Thursday, March 28, 2024

Thời tiết nóng, kẻ thù lớn nhất của con người

 


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)


 


HOA KỲ – Càng ngày người ta càng thêm tin tưởng là khí hậu đang biến đổi và địa cầu đang ấm dần, mà một trong những dấu hiệu thể hiện là những đợt nóng bức hay làn sóng nóng (Heat Wave) xảy đến thường xuyên hơn hàng năm ở trên nhiều nơi trên thế giới.









Bắp tại một nông trại ở Bondurant, Iowa, bị hư hỏng do đợt nóng quá mức và hạn hán kéo dài trong mùa Hè này khắp vùng Trung Tây và Nam Hoa Kỳ, gây tổn thất nặng nề cho nông nghiệp. Giá bắp tăng $8.00 một bushel (8 gallons) vào cuối tháng 7. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)


Ít ai chú ý rằng tất cả những đợt nóng này đem đến tổn thất nhân mạng lớn hơn bất cứ một hiện tượng thời tiết nào khác, kể cả lũ lụt và bão tố.


Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1992 đến 2001, tại Hoa Kỳ có 2,190 người chết vì nóng so với 880 người thiệt mạng do thiên tai lũ lụt và 150 vì bão tố. Trong đợt nóng 5 ngày mùa Hè năm 1995, riêng tại Chicago, có gần 600 trường hợp tử vong. Những người già trên 65 tuổi thường bị tác động đến sức khỏe, kể cả tử vong, với lý do chính là cơ thể thiếu nước vì xem thường không theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.


Một nghiên cứu của cơ quan “Agency for Health Care and Quality” cho biết mỗi mùa Hè trung bình có 6,200 người Mỹ phải đưa đến bệnh viện điều trị do ảnh hưởng thời tiết nóng nực. Những người bị rủi ro nhất là người cao niên, nghèo, sống ở những khu nhà tập thể. Tại Âu Châu, đợt nóng kỷ lục năm 2003 làm 70,000 người thiệt mạng.


Những đợt nóng nực còn gây ra nhiều hậu quả khác, từ ảnh hưởng tinh thần với con người đưa tới tâm lý dồn nén và theo các nhà xã hội học làm mức độ bạo hành gia tăng. Về tổn hại vật chất, những đợt nóng bất thường gây ra tình trạng thiếu điện hay mất điện ở các thành phố vì máy lạnh được sử dụng quá mức. Gia súc có thể chết hàng loạt ở những trại bò hay trại gà và nông nghiệp thường bị tổn thất nặng do hạn hán đến cùng với cái nóng trong lúc nạn cháy rừng hay đồng cỏ dễ dàng xảy ra.


Không có một tiêu chuẩn chung để xác định thế nào là một đợt nóng nực vì sự biến chuyển bất thường về nhiệt độ chỉ có tính cách tương đối với tùng vùng. Những nơi thời tiết nóng thì nhiệt độ cao chỉ là bình thường nhưng cùng nhiệt độ ấy sẽ là rất khó chịu đối với các nơi khí hậu ôn hòa.


Theo định nghĩa của Tổ chức Khí tượng Thế giới thì nếu nhiệt độ cao hơn mức trung bình 5 độ C (9 độ F) trong một thời gian liên tục trên 5 ngày thì sẽ được coi là một đợt nóng. Nói cách khác, được gọi là một đợt nóng nếu nhiệt độ tăng lên bất thường, trên 100 độ F hay 35 độ C, trong một khoảng thời gian từ nhiều ngày đến nhiều tuần khiến người ta cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên chỉ nhiệt độ chưa đủ để phân định sự nóng nực mà còn phải thêm yếu tố ẩm độ của không khí, nóng và ẩm khiến người ta cảm thấy mức khó chịu tăng lên. Vì vậy trong những bản tin khí tượng hàng ngày, khi nói tới nhiệt độ là bao nhiêu còn có ghi thêm là cảm thấy như là bao nhiêu nữa. Ví dụ, nhiệt độ 90 độ F nhưng cảm thấy như 97 độ F.


Tại sao có những đợt nóng? Khoa học khí tượng giải thích rằng những đợt nóng là do khối không khí áp suất cao ít di chuyển mà dừng lại trên một vùng, ở cao độ khoảng 10,000 feet đến 25,000 feet. Hiện tượng không khí ít chuyển động xảy ra trong mùa Hè nhiều hơn trong mùa Ðông. Do áp suất cao và ít chuyển động theo chiều ngang, không khí sẽ di chuyển theo chiều đứng từ trên cao xuống thấp và làm nhiệt độ tăng lên, theo một hiện tượng tương tự như trong chiếc bơm, nhiệt độ tăng lên khi không khí bị nén lại.


Khoa học gia khí tượng James Hansen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA khẳng quyết rằng các đợt nóng nực xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây là hậu quả của khí hậu địa cầu đang ấm dần. Ðây là vấn đề các khoa học gia hãy còn tranh cãi và mâu thuẫn ý kiến mạnh mẽ, vì chưa có một bằng chứng rõ rệt nào về hiện tượng địa cầu ấm dần, tất cả đều chỉ căn cứ và giải thích theo thống kê qua những dữ kiện mới chỉ được ghi nhận một cách đáng tin cậy trong khoảng trên dưới một thế kỷ nay, nghĩa là một thời gian quá ngắn đối với lịch sử chuyển biến nhiều triệu năm của Trái Ðất.


Trong tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences số ra đầu tuần này, Hansen viết: “Chúng tôi tin tưởng với một mức độ cao, rằng những sự kiện hết sức dị thường như ở Texas và Oklahoma năm 2011 cũng như ở Moscow năm 2010 là hậu quả của tình trạng Ðịa Cầu ấm dần vì nếu không như thế thì rất khó có thể xảy ra tình trạng bất bình thường kiểu đó.” Năm 2010, Nga lâm vào tình trạng thiếu lương thực vì sản lượng lúa mì giảm sút do nóng và khô, nông nghiệp Texas và Oklahoma cũng bị tổn hại nặng nề cho đến nay do thời tiết nóng và hạn hán kéo dài.


Martin Hoerling, nhà nghiên cứu khí tượng thuộc NOAA (Cơ quan Khí tượng và Hải dương Quốc gia) không đồng quan điểm ấy và cho rằng cách giải thích của Hansen là “thiếu giá trị khoa học.” Ông nói: “Những đợt nóng nực theo một mẫu mực chuyển hóa tự nhiên của thời tiết và nếu có hạ thấp lượng khí thải carbon dioxide (CO2) xuống đến mức mà người ta cho là an toàn thì cũng không vì thế mà hết hẳn những đợt nóng.” Hoerling lập luận rằng những đợt nóng chẳng qua chỉ là hiện tượng tự nhiên của khí quyển, con người không gây ra và cũng không ngăn chặn được.


Khoa học gia Kevin Trenberth ở Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng tại Boulder, Colorado, không hoàn toàn đồng ý với cả hai quan điểm trên nhưng theo ông, “Nếu không vì tình trạng khí hậu biến đổi (Ðịa Cầu ấm dần) thì khả năng xảy ra những đợt nóng sẽ rất ít.”


Theo thống kê, trong thế kỷ 20 có 10 đợt nóng nực trên thế giới. Thập niên đầu của thế kỷ 21 có 12 đợt và từ 2010 đến nay đã có 11 đợt. Tất nhiên mức nóng nực và thời gian của những đợt này khác nhau, cũng như đã nói trên, sự kiện được gọi là một đợt nóng nực tùy thuộc vào những yếu tố tương đối theo từng nơi. Nhưng dù với nguyên nhân gì, những con số thống kê này chắc chắn cũng là rất đáng quan tâm. (HC)

MỚI CẬP NHẬT