Thursday, March 28, 2024

Eo biển nóng nhất thế giới

Hồ sơ

 

Mỹ chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Iran

 

HÀ TƯỜNG CÁT

 

Eo biển Hormuz từ vịnh Ba Tư ra biển Á Rập nằm ở khoảng vĩ tuyến 26 độ thuộc miền tiếp nhiệt đới, giữa vùng có nhiều sa mạc trên thế giới, nhưng eo biển này đang nóng không phải vì khí hậu mà vì tình trạng đối đầu căng thẳng rất dễ đưa đến nguy cơ xung đột quân sự.

Eo biển Hormuz. (Sơ đồ: US Office of Naval Intelligence)

Từ tháng 12, trước áp lực quốc tế về vấn đề phát triển nguyên tử và triển vọng bị gia tăng cấm vận, Iran đã hăm dọa đóng eo biển Hormuz nghĩa là chặn đứng con đường chở dầu xuất cảng từ các nước vùng Vịnh. Mỗi ngày 16 triệu thùng dầu, khoảng 1/5 tổng lượng dầu mậu dịch trên thế giới, được các tàu dầu chở từ Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, Iraq, Iran, Qatar đi qua eo biển, phần lớn đưa tới Á Châu và Âu Châu. Không có hải lộ này, dầu lửa tiêu thụ trên thế giới sẽ thiếu hụt, giá năng lượng lên cao và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Các giới chức cao cấp Hoa Kỳ hôm Thứ Năm tiết lộ chính quyền Tổng Thống Obama đã bí mật chuyển một thông điệp tới Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, cảnh cáo rằng việc đóng cửa eo biển Hormuz nếu xảy ra sẽ buộc Hoa Kỳ phải có hành động đáp ứng, được hiểu là bằng biện pháp quân sự.

Người ta không biết thông điệp của Hoa Kỳ được chuyển đi theo đường nào vì hai nước không có quan hệ ngoại giao từ hơn 30 năm, không phải Thụy Sĩ là nước vẫn đại diện cho các quyền lợi của Hoa Kỳ ở Iran. Chưa biết Iran tiếp nhận và trả lời như thế nào, nhưng lời cảnh cáo trực tiếp đưa tới lãnh đạo Iran bằng hình thức kín đáo ấy biểu lộ tính cách nghiêm trọng và thái độ dứt khoát chứ không phải là một sự hăm dọa suông.

Các giới chức Hoa Kỳ trước đây công khai xác định là Iran đã đi tới giới hạn khi đe dọa đóng eo biển và nếu thực hiện điều ấy là vượt qua giới hạn. Tướng Martin E. Dempsey, chủ tịch ủy ban tham mưu hỗn hợp, tuần trước khẳng định là Hoa Kỳ sẽ phải hành động để mở cửa eo biển. Giải pháp quân sự là phương cách duy nhất để hoàn thành việc ấy, bao gồm vét mìn, cho chiến hạm hộ tống các tàu dầu và có thể cả không kích bằng máy bay cũng như hỏa tiễn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta hôm Thứ Năm nói chuyện với binh sĩ ở Texas khẳng định Hoa Kỳ “không thể dung thứ” cho Iran đóng eo biển.

Eo biển Hormuz chỗ hẹp nhất chỉ có 30 dặm giữa hai bờ Iran phía Bắc, các nước Oman và Liên hiệp Tiểu vương quốc Á Rập phía Nam trên bán đảo Á Rập. Hải lộ quốc tế đi ngoài lãnh hải của các nước này chỉ rộng 6 dặm, 2 dặm cho mỗi chiều lưu thông. Ngăn chặn lưu thông qua hải lộ này không phải là việc khó và Iran hoàn toàn có khả năng thực hiện được.

Mặc dầu Hải Quân Iran kém xa lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ ngay tại vùng Vịnh nhưng không phải là không có thể làm khó dễ kể cả gây tổn thất đáng kể cho hạm đội 5 đặt căn cứ ở đây. Hạm đội 5 đóng tại Bahrain, một đảo quốc nhỏ bên bán đảo Á Rập phụ trách toàn thể khu vực Tây Ấn Ðộ Dương, cũng như những hạm đội khác có một hàng không mẫu hạm thường trực là chủ lực. Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis rời căn cứ đi ra biển Á Rập hồi tháng 11 và Iran đã cảnh cáo không nên qua eo biển Hormuz trở lại vùng Vịnh. Hoa Kỳ bác bỏ lời đe dọa ấy nhưng mẫu hạm này cũng đã hết nhiệm kỳ phục vụ ở hạm đội 5 và hai mẫu hạm khác đến thay thế, USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln. Hiện nay hai mẫu hạm đều còn ở ngoài biển Á Rập chưa đi vào Vịnh nhưng sự tăng cường ấy có một ý nghĩa và thể hiện sự chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống bất ngờ.

Tướng Dempsey nói trên truyền hình CBS hôm Chủ Nhật là Iran có khả năng đóng eo biển Hormuz. Việc này khá dễ dàng vì theo cơ quan tình báo hải quân Hoa Kỳ, Iran có sẵn khoảng 2,000 thủy lôi (mìn dưới nước), chỉ cần thả một số ít trong vài giờ là đã có thể gây nguy hiểm và ngăn chặn lưu thông qua hải lộ cho tàu dầu cũng như các chiến hạm. Những tàu vớt mìn của có thể dọn đường nhưng theo các quan sát viên am hiểu tình thế, lúc đó Hải Quân Hoa Kỳ sẽ có thể gặp những cuộc đột kích và chiến trận lớn phải xảy ra.

Cũng như lục quân và không quân, lực lượng Hải Quân Iran gồm hai đơn vị biệt lập: hải quân chính quy và đơn vị hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Hải quân chính quy có những chiến hạm lớn cỡ khu trục hạm, hộ tống hạm, 3 tiềm thủy đĩnh hạng Kilo mua của Nga, một số máy bay và trực thăng. Tuy vậy đó không phải là những vũ khí đáng ngại cho hải quân Hoa Kỳ vì khả năng chiến đấu yếu kém hơn và phần lớn đã cũ, đồng thời chiến thuật có thể dự đoán được.

Phần khó khăn cho hải quân Hoa Kỳ nếu xảy ra xung đột là Hải Quân Vệ Binh Cách Mạng. Tại Iran, lực lượng này được ưu tiên xây dựng và trang bị những loại vũ khí hiện đại. Những tiểu đĩnh có vận tốc rất cao và có thể mang hỏa tiễn nhỏ, những xuồng máy võ trang chỉ có khoảng 4 đến 6 thủy thủ chạy tới vận tốc trên 40 hải lý một giờ là những du kích trên mặt biển nguy hiểm cho tất cả mọi tàu dân sự. Khi tập trung một số lớn những siêu tốc đĩnh này để tấn công liên tiếp từ nhiều hướng thì những chiến hạm Hoa Kỳ dù với trang bị radar và vũ khí phòng vệ tới đâu cũng vẫn có thể không ngăn chặn được hết và sẽ bị tổn thất.

Mặt khác, dọc theo 1,000 dặm bờ biển Iran, có những giàn hỏa tiễn địa-hải chống chiến hạm, bao gồm hỏa tiễn bình phi tầm xa mà Iran đã thử nghiệm trong cuộc tập trận hải quân gần đây ở Hormuz. Tầm hoạt động của những hỏa tiễn này bao trùm gần hết vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz hoàn toàn nằm trong tầm tác xạ. Chắc chắn trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Không Quân Hoa Kỳ cùng với không lực của hải quân trước hết phải chiếm được thế làm chủ không phận, nhưng để tiêu trừ tất cả mối nguy hiểm sẽ không đơn giản, vì các đơn vị hỏa tiễn của Iran phần lớn để trên xe di động, được ngụy trang hoặc đặt trong hầm dưới mặt đất.

Các chuyên gia hải quân tin là nếu đụng độ với Hoa Kỳ, hải lực Iran cuối cùng sẽ bị hoàn toàn tiêu diệt. Tuy vậy trước đó Hải Quân Hoa Kỳ cũng sẽ chịu tổn thất đáng kể. Từ 20 năm qua, Iran đã đầu tư vào những loại vũ khí để sử dụng vào một cuộc chiến đấu không ngang sức. Michael Connell, giám đốc chương trình nghiên cứu Iran thuộc Trung Tâm Chiến Lược Hải Quân Hoa Kỳ nhận định: “Hỏa tiễn chống chiến hạm của Iran rất có thể may mắn đánh trúng một hàng không mẫu hạm vì khi các siêu tốc đĩnh, máy bay và hỏa tiễn tấn công đồng loạt, các chiến hạm trong hải đội không thể bảo vệ an toàn tuyệt đối. Như vậy khi chiến tranh xảy ra, Hoa Kỳ có thê mất một hàng không mẫu hạm và một số chiến hạm khác dù sau cùng toàn thể hải lực Iran sẽ nằm dưới đáy biển.”

Những chiến lược gia hải quân khác giải thích rằng hải chiến ở eo Hormuz và trong vịnh Ba Tư thất thế hơn ngoài đại dương vì các chiến hạm không dễ dàng hoạt động đủ khả năng. Do đó họ dự đoán chiến trận nếu xảy ra sẽ không ngay trong vịnh và các hàng không mẫu hạm sẽ ở ngoài biển Á Rập để cho máy bay và hỏa tiễn bình phi tấn công các tàu hải quân Iran trên biển cũng như các mục tiêu trên đất liền.

Nếu eo biển Hormuz thật sự bị đóng, sẽ phải mất từ hàng tuần tới hàng tháng để chiến đấu với hải quân Iran và sau đó thanh toán hết mìn và chướng ngại vật. Nhưng liệu Iran có đóng eo biển như lời đe dọa không? Dennis B. Ross, cựu cố vấn về Iran làm việc cho Tổng Thống Obama tới tháng trước, nói rằng: “Tôi không tin là họ muốn tự tử, vì trên căn bản Iran sẽ tổn hại nặng về kinh tế, trừ ra họ nhất định chọn con đường nghèo khó.” Eo biển Hormuz là con đường xuất cảng dầu lửa của Iran, chiếm trên 70% nguồn thu nhập quốc gia.

60% dầu lửa Iran xuất cảng qua Châu Á tới Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, chỉ có khoảng 20% bán sang Âu Châu. Ngay khi tình hình căng thẳng ở eo biển Hormuz, Trung Quốc và Nhật Bản đã có dự án giảm 50% mức tiêu thụ dầu lửa của Iran và tìm những nguồn cung cấp khác. Nhưng không phải chỉ dầu Iran, dầu lửa các nước vùng Vịnh khác cũng qua con đường này và đó là yếu tố chính để Hoa Kỳ không thể chấp nhận eo biển Hormuz bị đóng. Trong vòng gần một tháng qua, Iran đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa, kể cả việc cảnh cáo hàng không mẫu hạm USS Stennis không trở lại, nhưng chưa có một hành động cụ thể nào. Hoa Kỳ cũng chỉ dừng lại ở chỗ bác bỏ sự đe dọa và khẳng định quyết tâm chống lại sự ngăn trở hải lộ. Liên Hiệp Âu Châu đã đe dọa cấm nhập cảng dầu Iran từ cuối tháng 1 rồi sau đó loan báo hoãn thời hạn lại 6 tháng. Tất cả những đối đầu giữa các bên hãy còn trong phạm vi lời lẽ chưa vượt qua giới hạn bằng một biện pháp gì.

Eo biển Hormuz đang nóng và không thể biết sẽ còn nóng bao lâu rồi nguội dần hay bất ngờ một lúc nào đó chỉ một phát súng nổ sẽ làm bùng sôi. (HC)

MỚI CẬP NHẬT