Tuesday, March 19, 2024

Cây cầu tại Genoa không phải là cây cầu độc nhất bị sụp đổ

Lê Mạnh Hùng

Những ai đã sống tại Minneapolis đều sẽ thông cảm nỗi tức giận và niềm đau của dân chúng tại Genoa hôm Thứ Ba, 14 Tháng Tám, 2018, khi chiếc cầu trên xa lộ A10 của Ý đi qua hải cảng này bị sụp đổ.

Cách đây 11 năm, một cây cầu tương tự trên xa lộ liên tiểu bang I 35W băng qua sông Mississippi tại Minneapolis sụp đổ làm chết 13 người. Sự tương tự giữa bi kịch xảy ra tại Minnesota lúc đó và bi kịch tại thành phố Bắc Ý vào ngày 14 Tháng Tám quả là đáng ngạc nhiên một cách đau đớn.

Và nó cho ta thấy tình trạng để cho hạ tầng cơ sở suy thoái một cách tồi tệ không phải là một vấn đề của riêng nước Ý mà là một tai họa tiềm tàng tại hầu hết các nước giàu có phương Tây.

Giống như cây cầu Morandi tại Genoa mà khi sụp đổ đã làm chết 43 người, cây cầu tại Minneapolis cũng được khánh thành vào năm 1967. Và cũng giống như Cơ Quan An Toàn Giao Thông Liên Bang (US National Transportation Safety Board) sau khi điều tra đã đưa ra kết luận rằng một khuyết điểm thiết kế đã đóng góp vào việc làm sụp đổ cây cầu tại Minneapolis năm 2007, các nhà chức trách Ý cũng đang điều tra liệu rằng cây cầu tại Genoa có bị sụp đổ vì một lý do tương tự.

Ngoài ra còn có nhiều điểm tương đồng khác. Trong cả hai trường hợp, khối lượng xe cộ lưu hành qua cầu trong những năm trước khi sụp đổ đều vượt xa những gì người ta dự trù vào lúc khởi công vào thập niên 1960.

Nhưng những tương tự giữa kinh nghiệm Hoa Kỳ và Ý không chỉ giới hạn trong vấn đề kỹ thuật. Nói một cách thằng thừng ra, cả hai nước đều đã không chi ra đủ tiền cho việc bảo trì và tu bổ hệ thống đường lộ, cầu cống, đường hầm và các công trình hạ tầng cơ sở khác của mình.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã nhiều lần so sánh nước Mỹ với “một nước thế giới thứ ba trên phương diện hạ tầng cơ sở.” Ông Ray Lahood, bộ trưởng Giao Thông trong chính phủ của Tổng Thống Barack Obama từ 2009 đến 2013, thì gọi hệ thống đường lộ Hoa Kỳ là một “ổ gà khổng lồ.”

Cứ mỗi bốn năm một lần Hiệp Hội Kỹ Sư Công Chánh Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) cho công bố một phúc trình về tình trạng hạ tầng cơ sở của đất nước. Năm ngoái báo cáo của hội cho điểm tình trạng hạ tầng cơ sở liên bang môt điểm D+, nếu đi học thì chắc chắn đây là thi trượt rồi.

Tại Ý tình trạng cũng chẳng khác gì. Đầu tư của nhà nước vào hạ tầng cơ sở giảm hẳn sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2008, vốn đẩy nước Ý vào hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Nhưng cũng giống như Hoa Kỳ, vấn đề nó sâu rộng hơn là tài chánh. Năm 2009, ông Mario Draghi, thống đốc Ngân Hàng Âu Châu hiện nay, mà lúc đó là thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Ý đã lên tiếng báo động: “Trong 20 năm vừa qua, khoảng cách giữa hệ thống hạ tầng cơ sở của Ý và các nước hàng đầu tại Liên Hiệp Châu Âu đã tăng hơn gấp đôi… Danh sách các dự án hạ tầng cơ sở chiến lược có ưu tiên cao nhất, đầu tiên là 21 nay đã phồng lên đến trên 200. Thời gian thực hiện và chi phí cho các đường xe lửa cao tốc và hệ thông xa lộ và ngay cả những đường nối ngắn đều lâu hơn và tốn hơn tại các nước Châu Âu khác.”

Đây là một tình trạng khác hẳn với các thập niên 1950 và 1960 khi tình trạng hưng phấn kinh tế sau chiến tranh của Ý đã giúp các chính phủ xây dựng một hệ thống xa lộ vượt xa hệ thống của Anh hay của Pháp.

Các chính phủ của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vốn chi phối chính trị Ý vào hồi đó có quan hệ mật thiết với Fiat, công ty xe hơi chủ lực của Ý. Và đối với các nhà chính trị lúc đó ai cũng biết rằng một hệ thống xa lộ hiện đại, giá xăng rẻ và hệ thống chuyên chở công cộng yếu kém là những món quà bằng vàng cho Fiat.

Nhưng trong một thời gian dài, nước Ý nhờ vậy mà có lợi. Cây cầu Morandi là một phần không thể thiếu được trong hành trình của không biết bao nhiêu khách du lịch lái xe từ miền Nam nước Pháp băng qua Genoa để đến các thành phố và bờ biển miền Trung và Nam Ý.

Tuy nhiên nếu cây cầu này đã từng được ca tụng như là một thành tích huy hoàng của kỹ thuật Ý, thì nay sự sụp đổ của nó trở thành một biểu tượng của tình trạng suy thoái quốc gia.

Sau tai nạn sập cầu hôm Thứ Hai, 13 Tháng Tám, ông Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý và lãnh tụ đảng cực hữu Northern League, quy trách nhiệm cho Liên Hiệp Châu Âu là đã quá ngiêm khắc trong vấn đề ngân sách dẫn đến việc Ý không đầu tư đủ vào hạ tầng cơ sở. Nó là một thủ đoạn chính trị rẻ tiền và đã bị Ủy Hội Châu Âu mau chóng bác bỏ.

Ràng buộc quan trọng hơn đối với chính phủ Ý là gánh nặng nợ công khổng lồ của Ý vốn đã lên tới 132% tổng sản lượng quốc nội. Hằng năm Ý phải bỏ ra hàng chục tỷ Euro để trả tiền lời cho các món nợ này thay vì dùng chúng để xây dựng và bảo trì hạ tầng cơ sở.

Tuy nhiên ngay cả Đức mà ngân sách chính phủ thặng dư cũng có một vấn đề với hạ tầng cơ sở. Cây cầu băng qua sông Rhine tại Leverkusen, một trong những con đường huyết mạch của Đức đã phải đóng không cho xe tải nặng đi qua vào năm 2012 sau khi người ta khám phá ra những vết nứt tại các tấm bê tông của cầu. Một cây cầu thay thế sẽ chỉ hoàn tất vào năm 2020. Theo KfW, ngân hàng phát triển của Đức, thì tại Đức có một tổng số thiếu hụt đầu tư vào hạ tầng cơ sở lên đến 126 tỷ Euro.

Ở Anh tình hình cũng không khá gì hơn, tuy rằng vấn đề có khác. Các chính phủ Anh bất kể Bảo Thủ hay Lao Động có khuynh hướng bỏ qua những dự án nhỏ, bình thường hoặc là bảo trì tu bổ mà tập trung vào những dự án có tính cách khoa trương mà chi phí thường thường là tăng vọt lên so với dự tính. Hậu quả là tốn kém nhiều nhưng thành quả chẳng bao nhiêu.

Tại hầu hết các quốc gia phương Tây nhu cầu chi thêm cho hạ tầng cơ sở là một điều không thể phủ nhận được. Thế nhưng nó đòi các nhà chính trị phải giải quyết những lựa chọn mà bất kỳ cái nào cũng gây rất nhiều tranh cãi về làm sao chi trả cho các công trình này: Tăng thuế hay đi vay? Ưu tiên cho hạ tầng cơ sở hay phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục) hay quốc phòng? Và ngày nào những vấn đề đó còn chưa được giải quyết, việc sụp đổ một cây cầu khác chỉ là vấn đề thời gian. (Lê Mạnh Hùng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT