Friday, April 26, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 333)

Lễ Giáng Sinh an bình trên quê hương thứ hai của người Việt tị nạn

“Đợi tới Giáng Sinh lâu quá. Mở quà ngay đi, Mẹ!”
“Anh Liam phụ một tay nghe, Owen.”

Trẻ em tham gia vẽ mặt rồi xem đốt pháo bông.

 

Jimmy Nguyễn Mạnh Trúc.

Về với mẹ cha giữa mùa Giáng Sinh

Việt Linh 

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến ngày Chúa Giáng Sinh, mọi người ai nấy bận rộn mua sắm, nhưng năm nay lại là những ngày buồn nhất trong gia đình tôi, vì chúng tôi mất đi một đứa em trai yêu dấu. Em còn trẻ lắm, 58 tuổi, nhưng không chống lại được định mệnh khắt khe. Em đã vĩnh biệt anh chị em sau 12 tiếng đồng hồ hôn mê trên giường bệnh của nhà thương Fountain Valley, California.

Sáng sớm hôm ấy, tôi nhận được điện thoại lúc 3 giờ 50 sáng báo tin em được xe cứu thương đưa đến phòng cấp cứu. Linh tính báo trước một chuyện chẳng lành vì sau cơn tai biến mạch máu não, em không còn nói được. Hai mắt nhắm nghiền.

Bác sĩ cho xem hình chụp MRI: “Đây là hai tấm hình, bên trái là hình chỗ mạch máu chảy trong não. Năm trước anh ấy cũng bị tai biến, nhưng không nguy hiểm bằng lần này, vì chỗ chảy máu xảy ra đúng chỗ kiểm soát hệ thống hô hấp và tim mạch.”

Đến sáng, bác sĩ cho biết phải dùng máy trợ thở. Đến trưa, bác sĩ họp mọi người trong nhà và cho biết bệnh tình càng ngày càng xấu. Hai mắt em không còn phản ứng khi bác sĩ chiếu đèn pin vào con ngươi. Tuy em nằm bất động nhưng trong bao tử đã xuất huyết và được máy bơm ra ngoài.

Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi phải đối phó với một quyết định thật khó khăn và đau lòng. Đó là sẽ phải cho phép bác sĩ rút máy trợ thở. Các em tôi chưa bao giờ phải đối mặt với hoàn cảnh như thế, vì khi song thân chúng tôi bước vào tuổi già, ông bà phải theo luật tự nhiên của tạo hóa.

Chúng tôi quyết định để em nhận thuốc giảm đau rồi từ từ ra đi, như lời bác sĩ khuyên, tránh đau khổ kéo dài cho em.

Bây giờ thì thân xác em không còn cảm thấy đau đớn nữa. Anh em chúng tôi, không ai nói ra, nhưng ai cũng đều giấu kín hình ảnh của em trong lòng. Chúng tôi còn nhớ lời mẹ tôi nói: “Khi còn nhỏ, nó đẹp như con Tây!”

Chúng tôi đứng quanh giường em, ai nấy cúi đầu, nước mắt dàn dụa, mong em được ra đi thanh thản, sum họp với cha mẹ tôi.

Bài học mà chúng tôi học được từ sự ra đi của em là hãy thương nhau. Tình thương có thể xóa bỏ mọi tị hiềm. Tình thương là món quà vô giá, chỉ dành cho những ai biết được giá trị, trước khi quá trễ.

“Chị Gái nói thương anh nhiều lắm!” Câu nói của cô em gái nói bên tai em trong giờ phút lâm chung như mãi ám ảnh bên tai tôi về đứa em vắn số.

Thật vậy, anh chị và gia đình thương em vô vàn. Em ơi!



Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

THỨC LÂU MỚI BIẾT ĐÊM DÀI. 

  • Nghĩa đen: Ai đã từng mất ngủ trắng đêm mới thấm thía được một đêm không ngủ dài như thế nào.
  • Nghĩa bóng: Việc gì cũng phải trải qua mới thật sự biết được bản chất và những thách thức của nó.
  • Ý nghĩa thực tiễn: Không nên đánh giá sự việc bằng cách chỉ nhìn từ bên ngoài. Chỉ có kinh nghiệm sống đối với sự việc mới đem lại cho chúng ta sự hiểu biết rõ ràng về sự việc ấy.


Em viết văn Việt

Đặt câu với hai mệnh đề

1- Khi em còn nhỏ, em cầm lồng đèn đi xin kẹo vào Tết Trung Thu.

2- Mẹ em hay làm bánh tráng cuốn vơi rau, nhưng mà em không thích hến.

3- Mỗi học kỳ nhà trường gởi phiếu điểm về cho ba mẹ và em luôn bị la vì có nhiều điểm thấp.

4- Mẹ em luôn nói Em phải cố gắng hoc hành và em cũng phải giúp đỡ mẹ công việc nhà.


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình thầy cô 

Luật hỏi ngã trong tiếng Việt

Trần C. Trí
University of California, Irvine 

Các thầy cô dạy Việt ngữ vẫn thường dạy cho các em luật hỏi-ngã trong một số trường hợp các em phân vân không biết dấu nào là đúng bằng cách đưa ra hai loại kết hợp dấu thanh như sau: 

Sắc – Ngang – HỎI

Huyền – Nặng – NGÃ

Vì sao các thanh lại được sắp xếp như trên? Sự sắp xếp này dựa trên tính chất của từng thanh. Ba thanh sắc, nganghỏi được xếp vào nhóm các “thanh điệu cao” (trong ngữ âm học, nhóm này được gọi là upper register); còn ba thanh huyền, nặngngã là nhóm các “thanh điệu thấp” (lower register). Luật hỏi-ngã dựa theo sự phân nhóm này với mục đích là tạo nên sự hài hoà về thanh (tone harmony) trong một số ngôn ngữ có thanh nói chung chứ không riêng gì tiếng Việt.

Luật hỏi-ngã của tiếng Việt được áp dụng vào những từ ngữ hội đủ ba điều kiện sau:

1-Từ ngữ có hai thành phần.

2-Một trong hai thành phần có dấu hỏi hay dấu ngã.

3-Thành phần có dấu hỏi hay dấu ngã có thể đứng trước hay sau thành phần kia.

“Thành phần” ở đây có thể là một từ ngữ (hay “chữ”), hay cũng có thể là một vần. Như vậy, chúng ta cần phân biệt giữa VẦN (syllable) và CHỮ (word) trước khi đi vào tìm hiểu xem luật hỏi-ngã được áp dụng lúc nào và ra sao.

VẦN là đơn vị âm thanh bao gồm ba phần (i) Âm đầu (phụ âm), (ii) âm giữa (nguyên âm, nhị trùng âm hay tam trùng âm) và (iii) âm cuối (phụ âm). Thành phần giữa là quan trọng nhất, lúc nào cũng phải có, còn phần đầu hay phần cuối có thể vắng mặt.

Ví dụ:

-Vần đầy đủ ba phần: xem – hiên – nguyên

-Vần không có phần cuối: xe – hai – tiêu

-Vần không có phần đầu: an – yên – oan

-Vần chỉ có phần giữa: a – ai – oai

CHỮ là một đơn vị gồm một hay nhiều vần mang một ý nghĩa nhất định. Theo định nghĩa này, nếu một vần đã mang sẵn ý nghĩa thì nó đã trở thành một chữ. Điều đáng chú ý trong chính tả tiếng Việt là mỗi đơn vị mà chúng ta viết xuống giấy (hay in trên sách báo) là một vần chứ không nhất thiết là một chữ (trừ khi vần đó cũng là một chữ). Nói cách khác, trong tiếng Việt, mỗi vần phải cách nhau bằng một khoảng trống (điều này không thấy trong chính tả tiếng Anh hay tiếng Pháp chẳng hạn). Cũng vì cách viết này mà nhiều người lầm tưởng rằng tiếng Việt là tiếng đơn âm.

Việc phân chia tỉ mỉ các loại từ ngữ trong tiếng Việt đòi hỏi một bài nghiên cứu đi quá phạm vi của bài viết nhỏ này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm phân loại một số từ ngữ chính trong tiếng Việt như sau:

1-Chữ một vần: nhà – cửa – xe (mỗi vần đã có ý nghĩa)

2-Chữ hai vần: băn khoănnăn nỉ – hồi hộp (mỗi vần đều không có nghĩa)

3-Chữ kép: độc lập – khuyến khích – đại học – mơ mộng (mỗi vần là một chữ)

4-Chữ láy: vui vẻ – chạy chọt – mơ màng – uể oải (vần láy không có nghĩa)

5-Chữ đệm: đỏ loét – nặng trịch – dễ ợt – chua lè (vần đệm không có nghĩa)

Xin mở một dấu ngoặc về hiện tượng láy trong tiếng Việt. “Láy” là hiện tượng ngữ âm trong một từ ngữ, trong đó một vần mô phỏng âm thanh của chữ hay vần mà nó kết hợp. Sự mô phỏng này có thể là âm đầu, âm giữa, âm cuối hay thanh). Để ý, chúng ta sẽ thấy hiện tượng láy không chỉ xảy ra trong những “chữ láy” mà còn được tìm thấy trong một số chữ hai vần (i ỉ, lập lờ, mênh mông) hay chữ kép (mơ mộng, ngủ nghê, học hỏi). Điều này cho thấy người Việt có khuynh hướng thích láy (Nhiều ngôn ngữ khác cũng có hiện tượng này. Ví dụ như trong tiếng Anh: Okie-dokie, easy-peasy, chit-chat, super-duper, flip-flop).

Trở lại với luật hỏi-ngã. Trong năm loại từ ngữ kể trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng luật hỏi-ngã không áp dụng cho Loại 1 (vì chỉ có một vần!) và Loại 3 (vì hai chữ độc lập kết hợp với nhau, không nhất thiết phải hài hoà về thanh). Lấy ví dụ chữ kép mệt mỏi; ta thấy rằng nếu chiếu theo luật hỏi-ngã kể trên thì đây là một sự vi phạm luật. Nhưng không phải vậy. Luật hỏi-ngã không được áp dụng vào chữ kép. Nếu hai chữ trong một chữ kép tình cờ hài hoà về thanh thì càng tốt (ví dụ như chữ lễ độ), nhưng không hài hoà thì cũng chẳng sao, vì đơn giản là không có luật lệ về thanh nào ràng buộc việc kết hợp hai chữ riêng rẽ.

Như vậy, luật hỏi-ngã được áp dụng vào ba loại từ ngữ còn lại. Khi viết một chữ hai vần, chữ láy hay chữ đệm có chứa một chữ hay một vần mang dấu hỏi hoặc dấu ngã mà không chắc chắn là dấu nào, chúng ta căn cứ vào chữ hay vần kia để quyết định. Ví dụ như trong chữ hai vần năn nỉ, nỉ là dấu hỏi chứ không phải dấu ngã vì năn là thanh ngang (không dấu).

Nhờ luật hỏi-ngã này mà chúng ta có thể giải quyết được một số trường hợp gây tranh cãi. Ví dụ như chữ viển vông. Nhiều người trong chúng ta cho rằng phải viết là viễn (dấu ngã) vì tính từ này có nghĩa là “xa vời, không thực tế,” vì chữ Hán-Việt viễn nghĩa là “xa.” Tuy nhiên, nếu chúng ta tra cứu một số từ điển có uy tín thì sẽ thấy phải viết là viển (dấu hỏi), vì theo luật hỏi-ngã, vông là thanh ngang (không dấu) thì viển ắt là dấu hỏi. Ngoài ra, cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể xác định rằng viển vông là một chữ hai vần (không vần nào có nghĩa cả), chứ không phải là một chữ láy (một chữ có nghĩa kết hợp với một vần láy). Xét qua một trường hợp khác, cũng chính luật hỏi-ngã đã giúp chúng ta biết phải dùng dấu hỏi trong tính từ ngất ngưởng mà lại phải dùng dấu ngã trong tính từ ngật ngưỡng, tuy hai tính từ này có thể đồng nghĩa với nhau nếu nói về dáng điệu đi không vững của một người nào đó.

Trong một ví dụ khác, nhờ luật hỏi-ngã mà chúng ta có thể xác định được một thành phần nào đó là một chữ (có ý nghĩa) hay chỉ là một vần (không có ý nghĩa). Ví dụ như danh từ mình mẩy. Thoạt nhìn, chúng ta nghĩ đây là một chữ láy, vì phụ âm [m] được lập lại. Nếu đây là một chữ láy thì mình là từ ngữ chính, còn mẩy phải là vần láy, không có nghĩa. Nhưng nếu đã là chữ láy thì, theo luật hỏi-ngã, phải là mẫy chứ sao lại là mẩy??? Nếu tra cứu sách vở hay hỏi người am hiểu, chúng ta sẽ biết được rằng mẩy chính là một từ ngữ hẳn hoi, và nó cũng đồng nghĩa với mình. Hóa ra đây là một chữ kép có kèm theo yếu tố láy. Chẳng vậy mà trong tiếng Việt lại có thành ngữ đầu chấy, mẩy rận để chỉ những người không chịu giữ gìn vệ sinh thân thể!

Cũng cần chú ý là trong một chữ láy, vần láy phải hài hoà về thanh với từ ngữ chính khi vần này phải chọn giữa hỏi và ngã. Nhưng trường hợp ngược lại thì không, có nghĩa là một khi từ ngữ chính đã mang thanh hỏi hay ngã rồi (và không thể thay đổi được), thì vần láy nếu có mang một thanh không hợp với luật hỏi-ngã cũng không thành vấn đề. Ví dụ như trong động từ láy phỉnh phờ, phỉnh là từ ngữ chính, mang thanh hỏi, còn phờ là vần láy, lại mang thanh huyền, không hợp với luật hỏi-ngã. Tuy nhiên, luật hỏi-ngã không chi phối trường hợp này. Cũng vậy, trong tính từ láy nhiễu nhương, nhiễu là chữ chính, mang thanh ngã, nhương là vần láy, mang thanh ngang, tức là một thanh trong nhóm “thấp” kết hợp với một thanh trong nhóm “cao.” Một lần nữa, luật hỏi-ngã không can thiệp vào trường hợp này!

Khi dạy luật hỏi-ngã cho các em, tất nhiên là chúng ta không cần đi vào chi tiết như trên. Tuy nhiên, có được một cái nhìn có hệ thống về quy luật này giúp cho chúng ta tự tin hơn. Từ sự hiểu biết về những loại từ ngữ mà luật này áp dụng vào, khi cần thiết, chúng ta có thể giải thích một cách đơn giản cho các em hiểu lúc nào luật hỏi-ngã được áp dụng và lúc nào không.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT