Monday, March 18, 2024

Jerusalem, trở lực để đi đến hòa bình ở Trung Đông

Hà Tường Cát

Lực lượng an ninh Israel hôm 14 Tháng Năm nổ súng vào cuộc biểu tình của 35,000 người Palestine ở biên giới Gaza, phản đối việc Mỹ chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv về Jerusalem, làm hơn 50 người chết và 1,700 người bị thương.

Quyết định cho chuyển tòa đại sứ của Tổng Thống Donald Trump có nghĩa công nhận thành phố còn đang tranh chấp giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine này là thủ đô chính thức của Israel.

Trong thập niên 1960 có 16 quốc gia Nam Mỹ và Á Châu đặt tòa đại sứ của họ ở Jeruslem, sau đó hầu hết đã dời đến Tel Aviv. Chưa một quốc gia phương Tây nào đặt tòa đại sứ ở Jerusalem và các tổng thống Mỹ trong 70 năm từ ngày Israel lập quốc cũng không làm việc ấy.

Ngay trước khi xảy ra vụ đổ máu, Tổng Thống Trump đánh đi một tweet: “Khai trương tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem sẽ được truyền hình trực tiếp trên FoxNews và FoxBusiness. Cho tới 9:00 AM giờ đông bộ Mỹ nghi lễ đã bắt đầu. Một ngày trọng đại của Israel. Chúc mừng!”

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ lên án “hành động tàn sát” của Israel và chê trách nặng nề Tổng Thống Trump về quyết định gây mâu thuẫn ấy. Thủ Tướng Binali ldirim nói rằng “Sự khiêu khích như thế chỉ làm tệ hại thêm những vấn đề của khu vực, khoét sâu mối quan hệ Do Thái – Palestine và gây khó khăn cho hòa bình Trung Đông.” Ông tố cáo Tổng Thống Trump muốn đánh lạc chú ý của dư luận về những vấn đề quốc nội “theo lối đốt lửa bên ngoài để che lửa bên trong.”

Kế hoạch thành lập quốc gia Israel của Liên Hiệp Quốc năm 1947 ấn định Tel Aviv là thủ đô, Jerusalem với những thánh tích thiêng liêng của nhiều dân tộc và tôn giáo được coi là thành phố quốc tế đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Trong cuộc chiến tranh năm 1948 với 5 nước Ả Rập, Israel chiếm khu Tây Jerusalem, khu phía Đông thành phố do Jordan trấn giữ. Tới cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 Israel đánh chiếm toàn thể thành phố Jerusalem. Năm 1980 Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước họ, nhưng việc này làm nhiều nước Nam Mỹ và Châu Á muốn tránh va chạm với các quốc gia Ả Rập, dời tòa đai sứ tới Tel Aviv. Cho đến gần đây tất cả 86 tòa đại sứ ngoại quốc đều đặt trụ sở ở Tel Aviv, thủ đô hành chánh và trên thực tế là thủ đô chính thức của Israel.

Jerusalem là thành phố có 900,000 dân, khoảng 10% dân số Israel, trong đó 63% là Do Thái, 37% là Palestine. Phần lớn dân sống ở khu Đông Jerusalem là thường trú nhân hợp lệ, có quyền tự do đi lại và làm việc, nhưng chỉ khoảng 200,000 dân Do Thái là công dân, 320,000 dân Ả Rập rất khó được chấp nhận vào quốc tịch hoặc hoàn toàn không muốn nhập tịch.

Dân Palestine vẫn hy vọng một ngày kia Jerusalem sẽ là thủ đô khi quốc gia Palestine được thành lập trong tương lai. Quyết định đặt tòa đại sứ Mỹ ở Jerusalem thể hiện quan điểm muốn dập tắt niềm hy vọng ấy.

Những nước vẫn luôn luôn được xem là đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia đều coi quyết định của ông Trump là nguy hiểm, tai họa, vô trách nhiệm và trái công pháp quốc tế.

Từ khi vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump vẫn tuyên bố sẽ đem lại hòa bình ở Trung Đông nhưng hành động hầu như trái ngược, tất cả đều khơi rộng thêm hố sâu phân cách hai dân tộc Do Thái – Palestine và khó có thể đi đến giải pháp hai quốc gia Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình. Một trong nhiều lý do gây trở ngại là việc mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của dân Palestine. Từ 2009 đến 2014 dân Do Thái ở các khu định cư trong lãnh thổ Tây ngạn sông Jordan tăng 25%.

Công pháp quốc tế coi các khu định cư như thế là bất hợp pháp. Liên Âu và các quốc gia thế giới cùng các chính quyền Mỹ từ Obama trở về trước đều chống sự mở rộng những khu định cư Do Thái. Nhưng Tổng Thống Trump tỏ một thái độ không rõ ràng được hiểu là mặc nhiên chấp thuận, dù ông cũng nói là sự kiện ấy làm phức tạp cho tiến trình hòa bình.

Tham dự lẽ khai trương tòa đại sứ ở Jerusalem hôm Thứ Hai có Bộ Trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin, con rể của Tổng Thống Jared Kushner và vợ Ivanka Trump. Bộ trưởng Mnuchin khẳng định lại là “Tổng Thống Trump tuyệt đối muốn có hòa bình ở Trung Đông,” tuy nhiên ông không nêu lên bằng chứng nào khác hơn là sự dứt khoát ủng hộ Israel. Theo trang tin trên mạng Axios thì Kushner đã hoàn thành một dự thảo kế hoạch hòa bình và đang thảo luận với Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu xem khi nào sẽ đưa ra. Kushner tuyên bố trong buổi lễ khai trương tòa đại sứ: “Khi hòa bình trở lại ở khu vực này, chúng ta sẽ nhìn lại ngày hôm nay để nhớ rằng tiến trình hòa bình đã khởi đầu bằng việc Mỹ mạnh mẽ thừa nhận sự thật.”

Thủ Tướng Benjamin Netanyahu ca tụng: “Tổng Thống Trump! Bằng sự công nhận lịch sử, ông đang làm nên lịch sử.”

Nhưng ít có quan sát viên quốc tế nào tin tưởng sau những nỗ lực đã thất bại trong nhiều năm, bây giờ một tiến trình hòa đàm sẽ có thể đi tới thành công, khi dân Palestine vẫn chưa được hưởng đủ quyền lợi trong vùng đất đã được Liên Hiệp Quốc dành cho họ, khác hơn là quyền biểu tình chống đối và bị đàn áp thẳng tay ngoài biên giới. (Hà Tường Cát)

MỚI CẬP NHẬT