộc luôn luôn nhắc nhở nhau  đừng quên câu : Uống nước nhớ nguồn.

Ban Biên Tập cuốn Kỷ yếu này cũng xin chân thành cảm ơn sự nhắc nhở khuyến khích, kể cả đóng góp tài chánh cho việc in ấn, của đông đảo thân hữu gần xa. Cuốn sách mà quý vị đang cầm trên tay chính là kết quả của sự hỗ trợ nồng ấm về tinh thần cũng như phương tiện ấy.

 

Little Saigon, ngày 7 tháng Năm, 2019

Thay mặt Ban Biên Tập sách Kỷ yếu Trương Vĩnh Ký

Phạm Phú Minh

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT