Thursday, March 28, 2024

AQIM là gì?


 


Hùng Tâm/Người Việt


 


Cục u bướu của Al-Qaeda ra tay khủng bố tại Benghazi?


Chính quyền Hoa Kỳ đang lúng túng giải thích diễn biến thật của vụ thảm sát tại Benghazi ngày 11 tháng 9 khiến Ðại Sứ Christopher Stevens và ba người Mỹ thiệt mạng. Lồng trong vụ bạo động là những tai tiếng của giám đốc cơ quan CIA, Ðại Tướng David Petraeus…


Nhưng, có hậu quả lâu dài hơn những biến cố chính trị tại thủ đô Hoa Kỳ là sự tham dự của lực lượng khủng bố xưng danh là Al Qeada trong vùng Maghreb Hồi Giáo (Al Qaeda Islamic Magreb, hay AQIM).


Tìm hiểu thêm vụ này, người ta thấy ra ít nhất hai chuyện.


Ðầu tiên là Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Benghazi bị tấn công không phải vì một cuốn phim có nội dung báng bổ Hồi Giáo như các giới chức đã giải thích trong mươi ngày đầu, mà là do một kế hoạch “có chủ đích” và “có tổ chức” của quân khủng bố, theo lời tuyên bố của cơ quan Tình Báo Quốc Gia (DNI), cơ chế cao cấp nhất lãnh đạo 16 tổ chức về an ninh và tình báo của Hoa Kỳ, kể cả CIA.


Khi kết quả điều trần trước Quốc Hội hoặc điều tra của các cơ quan an ninh được công bố thêm, chuyện này sẽ là một vấn đề chính trị cho chính quyền của Tổng Thống Barack Obama. Lý do là họ đã ém nhẹm tin tức và giải trình sai sự thật để khỏi bị thất lợi trong mùa tranh cử.


Chuyện thứ hai là trong khi các viên chức về an ninh Hoa Kỳ giải thích ngày càng chi tiết về xuất xứ của vụ tấn công thì Tổng Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta tuyên bố hôm 27 tháng 9 rằng chủ mưu trong vụ tấn công ở Benghazi có thể lực lượng “Al-Qaeda tại khu vực Maghreb” (AQIM). Trước đó một ngày, Ngoại Trưởng Hillary Clinton nêu đích danh thủ phạm là có liên hệ với lực lượng AQIM. Chẳng những vậy, bà còn ủng hộ đề nghị của tổng thống Pháp là yêu cầu Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yểm trợ về quân sự cho khu vực Tây Phi Châu để truy lùng quân khủng bố AQIM tại miền Bắc xứ Mali.


Như vậy, sau khi Osama bin Laden bị hạ sát năm ngoái, lực lượng Al-Qaeda vẫn còn khả năng hoạt động qua những chi nhánh hay cánh tay nối dài đến Bắc Phi hay Tây Phi?


“Hồ Sơ Người-Việt” kỳ này sẽ tìm hiểu riêng về tổ chức AQIM.


 


AQIM là ai và muốn gì?


 


Chúng ta đều biết Al Qaeda (AQ) là một lực lượng khủng bố Hồi Giáo đã can dự vào nhiều vụ tấn công quyền lợi Hoa Kỳ từ năm 1993, trước khi hoàn thành vụ “9-11”, vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Vụ khủng bố khiến Hoa Kỳ tấn công Afghanistan vào tháng 10 năm 2001 và mở ra một cuộc chiến lâu dài nhất lịch sử nước Mỹ, từ đó cho đến nay.


Lập hậu cứ tại Afghanistan nhờ sự chứa chấp và yểm trợ của chế độ Taliban, lực lượng AQ bị tê liệt dần, bộ phận đầu não bị Hoa Kỳ tiêu diệt. Ngày nay, AQ chỉ còn uy tín trong các nhóm Hồi Giáo quá khích cực đoan chứ hết khả năng mở ra những vụ tấn công có ý nghĩa hay hậu quả chiến lược. Nhưng trong thế giới Hồi Giáo quá khích, “tinh thần Al Qaeda” vẫn còn.


Nhiều nhóm khủng bố đã lập ra loại “Al Qaeda tự phát”, “Al Qaeda nội hóa” hay “Al Qaeda địa phương”. Các nhóm này có thể đã liên lạc móc nối với tàn dư của lực lượng AQ đầu não, nguyên thủy để học hỏi về kỹ thuật khủng bố và tổ chức, hoặc đã được yểm trợ về huấn luyện trong các căn cứ thu hẹp tại Afghanistan và Pakistan, nhưng đây là trường hợp rất hãn hữu.


Ða số các nhóm “Al Qaeda tự phát” đều xuất hiện độc lập, đôi khi dưới tên khác và hiện hữu từ trước vụ khủng bố “9-11” và chỉ xưng danh Al Qaeda về sau để tìm lợi thế tuyên truyền. Ðó là trường hợp tổ chức AQIM, một nhóm Hồi Giáo quá khích, muốn thiết lập chế độ cai trị của đạo Hồi theo lối suy diễn cực đoan và lạc hậu nhất. Ðịa bàn hoạt động của họ là ở tại Bắc Phi.


AQIM xuất hiện từ cuộc nội chiến tại Algeria hai chục năm trước, dưới tên gọi ban đầu là Nhóm Nguyện Cầu và Tác Chiến Salafist (Salafist Group of Preaching and Combat). Mười năm sau, chính quyền Algeria áp dụng chính sách chiêu hồi và ban lệnh ân xá nên nhóm SGPC này tan rã vì cán bộ theo nhau hồi chánh.


Năm 2006, một số lãnh tụ còn lại mới cải tên thành “Al Qaeda trong vùng Hồi Giáo Maghreb” để khai thác “hào khí” Al Qaeda từ vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ. Maghreb có nghĩa là “miền Tây” hay Tây phương, hàm ý khu vực Bắc Phi trải rộng tại phía Tây của Ai Cập, từ Libya qua Algeria, Tunisia và Morocco.


Ban đầu, địa bàn của AQIM chỉ có tính chất địa phương. Nhưng từ năm ngoái, tình hình đã đổi khác. Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng “AQIM trở thành mối đe dọa cho toàn khu vực và toàn cầu”. Ðấy là một hậu quả bất ngờ và bất lường của “Mùa Xuân Ả Rập”. Vì sao như vậy?


 


Ngòi nổ Libya


 


Việc lãnh tụ Libya là Muammar Qaddafi bị lật đổ và hạ sát năm 2011 đã gây chấn động trên toàn khu vực Bắc Phi.


Nhân danh việc bảo vệ nhân quyền và ngăn ngừa việc thường dân bị sát hại, và với chính nghĩa của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc, cuộc nội chiến tại Libya đã có sự can thiệp của Hoa Kỳ và ba hội viên Âu Châu của Minh Ước NATO (Anh, Pháp, Ý). Rất nhiều võ khí được họ cung cấp cho các nhóm nổi dậy khiến chế độ Qaddafi tiêu vong.


Trong các thị tộc du mục người Tuareg, nhiều nhóm võ trang chỉ là lính đánh thuê cho chế độ Qaddafi. Khi chế độ tan rã, các nhóm này đã “hồi hương” về phía Bắc của xứ Mali, đem theo võ khí và tinh thần nổi dậy. Họ kết hợp với lực lượng AQIM và nhiều nhóm Hồi Giáo quá khích để hùng cứ một phương.


Chuyện bất lường, chẳng ai lường trước khi rút ngòi nổ tại Libya vì lý do nhân quyền, là lực lượng AQIM tiêu diệt các lãnh tụ Tuareg không chấp hành giáo luật của đạo Hồi. Từ đó AQIM mở ảnh hưởng trên khu vực rộng lớn từ Libya qua Algeria tới Mali. Vùng giáo luật của AQIM rộng gần 700 ngàn cây số vuông, gấp rưỡi California, bằng diện tích của Texas. Nửa triệu dân Mali đã phải tháo chạy vì sự cai trị hà khắc của lực lượng AQIM: Nhạc sĩ bị chặt tay, có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc giữa người đồng tính thì bị ném đá đến chết.


Giới chức về an ninh và tình báo Hoa Kỳ cho là địa bàn của AQIM, một khu vực rộng lớn vô chính phủ, đang trở thành một Afghanistan thứ hai, tương tự như những gì đã xảy ra tại quốc gia Trung Á này trước khi có vụ khủng bố “9-11” vào năm 2001. Ngày xưa, Afghanistan là địa bàn của Al Qaeda. Ngày nay, từ lãnh thổ xứ Mali lên tới nhiều vùng rộng lớn Algeria và Libya là địa bàn của AQIM, với ảnh hưởng mở rộng qua nhiều nước khác như Mauritania, Niger và Nigeria.


Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Phi Châu là Tướng Carter Ham đã báo động về việc đó khiến chúng ta càng hiểu ra lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Clinton về mối nguy quốc tề và toàn cầu của AQIM.


Khi AQIM (hoặc các đặc công được AQIM yểm trợ) tấn công tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Benghazi vào ngày kỷ niệm vụ “9-11” của Al Qadea và hạ sát đại sứ Hoa Kỳ sau bảy tiếng giao tranh, thì đấy là thành tích của một lực lượng khủng bố đang giành lấy lá cờ chống Mỹ.


Nhưng lực lượng AQIM này lấy phương tiện ở đâu?


 


AQIM và kỹ nghệ bắt cóc con tin


 


Phương tiện võ trang của lực lượng AQIM quả là không thiếu sau khi lãnh thổ Libya được tràn ngập võ khí đủ loại do chính các nước NATO (và Hoa Kỳ) đổ vào cho các nhóm nổi dậy chống Qaddafi. Nhưng AQIM lấy tiền ở đâu ra để nuôi quân và mua súng?


Từ năm 2008, người ta đã nói đến kỹ nghệ bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc mạng.


AQIM huy động được cả trăm triệu đô la nhờ hoạt động này. Nạn nhân là du khách hay kiều dân Tây phương làm việc trong các doanh nghiệp quốc tế. Ðối tượng được họ chiếu cố nhất là dân Âu Châu, ngoài nước Anh. Hoa Kỳ và Anh Quốc có chủ trương không nộp tiền để chuộc con tin – vì sẽ chỉ khuyến khích quân khủng bố bắt cóc kiều dân của mình. Các nước Âu Châu khác thì không theo chính sách đó nên kiều dân của họ được (hay bị) AQIM chú ý nhất.


Ký giả Serge Daniel có viết cuốn sách về kỹ nghệ bắt cóc của AQIM (AQIM: The Kidnapping Industry) và cho biết rằng trong nhiều năm qua các chính quyền Ðức, Tây Ban Nha hay Áo đã trả cả chục triệu để chuộc lại kiều dân của họ. Chính vì vậy mà AQIM càng khai thác hình thái kinh tế hắc ám này. Cho nên từ năm 2010 đến năm ngoái, giá biểu trung bình cho mỗi con tin đã tăng gần 25%, từ bốn triệu rưỡi lên năm triệu rưỡi Mỹ kim cho một người!


Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng ít được thời sự nhắc tới:


Vì lý do nhân quyền và dân chủ, các nước Tây phương đã thả võ khí vào một kho đạn là Libya. Vì cần chuộc mạng con tin, họ bơm tiền cho kỹ nghệ bắt cóc của quân khủng bố. Tiền đó giúp cho tài hóa lưu thông, võ khí từ Libya được phân phối khắp nơi và xoay vào tấn công quyền lợi của Tây phương. Trong vụ thảm sát ngày 11 tháng 9 tại Benghazi, hệ thống tình báo Hoa Kỳ đã kiểm thính được nhiều đoạn tin liên lạc giữa AQIM và một nhóm đặc công xưng danh Ansar al-Sharia để ngợi ca thành tích chống Mỹ tại Libya.


 


Làm sao bây giờ?


 


Trước sự bành trướng và lớn mạnh của lực lượng AQIMi, Hoa Kỳ và Pháp đã gia tăng viện trợ quân sự cho Mali, một nước thuộc địa cũ của Pháp. Một liên minh kinh tế gồm 15 quốc gia là “Economic Community of West Africa States” (Cộng Ðồng Kinh Tế các nước Tây Phi) cũng đã đồng ý tăng phái hơn ba ngàn binh lính cho quân đội Mali để tiễu trừ quân khủng bố Hồi Giáo.


Trên lãnh thổ rộng hơn một triệu 400 ngàn cây số vuông (hơn gấp bốn Việt Nam) trong một vùng Phi Châu nhiệt đới, Mali chỉ có một quân đội rất nhỏ và nghèo gồm bảy ngàn binh lính. Quân viện của Pháp và Mỹ sẽ khó huấn luyện và trang bị cho một lực lượng quân sự sơ sài như vậy. Dù Hoa Kỳ có dự tính tăng phái máy bay không người lái (drones) để canh chừng quân khủng bố AQIM, việc này thật ra không dễ vì địa thế rừng già và nhất là vì Hoa Kỳ chưa có mạng lưới tình báo nhân sự ở tại chỗ để xác định mục tiêu tấn công như đã thấy tại Afghanistan, Pakistan hay Yemen.


Các quốc gia Tây phương đều ý thức được những khó khăn này và trông đợi vào sự trưởng thành và lớn mạnh của các đơn vị tác chiến Phi Châu để có thể đảm nhiệm lấy vai trò bảo vệ an ninh và ngăn ngừa khủng bố. Nhưng đây chỉ là hy vọng mà thôi.


Năm 1979, khi Liên Bang Xô Viết đưa quân vào Afghanistan, chính quyền Jimmy Carter đã yểm trợ phong trào “Thánh Chiến” của đạo Hồi (Jihad) nhằm làm suy yếu chế độ do Moscow lập ra tại Kabul để làm xoi mòn lực lượng chiếm đóng của Liên Xô. Hậu quả là phong trào Thánh Chiến trở thành phong trào khủng bố và là sự ra đời của Al Qaeda trong thế giới Hồi Giáo.


Kết cuộc là Al Qaeda thao dượt nghiệp vụ khủng bố và kết thúc bằng biến cố 9-11 làm thay đổi cục diện toàn cầu trong 10 năm liền.


Hơn 30 năm sau, vì lý tưởng nhân đạo, chính quyền Barack Obama đã can thiệp vào Libya và hậu quả bất ngờ của “Mùa Xuân Ả Rập” tại Bắc Phi là sự lớn mạnh của một lực lượng Al Qaeda khác, tổ chức AQIM.


Cũng trong cái trớn của sự sụp đổ của chế độ Qaddafi tại Libya, Hoa Kỳ gia tăng quân viện cho một nước Phi Châu là Uganda, như Tổng Thống Obama đã tuyên bố hồi tháng 10 năm 2011. Mục tiêu là để truy lùng khủng bố Hồi Giáo tại Ðông Phi lên tới khu vực gọi là Sừng Phi Châu và Somalia. Bây giờ đến lượt Mali và Tây Phi cũng được tăng viện để ngăn ngừa khủng bố.


 


Kết luận ở đây là gì?


 


Chúng ta hiểu vì sao chính quyền Obama rất nhạy cảm với những liên hệ giữa quân khủng bố AQIM và biến cố Benghazi tại Libya. Ðó là một lẽ.


Lẽ thứ hai, trong vụ Libya, giới chức quân sự và an ninh Hoa Kỳ đều tỏ ý ngần ngại về hậu quả của việc can thiệp và đã can ngăn. Nhưng có bốn phụ nữ lại thuyết phục ông Obama phải có hành động để chặn đứng nạn tàn sát thường dân. Ðó là Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Ðại Sứ Suzan Rice, và hai cố vấn trong hội đồng an ninh là Samantha Power và Gayle Smith. Kết cuộc là hiện tượng AQIM và vụ tấn công Benghazi ngày 11 tháng 9.


Chính quyền Obama phải trình bày vụ Benghazi như một phản ứng tự phát từ một cuốn phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi và trong một ngày Chủ Nhật 16 tháng 9, Ðại Sứ Rice đã lên năm đài truyền hình giải thích như vậy. Ðến ngày 21, Tổng Thống Obama đã sáu lần nói đến cuốn phim đó trong bài diễn văn đọc trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc.


Sự thật có lẽ hơi khác. Và nguy hiểm hơn nhiều.

MỚI CẬP NHẬT