Friday, April 26, 2024

Tài xế taxi trong cuộc tranh đấu ở Nam Hàn là ai?

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

“A taxi driver” là cuốn phim mới được phát hành ở Nam Hàn hôm Thứ Tư, 2 Tháng Tám, được trình chiếu ở 1,446 rạp với gần 700,000 vé đã bán được. Bộ phim này sẽ xuất hiện trên các màn ảnh Bắc Mỹ từ ngày 11 Tháng Tám, tại Úc và New Zealand ngày 24 Tháng Tám, và tại các nước Châu Á trong Tháng Chín.

Cuốn phim nói về câu chuyện của ký giả người Ðức Jurgen Hinzpeter năm 1980 đến làm phóng sự về cuộc tranh đấu dân chủ của dân chúng thành phố Gwangju bị chính quyền đàn áp tàn bạo. Những hình ảnh và bài viết của Hinzpeter bí mật chuyển ra nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới hiểu được thực trạng của chế độ độc tài quân phiệt và trợ lực thúc đẩy phong trào tranh đấu của dân chúng Nam Hàn tiếp tục tiến tới kết quả cuối cùng là cuộc bầu cử tự do dân chủ năm 1987.

Những năm sau đó, ký giả Jurgen Hinzpeter được giải thưởng của hiệp hội nhà báo Nam Hàn và nhiều tổ chức dân sự khác. Ông qua đời năm ngoái ở tuổi 78. Thành phố Gwangju, 1.5 triệu cư dân, ở miền Nam Nam Hàn đặt bia tưởng niệm ông.

Tướng Pak Chung-hee, tổng thống thứ ba của Nam Hàn từ 1963, bị ám sát Tháng Mười, 1979. Hai tháng sau, bằng một cuộc đảo chính quân sự, Trung Tướng Chun Doo-hwan nắm quyền lãnh đạo Nam Hàn, viện lý do chống sự xâm nhập từ Bắc Hàn, cho thi hành quân luật và ngăn cản phong trào tranh đấu dân chủ.

Ngày 18 Tháng Năm 1980, sinh viên và dân chúng Kwangju biểu tình chiếm tòa thị chính phản đối, ông Chun Doo-hwan ra lệnh thẳng tay đàn áp. Quân đội, lực lượng đặc biệt có chiến xa và trực thăng võ trang yểm trợ đánh chiếm lại tòa thị chính.

Cuộc biểu tình biến thành nổi dậy bạo loạn, chiếm các đồn cảnh sát và lấy vũ khí giao tranh với quân đội. Sau hơn một tuần lễ, phong trào tranh đấu dân chủ tan rã, hàng trăm sinh viên bị bắt. Theo thông báo chính thức, gần 200 người chết kể cả 20 binh sĩ, nhưng theo các ước lượng khác có khoảng 600 người thiệt mạng. Tướng Chun Doo-wan sau đó trở thành tổng thống nhưng chỉ làm một nhiệm kỳ 7 năm và không tái tranh cử.

Nhận biết tin tức có biến động ở Gwangju, ký giả Hinzpeter lúc đó là phóng viên thường trú ở Tokyo cho đài truyền hình Ðức ARD, cùng chuyên viên âm thanh Henning Rumohr bay sang Seoul. Nhờ có người trung gian sắp xếp trước, hai phóng viên Ðức được một người lái taxi tên Kim Sa-bok đón tại phi cảng quốc tế Kimpo và đưa xuống miền Nam.

Theo lời ký giả Hinzpeter kể lại sau này, thì toàn thể vùng Gwangju bị phong tỏa chặt chẽ, binh sĩ trấn đóng trên tất cả những đường vào thành phố, người ngoại quốc cũng như dân Nam Hàn đều bị cấm và rất nguy hiểm cho những ai tìm cách vượt qua. Ông nói là chưa từng gặp sự khó khăn như vậy ở đâu kể cả khi làm việc ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Phóng viên Nam Hàn bị kiểm soát nghiêm ngặt không thể làm việc, chỉ có rất ít phóng viên ngoại quốc cố gắng len lỏi đến làm phóng sự quay phim, chụp hình,

Tài xế taxi Kim Sa-bok hiểu rõ những rủi ro ấy nhưng đã nỗ lực trợ giúp đưa Hinzpeter vào thành phố Gwangju. Khi gặp trạm kiểm soát không cho đi, ông Kim lái xe theo đường nhỏ vào các làng để đi vòng qua. Ký giả Hinzpeter nói rằng khi gặp một trạm kiểm soát cuối cùng trước khi đến Gwangju, ông phải đặt chuyện giải thích với các binh sĩ rằng ông cần phải tìm người sếp của mình bị kẹt ở đây để đưa ra.

Hinzpeter trở thành ký giả đầu tiên vào được thành phố và có thể quay phim, chụp hình, gặp hỏi chuyện gia đình những nạn nhân bên cạnh các quan tài ở bệnh viện. Nhưng tiếp theo thì việc chuyển tin và tài liệu về không phải là dễ dàng. Các đường dây liên lạc điện thoại đều bị cắt và nếu muốn tìm một máy điện thoại công cộng còn dùng được, phải đi bộ nhiều dặm đến các làng kế cận.

Ký giả Hinzpeter cho những khúc phim đã dùng vào trong vỏ bọc cũ làm như chưa sử dụng và xếp vào trong một hộp bao bằng giấy mạ vàng có quấn băng xanh giống như một món quà cưới. Bằng cách ấy ông đã có thể đem được tài liệu ra khỏi Gwangju và trạm kiểm soát an ninh ở phi cảng Kimpo để đưa về Tokyo ngày 22 Tháng Năm. Ngay sau đó, Hinzpeter bay trở lại Seoul và tiếp tục tìm cách len lỏi vào Gwangju với sự hướng dẫn của Kim Sa-bok để quay phim làm phóng sự quân đội đang tấn công các cơ sở dân sự ở thành phố.

Chính quyền Nam Hàn lúc đó giải thích rằng họ dẹp bạo loạn do Cộng Sản sách động và quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ dân chúng. Nhưng những phóng sự của Hinzpeter chứng tỏ cho thế giới và người Nam Hàn thấy rằng lời tuyên truyền ấy là giả trá.

Trong nhiều năm, ký giả Hinzpeter, với sự giúp đỡ của nhiều người dân Nam Hàn, kể cả Park Un-kyoung, nhà sản xuất bộ phim “A Taxi Driver” sau này, không thể nào tìm ra người lái taxi mang tên Kim Sa-bok. Dù cho câu chuyện đã trở thành phổ biến trong dư luận từ thời gian bộ phim được làm, từ Tháng Sáu đến Tháng Mười, 2016, không có ai tự đứng ra xác nhận mình là Kim Sa-bok và đối tượng này dường như mãi mãi là một người anh hùng vô danh trong lịch sử cuộc tranh đấu dân chủ ở Nam Hàn.

Montreal mở cửa vận động trường đón di dân Mỹ

MỚI CẬP NHẬT