Friday, March 29, 2024

Học đường Mỹ ngày càng chú tâm môn giáo dục công dân

NEW YORK CITY, New York (NV) – Chỉ mới 7 giờ sáng của một ngày Thứ Năm tại trường trung học Mamaroneck, nằm về phía Bắc thành phố New York, các lớp học đều vắng tanh, ngoại trừ một lớp, với 30 học sinh lớp 9 đã tề tựu sẵn sàng, với máy điện toán xách tay mở ra trước mặt họ.

Theo New York Times, các học sinh này sắp hoàn tất năm đầu tiên của một chương trình mới, kéo dài bốn năm, có tên là “Original Civic Research and Action.” Chương trình học đòi hỏi họ tìm hiểu cặn kẽ về cách thức hoạt động của chính quyền thành phố Mamaroneck và tìm ra giải pháp cho một vấn đề hiện có.

Chương trình này có được là nhờ ý tưởng của giáo viên Joseph Liberti, chuyên dạy môn chính quyền và lịch sử ở trường trung học từ nhiều năm nay.

Lớp này cũng là một biểu hiện của một nỗ lực trên toàn nước Mỹ, ở cả bậc trung học và đại học, để giải quyết vấn đề được thấy rõ ràng trong vài năm trở lại đây: Đó là sự thiếu hiểu biết và không tin tưởng vào các cơ quan chính quyền dân sự, sự kiện chính quyền ở mọi cấp không hiểu biết về đời sống dân chúng và tình trạng không chấp nhận những người nghĩ và có hành động bị coi là khác với số đông.

Nhà giáo Liberti đã nghĩ tới việc hình thành lớp học này từ lâu. Và thời điểm thuận tiện đã đến kể từ khi Tổng Thống Donald Trump lên cầm quyền: những tranh chấp, đối chọi quan điểm trong xã hội Mỹ, đã tạo điều kiện tâm lý thuận lợi giúp việc mở lớp dễ dàng hơn.

Hiện chỉ có chín tiểu bang và khu District of Columbia (vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn) là đòi hỏi học sinh trung học phải có một lớp học cả năm về giáo dục công dân (civics education). Có 30 tiểu bang buộc phải có ít nhất nửa năm học. Có 11 tiểu bang coi đây là môn học nhiệm ý, không bắt buộc.

Có nhiều lý do để giải thích vì sao có sự khác biệt này, nhưng nhiều người cho rằng đó là vì có quá nhiều chú trọng đến toán và khoa học, cũng như các kỳ thi căn bản, khiến không còn thời giờ cho các lớp học về công dân giáo dục.

Kết quả của các kỳ thi cũng như các cuộc nghiên cứu đều cho thấy sự hiểu biết của học sinh trung học và hầu hết người dân Mỹ về lịch sử và cấu trúc của chính quyền rất nghèo nàn.

Kết quả một cuộc thăm dò hồi năm ngoái của trung tâm Annenberg Public Policy Center ở đại học University of Pennsylvania cho thấy có tới 37% người được hỏi không thể nêu ra được bất cứ quyền công dân nào được Tu Chính Án Thứ Nhất đảm bảo và có 75% không biết hết ba ngành Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp trong cơ cấu tổ chức chính quyền Mỹ.

Ông Ron Berger, người đứng đầu lãnh vực giáo dục của tổ chức EL Education, một cơ quan thiện nguyện có mạng lưới gồm 160 học khu trên toàn quốc, cho hay nhà trường đã quên đi nhiệm vụ phải chuẩn bị cho học sinh có thái độ tích cực đóng góp trong vai trò công dân. “Chúng ta, với tư cách là cả quốc gia, đã quên đi điều đó,” ông Berger nói.

Cũng theo ông, có một số lớp dạy về công dân giáo dục và tham gia vào xã hội quanh mình, cũng chuẩn bị cho học sinh sự hiểu biết rằng không hề chỉ có một câu trả lời đúng cho các vấn đề quanh họ.

“Họ phải học cách thương thảo và lắng nghe các quan điểm khác nhau,” ông Berger nói. (L. Tâm)

Mời độc gỉa xem chương trình du lịch “Ghé thăm thủ đô Rome ở Ý”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT