Thursday, March 28, 2024

Hồi Ký Để Lại – Nguyễn Văn Sinh

De Lai

HỒI KÝ ĐỂ LẠI. DƯỚI CÁI NHÌN CỦA MỘT BẠN HỌC CŨ

Tôi đọc Để Lại của Nguyễn Văn Sinh không như đọc một tác phẩm văn học mà chỉ muốn đọc những ghi chép của một người bạn học cũ viết về đời mình. Và tác giả đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, với sự thích thú và đôi chút hãnh diện.

Hồi ký của Sinh quả thật đã đem tôi về những ngày tháng cũ thời chúng tôi học chung dưới mái trường trung học Nguyễn Khuyến trong cái tỉnh nhỏ Nam Định, với những địa danh quen thuộc, như chợ Cửa Trường, đường Paul Bert, Phố Khách, phố Cửa Đông, phố Máy Tơ, Vọng Cung; và tên những học trò phá phách ngày xưa nay không còn nữa, như Ứng, như Tạo, như Điển . . .

Trước khi đọc Để Lại, tôi có hai hình ảnh tương phản về Sinh: một học sinh ngỗ nghịch lúc bé và một người đàn ông điềm đạm yêu quý bạn bè khi lớn tuổi. Sinh là bạn cùng trường nhưng khác lớp của tôi ở trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định và Chu Văn An Sài Gòn. Ở trường Nguyễn Khuyến, Sinh nhập bọn với đám học sinh phá phách hay bắt nạt bạn đồng học. Những người này khi lớn trở thành đứng đắn và bình thường một cách lạ thường. Đó là một Nguyễn Văn Sinh tôi gặp lại sau nhiều năm và sau cuộc đổi đời của cả thế hệ chúng tôi tại Quận Cam trong đám bạn học Chu Văn An cũ thường tụ tập ở quán Uyên Thi. Lúc này, Sinh hiền hẳn và rất sốt sắng với bạn bè. Có một điều không thay đổi trong Sinh là cái phong cách ngang tàng và lối nói nửa châm chọc nửa khôi hài của anh.

Hồi ký Để Lại cho người ta thấy một con người phức tạp và đáng quý trọng hơn những hình ảnh phiến diện mà tôi có lúc trước. Sinh có một cuộc sống gian chuân và phong phú hơn đa số chúng tôi. Tôi không thể ngờ bạn của tôi đã có một tuổi thơ vất vả và nghèo khổ đến thế, nghèo đến nỗi phải làm đủ nghề để kiếm sống và giúp gia đình trong những ngày chạy loạn, từ thợ nguội, chăn trâu, chăn vịt, cán bông, kéo chỉ, đến bán kẹo mạch nha, và buôn bán đồ hộp ở “trại Tây” Phát Diệm! Thế mà, qua sự giúp đỡ của những người tốt bụng, với tinh thần cầu tiến, sự quyết tâm, và tính tháo vát, Sinh đã học hết trường Luật, trở thành một Thiếu tá Cảnh Sát, và một tù nhân có khí phách, can trường trong các trại cải tạo cộng sản.

Phải ghi công cho cái xã hội, nền văn hóa, và sự giáo dục gia đình đã góp phần tạo ra cơ hội thăng tiến và nhân cách của Sinh

Tuy vất vả, nhưng Sinh may mắn có một gia đình thương yêu và đùm bọc nhau. Sinh được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương bao la của bà ngoại, của bố mẹ, của cậu dì; và Sinh cũng đền trả bằng sự yêu thương và lòng biết ơn tha thiết đối với họ. Thế giới của Sinh có nhiều người tốt hơn người xấu, nhiều cái để cảm động hơn thất vọng.

Sinh thông minh và tháo vát ngay từ hồi còn nhỏ. Thời tản cư, cậu bé Sinh, mới 14 tuổi, đã biết khôn khéo thuyết phục người lớn và có công đem mấy gia đình bị phân tán trong chiến tranh đoàn tụ một chỗ với nhau. Thời đất nước chia đôi, Sinh đã tỏ ra là một người con nặng tình với gia đình. Đã theo bà và cậu lên Hà Nội để vào Sài Gòn, nhưng vì thương nhớ mẹ, Sinh lại trốn bà về Nam Định. Sau khi nghe lời mẹ thúc dục, anh một mình lên Hà Nội đi Hải Phòng. Đến Hải Phòng, anh lại mạo hiểm trở về Nam Định để tìm cách đem toàn thể gia đình di cư vào Nam.

Kinh nghiêm sống phong phú của Sinh thời chạy loạn ở nông thôn khiến Sinh biết nhiều điều mà các bạn cùng tuổi Sinh không biết. Nếp sống lãng tử của một cậu học sinh trung học khi về thành cho Sinh biết xử dụng những tiếng lóng của giới ăn chơi người lớn mà những người như tôi chỉ nghe thấy lần đầu, như “phê nại xây chừng” (cà phê sữa nhỏ) và “Tây hồ nguyệt lặn” (cà phê sữa có một lòng đỏ trứng gà).

Sinh có trí nhớ dai và có tài kể chuyện. Sinh kể tỉ mỉ về cách chơi khăng, đánh đáo, những trò chơi ham thích mà không tốn kém của chúng tôi ngày trước, những đứa trẻ sống hồn nhiên trong một nên kinh tế nông nghiệp, trước kỷ nguyên Ipad và computer games.

Cách làm gỏi cá của ông nội, cách mổ lợn, gói bánh chưng, nuôi chim, bẫy chim, cách nấu rượu để tăng thu nhập gia đình, và lối pha cà phê kiểu cách của cậu Ninh… cũng được Sinh tả một cách tường tận, rõ ràng như trong những quyển sách dạy gia chánh, nhưng có duyên hơn. Mấy ai trong chúng tôi có kinh nghiệm sống và làm việc như Sinh?

Sinh viết có duyên, hấp dẫn người đọc với cách kể chuyện chuyển từ một thái cực này sang một thái cưc khác một cách tự nhiên. Chuyện giúp bạn trả thù “Hinh Sứt” (trang 215-219) và chuyện “đánh thằng Triêm” (trang 222-223) cho người ta thấy hình ảnh một anh học trò tỉnh lẻ ngang tàng, tinh nghich, ngươc hẳn với hình ảnh một đứa trẻ nhà quê, con nhà nghèo, hiền lành, ngoan ngoãn khiến Cha Điện ở nhà thờ Phát Diệm động lòng thương, hứa cho tiền để đi học và  mua sách vở.

Những cựu học sinh Chu Văn An thời mới di cư vào Nam sẽ không thể nhịn được cười khi đọc Sinh phác họa hình ảnh của  các thầy giáo cũ, như thầy Trần Đình Quý dạy toán, thầy Lê Trung Nhiên dạy “tiếng Tây,” và sự tinh nghịch của học trò Chu Văn An (trang 247-251).

Sinh tả trận đấu bóng chuyền giữa trường Chu Văn An với trường Nguyễn Đình Chiều cũng nhuần nhuyễn, hấp dẫn chẳng kém cách ký giả thể thao Huyền Vũ tường trình các trận túc cầu ở Sài Gòn năm xưa (trang 251-255).

Sinh kể chuyện “tình Bắc, duyên Nam,” tôn giáo bất đồng  của cậu Kim (tên trong sách của Sinh) Nam Định với cô Tiếp Bình Chánh có những tình tiết lâm ly, hấp dẫn, những lời nói yêu đương, những trở ngại lúc đầu rồi may mắn về sau.  Câu chuyện có thắt, có mở như . . . trong tiểu thuyết.

Sinh viết đối thoại rất hay, rất tự nhiên. Đọc Để Lại đôi khi người ta tưởng đang đọc văn của một tác giả thành danh chứ không phải của một sĩ quan cảnh sát xuất thân từ môt học sinh ban Toán.

Hãy nghe Sinh nói về cảnh chiều đông buồn tê tái ở nhà quê:

“Trời về cuối Đông, giá lạnh, gió heo may rít lên từng cơn. Tiếng kêu kẽo kẹt của tre già đưa võng làm rụng rơi từng đợt lá vàng, rắc trên lối mòn thôn xóm. Trần mây đục, thấp lè tè, khiến cảnh quê vốn buồn lại càng buồn thêm…”

Còn nữa:

“Ngày 29 Tết . . . Những vạt mưa Xuân giăng kín không gian, hàng cây trên núi chỉ còn những nét mờ mờ giống như bức hình của Mạnh Đan chụp cảnh sương mù Đà Lạt hay những bức tranh thủy mạc của Tàu. Ngay cả đến những nóc nhà tù cũng đang chìm vào làn mưa rất nhẹ . . .”

Với khẩu khí khinh bạc và sắc gọn Sinh tả những món ăn khó nuốt của Biệt Động Quân trong trung tâm huấn luyện Dục Mỹ:

“Trên bàn ăn, một ly cà phê nước mắt dì ghẻ, nguội ngắt, đứng chỏng chơ bên cạnh ổ bánh mì dai như chão ré, bụng nó ấp ủ một chú lạp sưởng rẻ tiền.”

Sinh nhìn đời bằng con mắt thản nhiên, lì lợm, đôi khi tinh quái. Giai đoạn tập luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, từ căn cứ sình lầy, căn cứ núi, đến căn cứ rừng, và những kế lừa gạt của trại để dạy cho các cậu sinh viên sĩ quan chốn việc một bài học cười ra nước mắt, được Sinh phác họa môt cách sống động.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, Sinh đi tù cải tạo. Việc vào tù, chuyển trại ra Bắc, cơm tù, thăm nuôi tủi nhục người ta cũng có thể tìm đọc ở nhiều cuốn sách khác. Nhưng đặc biệt trong hồi ký Để Lại là tường thuật về cuộc tuyệt thực toàn trại tù cuối năm 1979 chống việc bắt đem đi một cách khuất tất mấy người bạn tù mà Sinh bị kết tội là một kẻ “khích động, xúi dục” khiến Sinh bị giam vào phòng biệt giam (cachot).

Có đọc chuyện Sinh kể, lúc khôi hài lúc đứng đắn, về sinh hoạt trong cachot và cuộc thẩm vấn/trao đổi giữa Sinh với các cán bộ điều tra của bộ Nội Vụ mới thấy và cảm phục thái độ tự tin, khí phách và can trường của những người lính thất trận.

Nếu Để Lại được dịch ra Anh ngữ chắc chắn tôi sẽ mua cho các con tôi đọc, và nói với chúng rằng “tác giả là bạn của bố đấy.”

Nguyễn Mạnh Hùng

Virginia, tháng 4, 2016

  • Tác Giả: Nguyễn Văn Sinh
  • Bìa Mềm
  • Số Trang: 650
  • Kích Thước: Cao 8.5″ x Rộng 5.5″ x Dầy 1.6″
  • Trọng Lượng: 2 lbs

 

Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT