Tuesday, April 23, 2024

Tháng Tám, những biến động âm ỉ

Việt Nguyên

Tháng Tám, tháng nóng nhất trong năm, nóng về thời tiết lẫn không khí chính trị. Tháng của những cách mạng trong lịch sử, cách mạng Tháng Tám, 1945 của Cộng Sản Việt Nam bắt chức cách mạng Bolshevik Tháng Mười, 1917 (bắt đầu từ Tháng Tám), cách mạng Cộng Hòa Pháp 10 Tháng Tám, 1792, cách mạng Ấn Độ ly khai năm 1942, cách mạng Georgia chống Xô Viết năm 1924 và gần đây cách mạng Nga Tháng Tám, 1991, chấm dứt chế độ Cộng Sản.

Tháng Tám năm nay, Tổng Thống Donald Trump than Washington nóng, Tòa Bạch Ốc không máy lạnh, đi nghỉ Hè trong Tháng Tám nóng không khác gì những Tháng Tám trong lịch sử. Cuộc cách mạng của những người Mỹ da trắng “ưu việt” nhằm xóa bỏ dấu vết tàn tích của chế độ Obama ở Charlottsville, Virginia đã đi ngược với dòng lịch sử; nhóm biểu tình bạo động mang cờ KKK, cờ Liên Minh Miền Nam, cờ Đức Quốc Xã, với vũ khí và chiến thuật khủng bố của ISIS dùng xe đâm vào đám những người biểu tình ôn hòa ngày 12 Tháng Tám.

Tổng Thống Donald Trump xuất hiện, lời tuyên bố muốn giảng hòa đâm ra thiên vị gây sự nóng giận của những người đã đổ máu chống Đức Quốc Xã hồi thế chiến thứ hai (lá cờ Nazi không thể chấp nhận giống như lá cờ CSVN không thể treo ở những khu phố cộng đồng Việt tị nạn). Một tuần sau các cuộc biểu tình trên các thành phố lớn đã diễn ra ôn hòa bất bạo động đúng theo tinh thần hòa bình, đối thoại, của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Cuộc biểu tình ở đại học Virginia phản ảnh tình trạng nước Mỹ lý tưởng luôn luôn đụng với thực tế. Đụng độ đó đã xảy ra trước hai bức tượng. Một bức tượng của Tổng Thống Thomas Jefferson, tác giả Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ với tinh thần bình đẳng cho mọi người, theo đuổi hạnh phúc, tin vào khoa học, tin thế giới sẽ càng ngày càng tốt hơn. Bản tuyên ngôn đã gây cảm hứng cho mọi người trên thế giới (trong đó có Hồ Chí Minh “nhại” lại ở quảng trường Ba Đình). Cách đó không xa, đoàn biểu tình kéo đến đòi giật bức tượng tướng Robert E. Lee chỉ huy Liên Minh (Confederate) chống lại quân liên bang (Union) miền Bắc xây dựng theo lý tưởng Thomas Jefferson.

Cực đoan này đưa đến cực đoan khác chống KKK, ưu chủng, Đức Quốc Xã, đã đưa đến cực đoan phá các tượng của các trường miền Nam trong thời kỳ nội chiến từ đại học Duke đến đại học Austin và các thành phố khác như New Orleans. Những di tích lịch sử đẹp tượng trưng cho “hòa hợp hòa giải” thật sự của nước Mỹ sau nội chiến 1861-1865 từ tượng, di tích, công viên… của cả hai phía, khác với “hòa hợp hòa giải” đầy hận thù của Cộng Sản Việt Nam sau 30 Tháng Tư, 1975.

Nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ xảy ra năm 1861 khi quân Liên Minh miền Nam (confederate) tấn công thành Sumter ở tiểu bang South Carolina sau ngày Tổng Thống Abraham Lincoln nhậm chức. Hoa Kỳ lúc ấy gồm có 34 tiểu bang, trong đó 11 tiểu bang miền Nam với chính sách nô lệ da đen. Các tiểu bang miền Nam tuyên bố ly khai lập chính phủ Liên Minh không được liên bang Hoa Kỳ và các nước công nhận. Cuộc chiến bốn năm giữa liên quân miền Bắc (union) và Liên Minh miền Nam (confederate) là cuộc chiến tương tàn với con số tử vong từ 620,000 đến 750,000 cao hơn con số tử vong của quân đội Hoa Kỳ trong hai thế chiến và các chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq và Afghanistan cộng lại. Quân Miền Bắc đông hơn (2 triệu 2 trăm ngàn so với 750 ngàn quân miền Nam) đã thắng. Năm 1865 hơn 4 triệu nô lệ da đen được giải phóng. Sau chiến tranh là thời kỳ xây dựng đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc với 50 tiểu bang mặc dù có những xung đột chủng tộc ầm ĩ như trong thập niên 1960 thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Xung đột Tháng Tám năm nay với David Duke, thủ lãnh KKK đứng đằng sau hô hào “Đưa Hoa Kỳ trở lại màu trắng.”

Sau cuộc biểu tình bạo động ở Chalottesville của phong trào “da trắng ưu việt,” KKK và Tân Nazi, dân Mỹ sợ một trận nội chiến sắp xảy đến hơn là sợ trận thế chiến thứ 3 phát xuất từ bán đảo Triều Tiên. Từ ngày Tổng Thống Trump lên cầm quyền, phong trào da trắng quốc gia quá khích gia tăng, các hội Tân Nazi với lối chào Hitler nổi lên ở các thành phố lớn và đại học xá. Năm 2015, một tuần sau khi tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống, ông Trump chủ trương phải kéo lá cờ Liên Minh miền Nam treo ở bảo tàng viện nội chiến ở Nam Carolina xuống. Nhưng sau khi thắng cử nhờ nhóm tư bản da trắng chủ trương quốc gia quá khích như cố vấn Steve Bannon (mới mất chức) và Sebastian Gorka (mới mất chức). Bannon đã viết bài diễn văn nhậm chức quấy lên sự chia rẽ đen trắng. Cố vấn Robert Merercer, tỷ phú đầu tư, đã khuyên Tổng Thống Trump đừng ngại dùng bom nguyên tử: “Hãy xem nước Nhật dân Nhật sống lâu sống khỏe mạnh là họ nhờ hít phóng xạ của hai trái bom nguyên tử năm 1945!” Tổng Thống Trump đã đổi ý kiến. Ngày 12 Tháng Tám, ông không kết tội bọn quốc gia quá khích, KKK, Tân Quốc Xã. Hai năm trước Daily Stomer, tờ báo Tân Quốc Xã ở Mỹ đã kêu gọi hãy bỏ phiếu cho Donald Trump vì ông là “người da trắng lần đầu tiên trong thời đại chúng ta đại diện cho quyền lợi người da trắng.”

Nước Mỹ đang ở thời kỳ chia rẽ nội bộ, đảng phái không đoàn kết, thời mà các nhà khoa học chính trị gọi là “đảng phái tiêu cực” với động cơ chính là không ủng hộ một đảng nào đó, điển hình như những người đã bỏ phiếu cho ông Trump đã nói “không phải vì họ ủng hộ ông Trump mà vì viễn ảnh bà Hillary Clinton làm tổng thống thì tương lai nước Mỹ sẽ khủng khiếp hơn!”

Tại sao có trận nội chiến Nam Bắc với hai anh hùng: Tổng Thống Abraham Lincoln, tổng thống Cộng Hòa thứ 16 và tướng Robert E. Lee chỉ huy quân đội Bắc Virginia? Ngày 4 Tháng Ba, 1865, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Tổng Thống Lincoln tuyên bố: “Nô lệ là nguyên nhân của cuộc nội chiến.” Học sinh ở các trường cũng được dạy như lời Tổng Thống Lincoln. Tổng Thống miền Nam Jefferson Davis năm 1861 nói khác: “Chiến tranh của Liên Minh Miền Nam là để chống lại chính sách xâm lăng của miền Bắc. Tổng Thống Lincoln đã làm miền Nam thiệt hại hang ngàn triệu đô la khi hô hào chống chính sách nô lệ.” Ông Alexander H. Stephens, phó tổng thống của Jefferson Davis, đọc diễn văn ở Georgia ngày 21 Tháng Ba, 1861: Nô lệ là nguyên nhân chính làm tan vỡ liên bang và nguyên nhân của cách mạng miền Nam là vì liên bang được thành lập năm 1776 đã dựa trên nguyên tắc giả tạo “con người sinh ra bình đẳng.” Liên Minh (confederate) trong khi đó được xây dựng trên sự thật là “những người da đen sinh ra không bình đẳng với người da trắng, nô lệ vì vậy là điều kiện tự nhiên và đúng với đạo đức,” chính quyền chúng tôi là chính quyền đầu tiên trên thế giới dựa trên sự thật về triết lý, đạo đức và thể xác.

Tổng Thống Davis và Phó Tổng Thống Stephens sống lâu hơn Tổng Thống Lincoln, viết hồi ký lưu lại để những người da trắng miền Nam tin vào những nguyên tắc trời đất định cho người da đen phải làm nô lệ. Ông Davis nhấn mạnh ly khai khỏi liên bang là việc tự nguyện, vì quyền tự quyết, miền Nam tự nguyện nhập vào liên bang thì miền Nam có quyền ly khai khi không đồng ý với chính sách của liên bang. Nô lệ không phải là nguyên nhân chính như Tổng Thống Lincoln nói mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chiến tranh Nam Bắc xảy ra vì khác nguyên tắc chính trị một bên miền Bắc chủ trương liên bang, bên miền Nam muốn độc lập tự quyết.

Cuộc tranh luận về nguyên nhân nội chiến Nam Bắc vẫn kéo dài đến nay. Trong bài xã luận nổi tiếng của Alan Nolan “Huyền thoại về một lý tưởng đã mất” (The myth of the lost cause) với định nghĩa huyền thoại không phải là nói láo, đặt điều, nhưng là những ký ức tích tụ. Những huyền thoại như của Tổng Thống Davis và Phó Tổng Thống Stephens giúp dân da trắng miền Nam Hoa Kỳ thất trận sống không nuối tiếc, không hối hận và không chịu khuất phục.

Dân miền Nam trong các hiệp hội như “United Daughters of confederacy,” “Sons of confederated Veterans,” sống với tinh thần: “Liên Minh đầu hàng nhưng không gục ngã, không cúi đầu khi bị đánh bại.” Đối với họ tướng Lee là tướng giỏi nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ còn Tướng Ulysses S. Grant thắng không vì tài giỏi mà vì quân miền Bắc đông hơn và giàu hơn nhờ kỹ nghệ miền Bắc. Quân miền Nam cũng hơn quân miền Bắc vì họ chiến đấu với lý tưởng cao đẹp tự do, chiến đấu cho quyền tự chủ của các tiểu bang miền Nam. “Ngọn cờ miền Nam với thập tự và những ngôi sao của Thượng Đế” khác với lá cờ liên bang Union. Chiêu bài tự do của Liên Minh khác với chiêu bài giải phóng nô lệ của miền Bắc.

Sau nội chiến Nam Bắc, những tiểu thuyết nổi tiếng như “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell và “Huy hiệu đỏ của sự can đảm” của Stephens Crane tả lại chiến tranh giải phóng nô lệ nhưng từ 1930 đến 1950 các sử gia cũng viết lại lịch sử với phong trào “xét lại.” Đứng đầu là Avery Craven với thuyết: Xung đột Nam Bắc không phải là vì chia rẽ, sự khác biệt Nam Bắc cũng giống như khác biệt Đông và Tây, hai miền có thể sống chung hòa bình trong cùng một chế độ chính trị. Nội chiến có thể tránh nhưng đã xảy ra là vì hai thành phần cực đoan của hai phía nhất là thành phần cực hữu Cộng Hòa miền Bắc khuấy động gây thù oán theo mục đích của đảng. Chiến tranh xảy ra thay vì thương thuyết hòa giải. Năm 1861, dĩ nhiên cuộc thương lượng sẽ để chế độ nô lệ như cũ, quyền của các chủ nhân không bị mất, họ có quyền chiếm hữu tài sản của người nô lệ da đen. Các sử gia xét lại xem “nô lệ không quan trọng, nô lệ chỉ là thiểu số ở miền Nam.”

Đảng Cộng Hòa năm 1861 xem chính sách nô lệ là “quỷ” cũng như các ông chủ nô lệ đã xâm phạm quyền làm người. Các lý do này đã làm da trắng miền Nam ghét bọn Yankee miền Bắc.

Từ 1950, các sử gia đồng ý với Tổng Thống Lincoln “Nô lệ là nguyên nhân của nội chiến.” Các nhóm “di sản miền Nam” phản ứng lại: “Lá cờ của Liên Minh tượng trưng cho can đảm và danh dự, bảo vệ những nguyên tắc tự do. Các tiểu bang miền Nam tượng trưng cho “quyền của tiểu bang, tự do cá nhân, tượng trưng cho Thượng Đế.”

Trong kỳ thi vào quốc tịch câu hỏi “Nội chiến vì lý do nào quan trọng nhất?” hai câu trả lời “vì nô lệ” và “vì quyền của tiểu bang” đều đúng. Hội nghị ở tiểu bang miền Nam Mississippi ra nghị quyết: “Nô lệ là tặng phẩm của Thượng Đế nhưng bị quy tắc nhân quyền cấm đoán” nên nếu “các tiểu bang có nô lệ vẫn chịu nằm trong Liên Bang của Tổng Thống Lincoln và đảng Cộng Hòa thì quyền của miền Nam sẽ mất.”

Gần hai thế kỷ trước, khi đảng Cộng Hòa với Tổng Thống Lincoln nắm đa số nếu các tiểu bang miền Nam không ly khai thì như lý luận của đại biểu Georgia: “miền Nam sẽ có thống đốc da đen, dân biểu, thượng nghị sĩ da đen, quan tòa da đen, da đen mọi thứ mọi nơi!” Bầu cử tự do vì vậy đối với những người da trắng miền Nam là “tuyên ngôn chiến tranh của miền Bắc.”

Khi Lincoln đắc cử tổng thống, những người da trắng cảm thấy sắp mất quyền lợi. Tổng Thống Lincoln chủ trương giải phóng nô lệ trong khi đó Hoa Kỳ 49 năm trong 72 năm từ 1789 đến 1861 các tổng thống gốc miền Nam đều là chủ nô lệ. Hai phần ba chủ tịch quốc hội là dân miền Nam, đa số chủ tịch tối cao pháp viện cũng miền Nam. Tất cả đều là chủ nô lệ. Từ năm 1800 đến 1860, đảng Dân Chủ Cộng Hòa chiếm đa số ở quốc hội với các lãnh tụ Jefferson và Madison, sau đó đảng đổi thành đảng Dân Chủ. Tổng Thống Andrew Jackson, đảng Dân Chủ, thắng cử năm 1828 với số phiếu 70% miền Nam nô lệ và 50% phiếu tiểu bang không có chính sách nô lệ. Tổng Thống Jefferson Davis khi còn làm thượng nghị sĩ đã ra luật cấm dấu gửi thư có lời lẽ chống chính sách nô lệ đến các tiểu bang nô lệ qua Bưu điện!

Lịch sử Hoa Kỳ gần hai thế kỷ trước khác lịch sử Hoa Kỳ năm 2017. Năm 1860, Tổng Thống Lincoln thắng cử, đảng Cộng Hòa nắm quốc hội. Đảng Dân Chủ miền Nam thua. Dân da trắng miền Nam theo đảng Dân Chủ không đầu hàng. Năm 2017, đảng Cộng Hòa nắm đa số từ quốc hội đến tối cao pháp viện với Tổng Thống Cộng Hòa nhưng những người Mỹ da đen lại có cảm tưởng như họ đang sống dưới thời Liên Minh miền Nam với lời tuyên bố của các cựu chiến binh Georgia “Chúng tôi chiến đấu cho sự ưu việt của dân da trắng ở Hoa Kỳ!”

Tổng Thống Donald Trump ngày 21 Tháng Tám đã tiếp tục chính sách chống khủng bố của các tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama ở Afghanistan. Ông đã có sự thay đổi, cảm thấy khi ngồi trên chiếc ghế ở phòng bầu dục ông không làm khác được những điều các tổng thống tiền nhiệm đã làm. Hy vọng sau khi người hùng Donald Trump không tin vào y học, nhìn thẳng vào mặt trời trong trưa ngày nhật thực 21 Tháng Tám, sẽ được Trời thức tỉnh xem khủng bố nội địa cũng quan trọng như khủng bố quốc tế.

MỚI CẬP NHẬT