Wednesday, April 24, 2024

Nancy Pelosi, nhân vật bị bỏ quên

Nguyễn Văn Khanh

Tám ngày trước khi nhậm chức

Hôm đó là ngày 30 Tháng Mười Một, 2016. Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu chọn thủ lãnh khối thiểu số Dân Chủ Hạ Viện mới hoàn tất, Dân Biểu Nancy Pelosi (California) đứng trước các nhà báo trong cương vị người chiến thắng. Trước khi bà xuất hiện, tin rò rỉ từ phòng họp cho thấy cuộc bầu chọn rất gay go: 1/3 các vị dân cử cùng đảng cương quyết không ủng hộ bà, họ dồn phiếu cho ông Tim Ryan, người được ca ngợi là “khuôn mặt mới đầy hy vọng” của đảng Dân Chủ.

Trước ống kính truyền hình, bà Pelosi vẫn nở cụ cười thật tươi, cho biết “mọi chuyện đều ổn,” hãnh diện được “anh chị em đồng viện cùng đảng tín nhiệm” để tiếp tục vai trò lãnh đạo khối thiểu số. “Trách nhiệm lãnh đạo là điều tôi đã đảm trách trong hơn một thập niên qua,” bà nói tiếp, do đó, “tôi hiểu sự thôi thúc của anh chị em, biết mình phải làm những gì để đạt được thành quả như cử tri toàn quốc và toàn thể anh chị em trông đợi.”

Từng có thời được xem là người phụ nữ quyền uy nhất Hoa Kỳ, vị trí chính trị của bà Pelosi ngày một yếu dần, đặc biệt sau ngày đảng Dân Chủ mất 63 ghế sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi 2010. Mới bốn năm trước đó bà thành công rực rỡ khi lấy được khối đa số để trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức chủ tịch Hạ Viện, nhưng chẳng bao lâu sau đó, chiến thắng – được một số người xem là dọn đường giúp ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama bước vào Tòa Bạch Ốc – tan theo mây khói, sau khi bà dùng mọi thế lực để giúp Tổng Thống Obama có được đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare.

Ðến giờ, không ít các quan sát viên chính trị tin rằng Obamacare chính là “khúc quanh lịch sử,” đẩy đảng Dân Chủ ở Hạ Viện từ thế đa số xuống thành thiểu số, “chưa rõ đến bao giờ mới lấy lại được vị thế đã có để quyết định chính sách quốc gia,” như nhận xét của quan sát viên Walter Gurbel. Trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Washington, DC để rút tỉa các bài học chính trị từ đảng Dân Chủ, ông Gurbel cho rằng “bài học lớn nhất đảng Dân Chủ để lại là bài học đã dồn hết thế lực chính trị để thông qua Obamacare, cho dù trước đó họ biết là đạo luật này chỉ được một nửa nước Mỹ ủng hộ.”

Trước khó khăn đó, bà Pelosi vẫn không nao núng. Ngay sau ngày ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa đắc cử tổng thống, bà cho biết “cũng như bao nhiêu người khác, tôi rất thất vọng vì kết quả không được như ý muốn, nhưng chúng tôi (Dân Chủ) vẫn có trách nhiệm phải làm những gì cử tri muốn chúng tôi làm. Nếu thấy có thể hợp tác được với phía Cộng Hòa, chúng tôi sẵn sàng, nhưng nếu thấy phải chống đối những gì họ (Cộng Hòa) đưa ra không hữu lý, không đúng với điều người dân trông chờ, chúng tôi sẽ chống.”

Theo kế hoạch hành động bà đưa ra, cánh Dân Chủ Hạ Viện sẽ chống đối bãi bỏ Obamacare, không ủng hộ ý kiến thay đổi chương trình an sinh xã hội (Social Security) và Medicare, nhưng tán thành đề nghị giảm thuế cho người dân cũng như sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ dùng một ngân khoản khổng lồ để tái thiết lại hệ thống giao thông quốc gia “nhằm tạo thêm việc làm cho dân chúng.” Dàn cố vấn chính trị và chính sách của bà còn cho hay bà sẽ chống đối mọi quyết định hủy bỏ các quy định về bảo vệ môi trường, tức đi ngược lại những điều Tổng Thống Trump đã hứa với cử tri khi ông vận động tranh cử.

Mặc dù bà Pelosi hứa hẹn cộng tác để làm việc chung, nhưng “những điều bà đưa ra cho thấy quan điểm chính trị của bà và của đảng Cộng Hòa khác biệt với nhau rất nhiều, nhưng điều bà quên là phe đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện sẽ thông qua tất cả những gì họ muốn mà không cần sự tiếp tay của đảng Dân Chủ,” theo chiến lược gia Alan Rosenthal, từng đặc trách vai trò liên lạc Quốc Hội dưới thời Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush. Ông Rosenthal nhắc lại “thí dụ rõ nhất là từ khi Obamacare được đảng Dân Chủ thông qua tới giờ, Hạ Viện Cộng Hòa đã bỏ phiếu đồng ý hủy bỏ đạo luật này ít nhất là 50 lần,” chứng tỏ “phe Cộng Hòa có đủ phiếu để làm tất cả những gì họ muốn làm, không cần thiết phải được sự tán thành hay ủng hộ của những vị dân biểu Dân Chủ.” Hơn thế nữa, “việc ông Trump đắc cử tổng thống là bằng chứng cho thấy cử tri Hoa Kỳ không hài lòng với đường hướng hoạt động của hành pháp Dân Chủ dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Obama, do đó, cả hành pháp lẫn lập pháp Cộng Hòa tự hiểu họ có quyền xóa bỏ tất cả những gì ông Obama để lại mà không lo sợ bị cử tri khiển trách.” “Tại Hạ Viện,” ông Rosenthal nhắc lại, “cánh Cộng Hòa có dư phiếu để thông qua tất cả những dự luật họ muốn.”

Nhận xét của ông Rosenthal không khác gì nhận xét của nhà quan sát độc lập Steven Mitchell. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài NY1 New York, ông cho hay “từ ngày chiến thắng tới giờ, Tổng Thống Ðắc Cử Trump nhắc đến mọi nhân vật tai mắt ở Washington, DC gặp gỡ, thảo luận với hết người này đến người khác, người duy nhất ông Trump không nói gì tới là bà Nancy Pelosi.” Ông Mitchell cho rằng vai trò lãnh đạo khối thiểu số Hạ Viện “vốn dĩ không được coi trọng, sự kiện tới 1/3 dân biểu Dân Chủ không ủng hộ bà khiến vai trò của bà lại càng trở nên yếu thế hơn, khiến những người như ông Trump có cảm nghĩ không cần phải tham khảo ý kiến của bà khi quyết định chính sách quốc gia.”

Mời độc giả xem video: Hơn 72% cảnh sát Mỹ ngần ngại không muốn chặn xét tội phạm

Nhận xét đó cũng khiến mọi người nhớ lại bữa tiệc Tổng Thống Obama đãi Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu Tháng Giêng, 2011, chỉ vài tuần sau khi bà Nancy Pelosi mất quyền chủ tịch Hạ Viện. Mặc dù được mời dự với tư cách một trong những nhà lãnh đạo Hạ Viện, nhưng bà không được xếp ngồi bàn danh dự – hay ngồi gần – với Tổng Thống Obama và ông Tập Cận Bình, mà ngồi ở bàn nằm ngay gần cánh cửa ra vào của nhà bếp Tòa Bạch Ốc. Thoáng nhìn thấy bà ngồi ở góc chẳng ai chú ý tới, một nhà báo nói ngay với các đồng nghiệp “đó là chỗ ngồi và hình ảnh của người không còn quyền lực.”

Nghe đồn điều đó cũng được chính bà nói tới.

Giới thạo tin tại thủ đô kể lại hai tuần trước đây trong một phiên họp với dàn tham mưu, bà ngao ngán nói rằng “người có quyền là người quyết định mọi chuyện. Muốn quyết định chính sách quốc gia thì phải có quyền,” như thầm bảo với mọi người bà biết uy quyền bây giờ đang nằm trong tay đảng Cộng Hòa, vai trò của bà dù quan trọng nhưng vẫn không phải là vai trò của một người thật sự có quyền lực để quyết định những điều bà muốn làm.

MỚI CẬP NHẬT