Friday, April 26, 2024

Cựu Thống Ðốc Sarah Palin ứng cử tổng thống?


Nguyễn Văn Khanh

Thử tưởng tượng sáng sớm vừa thức dậy cầm chiếc iphone để xem tin nhắn và email nhận được qua đêm.

Hình ảnh đập ngay vào mắt là những bản tin do tổ chức siêu vận động (Super PAC) của những người ủng hộ bà Sarah Palin gửi đến dưới dạng “tới tấp,” nội dung cho biết bà cựu thống đốc Alaska là người trung thành với giá trị của tinh thần bảo thủ, là người đi thật sát với quần chúng, và là người luôn luôn sẵn sàng đối đầu với lực lượng Dân Chủ tả khuynh. Ði kèm với hình ảnh các ứng cử viên của đảng Dân Chủ mà Sarah PAC đưa ra là lời cảnh báo, cho biết “đối thủ (Dân Chủ)” sẽ sử dụng bạc tỷ, “dùng tiền mua cuộc bầu cử” tổng thống 2016 để làm những gì họ muốn làm, không đếm xỉa đến nguyện vọng của người dân.


Bà Sarah Palin. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Phải nói cho đúng: chưa bao giờ Super PAC của bà Palin hoạt động mạnh mẽ như những ngày trong tuần lễ này, đặc biệt sau các bản tin được phổ biến cho thấy sẽ có ít nhất hai hoặc ba chính trị gia Cộng Hòa nhảy vào vòng chiến – chẳng hạn như ông Rick Santorum mới loan báo tranh cử hôm Thứ Tư, sang ngày Thứ Năm tới lượt ông Cựu Thống Ðốc George Pataki của tiểu bang New York, nhà tỷ phú Donald Trump tiếp tục chương trình gặp gỡ cử tri ở New Hampshire và Ohio v.v… Những điều đó có thể khiến bà Palin cảm thấy “nóng lòng,” và hoạt động mạnh mẽ của Sarah PAC khiến mọi người nghĩ sớm muộn gì bà cũng sẽ loan báo quyết định dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc.

Chuyện bà Cựu Thống Ðốc Sarah Palin có ra tranh cử hay không là câu hỏi được đặt ra từ Tháng Giêng năm nay, khi bà xuất hiện ở Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa tổ chức tại Washington D.C. để đọc bài diễn văn nảy lửa chỉ trích Tổng Thống Barack Obama và “chính sách, đường lối hoạt động sai lầm của đảng Dân Chủ.” Trong bài diễn văn được các nhà quan sát chính trị công nhận là “ăn khách” đó, bà nhắc nhở trách nhiệm của lực lượng bảo thủ “là phải xắn tay áo dọn dẹp rác rưởi trên đường phố thủ đô” – chữ này cũng được Sarah PAC sử dụng để kêu gọi góp tiền ủng hộ bà. Sau bài diễn văn thành công đó, bà cười tươi khi cho cánh báo chí biết “đang suy nghĩ xem có nên ghi danh tranh cử hay không.”

Một tháng sau bà Palin xuất hiện ở New York dự một cuộc thảo luận chính trị, cho cử tọa biết “đang cầu nguyện xem Chúa sẽ hướng dẫn tôi, chỉ bảo tôi nên làm gì,” tuần rồi khi có mặt tại California để dự buổi quyên tiền giúp gia đình tử sĩ lực lượng Navy Seal, bà khéo léo cho mọi người biết “đang cân nhắc” nhiều yếu tố khác nhau, từ chuyện “thời gian, gia đình cho đến phương tiện vận động.” Xen kẽ giữa những lần xuất hiện này là bài nói chuyện bà đọc ở tiểu bang Iowa hồi đầu Tháng Tư, nói rằng ước muốn của chính bà “cũng là ước muốn của mọi người dân Hoa Kỳ: mong chính quyền liên bang đừng bao giờ có những chính sách gây bất lợi cho thành phần trung lưu và người nghèo.”

Ðiều đó, “có nghĩa là bà Palin đang dọn đường ra tranh cử,” theo nhận xét của nhà phân tích Bill Eldridge đang làm việc với đảng Cộng Hòa ở New Hampshire. “Những gì bà Sarah nói chính là dấu hiệu báo trước bà sẽ dự cuộc đua 2016, chuyện còn lại là khi nào bà sẽ chính thức loan báo quyết định.” Ông Eldridge nói thêm nếu được hỏi ý kiến, “Tôi sẽ bảo với bà ta là càng báo tin sớm càng tốt vì số người đã ghi tên hay sắp sửa ghi tên tranh cử bên đảng Cộng Hòa đã lên tới cả chục người, để lâu chỉ tạo thêm bất lợi.”

Không chỉ chậm trễ loan báo tranh cử sẽ gây bất lợi cho bà Palin, người năm 2008 đứng phó cho liên danh Cộng Hòa “còn phải đương đầu với nhiều bất lợi chính trị khác,” một chiến lược gia từng làm việc trong ban cố vấn cho liên danh McCain-Palin hồi 2008 trả lời. “Bà ta chỉ được biết cử tri biết đến sau khi ông (John) McCain chọn đứng chung liên danh, đến giờ vẫn chưa phải là người nổi bật trong chính trường, cho dù có tài ăn nói nhưng chưa thấy cuộc thăm dò nào xếp bà đứng trong danh sách 10 ứng cử viên sáng giá nhất của đảng.” Nhân vật này bảo thêm tài ăn nói có thể thu hút được người nghe, “nhưng chính sách mới thu hút được lá phiếu,” nhắc lại trong 6 năm qua “bà Palin chỉ kêu gọi cử tri Cộng Hòa phải thế này thế khác, chưa hề cho người dân biết tại sao bà lại tranh cử và nếu trở thành tổng thống, chính sách về kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng… của bà như thế nào,” thành ra khi nói đến bà cựu thống đốc Alaska “cử tri vẫn có một dấu hỏi thật lớn trong đầu vì dường như chẳng ai biết bà ta nghĩ gì, muốn gì và sẽ làm gì.”

Trong danh sách những chính trị gia Cộng Hòa muốn làm chủ Tòa Bạch Ốc, “tôi thấy bà Palin là người gặp nhiều khó khăn nhất,” theo nhận xét của chiến lược gia Tommy Hernandez thuộc đảng bộ Cộng Hòa Florida. Là người thân cận với Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio “đã nhiều lần gặp, nói chuyện với bà Palin,” ông Hernandez tin “sẽ có ít nhất chừng 15 người ra tranh cử,” được xếp theo nhiều thứ bậc khác nhau: “Bậc đầu tiên có các ông như Rubio hay Jeb Bush nổi bật sẵn trong chính trường quốc gia, bậc thứ nhì gồm những ông như Santorum, Mike Huckabee,… là những người có sẵn hậu thuẫn, có thể tạo bất ngờ, bậc thứ ba là các ông như Donald Trump hoặc bà Carly Fiorina, những người ra tranh cử chỉ để tạo tiếng vang chứ không có cơ hội chiến thắng.” Ông Hernandez bảo “tính đi tính lại, tôi chẳng biết đặt bà Palin ở bậc nào,” ngay cả chuyện ra tranh cử tổng thống để hy vọng được mời đứng phó “bà ta cũng không có cửa!”

Như vậy, bà Sarah Palin định ra tranh cử để làm gì? Trên tờ báo mạng PoliticusUSA, nhà phân tích Jason Easley bà Palin đang làm ầm làm ỉ “chỉ để kiếm tiền” vì năm 2013 kiếm được 5 triệu dollars, nằm vừa rồi chỉ xin được 2 triệu 4, và hiện chỉ còn khoảng $850,000 để tiêu xài. Ông Easley cũng tin rằng dù có ra tranh cử đi chăng nữa “bà ta cũng không có đủ tiền để đi vận động.” Lý do: tất cả những nhà tài trợ của đảng Cộng Hòa đã quyết định sẽ ủng hộ ai, bà Palin không ở trong danh sách những người cần phải chú ý tới.

MỚI CẬP NHẬT