Monday, May 6, 2024

Ván bài ‘bom khinh khí’ của Bắc Hàn

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Ngày Thứ Tư, 6 Tháng Giêng, vừa qua, thế giới chấn động khi Bắc Hàn loan tin vừa thử nghiệm thành công một trái bom khinh khí, chứng tỏ Bình Nhưỡng đã tiến một bước quan trọng về kỹ thuật phát triển vũ khí nguyên tử.

Dân Nam Hàn theo dõi tin Bắc Hàn thông báo thử bom khinh khí qua màn hình TV. (Hình: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)

Trên thế giới hiện nay có tám quốc gia đã có vũ khí nguyên tử: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Hàn, và có lẽ Israel như người ta tin tưởng mặc dầu nước này chưa bao giờ xác nhận hay thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có năm cường quốc đầu tiên có bom khinh khí và như thế Bắc Hàn bây giờ có thể là thành viên thứ sáu của “câu lạc bộ” này.


Bom nguyên tử và bom khinh khí khác nhau thế nào?

Bom nhiệt hạch (thermonuclear bomb), quen gọi là bom khinh khí (Hydrogen bomb) hoặc bom H, có sức mạnh gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử (Atomic bomb) hay bom A, loại vũ khí hạch tâm, hay hạt nhân (nuclear weapon), đầu tiên được sáng chế.

Sức mạnh của loại chất nổ quy ước như TNT do từ phản ứng hóa học, còn sức mạnh của vũ khí hạt nhân do từ các phản ứng hạt nhân. Bom A và bom H sử dụng hai kiểu phản ứng hạt nhân khác nhau: Phân hạch và hợp hạch.

Sức mạnh của bom A do năng lượng thoát ra từ phản ứng “phân hạch,” nghĩa là phân rã hạt nhân (fission). Nhiên liệu được dùng để tạo nên phản ứng phân hạch thông thường là uranium-235 và plutonium 239, cũng có khi là uranium-233, neptunium-237, hoặc một số chất đồng vị khác. (Đồng vị là các biến thể của một nguyên tố hóa học, trong đó hạt nhân nguyên tử có cùng số proton nhưng số neutron khác nhau và do đó có số khối khác nhau).

Năng lượng phát ra ở bom A có thể tương đương từ 1 tấn (1 ton) cho đến 500,000 tấn (500 kiloton) thuốc nổ TNT. Hai trái bom nguyên tử thả xuống Nhật cuối Thế Chiến 2 có sức mạnh khoảng 15 kiloton ở Hiroshima và 21 kiloton ở Nagasaki.

Sức mạnh của bom H do năng lượng thoát ra từ phản ứng “hợp hạch,” nghĩa là tổng hợp hạt nhân (fusion), trong đó hai nguyên tử hợp lại thành một nguyên tử khác lớn hơn.

Gọi là bom H vì nhiên liệu được dùng là những chất đồng vị của hydrogen và nguyên tử được tạo thành là helium. Đây chính là phản ứng hợp hạch xảy ra trên Mặt Trời và các ngôi sao. Năng lượng thoát ra do phản ứng hợp hạch lớn hàng ngàn lần từ phản ứng phân hạch, nên quá trình phản ứng này cũng được gọi là “nhiệt hạch” (thermonuclear).

Cho đến nay, chưa có bom hợp hạch thuần túy, vì để tạo phản ứng hợp hạch cần có nhiệt độ rất cao và do đó khởi đầu phải được kích hoạt bằng một phản ứng phân hạch. Trong thực tế, bom nhiệt hạch là kết hợp của hai quả bom: Một bom A để kích hoạt cho bom H. Sức mạnh của bom nhiệt hạch có thể tương đương tới hàng triệu tấn (megaton) thuốc nổ TNT. Hoa Kỳ khởi sự thử nghiệm bom nhiệt hạch năm 1951, và ngày 1 Tháng Mười Một, 1951 trái bom nhiệt hạch đầu tiên thử nghiệm ở quần đảo Eniwetok miền Trung Thái Bình Dương có sức mạnh 10.4 megaton.

Trên lý thuyết, có thể chế tạo bom nhiệt hạch mạnh tới 100 megaton, nhưng cho đến nay, trái bom lớn nhất đã thử nghiệm là AN602-Tsar Bomba của Liên Xô chỉ mạnh tới 50 megaton, cho nổ ngày 30 Tháng Mười, 1961 ở quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực. Tsar Bomba sử dụng bước kích hoạt bằng bom A và hai bước hợp hạch sau đó có tác động tạo thêm các phản ứng phân hạch liên tiếp khác.

Đừng nên lầm vũ khí nhiệt hạch và vũ khí nhiệt áp (thermobaric). Vũ khí nhiệt áp không phải là phản ứng hạt nhân mà nhờ tác dụng của nhiên liệu khi cháy nổ làm không khí giãn nở đột ngột tạo nên hàng loạt sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn chất nổ quy ước. Đồng thời, với nhiệt độ tỏa ra là sự kiện không khí bị rút vào ngọn lửa khiến cho một vùng xung quanh mất dưỡng khí, gây ngạt trong một khoảnh khắc cho các sinh vật. Vũ khí nhiệt hạch rất hữu hiệu về mặt chiến thuật, có khả năng công phá và gây sát thương rất cao, được coi như “bom nguyên tử không có phóng xạ.” Bom BLU-72/B, quen gọi bằng tên chung với các loại bom khác là CBU, từng được Mỹ sử dụng ở Việt Nam để đánh các hầm hố, địa đạo, và sau này ở chiến trường Afghanistan, Iraq. Quân đội Nga có nhiều loại vũ khí như vậy, từ nhỏ như súng phóng lựu cho đến rất lớn như FOAB (bố các bom) sức nổ tương đương 44 tấn TNT, sức mạnh gấp 4 lần MOAB (mẹ các bom) của Không Quân Mỹ.


Trái bom Bắc Hàn thử nghiệm có phải bom khinh khí không?

Nhiều chuyên gia và quan sát viên quốc tế không tin rằng vụ nổ vũ khí hạt nhân lần thứ tư ở Bắc Hàn, là một trái bom khinh khí như thông tấn xã của nhà nước loan báo.

Trước hết, căn cứ vào chấn động 4.85 độ Richter do vụ nổ gây ra. Các chuyên gia nguyên tử cho rằng chấn động như thế là quá yếu và theo tính toán của họ, sức mạnh của trái bom Bắc Hàn ngày 6 Tháng Giêng chỉ vào khoảng từ 6 đến 9 kiloton, nghĩa là bằng phân nửa trái bom Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6 Tháng Chín, 1945.

Ông Kelsey Davenport, giám đốc Hiệp Hội Kiểm Soát Vũ Khí Nguyên Tử ở Washington, DC, cho rằng “đó chỉ là một bom phân hạch vì nếu là bom H thì địa chấn phải mạnh hơn nhiều.” Theo giải thích của ông, về mặt kỹ thuật, với những gì người ta hiểu, Bắc Hàn khó có thể tiến bộ quá nhanh như thế.

Bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu về vũ khí nguyên tử thuộc James Martin Center, nói: “Nếu Bắc Hàn tạo được thành công như lời tuyên bố thì với tài nguyên kém và thời gian ngắn hơn rất nhiều, họ đã đạt được một kết quả mà các cường quốc nguyên tử phải nhiều phí tổn và rất lâu mới hoàn thành.”

Cho đến nay, không thể nào biết chắc bản chất chính xác của vụ thử nghiệm ở Bắc Hàn. Tới cuối tuần vừa qua, Viện An Ninh Hạt Nhân của Nam Hàn cho biết họ chưa thể đưa ra một kết luận sau khi nghiên cứu dữ kiện không khí ngoài khơi bờ biển miền Đông, vì bụi phóng xạ phát hiện được quá ít để xác định.

Do đó, trái bom vừa thử nghiệm cũng chỉ là một bom phân hạch và nếu có thêm sức mạnh là nhờ được tăng cường nhiên liệu như deuterium hay lithium, nhưng kỹ thuật ấy rất khó khăn, người ta không tin Bắc Hàn làm nổi. Tuy vậy, truyền thông nhà nước giải thích rằng Bắc Hàn đã có trình độ chế tạo được một bom khinh khí “mini” và nếu cần có thể làm bom khinh khí mạnh nhiều megaton và chỉ cần một trái đủ sức xóa sổ nước Mỹ! Cùng với tuyên bố huênh hoang ấy, Bắc Hàn cũng khẳng định rằng chương trình phát triển nguyên tử của họ không nhằm đe dọa ai mà chỉ có mục đích phòng thủ.

Không thể nào biết Bắc Hàn đã làm được bao nhiêu vũ khí nguyên tử nhưng theo ước lượng của các chuyên gia thì con số này vào khoảng trên 10 trái bom loại phân hạch.


Quá trình phát triển nguyên tử đầy rắc rối

Chương trình nguyên tử của Bắc Hàn khởi đầu từ cuối thập niên 1950 với sự trợ giúp kỹ thuật của Liên Xô. Năm 1969 tình báo Trung Quốc nói Bình Nhưỡng đã đi gần đến giai đoạn chế tạo được bom nguyên tử. Tới 1974, Bắc Hàn gia nhập Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) và đồng ý cho giám sát hoạt động của mình. Kế tiếp, năm 1985 Bắc Hàn đồng ý ký kết Hiệp Ước Không Phát Triển Nguyên Tử (NPT) sau khi được Liên Xô cung cấp kỹ thuật cho xây dựng bốn nhà máy điện với lò phản ứng hạt nhân dùng nước nhẹ.

Nhưng năm sau, Bắc Hàn bí mật lập lò phản ứng nguyên tử Yongbyon tinh chế uranium thành plutonium có thể dùng làm vũ khí, và tới 1993 rút khỏi NPT vì không muốn phải cung cấp tài liệu về phát triển nguyên tử cho IAEA. Năm 1994, đất nước lâm vào nạn đói, Bắc Hàn ký kết thỏa hiệp với Hoa Kỳ, chấp thuận ngưng chương trình nguyên tử, tuân hành quy định của IAEA để đổi lấy quan hệ bình thường về chính trị, kinh tế và nhận viện trợ lương thực,

Năm 1998, Hoa Kỳ tố giác bom nguyên tử đang được Bắc Hàn phát triển tại cơ sở bí mật. Sau nhiều vòng thương lượng thất bại, năm 2003 dưới thời lãnh tụ Kim Jong-il, cha của Kim Jonng-un, một lần nữa, Bắc Hàn rút khỏi NPT, từ chối tháo gỡ các cơ sở nguyên tử. Năm 2005, Bắc Hàn chính thức xác nhận đã chế tạo được vũ khí nguyên tử. Dù sau đó qua cuộc đàm phán sáu nước với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nam Hàn,và Nhật, Bắc Hàn chấp thuận tháo gỡ các cơ sở sản xuất và vũ khí nguyên tử đã chế tạo, tái gia nhập NPT và đồng ý giám sát của IAEA. Tháng Mười, 2006 Bắc Hàn cho nổ thử nghiệm trái bom đầu tiên.

Bốn làn thử nghiệm trái phép vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn từ đó đến nay là: 2006 trái bom chỉ mạnh dưới 1 kiloton, 2011 một trái bom khoảng 5 kiloton, 2013 trái bom từ 6 đến 7 kiloton, và Tháng Giêng năm nay một trái bom được nói là bom nhiệt hạch nhưng theo đánh giá của các chuyên gia chỉ là bom phân hạch mạnh khoảng hơn 5 kiloton.


Vì sao Bắc Hàn cố gắng phát triển vũ khí nguyên tử?

Những phán đoán hoang tưởng cho rằng nhà lãnh đạo 32 tuổi Kim Jong-un là người thường có nhiều hành động khó hiểu gần như điên rồ. Sự thật không phải như vậy, xét kỹ người ta sẽ thấy trung tâm của mọi chuyện là nhu cầu nắm vững quyền lực và sống còn.

Theo nhận định của nhiều phân tích gia quốc tế, tiến bộ của chương trình hạt nhân là một trụ cột trong mục tiêu củng cố quyền lực cá nhân của Kim Jong-un. Việc thể hiện Bắc Hàn đã có bom nhiệt hạch là bước đi được tính toán để nhà lãnh đạo trẻ này tăng cường đáng kể kết quả ấy và đặc biệt ở thời điểm trước đại hội đảng đầu tiên trong 35 năm dự định sẽ tổ chức vào Tháng Năm.

Những bình luận gia khác giải thích rằng ông Kim luôn luôn phải tìm cách cân bằng giữa phe bảo thủ cứng rắn và phe khuynh hướng cải cách trong nội bộ đảng. Nhưng rõ ràng giữa kinh tế và phát triển nguyên tử, tài nguyên và năng lực dành cho mục tiêu sau đã chiếm ưu tiên hơn. Và vụ nổ hạt nhân ngày 6 Tháng Giêng không giúp ích gì nếu chưa phải là gây thêm khó khăn và trở ngại cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Nga, đã lên tiếng phản đối Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân đầy bất ngờ này. Trung Quốc, nước được coi là đồng minh thân cận của Bắc Hàn, bày tỏ “sự phản đối quyết liệt” và tuyên bố sẽ gửi kháng thư tới Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế chưa chắc đã có những phương án cụ thể để phản ứng ngoài những lời tuyên bố suông. Có lẽ Bình Nhưỡng đã tính toán cẩn thận để tung đòn phô trương sức mạnh hạt nhân vào lúc các cường quốc đang phải tập trung đối phó với những cuộc khủng hoảng khác trên thế giới.

Quan niệm rằng Bắc Kinh có khả năng tối hậu để giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn cũng không phải là chính xác. Quan hệ Trung Quốc-Bắc Hàn không đơn giản như thế. Mặc dầu rõ ràng có nhiều ảnh hưởng hơn Mỹ hay Nga, Trung Quốc không dễ dàng đòi hỏi Bắc Hàn tuân hành ý muốn. Trên nhiều mặt, Trung Quốc cần Bắc Hàn nhiều hơn Bắc Hàn cần Trung Quốc vì Bắc Hàn là đồng minh duy nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông-Bắc Á Châu, không nắm giữ được Bắc Hàn biên giới Trung Quốc sẽ thành để ngỏ. Vì vậy, Bắc Hàn có thể mạnh miệng khiêu khích Nam Hàn, Mỹ, Nhật và tin rằng Trung Quốc buộc phải bênh vực bảo vệ cho mình. Bắc Hàn không lo ngại là mối quan hệ có vẻ kém đầm ấm với Bắc Kinh sẽ phương hại cho họ, chứng cớ là cho đến bây giờ Kim Jong-un chưa bao giờ tìm cách gặp Tập Cận Bình, nhân vật quyền lực số một tại Trung Quốc.

Những biện pháp cấm vận chứng tỏ không có hiệu quả bao nhiêu đối với một quốc gia dưới chế độ cai trị độc đoán như Bắc Hàn. Dân chúng hoàn toàn sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ, buộc phải chấp nhận mọi hoàn cảnh khó khăn mà không thể có phản ứng trái đường lối của chính quyền. Còn những biện pháp răn đe khác chẳng hạn như vụ máy bay B-52 của Hoa Kỳ bay qua không phận Nam Hàn sau vụ nổ hạt nhân, đều chỉ mang tính tượng trưng bởi vì Bắc Hàn hiểu rõ Hoa Kỳ không bao giờ muốn có chiến tranh để làm đảo lộn sự ổn định của khu vực này.

Một yếu tố quan trọng khác có thể giải thích cho đường lối hành động của Bắc Hàn. Đó là Bắc Hàn khai thác sự đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc và có thể tin là mình không bao giờ rơi vào tình trạng bị đe dọa nguy hiểm. Mặc dầu Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Tập Cận Bình đã hơn một lần đồng ý hợp tác để giải quyết vấn đề nguyên tử ở Bắc Hàn nhưng trên thực tế chưa bao giờ có nỗ lực cụ thể nào được tiến hành.

Sau khi Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, Ngoại Trưởng John Kerry của Mỹ, trong cuộc điện đàm với Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, đã nói thẳng rằng những cách tiếp cận trong quá khứ đối với vấn đề này không có hiệu quả và “chúng ta không thể tiếp tục công việc như thường lệ nữa.” Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc, sau đó đáp trả: “Không có hy vọng chấm dứt bài toán hóc búa nguyên tử Bắc Hàn nếu Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật không thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng.”

Bắc Hàn tin là có thể tồn tại vững vàng nếu khai thác đúng mức sự đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động thử nghiệm hạt nhân, mà Bắc Hàn nói là bom khinh khí, sẽ có thể tai hại cho họ nếu tới một lúc cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều nhận thức rằng những phiền toái mà Bắc Hàn gây nên phương hại đến lợi ích chung của hai cường quốc này.

MỚI CẬP NHẬT